Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 25-NV

Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 1963

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT SỐ NHÂN VIÊN HỢP ĐỒNG, PHỤ ĐỘNG LÀM VIỆC THƯỜNG XUYÊN TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC THUỘC KHU VỰC HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP

Kính gửi:

-Các Bộ, các cơ quan trung ương;
-Các Ủy ban hành chính khu, tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương

Vấn đề giải quyết số nhân viên hợp đồng, phụ động làm việc có tính chất thường xuyên trong các cơ quan Nhà nước được đặt ra từ lâu và nhiều lần (chỉ thị số 2477-NC, ngày 20-04-1959; số 161-CP ngày 12-10-1961 của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của bộ Nội vụ số 31-NV-CB ngày 31-07-1959 vào số 256-NV ngày 14-11-1961) nhưng đến nay, số nhân viên hợp đồng, phụ động vẫn còn nhiều. Tình trạng đó gây rất nhiều khó khăn cho việc quản lý biên chế, quản lý cán bộ nhân viên, quản lý lương thực và cho việc thực hiện chế độ đối với người lao động; v.v…

Căn cứ vào điều lệ tuyển dụng và cho thôi việc đối với công nhân, viên chức Nhà nước ban hành tại nghị định số 24-CP, ngày 13-03-1963 của Hội đồng Chính phủ và thông tư hướng dẫn của liên bộ Lao động - Nội vụ số 06-TT-LB ngày 06-09-1963, bộ Nội vụ hướng dẫn thêm một số điểm cụ thể nhằm giải quyết số người hiện đang làm việc theo hình thức hợp đồng, phụ động thường xuyên trong các cơ quan Nhà nước thuộc khu vực hành chính sự nghiệp.

I. PHÂN LOẠI ĐỐI TƯỢNG

Để giải quyết tối đa nhân viên hợp đồng, phụ động làm việc có tính chất thường xuyên trong các cơ quan Nhà nước ở khu vực hành chính sự nghiệp, cần phải phân loại cụ thể như sau:

1. Những người lấy vào làm việc thường xuyên từ trước ngày 15-10-1961 và những người lấy vào làm sau ngày 15-10-1961, có được bộ Nội vụ thỏa thuận bằng văn bản.

2. Những người do các bộ, các cơ quan hoặc các địa phương tự ý lấy vào làm việc từ sau ngày 15-10-1961 (tức là ngày có chỉ thị của Chính phủ tạm thời đình chỉ tuyển dụng người mới - kể cả hợp đồng, phụ động).

II. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT

A. TUYỂN DỤNG CHÍNH THỨC:

1. Đối với loại thứ nhất, nếu bản thân họ có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng và chỉ tiêu biên chế của cơ quan còn cho phép, thì các bộ, các cơ quan và ủy ban hành chính địa phương xét tuyển dụng chính thức, để:

- Bổ sung vào biên chế của cơ quan, đơn vị hiện đang sử dụng;

- Bổ sung cho những cơ quan, đơn vị khác (kể cả đơn vị sản xuất) trong ngành hoặc địa phương còn đang thiếu.

Trường hợp tuyển dụng cho nội bộ ngành hoặc địa phương không hết, thì có thể điều chỉnh cho những nơi khác còn thiếu bằng cách: cơ quan tự liên hệ để giải quyết hoặc báo cho bộ Nội vụ biết để giới thiệu.

2. Nếu tuyển dụng loại thứ nhất không đủ để bổ sung cho yêu cầu biên chế thì có thể xét lấy những người ở loại thứ hai đã làm lâu nhất và có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng.

B. CHO THÔI VIỆC:

Để chấp hành nghiêm chỉnh những nguyên tắc đã quy định để tuyển dụng, và sử dụng công nhân, viên chức của Nhà nước, đồng thời tránh những khó khăn kéo dài về sau giữa cơ quan sử dụng với người lao động, sớm tạo điều kiện cho anh chị em tìm phương hướng lâu dài trong việc làm ăn sinh sống, không ỷ lại trông chờ vào cơ quan Nhà nước, các bộ, các cơ quan và Ủy ban hành chính địa phương cần tích cực giải quyết cho thôi việc những người sau đây:

1. Những người không đủ tiêu chuẩn tuyển dụng.

2. Những người tuy có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng, nhưng chỉ tiêu biên chế không cho phép giải quyết hết, mà điều chỉnh đi nơi khác cũng không được, hoặc điều động mà họ không chịu đi.

Trường hợp cơ quan còn cần phải sử dụng một ít người nào do trong một thời gian ngắn nữa, thì phải ký lại hợp đồng và nói rõ cho họ biết khi công tác hoàn thành và hết hạn hợp đồng thì thôi việc.

C. MẤY VẤN ĐỀ CẦN CHÚ Ý:

1. Việc tuyển dụng chính thức những nhân viên hợp đồng, phụ động có đủ tiêu chuẩn vào biên chế cơ quan Nhà nước phải bảo đảm các nguyên tắc và thủ tục đã quy định trong điều lệ tuyển dụng của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của liên bộ Lao động - Nội vụ. Cần chú ý tuyển dụng trước những anh em thương binh và con liệt sĩ.

2. Đối với những người cho thôi việc; các cơ quan phải làm tốt công tác tư tưởng, phải liên hệ với ủy ban hành chính, cơ quan lao động, hợp tác xã, v.v… của địa phương nơi họ sẽ về cư trú, để giúp đỡ công việc làm ăn, và phải báo cho đương sự biết trước một hai tháng. Khi cho ai thôi việc, phải giải quyết đầy đủ các giấy tờ cần thiết và thực hiện quyết đầy đủ các giấy tờ cần thiết và thực hiện chế độ trợ cấp thôi việc theo Quyết định 156-CP ngày 19-10-1963 của Hội đồng Chính phủ và sự hướng dẫn của bộ Lao động.

3. Trong khi giải quyết cho thôi việc, các bộ, các cơ quan và ủy ban hành chính địa phương nên động viên những người có điều kiện sức khỏe đi tham gia xây dựng kinh tế miền núi (khai hoang) theo phương hướng của Chính phủ đã ghi trong điều lệ (trực tiếp báo cáo với ủy ban hành chính - bộ phận dân số - và cơ quan Lao động sở tại để giải quyết theo sự hướng dẫn của Tổng cục khai hoang).

4. Đối với một số người khi mới lấy vào làm việc có đủ sức khỏe, đến nay; do quá trình làm việc nặng nhọc… mà sinh ra đau ốm; xét thấy tuyển dụng hay cho thôi việc có khó khăn thì cho đi điều trị, điều dưỡng, về sau sẽ tùy tình hình sức khỏe của từng người, và yêu cầu công tác của cơ quan mà giải quyết như trên.

5. Yêu cầu giải quyết vấn đề này phải rất tích cực và khẩn trương đồng thời phải có kế hoạch cụ thể để giải quyết cho tốt, nhất là đối với số người cho thôi việc cần phải phân loại để giải quyết từng bước, song không nên kéo dài, vì vậy, những người có cơ sở làm ăn, những người quê ở nông thôn, hoặc những người mới vào làm thì cho thôi việc trước; những người chưa có cơ sở làm ăn, những người ở thành phố hoặc những người mà đời sống gia đình có nhiều khó khăn thì cho thôi việc sau, như thế để họ có điều kiện thời gian tìm kiếm công ăn việc làm.

III. THỜI GIAN VÀ KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH

Yêu cầu các bộ; các cơ quan và ủy ban hành chính địa phương chú ý tranh thủ giải quyết về căn bản trong quý 1 năm 1964. Những nơi có ít nhân viên hợp đồng, phụ động thì cố gắng hoàn thành sớm hơn.

Để kịp tổng hợp chung; đề nghị các bộ, các cơ quan và ủy ban hành chính địa phương gửi cho bộ Nội vụ:

- Báo cáo tình hình hợp đồng, phụ động trước khi giải quyết; thời gian gửi: từ nay đến ngày 31-12-1962.(1)

- Báo cáo kết quả giải quyết và những vấn đề tồn tại, sau khi giải quyết, thời gian gửi: trước ngày 31-03-1964.(2)

Riêng đối với các cơ quan ít hợp đồng, phụ động thì gửi luôn cả hai báo cáo vào cuối tháng 01-1964.

Trong khi tiến hành, nếu gặp mắc mứu, các bộ, các cơ quan và ủy ban hành chính địa phương trao đổi kịp thời với Bộ Nội vụ để góp ý kiến giải quyết.

(Mẫu 1 và 2 không đăng công báo).

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Lê Tất Đắc