Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 31-NV/CB

Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 1959

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN GIẢI QUYẾT NHỮNG NGƯỜI LÀM VIỆC THEO HỢP ĐỒNG, PHÙ ĐỘNG, TẠM TUYỂN LÀM CÔNG TÁC CÓ TÍNH CHẤT THƯỜNG XUYÊN, LÂU DÀI

Kính gửi: Các Bộ, các cơ quan trung ương, Ủy ban Hành chính các khu, tỉnh và thành phố

Tại công văn số 2.477-NC ngày 20-06-1959 Thủ tướng phủ có chủ trương "kết hợp với việc tuyển dụng, cần lựa chọn một số anh chị em hiện đang làm việc theo hợp đồng, phù động, tạm tuyển lâu năm và đủ tiêu chuẩn để đưa vào biên chế chính thức".

Căn cứ vào chủ trương trên, theo quy định của Thủ tướng phủ và dựa vào tình hình hiện nay, Bộ tôi xin nêu một số điểm cụ thể để các Bộ, các cơ quan trung ương và địa phương thực hiện:

I. NGUYÊN TẮC CHUYỂN NHỮNG NGƯỜI TẠM TUYỂN, HỢP ĐỒNG, PHÙ ĐỘNG VÀO BIÊN CHẾ CHÍNH THỨC

1. Chọn những người tạm tuyển, hợp đồng, phù động đang làm công tác có tính chất thường xuyên để bổ sung cho những nhu cầu thật cần thiết vào các tổ chức đã hoặc tương đối ổn định mà số người, theo biên chế đã quy định, hiện chưa đủ.

2. Số người lấy vào phải đủ điều kiện đáp ứng cho nhu cầu công tác.

3. Hướng bổ sung chủ yếu là các ngành doanh nghiệp, sự nghiệp rồi đến các ngành hành chính, nhưng nếu bổ sung cho các ngành hành chính và sự nghiệp thì cần đặc biệt chú ý đến điều kiện biên chế.

II. ĐỐI TƯỢNG ĐỂ XÉT ĐƯA VÀO BIÊN CHẾ CHÍNH THỨC

Đối tượng để xét đưa vào biên chế chính thức là những công nhân, nhân viên hợp đồng, phù động hoặc tạm tuyển trước đây lấy vào để làm những công tác có tính chất thường xuyên, lâu dài. (Trừ số công nhân, nhân viên trực tiếp hoặc gián tiếp sản xuất ở các cơ sở sản xuất công, nông lâm nghiệp, công trường và vận tải quốc doanh. Những đối tượng này do Bộ Lao động hướng dẫn).

Còn số công nhân, nhân viên hợp đồng, phù động lấy vào để làm những công tác tạm thời, đội xuất, theo thời vụ, chỉ làm trong một thời gian nhất định, (công việc làm xong là hết hợp đồng), thì không phải là đối tượng xét để vào chính thức.

III. TIÊU CHUẨN ĐỂ XÉT CHỌN ĐƯA VÀO BIÊN CHẾ CHÍNH THỨC

1. Lý lịch rõ ràng, phẩm chất chính trị tốt, không phạm sai lầm nghiêm trọng.

2. Đã vào làm việc từ 1 năm trở lên (tính từ ngày ban hành thông tư này) và trong thời gian làm việc tinh thần và thái độ công tác biểu hiện tốt, tỏ ra có khả năng đảm bảo công tác.

3. Có sức khỏe bảo đảm (có giấy chứng nhận của Bác sĩ hoặc Y sĩ công).

4. Tuổi: - không quá 40 nếu đã có thời gian tham gia kháng chiến.

- Không quá 35 nếu không tham gia kháng chiến.

Trong khi xét chọn cần chú ý đến những thành phần cơ bản.

Đối với số trước kia đã ở trong biên chế hoặc đã công tác thoát ly, số nhân viên miền núi, số công nhân, nhân viên và cán bộ kỹ thuật, các đồng chí thương binh, quân nhân phục viên, quân nhân giải ngũ, vợ con cán bộ, gia đình liệt sĩ và quân nhân tại ngũ, có thể châm chước về thời gian và tuổi nhưng phải có sức khỏe và khả năng đảm bảo công tác.

Riêng đối với cán bộ và nhân viên miền Nam thì không hạn định về tuổi nhưng phải có sức khỏe bảo đảm.

Ngoài những tiêu chuẩn trên, nếu có trường hợp biệt lệ, đề nghị báo cáo cụ thể để Bộ Nội vụ góp kiến ý giải quyết.

IV. PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH

Vì nhu cầu công tác đột xuất và cấp bách, nhiều cơ quan trước đây đã lấy người vào hàng loạt bằng cách hợp đồng, phù động, tạm tuyển, cũng có trường hợp đưa vào vì cảm tình hoặc để giải quyết công ăn việc làm cho người thân thuộc, nên ít chú ý đến điều kiện về lịch sử chính trị, tình hình sức khỏe, tuổi và năng lực công tác. Do đó, hiên nay trong số công nhân, nhân viên hợp đồng, phù động, tạm tuyển có nhiều vấn đề cần được giải quyết. Khi tiến hành thực hiện chủ trương này sẽ có người vào biên chế trước, có người vào sau và cũng có những người phải cho nghỉ việc, tư tưởng sẽ có nhiều diễn biến như suy tị, thắc mắc, v.v... Vì thế, việc chuyển vào chính thức cần phải tiến hành một cách thận trọng nhằm chọn những người có đủ tiêu chuẩn, đảm bảo đường lối chính sách cán bộ của Đảng và Chính phủ.

Trong khi tiến hành cần chú ý những điểm sau đây:

1. Thẩm tra lại lý lịch: đi sâu, tìm hiểu kỹ; cần có sự xác nhận của Ủy ban Hành chính và Công an địa phương (việc này không nên để đương sự cung cấp hồ sơ mà do cơ quan tiến hành).

2. Thẩm tra lại sức khỏe. Phải giới thiệu đi khám sức khỏe ở một cơ quan y tế Nhà nước.

Tóm lại, những người chuyển vào chính thức, nếu hồ sơ chưa đủ, hoặc chưa chính xác thì phải lập lại hồ sơ cho đầy đủ và chính xác. Phải làm đơn xin được tuyển dụng theo mẫu đơn kèm theo ở thông tư số 32-NV/CB ngày 01-07-1959 của Bộ Nội vụ.

3. Đối với từng người, khi xét chuyển vào chính thức, cần phải thông qua Hội đồng tuyển trạch như đã quy định trong thông tư số 32-NV/CB ngày 01-07-1959 của Bộ Nội vụ.

4. Tiến hành dần dần, tránh đưa ngay vào hàng loạt. Trong khi xét, cần chú ý trước tới anh chị em cán bộ xã miền Nam, quân nhân phục viên, quân nhân giải ngũ, thương binh, gia đình liệt sĩ và quân nhân tại ngũ, những người thuộc dân tộc thiểu số, những người đủ tiêu chuẩn mà đã vào làm việc lâu năm và những người đang gặp khó khăn trong việc sinh sống.

Những cơ quan hiện nay số người trong biên chế đã đủ mà có nhân viên, công nhân hợp đồng, phù động tạm tuyển thì cũng tiến hành xét chọn và giải quyết. Đối với số có đủ tiêu chuẩn thì:

a) Ở địa phương: do Ủy ban Hành chính địa phương điều chỉnh cho các ngành đang thiếu người.

b) Ở Trung ương: các Bộ sở quan điều chỉnh và giải quyết là chính, cuối cùng nếu còn lại thì lập danh sách báo cáo cho Bộ Nội vụ biết để góp ý kiến giải quyết (Chú ý: danh sách cần có những cột nêu lên được tóm tắt lý lịch, khả năng công tác và tình hình sức khỏe của đương sự).

V. GIẢI QUYẾT MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP KHÔNG CHUYỂN VÀO CHÍNH THỨC

1. Đối với những trường hợp mà đương sự có khả năng đảm đương những công việc thường xuyên, lâu dài (như cán bộ, nhân viên kỹ thuật, chuyên môn, v.v...) nhưng không muốn chuyển vào chính thức hoặc nếu chuyển vào chính thức, việc sắp xếp lương sẽ gặp khó khăn (như lương đang ký hợp đồng quá cao) thì có thể để nguyên tình trạng hợp đồng.

Đối với số ngoại kiều thì nên tiếp tục ký hợp đồng (không nên chuyển vào chính thức).

Với những đối tượng trên đây cũng cần thẩm tra lý lịch và lập hồ sơ đầy đủ.

2. Đối với những người phù động mà không đủ tiêu chuẩn thì nói chung là sẽ cho thôi việc, nhưng có những người không thuộc vào diện chiếu cố mà hoàn cảnh gia đình đang gặp khó khăn thì lưu ý xã địa phương giúp đỡ về mặt kế hoạch sinh sống.

3. Đối với những người sử dụng theo hợp đồng không đủ tiêu chuẩn thì sau khi đã mãn hợp đồng thì cho nghỉ việc theo như thời hạn đã ký kết trong hợp đồng.

Đối với số cần phải cho nghỉ việc thì cần hết sức coi trọng việc giải quyết tư tưởng, làm cho anh chị em thấy rõ là tổ chức, một mặt phải đảm bảo chính sách lao động, nhưng mặt khác cũng phải đảm bảo cho bộ máy Nhà nước đỡ cồng kềnh và đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ.

4. Riêng đối với anh chị em cán bộ xã miền Nam tập kết thì cần chiếu cố đưa dần vào biên chế, không để tình trạng hợp đồng, phù động, tạm tuyển lâu ngày hoặc để làm những công tác tạm thời, thời vụ, tạm bợ. Đặc biệt có những anh chị em nào không đủ điều kiện (ở mức độ không thể chiếu cố được) mà cần phải cho nghỉ việc thì phải chuẩn bị tốt cơ sở sinh sống cho anh chị em. Cần liên lạc bàn trước với Ban Thống nhất trung ương đồng thời báo cáo cho Bộ Nội vụ biết trước khi cho anh chị em nghỉ việc.

VI. THỜI GIAN TIẾN HÀNH VÀ QUY ĐỊNH VỀ VIỆC BÁO CÁO

1. Thời gian tiến hành:

Chậm nhất là đến cuối năm 1959 các cơ quan từ trung ương đến địa phương căn bản hoàn thành việc giải quyết số công nhân, nhân viên hợp đồng, phù động, tạm tuyển đang làm những công tác có tính chất thường xuyên.

2 . Quy định về việc báo cáo:

Các Bộ, các cơ quan trung ương và các tỉnh chú ý báo cáo tình hình và kết quả tiến hành cho Bộ Nội vụ và Ủy ban Kiện toàn Tổ chức trung ương biết. Báo cáo cần nêu rõ số liệu (theo mẫu thống kê kèm theo) và nêu rõ ý kiến đề nghị bổ sung hoặc có những trường hợp phức tạp, khó giải quyết, yêu cầu ghi cụ thể.

Ở Trung ương:

Các Bộ sẽ báo cáo luôn tình hình các cơ quan trực thuộc (thuộc Bộ sở quan trực tiếp quản lý). Riêng các cơ quan trực thuộc Thủ tướng phủ, các Tổng cục Bưu điện, Tổng cục Đường sắt, các Tổng Công ty sẽ báo cáo thẳng về Bộ Nội vụ và Ủy ban Kiện toàn tổ chức trung ương đồng gửi một bản cho Bộ sở quan biết.

Ở địa phương:

a) Ủy ban Hành chính Khu Việt Bắc, Thái Mèo, Hồng Quảng sẽ báo cáo tình hình các ngành xung quanh khu. (Riêng Khu Thái Mèo và Hồng Quảng báo cáo tình hình các châu và huyện).

b) Ủy ban Hành chính các tỉnh và thành phố báo cáo tình hình các ngành xung quanh tỉnh, thành phố, huyện và khu phố.

Chú ý: Những công nhân, nhân viên trực tiếp hoặc gián tiếp, sản xuất về công nghiệp, số ở công, lâm trường và vận tải quốc doanh thì báo cáo cho Bộ Lao động theo thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động.

Thời gian báo cáo:

Báo cáo đầu tiên sẽ gửi về Bộ trước ngày 20-08-1959 và sau đó cứ đến ngày 20 của những tháng tiếp theo, sẽ thường kỳ báo cáo và cuối cùng là báo cáo tổng kết khi công tác hoàn thành.

Thực hiện việc chuyển những công nhân, nhân viên hợp đồng, phù động, tạm tuyển đang làm những công tác có tính chất thường xuyên vào biên chế chính thức là một biện pháp vừa để bổ sung cán bộ, công nhân, nhân viên vào biên chế, vừa là dịp để giải quyết những thắc mắc có phần chính đáng của những anh chị em tích cực thiết tha phục vụ, nhưng chưa được chuyển vào chính thức. Mặt khác, trong dịp này cũng sẽ đưa ra cơ quan những phần tử không tốt, không đủ tiêu chuẩn vào biên chế Nhà nước, và dần dần tiến tới không dùng nhân viên hợp đồng, phù động trong phạm vi cơ quan hành chính để làm công tác có tính chất thường xuyên (trừ những trường hợp thật đặc biệt) mà chỉ dùng trong những công việc tạm thời, thời vụ, đột xuất đúng với tính chất của nó.

Mong các Bộ, các cơ quan trung ương cũng như địa phương chú ý thực hiện tốt việc này và chú ý thường xuyên báo cáo cho Bộ tôi biết để nắm được tình hình và kịp thời góp ý kiến giải quyết đối với những trường hợp khó khăn.

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ




Phan Kế Toại

(CÓ FILE ĐÍNH KÈM)