BỘ THƯƠNG NGHIỆP | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 266-TT/LB | Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 1958 |
LIÊN BỘ Y TẾ - THƯƠNG NGHIỆP
Kính gửi: | - Các Khu, Sở, Ty Y tế |
Sau khi tiến hành kiểm tra các nhà bào chế tư nhân và các Đại lý thuốc tây tại Hà Nội và các tỉnh thì thấy tình hình ngành dược tư nhân hiệu nay có nhiều thiếu sót. Về mặt chuyên môn, nhiều cơ sở sản xuất thiếu cả những điều kiện tối thiểu cần thiết, dụng cụ sản xuất thô sơ, lạc hậu; thuốc làm đa số sai quy cách, sai liều lượng, thiếu thể tích, thiếu trọng lượng; thuốc không kiểm nghiệm trước khi đưa ra bán, mà việc bảo quản thì lại sơ sài, cẩu thả. Về mặt kinh doanh, ngành dược tư nhân chạy theo lợi nhuận tối đa tích trữ đầu cơ nguyên liệu, khai man tồn kho thậm chí còn có nhiều người trốn thuế, lậu thuế, lũng đoạn thị trường.
Trước tình hình như vậy, Bộ Y tế đã ra quyết định số 155-BYT ngày 7/3/1958 đình chỉ sản xuất thuốc tây trong các nhà bào chế và hiệu thuốc tư nhân và đình chỉ không cho tiếp tục bán ra những loại thuốc chưa được Nhà nước kiểm nghiệm.
Quyết định này có tính chất khẩn cấp và tạm thời, nhằm hạn chế những tác hại nguy hiểm có thể xẩy ra.
Để giải quyết một cách căn bản, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị định số: 177-TTg ngày 3/4/1958 thống nhất quản lý dược liệu, thống nhất sản xuất và phân phối vào các cơ quan Nhà nước.
Nghị định của Thủ tướng Chính phủ nhằm mục đích:
1) Bảo vệ sức khỏe và tính mệnh của nhân dân.
2) Xây dựng ngành dược của ta ngày càng lớn mạnh trên cơ sở nền kỹ thuật ngày càng tiến bộ.
3) Cải tạo phương thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa của ngành dược tư nhân, hướng tư nhân vào con đường kinh doanh theo xã hội chủ nghĩa.
Việc thống nhất sản xuất và phân phối thuốc tây vào các cơ quan Nhà nước là một yêu cầu cấp bách trước tình hình thực tế hiện nay và cũng thích hợp với con đường tiến lên của ngành dược.
A. THỐNG NHẤT QUẢN LÝ NGUYÊN LIỆU, THỐNG NHẤT SẢN XUẤT VÀ PHÂN PHỐI THUỐC TÂY VÀO CƠ QUAN NHÀ NƯỚC.
1) Thống nhất quản lý nguyên liệu, là bước đầu của việc thống nhất sản xuất và phân phối.
Từ trước đến nay, tình hình nguyên liệu rất phân tán. Ngoài Dược phẩm quốc doanh, các tư nhân cũng nắm một số khá lớn, không những các Dược sĩ tư mà cả các đại lý thuốc tây và thường dân nữa. Do đó, một mặt Nhà nước không nắm được toàn bộ lực lượng nguyên liệu có trong nước, gây nhiều lãng phí; một mặt việc bảo quản nguyên liệu không được bảo đảm. Hơn nữa, việc quản lý hơi lỏng gây ra tình trạng buôn bán trái phép, đầu cơ tích trữ, đặc biệt là trong những thời kỳ có dịch tễ.
2. Thống nhất sản xuất:
Tình hình sản xuất của các Dược sĩ tư rất lạc hậu. Ngoài việc thiếu cơ sở, thiếu công cụ, các Dược sĩ tư mới đi vào việc sản xuất mấy năm nay, kinh nghiệm sản xuất còn ít; thêm vào đó trên lề lối kinh doanh tư bản chủ nghĩa các Dược sĩ tư thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu tinh thần yêu nghề, không chú ý đến phẩm chất thuốc và ít nghĩ đến việc cải tiến kỹ thuật. Trong khi đó thì dược phẩm quốc doanh trong quá trình xây dựng đã được trang bị tương đối với những máy móc và dụng cụ cải tiến. Cán bộ chuyên môn ngày được đào tạo thêm và luôn luôn trau dồi nghề nghiệp, cải tiến kỹ thuật, ý thức và tinh thần phục vụ cũng được nâng cao.
Cho nên về chuyên môn, cũng như về mặt đảm bảo lợi ích cho nhân dân, không thể để các Dược sĩ tư tiếp tục sản xuất như cũ mà các cơ quan Nhà nước phải đảm nhiệm lấy việc cung cấp cho các cơ quan và nhân dân.
3. Thống nhất phân phối:
Từ trước đến nay, việc bán thuốc cho nhân dân chưa được tổ chức và kiểm soát chặt chẽ do đó đã có xẩy ra nhiều trường hợp thuốc hỏng, thuốc quá hạn vẫn lưu hành trên thị trường, giá cả thì không thống nhất, lưới bán thì không bố trí hợp lý (nơi nhiều quá như ở các thành thị, nơi ít quá như ở nông thôn).
Mặt khác, khả năng chuyên môn của các Dược sĩ tư chưa được sử dụng hợp lý vào việc bảo quản và phân phối thuốc trong khi đó thì có nhiều người không có trình độ chuyên môn cũng kinh doanh thuốc tây.
Nay Nhà nước quản lý phân phối thì về mặt chuyên môn thuốc đưa ra bán được đảm bảo về phẩm chất, về mặt thị trường giá cả sẽ thống nhất theo giá chỉ đạo của Nhà nước, về mặt phân phối thì thuốc sẽ được đưa đến tay người dùng, đi sâu vào nông thôn và các vùng miền núi.
B) PHẠM VI LÀM NGHỀ CỦA CÁC DƯỢC SĨ TƯ
Để sử dụng và phát huy khả năng chuyên môn của các Dược sĩ tư, Nghị định của Thủ tướng Chính phủ đã quy định là các Dược sĩ tư được pha chế thuốc theo đơn của Ysỹ, Bác sĩ, được sản xuất những loại thuốc mà Bộ Y tế công nhận có giá trị biệt dược và được ủy thác bán lẻ thuốc và các loại dụng cụ y dược của Dược phẩm quốc doanh.
1. Pha chế thuốc theo đơn:
Pha chế thuốc theo đơn của Y sĩ, Bác sĩ là một việc mà các hiệu thuốc tư nhân được tiếp tục làm, nhưng cơ quan Nhà nước cần có kế hoạch theo dõi kiểm soát, đề phòng những việc pha chế sai quy cách, sai thể tích, hay sai liều lượng, đề phòng những việc tính giá quá cao.
2. Sản xuất biệt dược:
Chủ trương cho các Dược sĩ tư được sản xuất biệt dược là khuyến khích các dược sĩ phát huy khả năng chuyên môn, tìm tòi nghiên cứu phát huy khả năng làm giầu thêm kho thuốc của ta. Nhưng các biệt dược phải được Bộ Y tế công nhận, và việc sản xuất và phân phối phải được làm theo kế hoạch của Dược phẩm quốc doanh.
3. Bán lẻ thuốc và dụng cụ y dược do Dược phẩm quốc doanh ủy thác:
Từ nay, các hiệu thuốc tư nhân cũng như các Đại lý thuốc tây không được bán buôn mà được bán lẻ cho người dùng.
Hiện nay các hiệu thuốc tư nhân còn một số thuốc tồn kho cần có kế hoạch giải quyết. Về sau thuốc của các hiệu thuốc tư nhân bán lẻ ra đều là thuốc do Dược phẩm quốc doanh ủy thác.
Để thi hành Nghị định của Thủ tướng Phủ chúng ta phải làm các nhiệm vụ chính sau đây:
1) Tăng cường việc sản xuất thuốc của Quốc doanh.
2) Chấn chỉnh và tăng cường việc phân phối thuốc của Quốc doanh.
3) Sắp xếp lại hệ thống phân phối thuốc của tư nhân.
4) Quản lý chặt chẽ ngành Dược.
Cụ thể làm những việc:
1. Về sản xuất:
a) Xây dựng các cơ sở sản xuất thích hợp với yêu cầu khoa học của ngành Dược. Tăng cường thiết bị để đảm bảo sản xuất về mặt số lượng và phẩm chất. Tăng cường cán bộ chuyên môn. Phối hợp Quân y và Dân y.
b) Nghiên cứu kế hoạch sản xuất thuốc sát với nhu cầu. Điều chỉnh kế hoạch nhập dược liệu cần thiết đồng thời xúc tiến khai thác khả năng dược liệu trong nước.
c) Tăng cường công tác kiểm nghiệm: chấn chỉnh phòng kiểm nghiệm thuốc tiến lên một Viện kiểm nghiệm có trang bị đầy đủ.
2. Về phân phối:
a) Tổ chức nhanh hệ thống phân phối của Nhà nước, mở thêm các hiệu thuốc tây, mở thêm các cửa hàng bán lẻ ở các đô thị và nông thôn, nhất là trong mùa hè sắp tới.
b) Có kế hoạch sử dụng các hiệu thuốc tư nhân trong việc phân phối thuốc cho Quốc doanh. Nghiên cứu giải quyết thuốc tồn kho trong các hiệu thuốc và các đại lý tư nhân.
c) Chấn chỉnh và sắp xếp lại hệ thống đại lý thuốc tây, cương quyết loại những người không đủ điều kiện.
3. Quản lý ngành Dược:
a) Thường xuyên thực hiện việc kiểm tra chất lượng.
b) Có kế hoạch xác định biệt dược của các Dược sĩ tư. Xét định kế hoạch thu mua và phân phối những biệt dược đã được công nhận.
c) Theo dõi việc kinh doanh của các hiệu thuốc và các đại lý, kiểm soát việc chấp hành chế độ phân phối và giá cả của Nhà nước.
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ | K. T. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG NGHIỆP |
- 1 Nghị định 177-TTg năm 1958 về thống nhất vào cơ quan Nhà nước có trách nhiệm việc quản lý nguyên liệu dùng để pha chế thuốc tây, việc sản xuất và việc phân phối thuốc tây do Thủ tướng ban hành
- 2 Quyết định 155-BYT năm 1958 về việc tạm thời đình chỉ việc sản xuất thuốc tây ở các hiệu thuốc và phòng bào chế tư nhân và ấn định thể lệ việc cho lưu hành thuốc tây ở kho do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành