BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 28-LĐTT | Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 1958 |
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi: | - Cán bộ |
Trong thời gian qua các ngành đã động viên nhiều cán bộ kỹ thuật, công nhân ở các cơ sở biên soạn tài liệu kỹ thuật, giảng bài, kèm cặp đào tạo nhiều thợ mới và bổ túc nghề nghiệp cho nhiều anh chị em công nhân nghề còn non kém, đạt nhiều thành tích. Một đôi ngành đã có một số quy định về phụ cấp, khen thưởng cho người giảng dạy, người kèm cặp … nhưng các quy định này chưa thống nhất chung cho các ngành.
Căn cứ vào Chỉ thị số 13-TTg của Thủ tướng phủ về việc bổ túc nghề nghiệp cho công nhân và đào tạo thợ mới ra ngày 06-01-1958 giao trách nhiệm cho Bộ Lao động quy định các chế độ phụ cấp… Để đẩy mạnh công tác đào tạo, bổ túc nghề nghiệp tại các cơ sở, Bộ Lao động tạm thời quy định một số chế độ bồi dưỡng cho người giảng bài, người biên soạn tài liệu kỹ thuật người làm công tác kèm cặp, chủ yếu nhằm khuyến khích tinh thần thương yêu giai cấp ý thức trách nhiệm giúp đỡ nhau học tập kỹ thuật phục vụ sản xuất.
I. BỒI DƯỠNG CHO NGƯỜI GIẢNG DẠY NGHỀ NGHIỆP CHO CÔNG NHÂN
a) Điều kiện được bồi dưỡng:
- Tổ chức lớp có chương trình, nội quy.
- Có từ 10 học viên trở lên.
- Được sự lãnh đạo, hướng dẫn của chuyên môn, công đoàn hay thanh niên.
b) Mức bồi dưỡng:
- Mức bồi dưỡng thống nhất cho những người giảng dạy nghề nghiệp cho công nhân là 600 dồng một giờ.
- Trường hợp giảng bài ngoài giờ chuyên môn được phụ cấp hoàn toàn 600đ. Trường hợp giảng bài trong giờ chuyên môn được phụ cấp 400đ. Trường hợp mượn người ở các cơ quan xí nghiệp khác đến giảng, dù giảng trong giờ chuyên môn cũng được phụ cấp mỗi giờ 600đ. Những người giảng ở những lớp dưới 10 người nhưng có đủ điều kiện khác ở trên thì được bồi dưỡng 200đ nếu giảng trong giờ chuyên môn và 300đ nếu giảng ngoài giờ chuyên môn.
II. BỒI DƯỠNG CHO NGƯỜI KÈM CẶP ĐÀO TẠO THỢ MỚI VÀ KÈM CẶP BỔ TÚC NGHỀ NGHIỆP CHO CÔNG NHÂN
a) Điều kiện được bồi dưỡng:
- Kèm cặp theo kế hoạch của cơ quan chuyên môn hướng dẫn, có hợp đồng được chuyên môn và công đoàn chứng nhận.
- Người kèm cặp, nếu kèm cặp đào tạo thợ mới thì nên bố trí thợ lành nghề bậc 5 trở lên. Nếu kèm cặp để nâng cấp như đưa 1 người từ bậc 3 lên bậc 4 thì người kèm cặp phải cao hơn người được kèm cặp 2 bậc. Ví dụ: thợ bậc 5 mới kèm cặp bậc ba.
- Người có công hướng dẫn phổ biến phương pháp làm việc mới đã xác nhận cho anh em khác được cơ quan chuyên môn và công đoàn xác nhận kết quả.
b) Mức bồi dưỡng:
Tuỳ theo tính chất kèm cặp, sự phức tạp của nghề nghiệp, kết quả thực hiện giao ước và tuỳ theo người kèm cặp ăn lương khoán hay lương tháng v.v…các ngành quy định mức cụ thể trong những mức chung hàng tháng sau đây:
- Kèm cặp đào tạo thợ mới được bồi dưỡng từ 4% đến 6% lương bản thân.
- Kèm cặp để nâng cấp được bồi dưỡng từ 3% đến 4% lương bản thân.
- Người có công hướng dẫn phương pháp làm việc mới được bồi dưỡng từ 4% đến 5% lương bản thân.
Trường hợp kèm cặp giúp đỡ cho một công nhân để bảo đảm trình độ kỹ thuật theo cấp bậc đã xếp thì được khen thưởng bằng tinh thần và tặng phẩm.
III. BỒI DƯỠNG CHO NGƯỜI BIÊN SOẠN TÀI LIỆU
Dựa theo yêu cầu học tập nghề nghiệp, các ngành, các xí nghiệp công trường …đạt yêu cầu biên soạn hoặc dịch tài liệu kỹ thuật cần thiết và động viên cán bộ, công nhân có khả năng biên soạn, người biên soạn và dịch được bồi dưỡng như sau:
- Những tài liệu có thể xét xuất bản thì người viết hoặc dịch sẽ được hưởng theo chế độ nhuận bút của nhà xuất bản.
- Những tài liệu chỉ dùng trong ngành, trong đơn vị, do những cán bộ không chuyên trách công tác viết dịch tài liệu, cần được xét chất lượng để bồi dưỡng khuyến khích. Mức bồi dưỡng cho mỗi trang từ 600 đến 700 chữ kể cả hình vẽ là 400 đến 600 đồng nếu là tài liệu biên soạn và từ 300 đến 500 đồng nếu là tài liệu dịch.
IV. PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THI HÀNH
Bản quy định tạm thời này áp dụng cho các nhà máy, công trường, nông trường, lâm trường của Nhà nước kể từ ngày ban hành.
Trong khi thực hiện, gặp khó khăn gì yêu cầu các ngành trao đổi với cơ quan Lao động để tiếp tục nghiên cứu cải tiến.
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |