Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 30-NV-DC

Hà Nội, ngày 14 tháng 04 năm 1958

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THI HÀNH ĐIỀU LỆ ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH ĐƠN GIẢN TẠI VÙNG DÂN TỘC ÍT NGƯỜI

Kính gửi:

- UBHC Khu tự trị Việt Bắc;
- UBHC Khu tự trị Thái Mèo
- Cán Cán sự Hành chính Lao - Hà – Yên
- UBHC Khu Hồng Quảng;
- UBHC Khu 3;UBHC Khu 4;
- UBHC các tỉnh trong Khu Tự trị Việt Bắc và Khu Lao – Hà – Yên;-
- UBHC tỉnh Hải Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình

Do nghị định số 106-NV ngày 4/4/1958, Bộ vừa ban hành bản điều lệ đăng ký hộ tịch đơn giản áp dụng tại vùng dân tộc ít người. Bản điều lệ này châm chước một số điều trong bản điều lệ đăng ký hộ tịch chung (đã được ban hành trước đây do nghị định của Thủ tướng phủ số 764-TTg ngày 8/5/1956) cho thích hợp với phong tục tập quán. Trình độ của các dân tộc ít người. Những điểm châm chước chính như dưới đây:

1.- Thời hạn khai sinh cũng như khai tử được nới rộng là 45 ngày.

2. - Khi có việc sinh hay việc tử, nhân dân đến báo với trưởng xóm. Trưởng xóm sẽ thay mặt người đương sự đến UBHC xã xin đăng ký. Trường hợp ở gần trụ sở UBHC thì người đương sự trực tiếp khai báo và đăng ký với UBHC xã. Quy định như thế là để cho nhân dân khai báo được dễ dàng và khi có việc là đi khai ngày.

3. - Khi khai sinh, nếu là cha mẹ đứng khai thì không phải có giấy chứng sinh hay người làm chứng. Cả đến trường hợp thân nhân (như ông bà nội ngoại, chú, bác, cô, cậu, anh, chị ruột của đứa trẻ) đứng khai cũng được miễn giấy chứng sinh hoặc người làm chứng.

- Về khai tử, thì không quy định nguyên tắc phải xin phép mai táng và thời hạn xin phép mai táng mà chỉ yêu cầu rằng trước khi chôn cất phải đến báo với trưởng xóm để trưởng xóm đến UBHC xã xin đăng ký tử.

- Trong việc khai kết hôn, không quy định thủ tục phải báo trước 8 ngày. Khi nào thành vợ thành chồng, đôi nam nữ đến UBHC xã xin đăng ký. Nếu cả hai nam nữ đều trên 18 tuổi thì không buộc phải có hai người chứng cùng ký vào sổ khai kết hôn.

4. - Chưa quy định kỷ luật đối với người khai chậm.

Bộ nêu những điểm châm chước chính trên đây để giúp Ủy ban thấy được tinh thần đơn giản của bản điều lệ này so với bản điều lệ chung. Còn những điều khác như cách thức đăng ký, mẫu mực, sổ sách, cách ghi chép, cấp phát, lưu trữ bảo quản,v.v… thì đều giống như đã quy định trong bản điều lệ chung và các thông tư tiếp theo. Cho nên, để hiểu rõ thêm về bản điều lệ này, xin Ủy ban xem lại những thông tư, chỉ giải thích chung về công tác đăng ký hộ tịch đã ban hành từ trước đến nay (thông tư số 6-NV/DC/TT ngày 25/5/1956 đăng trong Công báo số 14 tháng 6 năm 1956, đăng trong Công báo số 14 tháng 6 năm 1956 - thông tư số 11-HTTK ngày 27/6/1956 chỉ thị số 2569-HTTK ngày 14/5/1957 - chỉ thị số 3484-HTTK ngày 27/6/1957 đăng trong Công báo số 45 tháng 11 năm 1957).

Trước khi đi vào quy định cụ thể về thủ tục đăng ký, bản điều lệ này nêu lên mục đích ý nghĩa của công tác đăng ký hộ tịch, lợi ích và nhiệm vụ của nhân dân trong việc khai hộ tịch; Ủy ban có thể dựa vào đó làm cơ sở nội dung tuyên truyền, giải thích điều lệ, khuyến khích nhân dân đi khai báo, đăng ký, phối hợp với việc vận động đời sống mới, công tác bình dân học vụ, vệ sinh phòng bệnh, v.v… Đối với cán bộ xã xóm, thì có thể tuyên truyền phổ biến điều lệ qua các lớp huấn luyện hành chính, đối với nhân dân, một cách làm việc có hiệu quả hơn hết là khi trong xóm có một việc sinh tử hay kết hôn thì cán bộ xã xóm đôn đốc nhắc nhở nhân dân đi khai. Lúc đầu cán bộ phải tự mình đến tận nhà hướng dẫn cách thức khai báo để tập cho nhân dân quen với việc khai hộ tịch. Khi nhân dân khai, trưởng xóm chú ý biên chép đầy đủ những điểm đã nêu sẵn trong mẫu sổ đăng ký hộ tịch như tên, họ, tuổi, nghề nghiệp, ngày tháng năm,v.v…, khi đến Ủy ban Hành chính xã thì xin đăng ký ngay và lúc về thì trao liền bản sao cho người đương sự.

Bản điều lệ này cần được thi hành sớm.

Phạm vi thi hành là toàn thể vùng nông thôn của Khu Tự trị Thái Mèo, Khu Tự trị Việt Bắc, Khu Lào – Hà – Yên, hai tỉnh Hòa Bình, Hải Ninh (các thị xã vẫn áp dụng điều lệ chung như hiện nay) và một số huyện miền núi của Khu Hồng Quảng và của ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình theo quyết định của Ủy ban Hành chính Khu Hồng Quảng và Ủy ban Hành chính Khu 4.

Hình thức công bố thi hành là một quyết định và một thông cáo của Ủy ban Hành chính tỉnh. Hai văn bản có này có tác dụng vừa là cơ sở pháp lý công bố điều lệ vừa là tài kiện tuyên truyền giải thích điều lệ, xin Ủy ban lưu ý đến nhiệm vụ và phương châm công tác đăng ký hộ tịch trong năm 1958 đã đề ra trong chỉ thị số 7431-DC/HTTK ngày 30/12/1957 của Bộ như sau đây: “Ở miền núi, tuyên truyền phổ biến điều lệ cho tất cả các dân tộc hiểu rõ mục đích ý nghĩa, tập cho cán bộ và nhân dân quen với việc đăng ký, khởi đầu ở thị xã, sau lan dần đến nông thôn, kế đó đến rẻo cao”. Theo kinh nghiệm vừa qua, để điều lệ được thi hành tốt, cần phải chuẩn bị đầy đủ như là tuyên truyền phổ biến điều lệ trong cán bộ và nhân dân, in và phân phối sổ sách cho khắp các xã, chấn chỉnh tổ chức thi hành, cụ thể là bồi dưỡng cho cán bộ xã xóm có tinh thần trách nhiệm và hiểu biết điều lệ, cách thức ghi chép cấp phát.

Từ nay đến cuối tháng 6 năm 1958, xin Ủy ban báo cáo cho Bộ biết kết quả về việc công bố thi hành, việc quy định phạm vi áp dụng bản điều lệ này và cách thức tổ chức việc đăng ký cấp phát.

Kèm theo một bản sao nghị định số 106-NV ngày 4/4/1958 và một bản điều lệ đăng ký hộ tịch đơn giản vùng dân tộc ít người.

T. L. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
PHÓ GIÁM ĐỐC VỤ DÂN CHÍNH




Diệp Ba