Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2016/TT-BYT

Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2016

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC CHI TRẢ CÁC CHI PHÍ THỰC TẾ ĐỂ BẢO ĐẢM CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN CỦA BÊN NHỜ MANG THAI HỘ VÌ MỤC ĐÍCH NHÂN ĐẠO

Căn cứ Luật hôn nhân và gia đình ngày 19 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính tại Công văn số 12864/BTC-HCSN ngày 15 tháng 9 năm 2016;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính,

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định việc chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản thuộc trách nhiệm của bên nhờ mang thai hộ cho người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phát sinh trong các trường hợp sau đây:

1. Giai đoạn chuẩn bị mang thai;

2. Quá trình áp dụng kỹ thuật chuyển phôi cho người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo;

3. Các kỹ thuật, thăm khám, sàng lọc, điều trị và xử trí các bất thường, dị tật của bào thai (nếu có) và theo dõi, chăm sóc thai nhi;

4. Quá trình sinh đẻ và chăm sóc trong vòng 42 ngày sau sinh cho người mang thai hộ hoặc cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ;

5. Khám sức khỏe tổng quát cho người mang thai hộ sau khi sinh;

6. Khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe trong trường hợp người mang thai hộ có biến chứng sau sinh liên quan đến sức khỏe sinh sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (vợ chồng nhờ mang thai hộ);

2. Bên mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (người mang thai hộ, chồng người mang thai hộ, nếu có);

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

1. Các chi phí bắt buộc bên nhờ mang thai hộ chi trả:

a) Chi phí đi lại tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được tư vấn, khám, kiểm tra, theo dõi sức khỏe, thực hiện dịch vụ, kỹ thuật y tế: xác định theo giá ghi trên vé, hóa đơn, hoặc giấy biên nhận thanh toán với chủ phương tiện.

b) Chi phí liên quan đến y tế gồm:

- Chi phí thực hiện các dịch vụ tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, kỹ thuật y tế trong việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản được chi trả căn cứ vào các hóa đơn, chứng từ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người mang thai hộ theo mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cấp có thẩm quyền quy định áp dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định pháp luật về bảo hiểm y tế và khám bệnh, chữa bệnh;

- Chi phí các loại thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế chưa được tính vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được chi trả căn cứ các hóa đơn, chứng từ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng cho người mang thai hộ theo chỉ định của bác sỹ, phù hợp với quy định, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ Y tế và giá mua theo quy định của pháp luật;

- Các dịch vụ chưa được cấp có thẩm quyền quy định giá thì thanh toán theo hóa đơn, chứng từ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ chi phí thực tế thực hiện dịch vụ.

c) Chi phí dinh dưỡng để bảo đảm sức khỏe cho người mang thai hộ, chi phí các vật dụng chăm sóc vệ sinh cá nhân trước, trong và sau sinh cho người mang thai hộ theo thỏa thuận giữa bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ: xác định theo hóa đơn (nếu có) hoặc giấy biên nhận.

2. Các chi phí khác ngoài quy định tại Điều 1 và Khoản 1 Điều này do hai bên tự thỏa thuận: xác định theo văn bản thỏa thuận giữa hai bên.

Điều 4. Nghĩa vụ chi trả chi phí

1. Bên nhờ mang thai hộ phải chi trả đầy đủ các chi phí theo quy định tại Điều 3 của Thông tư này cho người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không có thẻ bảo hiểm y tế.

2. Người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có thẻ bảo hiểm y tế khi sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cơ quan bảo hiểm thanh toán chi phí theo quy định tại Điều 3 của Thông tư này theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có trách nhiệm chi trả các chi phí quy định tại Điều 3 của Thông tư này sau khi trừ đi phần chi trả của cơ quan bảo hiểm xã hội (nếu có).

Điều 5. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2016.

Điều 6. Trách nhiệm thi hành

1. Bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có trách nhiệm thực hiện các quy định của Thông tư này.

2. Bên mang thai hộ có trách nhiệm tuân thủ quy định về thăm khám, các quy trình về sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường và những dị tật của bào thai theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm:

a) Thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy trình chuyên môn kỹ thuật do cấp có thẩm quyền quy định.

b) Phối hợp với tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc thanh toán chi phí chăm sóc sức khỏe sinh sản bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

4. Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các địa phương, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân thực hiện thanh toán chi phí chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có thẻ bảo hiểm y tế khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

5. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng y tế ngành và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành các quy định tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch - Tài chính) để nghiên cứu giải quyết./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (Vụ KGVX, Công báo, Cổng TTĐTCP);
- Bộ trưởng Bộ Y tế (để b/c);
- Các Thứ trưởng Bộ Y tế;
- Các bộ, cơ quan Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra văn bản QPPL);
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Y tế các Bộ, ngành;
- VP Bộ, TTra Bộ, các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc BYT;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế;
- Lưu VT, PC, KH-TC (02).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Viết Tiến