Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/2017/TT-BYT

Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 2017

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TƯ VẤN, HỖ TRỢ TRẺ EM CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN PHÙ HỢP VỚI ĐỘ TUỔI

Căn cứ Luật Trẻ em năm 2016;

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về tư vn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

1. Thông tư này quy định về nguyên tắc, yêu cầu tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi.

2. Thông tư này áp dụng đối với:

a) Trẻ em từ 0 đến dưới 16 tuổi; cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em;

b) Cơ sở tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản (sau đây gọi chung là cơ sở tư vấn, hỗ trợ) bao gồm: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về nhi khoa, sản phụ khoa; trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản; trung tâm phòng chống HIV/AIDS; trung tâm y tế quận/huyện; cơ sở tư vấn, xét nghiệm và điều trị HIV; cơ sở tiêm chủng; trạm y tế xã, phường, thị trấn; y tế trường học và các cơ sở khác có cung cấp dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em theo quy định của pháp luật;

c) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tư vấn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nguyên tắc và yêu cầu trong tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi

1. Nguyên tắc trong tư vấn, hỗ trợ:

a) Tôn trọng, chia sẻ, đồng cảm với trẻ em;

b) Phù hợp với độ tuổi, đặc điểm tâm sinh lý, tình trạng sức khỏe của trẻ em;

c) Phù hợp với năng lực và điều kiện của cơ sở tư vấn, hỗ trợ.

2. Yêu cầu trong tư vấn, hỗ trợ:

a) Người tư vấn, hỗ trợ phải đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn, điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật và được đào tạo, tập huấn về cung cấp dịch vụ thân thiện với trẻ em;

b) Khi tư vấn, hỗ trợ phải bảo đảm thân thiện, kín đáo, bí mật, riêng tư và chia sẻ; dùng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi và nhận thức của trẻ em;

c) Tư vấn trực tiếp cho trẻ em ở độ tuổi phù hợp hoặc tư vấn cho cha mẹ hoặc người giám hộ;

d) Giải thích cho trẻ em, cha mẹ hoặc người giám hộ về mục đích, ý nghĩa và quy trình thăm khám trong trường hợp cần thăm khám cho trẻ em.

3. Yêu cầu đối với cơ sở tư vấn, hỗ trợ:

a) Có nơi tư vấn, thăm khám riêng tư, kín đáo;

b) Có đủ nhân lực phù hợp theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

c) Có cơ chế liên kết và chuyển tuyến giữa các cơ sở tư vấn, hỗ trợ khác nhau trong cùng địa bàn hoặc các lĩnh vực can thiệp chuyên môn phù hợp.

Điều 3. Tư vấn trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi

Tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ em để tư vấn cho trẻ em, cha mẹ hoặc người giám hộ theo Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ban hành theo Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế và các nội dung sau đây:

1. Đối với trẻ em từ 0-6 tuổi: tư vấn về cách chăm sóc và vệ sinh cơ quan sinh dục trẻ em; phòng chống bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em; giáo dục giới tính cho trẻ em; các bất thường ở cơ quan sinh dục.

2. Đối với trẻ em từ 7-13 tuổi: tư vấn các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này và tư vấn thêm về sự thay đổi thể chất, tâm sinh lý theo độ tuổi; giới tính; khuynh hướng tình dục. Lưu ý những nội dung sau đây:

a) Đối với trẻ em gái: tư vấn về kinh nguyệt bình thường và kinh nguyệt bất thường, vệ sinh khi có kinh nguyệt, sự rụng trứng và mang thai, hiện tượng thủ dâm;

b) Đối với trẻ em trai: tư vấn về xuất tinh, xuất tinh lần đầu; hẹp bao quy đầu, vệ sinh dương vật, hiện tượng thủ dâm.

3. Đối với trẻ từ 14-16 tuổi: tư vấn trẻ em các nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và các nội dung sau đây: phòng tránh các bệnh phụ khoa, nam khoa; phòng tránh mang thai ngoài ý muốn; các biện pháp tránh thai phù hợp; phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục; tình dục an toàn; các kỹ năng sông như kỹ năng thương thuyết, kỹ năng từ chối, kỹ năng xác định giá trị bản thân.

4. Đối với trẻ em đến khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế:

a) Cung cấp thông tin và tư vấn về tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ em, hướng xử trí, điều trị và dự phòng;

b) Tư vấn trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản theo nhưng nội dung quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;

c) Tư vấn về những bất thường ở cơ quan sinh dục.

Điều 4. Hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi

1. Xây dựng và cung cấp các tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi của trẻ em, bảo đảm cho trẻ em để tiếp cận với các cơ sở tư vấn, hỗ trợ.

2. Cung cấp các dịch vụ tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em theo độ tuổi phù hợp với điều kiện và phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở tư vấn, hỗ trợ.

3. Trợ giúp, cung cấp thông tin cho trẻ em về các nội dung cần thiết khác phù hợp với khả năng và điều kiện của cơ sở tư vấn, hỗ trợ khi trẻ em có nhu cầu; chuyển trẻ em đến các cơ sở thích hợp như cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành, xâm hại tình dục; cơ sở tư vấn và điều trị những vấn đề về tâm lý, tâm thần; cơ sở cung cấp thông tin, tư vấn và các dịch vụ hỗ trợ trẻ em trong những lĩnh vực khác như: pháp luật, tâm lý, hôn nhân và gia đình.

4. Miễn, giảm chi phí tư vấn, điều trị cho trẻ em theo các quy định pháp luật.

Điều 5. Quy trình tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi

Việc tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi được thực hiện theo Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ban hành kèm theo Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 6. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2017.

2. Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư này bị thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo các văn bản thay thế, sửa đổi hoặc bổ sung.

3. Trách nhiệm thi hành:

a) Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở tư vấn, hỗ trợ, khám bệnh, chữa bệnh về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em; tổng hợp tình hình thực hiện Thông tư này, hàng năm báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh; Cục Y tế dự phòng; Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc bệnh viện các bộ, ngành; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này;

c) Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các Bộ, Ngành có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở tư vấn, hỗ trợ, khám bệnh, chữa bệnh của địa phương, bộ, ngành thực hiện đúng các quy định của Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em) để xem xét, giải quyết./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (Phòng Công báo, Cổng TTĐTCP);
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL);
- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (để phối hợp);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng Bộ Y tế (để biết);
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Vụ, Cục, Tổng Cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ - BYT;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế;
- Y tế các Bộ, Ngành;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế;
- Lưu: VT, PC, BM-TE.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Viết Tiến