BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/2014/TT-BGTVT | Hà Nội, ngày 15 tháng 09 năm 2014 |
BAN HÀNH "HỆ THỐNG CHỈ TIÊU THỐNG KÊ NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI"
Căn cứ Luật Thống kê ngày 26/6/2003;
Căn cứ Nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày 13/02/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư ban hành "Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Giao thông vận tải”.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này "Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Giao thông vận tải".
Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Giao thông vận tải là tập hợp các chỉ tiêu thống kê phản ánh tình hình và kết quả hoạt động chủ yếu của ngành Giao thông vận tải, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Nhà nước; làm cơ sở cho việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách phát triển ngành Giao thông vận tải; đáp ứng nhu cầu trao đổi, hợp tác thông tin với các tổ chức, cá nhân.
Điều 2. Căn cứ "Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Giao thông vận tải", các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm sau:
1. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải:
a) Các Vụ, Ban tham mưu thuộc Bộ tổng hợp các chỉ tiêu thống kê được phân công phụ trách, cung cấp cho Vụ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp chung và công bố.
b) Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục thuộc Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê theo ngành, lĩnh vực; cung cấp cho các Vụ, Ban tham mưu thuộc Bộ để tổng hợp.
2. Các Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp thông tin thống kê trên địa bàn; cung cấp cho các cơ quan quản lý thuộc Bộ Giao thông vận tải.
Điều 3. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2014 và thay thế Quyết định số 1504/QĐ-BGTVT ngày 04 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Giao thông vận tải.
Điều 4. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
HỆ THỐNG CHỈ TIÊU THỐNG KÊ NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
(Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2014/TT-BGTVT ngày 15 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
I. Danh mục các từ viết tắt
II. Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Giao thông vận tải
III. Giải thích Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Giao thông vận tải
- Giao thông vận tải: | GTVT |
- Thành phố: | TP |
- Đường thủy nội địa: | ĐTNĐ |
- Tổng công ty: | TCT |
- Đầu tư phát triển: | ĐTPT |
- Quản lý dự án: | QLDA |
- Hạ tầng giao thông: | HTGT |
II. HỆ THỐNG CHỈ TIÊU THỐNG KÊ NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
STT | Tên chỉ tiêu | Phân tổ chủ yếu | Kỳ công bố | Đơn vị tổng hợp thuộc Bộ |
A | NHÓM CHỈ TIÊU VỀ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG | |||
01 | Chiều dài đường bộ hiện có và năng lực tăng thêm đường bộ | Cấp kỹ thuật, kết cấu mặt đường, cấp quản lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương | Năm | Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông |
02 | Chiều dài đường sắt hiện có và năng lực tăng thêm đường sắt | Loại đường, cấp kỹ thuật, khổ đường, cấp quản lý | Năm | |
03 | Chiều dài đường thủy nội địa đang khai thác; số lượng, chiều dài cầu cảng, bến thủy nội địa; năng lực thông qua hiện có và tăng thêm ĐTNĐ | Cấp kỹ thuật, cấp quản lý, tỉnh/TP trực thuộc Trung ương | Năm | |
04 | Số lượng, chiều dài cầu cảng biển, năng lực thông qua hiện có và tăng thêm đường biển | Cấp quản lý | Năm | |
05 | Số lượng cảng hàng không, năng lực thông qua cảng hàng không hiện có và tăng thêm | Quốc tế/nội địa, danh mục cảng | Năm | |
B | NHÓM CHỈ TIÊU ĐO LƯỜNG | |||
06 | Số hãng hàng không | Trong nước | Năm | Vụ Vận tải |
07 | Khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển | Quốc tế/ nội địa; ngành vận tải | Tháng, năm | |
08 | Số lượt hành khách vận chuyển và luân chuyển | Quốc tế/ nội địa; ngành vận tải | Tháng, năm | |
09 | Số lượt hành khách hàng không quốc tế quá cảnh | Danh mục cảng hàng không | Năm | |
10 | Khối lượng hàng hóa thông qua cảng | Cảng biển/cảng, bến thủy nội địa/cảng hàng không; quốc tế/nội địa; loại hàng | Tháng, năm | |
11 | Sản lượng vận tải hành khách bằng xe buýt công cộng | Tỉnh/TP trực thuộc Trung ương | Năm | |
12 | Số tuyến bay, chiều dài đường bay | Quốc tế/nội địa; danh mục tuyến | Năm | Vụ Vận tải |
13 | Doanh thu, sản lượng dịch vụ kỹ thuật thương mại hàng không | Loại dịch vụ | Quý, năm | |
14 | Trị giá và sản lượng xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật thương mại hàng không | Loại dịch vụ | Quý, năm | |
15 | Thu phí dịch vụ hàng hải | Loại dịch vụ, tỉnh/TP trực thuộc Trung ương | Tháng, năm | |
16 | Trị giá xuất khẩu dịch vụ hàng hải | Loại dịch vụ, tỉnh/TP trực thuộc Trung ương | Quý, năm | |
17 | Số vụ tai nạn giao thông, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông | Ngành đường; tỉnh/TP trực thuộc Trung ương | 6 tháng, năm | Vụ An toàn giao thông |
C | NHÓM CHỈ TIÊU PHƯƠNG TIỆN | |||
18 | Số lượng xe ô tô đang lưu hành(*) | Loại xe; tỉnh/TP trực thuộc Trung ương | Năm | Vụ Vận tải |
19 | Số lượng tàu bay | Loại tàu bay, công suất, hiện trạng | Năm | |
20 | Số lượng phương tiện vận tải đường thủy đang lưu hành | Đường biển/đường thủy nội địa; loại phương tiện; công suất; công dụng; tỉnh/TP trực thuộc Trung ương | Năm | |
21 | Số đầu máy, toa xe đường sắt | Khổ đường; loại phương tiện, công suất/sức chở | Năm | |
D | NHÓM CHỈ TIÊU VỀ VỐN | |||
22 | Vốn đầu tư phát triển Bộ GTVT trực tiếp quản lý | Nguồn vốn, khoản mục đầu tư | Tháng, năm | Vụ Kế hoạch- Đầu tư |
23 | Vốn đầu tư phát triển ngoài ngân sách nhà nước | Nguồn vốn, hình thức đầu tư | Tháng, năm | Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư |
24 | Vốn duy tu, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông | Nguồn vốn, ngành đường | 6 tháng, năm | Vụ Tài chính |
E | NHÓM CHỈ TIÊU SẢN XUẤT KINH DOANH | |||
25 | Giá trị sản xuất | Ngành kinh tế | Tháng, năm | Vụ Quản lý doanh nghiệp |
26 | Doanh thu thuần | Ngành kinh tế | Tháng, năm | |
27 | Sản lượng sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất, tiêu thụ, tồn kho | Sản phẩm chủ yếu | Tháng, năm | |
28 | Giá trị sản phẩm công nghiệp tiêu thụ | Sản phẩm chủ yếu | Tháng, năm | |
29 | Chi và đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, xử lý và bảo vệ môi trường | Nguồn vốn | Năm | |
30 | Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu | Ngành kinh tế, loại hoạt động | Năm | |
G | CÁC CHỈ TIÊU KHÁC | |||
31 | Số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động | Ngành, ngạch, trình độ, giới tính, độ tuổi, khối hành chính/sự nghiệp/doanh nghiệp | Năm | Vụ Tổ chức cán bộ |
32 | Thu nhập bình quân | Ngành; khối hành chính/sự nghiệp/doanh nghiệp | Năm |
III. GIẢI THÍCH HỆ THỐNG CHỈ TIÊU THỐNG KÊ NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
A. NHÓM CÁC CHỈ TIÊU VỀ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG
01. Chiều dài đường bộ hiện có và năng lực tăng thêm đường bộ
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính;
a. Chiều dài đường bộ hiện có: tổng chiều dài các loại đường bộ (đường quốc lộ, cao tốc, tỉnh lộ, huyện lộ, liên xã và giao thông nông thôn) trên cả nước tính đến thời điểm báo cáo.
- Bao gồm:
+ Đường nhựa, bê tông, cấp phối, đá, gạch, đất;
+ Cầu, hầm đường bộ, đường giao cắt, đường vượt.
- Không bao gồm đường mòn.
b. Năng lực tăng thêm đường bộ: số km chiều dài đường bộ, số mét dài cầu đường bộ được xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hoàn thành đưa vào sử dụng trong kỳ báo cáo.
2. Nguồn số liệu:
Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các sở GTVT, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, TCT ĐTPT&QLDA HTGT Cửu Long.
02. Chiều dài đường sắt hiện có và năng lực tăng thêm đường sắt
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
a. Chiều dài đường sắt hiện có: tổng chiều dài của mạng lưới đường sắt đang sử dụng, được tính bằng chiều dài của đường ray đang khai thác chạy tàu trên cả nước tính đến thời điểm báo cáo.
- Bao gồm:
+ Đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, trong đó đường sắt quốc gia được phân thành đường sắt truyền thống, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đôi, đường sắt chạy điện và đường lồng;
+ Đường nhánh và đường ga;
+ Đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.
- Không bao gồm đường sắt chuyên dùng (dùng cho mục đích du lịch, hầm mỏ, rừng hoặc phục vụ công nghiệp, nông nghiệp khác) mà không sử dụng cho mục đích công cộng.
b. Năng lực tăng thêm đường sắt: số km chiều dài đường sắt chính tuyến, đường nhánh, đường ga; số mét dài cầu, hầm đường sắt được xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hoàn thành đưa vào sử dụng trong kỳ báo cáo.
2. Nguồn số liệu:
Cục Đường sắt Việt Nam, Sở GTVT, TCT Đường sắt Việt Nam.
03. Chiều dài đường thủy nội địa đang khai thác; số lượng, chiều dài cầu cảng, bến ĐTNĐ; năng lực thông qua hiện có và tăng thêm đường thủy nội địa
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
a. Chiều dài đường thủy nội địa đang khai thác: chiều dài mạng lưới luồng chạy tàu, thuyền thuộc đường thủy nội địa quốc gia được tổ chức quản lý, khai thác trong năm, bao gồm luồng chạy tàu trên sông, kênh, rạch, hồ, đầm, phá, vụng, ven bờ biển, từ bờ ra đảo và nối các đảo thuộc nội thủy quốc gia.
b. Số cảng, bến thủy nội địa: tổng số cảng, bến thủy nội địa được sử dụng chủ yếu cho vận tải đường thủy nội địa; cho tàu, thuyền và các phương tiện vận tải đường thủy nội địa ra vào tiếp nhận hoặc xếp dỡ hàng hóa, đón, trả hành khách và thực hiện các dịch vụ vận tải khác.
c. Chiều dài cầu cảng, bến thủy nội địa: được tính bằng mét dài cầu, bến cảng nơi neo đậu tàu thuyền để đón trả hành khách hoặc xếp dỡ hàng hóa.
d. Năng lực tăng thêm ĐTNĐ: hoạt động xây dựng, nâng cấp, cải tạo cảng, bến thủy nội địa, nạo vét luồng đường thủy nội địa ... góp phần làm tăng năng lực hàng hóa, hành khách thông qua cảng trong năm; được tính bằng số lượng hành khách, khối lượng hàng hóa thông qua cảng, bến tăng thêm về công suất thiết kế so với trước khi có hoạt động xây dựng, cải tạo, nâng cấp; mét dài cầu, bến cảng, m3 nạo vét, km đê … được xây dựng, nâng cấp, cải tạo hoàn thành trong kỳ báo cáo.
2. Nguồn số liệu:
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, các Sở GTVT, các doanh nghiệp cảng.
04. Số lượng, chiều dài cầu cảng biển và năng lực tăng thêm đường biển
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
a. Số lượng cảng biển: tổng số cảng biển được sử dụng chủ yếu cho vận tải biển nội địa hoặc quốc tế.
b. Chiều dài cầu cảng biển được tính bằng mét dài cầu cảng nơi neo đậu tàu thuyền để đón trả hành khách hoặc xếp dỡ hàng hóa.
c. Năng lực tăng thêm đường biển: hoạt động xây dựng, nâng cấp, cải tạo cảng biển, nạo vét luồng đường biển ... góp phần làm tăng năng lực hàng hóa, hành khách thông qua cảng trong năm. Năng lực tăng thêm đường biển được tính bằng số lượng hành khách, khối lượng hàng hóa thông qua cảng tăng thêm về công suất thiết kế so với trước khi có hoạt động xây dựng, nâng cấp, cải tạo; mét dài cầu cảng, m3 nạo vét, km đê biển... được xây dựng, nâng cấp, cải tạo hoàn thành trong kỳ báo cáo.
2. Nguồn số liệu:
Cục Hàng hải Việt Nam, các Sở GTVT, các doanh nghiệp cảng.
05. Số lượng cảng hàng không và năng lực thông qua cảng hàng không hiện có và tăng thêm
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
a. Số lượng cảng hàng không là tổng số cảng hàng không quốc tế và nội địa trên cả nước, được xác định như sau:
- Cảng hàng không là khu vực xác định, bao gồm: sân bay, nhà ga và trang bị, thiết bị, công trình cần thiết khác được sử dụng cho tàu bay đi, đến và thực hiện vận chuyển hàng không.
- Cảng hàng không quốc tế là cảng hàng không phục vụ cho vận chuyển quốc tế và vận chuyển nội địa.
- Cảng hàng không nội địa là cảng hàng không phục vụ cho vận chuyển nội địa;
- Không bao gồm cảng hàng không chỉ dùng cho mục đích quân sự.
b. Năng lực tăng thêm hàng không: các hoạt động xây dựng, nâng cấp, cải tạo trong khu vực cảng hàng không góp phần làm tăng công suất vận chuyển hàng hóa, hành khách của cảng; được tính bằng số lượng hành khách, khối lượng hàng hóa thông qua cảng hàng không tăng thêm về công suất thiết kế so với trước khi hoạt động xây dựng, cải tạo, nâng cấp được thực hiện; m2 nhà ga, sân đỗ máy bay, mét dài đường cất hạ cánh, đường lăn được xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hoàn thành trong kỳ báo cáo.
2. Nguồn số liệu:
Cục Hàng không Việt Nam, TCT Cảng hàng không Việt Nam.
B. NHÓM CÁC CHỈ TIÊU ĐO LƯỜNG
06. Số hãng hàng không
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
Số hãng hàng không: tổng số doanh nghiệp được phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Hãng hàng không là pháp nhân có giấy phép hoạt động khai thác bay hàng không thương mại hợp lệ. Trường hợp có liên doanh hoặc thỏa thuận hợp đồng khác thì chỉ tính công ty hàng không thực sự khai thác các chuyến bay.
2. Nguồn số liệu:
Cục Hàng không Việt Nam, doanh nghiệp hàng không.
07. Khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
- Khối lượng hàng hóa vận chuyển: khối lượng hàng hóa đã được vận chuyển trong kỳ, bất kể độ dài quãng đường vận chuyển là bao nhiêu, được tính theo trọng lượng thực tế của hàng hóa vận chuyển (kể cả bao bì nếu có) và bằng đơn vị Tấn (T). Đối với hàng hóa cồng kềnh không thể cân đo trực tiếp thì quy ước tính bằng 50% tấn trọng tải phương tiện hoặc tính theo thỏa thuận giữa chủ phương tiện và chủ hàng (nhưng không ít hơn 50% tấn trọng tải phương tiện) để tính khối lượng hàng hóa thực tế.
- Khối lượng hàng hóa luân chuyển: khối lượng hàng hóa tính theo cả hai yếu tố: khối lượng hàng hóa vận chuyển và cự ly vận chuyển thực tế. Đơn vị tính là Tấn-Kilômet (T.Km).
Khối lượng hàng hóa luân chuyển (T.Km) = Khối lượng hàng hóa vận chuyển (T) x Cự ly vận chuyển thực tế (Rm).
2. Nguồn số liệu:
Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, TCT Đường sắt Việt Nam, doanh nghiệp vận tải.
08. Số lượt hành khách vận chuyển và luân chuyển
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
- Số lượt hành khách vận chuyển: số hành khách thực tế đã vận chuyển trong kỳ, bất kể độ dài quãng đường vận chuyển là bao nhiêu. Đơn vị tính là lượt hành khách (Hk).
- Số lượt hành khách luân chuyển: số lượt hành khách luân chuyển được tính theo cả hai yếu tố: số lượt vận chuyển và quãng đường vận chuyển thực tế. Đơn vị tính là Hành khách - Kilômet (Hk.Km).
Số lượt hành khách luân chuyển (Hk.Km) = Số lượt hành khách vận chuyển (Hk) x Cự ly vận chuyển thực tế (Km).
Trong đó:
- Cự ly vận chuyển thực tế là quãng đường tính giá vé đã được cơ quan có thẩm quyền quy định;
- Đối với phương tiện cho thuê theo hợp đồng vận tải chuyến thì lượt hành khách vận chuyển của mỗi hợp đồng chỉ tính 1 lần hành khách vận chuyển theo số ghế phương tiện.
2. Nguồn số liệu:
Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, TCT Đường sắt Việt Nam, doanh nghiệp vận tải.
09. Số lượt hành khách hàng không quốc tế quá cảnh
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
Khách quá cảnh trực tiếp là hành khách tiếp tục hành trình trên chuyến bay có chung số hiệu với chuyến bay họ đã đến cảng hàng không báo cáo.
Khách quá cảnh trực tiếp chỉ tính một lần. Các loại khách quá cảnh khác được tính làm hai lần, một lần đi và một lần đến.
2. Nguồn số liệu:
Cục Hàng không Việt Nam, doanh nghiệp hàng không.
10. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
Khối lượng hàng hóa thông qua cảng: khối lượng hàng hóa thực tế xuất hoặc nhập cảng trong kỳ báo cáo, bao gồm;
- Khối lượng hàng hóa xuất cảng: số tấn hàng hóa thực tế được các cảng xếp lên phương tiện vận tải đường biển, đường thủy nội địa và hàng không đã dời đến các cảng khác.
- Khối lượng hàng hóa nhập cảng: số tấn hàng hóa thực tế do phương tiện đường biển, đường thủy nội địa và hàng không vận chuyển từ các cảng khác tới cập cảng đã được bốc dỡ ra khỏi phương tiện đó.
- Khối lượng hàng hóa thông qua cảng, bao gồm cả hàng nước ngoài quá cảnh; không bao gồm hàng do cảng bốc xếp ở ngoài phạm vi cảng, lượng chất lỏng qua cảng phục vụ tàu thuyền như nước ngọt, nhiên liệu và lượng hàng tổn thất trong quá trình bốc xếp tại cảng.
2. Nguồn số liệu:
Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, doanh nghiệp cảng.
11. Sản lượng vận tải hành khách bằng xe buýt công cộng
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
Số lượt hành khách vận chuyển bằng xe buýt công cộng: tổng số lượt hành khách đã thực hiện hành trình bằng xe buýt công cộng trong kỳ.
2. Nguồn số liệu:
Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các sở GTVT, doanh nghiệp vận tải.
12. Số tuyến bay và chiều dài đường bay
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
- Số lượng tuyến bay: số đường bay vận chuyển hàng hóa, hành khách có tính chất thường xuyên trong một thời kỳ nhất định, được tính từ điểm đầu (nơi xuất phát) đến điểm cuối (nơi kết thúc) của mạng lưới giao thông hàng không.
- Chiều dài đường bay: chỉ tiêu phản ánh chiều dài của một hoặc một số chặng bay liên tiếp (được tính bằng km) từ sân bay đầu tiên lấy khách, hàng hóa, hành lý đến sân bay cuối cùng trả khách, hàng hóa, hành lý và ngược lại, bao gồm cả đường bay tam giác.
2. Nguồn số liệu:
Cục Hàng không Việt Nam, doanh nghiệp hàng không.
13. Doanh thu, sản lượng dịch vụ kỹ thuật thương mại hàng không
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
a. Doanh thu dịch vụ kỹ thuật thương mại hàng không:
Tổng doanh thu thuần: tổng số tiền đã và sẽ thu được từ việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật thương mại hàng không cho các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài để phục vụ các chuyến bay sau khi đã trừ thuế và các khoản giảm trừ trong kỳ báo cáo, Tổng doanh thu thuần bao gồm doanh thu thuần từ việc cung cấp các dịch vụ sau:
- Thu dịch vụ cảng hàng không: doanh thu thuần từ việc cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không để phục vụ các chuyến bay trong nước, chuyến bay quốc tế, chuyến bay quá cảnh của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài, bao gồm:
+ Thu phục vụ hạ/cất cánh, sân đỗ: doanh thu thuần từ việc cung cấp dịch vụ phục vụ việc hạ cánh, cất cánh, thuê sân đỗ cho máy bay các hãng hàng không.
+ Thu cho thuê trang thiết bị chuyên ngành: doanh thu thuần từ việc cho các hãng hàng không thuê trang thiết bị chuyên ngành hàng không như xe dẫn máy bay, xe kéo, đẩy máy bay, cầu thang lên xuống máy bay, ống lồng cầu hành khách...
+ Thu dịch vụ soi chiếu an ninh: doanh thu thuần từ việc cung cấp dịch vụ soi chiếu hàng hóa, hành lý, hành khách nhằm đảm bảo an ninh hàng không cho các chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài.
+ Thu cho thuê mặt bằng tại nhà ga: doanh thu thuần từ việc cho các hãng hàng không thuê mặt bằng đặt quầy, tủ và trang thiết bị phục vụ việc làm thủ tục cho hành khách để lên máy bay.
+ Thu cho thuê mặt bằng quảng cáo: doanh thu thuần từ việc cho các đơn vị khác thuê mặt bằng trong khu vực nhà ga sân bay để đặt các biển, mô hình hoặc hình ảnh quảng cáo khác.
+ Thu dịch vụ công ích khác: doanh thu thuần từ việc cung cấp các dịch vụ công ích khác như xe chở hàng trong sân bay, băng chuyền hành lý và các dịch vụ khác chưa nêu ở trên.
+ Thu dịch vụ khác ngoài công ích: doanh thu thuần từ các hoạt động dịch vụ khác ngoài công ích như: bán sản phẩm hàng hóa, cung ứng các dịch vụ khác như cho thuê tài sản, phương tiện không kèm theo người điều khiển, dịch vụ xây dựng, lắp đặt thiết bị, các hoạt động tài chính (vốn cổ phần liên doanh, liên kết kinh tế, thu lãi tiền gửi, thu lãi cho vay vốn, thu nhập từ hoạt động đầu tư, chênh lệch do bán ngoại tệ, các khoản thu nhập khác liên quan đến hoạt động tài chính...), hoạt động không thường xuyên (như thu thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, thu tiền phạt khách hàng do vi phạm hợp đồng, thu tiền bảo hiểm được bồi thường, thu các khoản thuế được giảm, được hoàn lại, các khoản thu không thường xuyên khác...), các dịch vụ ngoài công ích khác do cảng hàng không thực hiện.
- Thu dịch vụ quản lý bay: doanh thu thuần từ việc cung cấp dịch vụ công ích và ngoài công ích do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam thực hiện, bao gồm:
+ Thu điều hành bay: tổng doanh thu thuần từ việc cung cấp dịch vụ điều hành các chuyến bay đi-đến, bay quá cảnh, bay khác cho các hãng hàng không trong nước và nước ngoài, kể cả phần sẽ trích lại cho các cảng hàng không (khoản thu cung cấp dịch vụ bổ sung điều hành bay quá cảnh của các cảng hàng không).
+ Thu khác ngoài công ích như lắp đặt hệ thống điều hành, xây dựng công trình thông tin chuyên ngành cho đơn vị khác, thu từ dịch vụ quảng cáo cho đơn vị khác.
b. Sản lượng dịch vụ:
- Sản lượng hành khách qua cảng: tổng số lượt hành khách đi (kể cả mua vé và miễn cước) và hành khách đến của các chuyến bay trong nước, chuyến bay quốc tế do hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài thực hiện, không tính hành khách quá cảnh trực tiếp.
- Số lần cất/hạ cánh: tổng số lần máy bay cất cánh và hạ cánh của các chuyến bay trong nước, chuyến bay quốc tế do hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài thực hiện.
- Số chuyến bay điều hành: tổng số chuyến bay do cơ quan điều hành bay của Cục Hàng không Việt Nam điều hành, bao gồm bay đi, đến, quá cảnh và bay khác tương ứng với tổng doanh thu thuần điều hành bay.
- Số km điều hành bay: tổng số km bay do cơ quan điều hành bay của Cục Hàng không Việt Nam điều hành, được tính bằng cách nhân số chuyến bay điều hành với độ dài của chặng bay tương ứng.
2. Nguồn số liệu;
Cục Hàng không Việt Nam, doanh nghiệp hàng không.
14. Trị giá, sản lượng xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật thương mại hàng không
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
- Trị giá xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật thương mại hàng không bao gồm tổng số tiền đã và sẽ thu được từ phía nước ngoài do hoàn thành việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật thương mại tại các cảng hàng không và đơn vị quản lý bay. Giá trị xuất khẩu bao gồm thu từ dịch vụ cảng hàng không và thu điều hành bay.
Phía nước ngoài bao gồm: các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cư trú tại nước ngoài; chi nhánh, công ty thành viên của công ty Việt Nam ở nước ngoài; các đại sứ quán, lãnh sự quán nước ngoài đóng tại Việt Nam.
Xác định trị giá: trị giá xuất khẩu được xác định theo giá thị trường, bao gồm toàn bộ giá trị gộp của dịch vụ, kể cả trường hợp giao dịch dịch vụ đó được thực thanh toán với phía nước ngoài theo giá trị thuần trên nguyên tắc bù trừ. Trong trường hợp trị giá của một giao dịch gồm cả hàng hóa và dịch vụ hoặc gồm nhiều loại dịch vụ khác nhau mà không thể tách riêng từng loại thì tính toàn bộ trị giá giao dịch đó cho loại dịch vụ chiếm tỷ trọng chủ yếu.
Nếu trong giao dịch đó, trị giá hàng hóa chiếm tỷ trọng chủ yếu thì không thống kê.
Trị giá xuất khẩu bao gồm phần thu từ các dịch vụ sau:
- Thu dịch vụ cảng hàng không: tổng số tiền đã và sẽ thu được từ việc cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không để phục vụ các chuyến bay trong nước, chuyến bay quốc tế, bay quá cảnh của các hãng hàng không nước ngoài, bao gồm:
+ Thu phục vụ hạ/cất cánh, sân đỗ: tổng số tiền đã và sẽ thu được từ các hãng hàng không nước ngoài có hoặc không có văn phòng đại diện tại Việt Nam nhưng được phép hạ/cất cánh và sử dụng sân đỗ tại cảng hàng không Việt Nam để thực hiện các chuyến bay quốc tế đi, đến hoặc quá cảnh;
+ Thu cho thuê trang thiết bị chuyên ngành: tổng số tiền đã và sẽ thu được từ các hãng hàng không nước ngoài về cho thuê trang thiết bị chuyên ngành tại sân bay như cho thuê xe dẫn máy bay, xe kéo đẩy máy bay, cầu thang lên xuống máy bay, ống lồng cầu hành khách...;
+ Thu dịch vụ soi chiếu an ninh: tổng số tiền thu được từ các hãng hàng không nước ngoài về việc cung cấp dịch vụ soi chiếu hàng hóa, hành lý, hành khách nhằm đảm bảo an ninh hàng không cho các chuyến bay;
+ Thu cho thuê mặt bằng tại nhà ga: tổng số tiền thu được từ các hãng hàng không nước ngoài về cho thuê mặt bằng đặt quầy, tủ và trang thiết bị phục vụ việc làm thủ tục cho hành khách để lên máy bay;
+ Thu cho thuê mặt bằng quảng cáo: tổng số tiền đã và sẽ thu được từ việc cho phía nước ngoài thuê mặt bằng trong khu vực nhà ga sân bay để đặt các biển, mô hình hoặc hình ảnh quảng cáo khác.
- Thu điều hành bay: tổng số tiền đã và sẽ thu được từ các hãng hàng không nước ngoài về việc cung cấp dịch vụ điều hành các chuyến bay đi - đến, bay quá cảnh và bay khác của các hãng hàng không nước ngoài qua sân bay hoặc không phận do hàng không dân dụng Việt Nam quản lý. Khoản thu này bao gồm tổng thu trực tiếp từ các hãng hàng không nước ngoài của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, kể cả phần sẽ được trích lại để chuyển cho các cảng hàng không (được gọi là khoản thu cung cấp dịch vụ bổ sung điều hành bay quá cảnh của các cảng hàng không).
- Sản lượng xuất khẩu dịch vụ:
+ Số lần cất/hạ cánh: tổng số lần/chuyến máy bay cất cánh và tổng số lần/chuyến máy bay hạ cánh của các hãng hàng không nước ngoài.
+ Số chuyến bay điều hành: tổng số chuyến bay của các hãng hàng không nước ngoài được điều hành bởi Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, bao gồm bay đi-đến, bay quá cảnh và bay khác tương ứng với tổng doanh thu điều hành bay nêu tại mục trên.
+ Số km điều hành bay: tổng số km bay của các hãng hàng không nước ngoài được điều hành bởi Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, được tính bằng cách nhân số các chuyến bay điều hành với độ dài của chặng bay điều hành tương ứng.
2. Nguồn số liệu:
Cục Hàng không Việt Nam, doanh nghiệp hàng không.
15. Thu phí dịch vụ hàng hải
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
- Thu phí dịch vụ: tổng số tiền đã và sẽ thu từ các tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam, tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài về dịch vụ bảo đảm hàng hải, dịch vụ cảng tương đương với sản lượng dịch vụ do các đơn vị của Cục Hàng hải Việt Nam cung cấp.
2. Nguồn số liệu:
Cục Hàng hải Việt Nam, doanh nghiệp cảng.
16. Trị giá xuất khẩu dịch vụ hàng hải
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
- Trị giá xuất khẩu: tổng số tiền đã và sẽ thu từ các tàu nước ngoài về dịch vụ bảo đảm hàng hải và dịch vụ cảng tương đương với sản lượng dịch vụ do các đơn vị của Cục Hàng hải Việt Nam cung cấp. Trị giá xuất khẩu được xác định theo giá thực tế và không thống kê các giao dịch bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ, trong đó hàng hóa chiếm tỷ trọng chủ yếu.
Nội dung xuất khẩu dịch vụ hàng hải:
+ Dịch vụ bảo đảm hàng hải: thu của các tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài ra/vào vùng lãnh hải của Việt Nam về phí bảo đảm hàng hải: quản lý vận hành hệ thống đèn biển, báo hiệu luồng tàu.
+ Dịch vụ cảng biển: thu của các tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài ra/vào các cảng do Cục Hàng hải Việt Nam trực tiếp quản lý về phí dịch vụ cảng biển như hoa tiêu, neo đậu, cầu bến, bốc xếp...
2. Nguồn số liệu:
Cục Hàng hải Việt Nam, doanh nghiệp cảng.
17. Số vụ tai nạn giao thông, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
- Số vụ tai nạn giao thông: số vụ tai nạn liên quan đến ít nhất 1 phương tiện giao thông trên đường gây tử vong, thương tích hay thiệt hại về vật chất trong kỳ.
- Số người chết, bị thương do tai nạn giao thông: tổng số người bị chết, bị thương do tai nạn giao thông trong kỳ.
2. Nguồn số liệu:
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
C. NHÓM CÁC CHỈ TIÊU VỀ PHƯƠNG TIỆN
18. Số lượng xe ô tô đang lưu hành
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
Số lượng xe ô tô đang lưu hành: tổng số các loại xe ô tô đang lưu hành tính đến hết năm báo cáo; không bao gồm các phương tiện đã hết niên hạn sử dụng hoặc không đưa vào kiểm định.
2. Nguồn số liệu:
Cục Đăng kiểm Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
19. Số lượng tàu bay
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
Số lượng tàu bay: chỉ tiêu phản ánh số lượng tàu bay thuộc quyền sở hữu và đi thuê (với thời gian tối thiểu 1 năm) của tổ chức, cá nhân Việt Nam, bao gồm các loại tàu bay đang hoạt động, đang sửa chữa, bảo dưỡng, chờ điều đi, chờ thanh lý, không dùng đến, còn dự trữ chưa đưa vào hoạt động (không kể số tàu bay cho nước ngoài thuê với thời hạn trên 1 năm).
2. Nguồn số liệu:
Cục Hàng không Việt Nam, doanh nghiệp hàng không.
20. Số lượng phương tiện vận chuyển đường thủy đang lưu hành
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
Số lượng phương tiện vận chuyển đường thủy đang lưu hành: chỉ tiêu phản ánh số lượng tàu biển, phương tiện thủy nội địa có gắn động cơ đang lưu hành tính đến hết năm báo cáo. Không tính các phương tiện đã hết niên hạn sử dụng hoặc không đưa vào kiểm định.
2. Nguồn số liệu:
Cục Đăng kiểm Việt Nam.
21. Số đầu máy, toa xe đường sắt
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
Số lượng đầu máy, toa xe đường sắt: chỉ tiêu phản ánh số lượng đầu máy, toa xe đường sắt của Việt Nam, bao gồm các loại đầu máy, toa xe (toa xe hàng, toa xe khách) đang lưu hành. Không tính các phương tiện đã hết niên hạn sử dụng hoặc không đưa vào kiểm định.
2. Nguồn số liệu:
Cục Đăng kiểm Việt Nam.
D. NHÓM CHỈ TIÊU VỀ VỐN
22. Vốn đầu tư phát triển Bộ GTVT trực tiếp quản lý
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
Vốn đầu tư phát triển Bộ GTVT trực tiếp quản lý bao gồm vốn ODA, vốn ngân sách nhà nước, vốn Trái phiếu chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác do Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT trực tiếp quản lý.
2. Nguồn số liệu:
Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành, các Sở GTVT, Ban QLDA, doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT và chủ đầu tư khác.
23. Vốn đầu tư phát triển ngoài ngân sách nhà nước
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
Vốn đầu tư phát triển ngoài ngân sách nhà nước bao gồm vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, các nguồn vốn thương mại trong nước và quốc tế, các nguồn vốn khác được huy động theo nguyên tắc không dẫn đến nợ công.
2. Nguồn số liệu:
Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành, các Ban QLDA tham gia quản lý dự án BOT, PPP, nhà đầu tư.
24. Vốn duy tu, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
Vốn duy tu, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông chỉ đề cập đến các chi phí bỏ ra để sửa chữa, bảo trì chức năng sử dụng của tài sản cố định đảm bảo sử dụng, hoạt động bình thường mà không làm tăng giá trị của tài sản, bao gồm chi phí duy tu, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, luồng tuyến hàng hải, cảng hàng không, sân bay.
2. Nguồn số liệu:
Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành, các Sở GTVT, các Tổng công ty, doanh nghiệp GTVT.
F. NHÓM CÁC CHỈ TIÊU SẢN XUẤT, KINH DOANH
25. Giá trị sản xuất
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
Giá trị sản xuất: toàn bộ giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ thực hiện trong một thời kỳ nhất định.
Tùy theo mục đích nghiên cứu, giá trị sản xuất được tính theo giá thực tế hoặc giá so sánh (giá năm gốc).
2. Nguồn số liệu:
Doanh nghiệp GTVT.
26. Doanh thu thuần
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
Doanh thu thuần: tổng số tiền thu được từ việc bán, cung cấp các sản phẩm vật chất và dịch vụ, hoạt động tài chính và thu nhập khác sau khi đã trừ thuế và các khoản giảm trừ trong kỳ báo cáo.
2. Nguồn số liệu:
Doanh nghiệp GTVT.
27. Sản lượng sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất, tiêu thụ, tồn kho
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
- Sản lượng sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong kỳ: sản lượng của những sản phẩm công nghiệp quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp được sản xuất ra trong kỳ báo cáo.
- Sản phẩm công nghiệp tiêu thụ: số lượng sản phẩm công nghiệp đã tiêu thụ được trong kỳ, đã thu tiền hoặc chưa thu được tiền.
- Sản phẩm công nghiệp tồn kho: số sản phẩm công nghiệp đang ở trong kho chờ bán trong kỳ báo cáo. Không tính sản phẩm đã bán nhưng chưa xuất kho.
2. Nguồn số liệu:
Doanh nghiệp GTVT.
28. Giá trị sản phẩm công nghiệp tiêu thụ
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
- Giá trị sản phẩm công nghiệp tiêu thụ: tổng số tiền đã và sẽ thu được từ việc bán các sản phẩm công nghiệp trong kỳ báo cáo.
2. Nguồn số liệu:
Doanh nghiệp GTVT.
29. Chi và đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, xử lý và bảo vệ môi trường
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
- Đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: tổng số tiền chi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của doanh nghiệp.
Hoạt động khoa học và công nghệ bao gồm:
+ Nghiên cứu cơ bản, ứng dụng và phát triển khoa học tự nhiên;
+ Nghiên cứu cơ bản, ứng dụng và phát triển khoa học xã hội và nhân văn.
- Chi xử lý và bảo vệ môi trường: tổng số tiền chi cho các công việc nhằm phòng tránh và xử lý ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị gây xa.
2. Nguồn số liệu:
Doanh nghiệp GTVT.
30. Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
- Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu: tỷ lệ so sánh giữa tổng số lợi nhuận trước thuế thu được từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác trong năm của doanh nghiệp với vốn chủ sở hữu bình quân trong kỳ, phản ánh một đồng vốn chủ sở hữu sinh ra được bao nhiêu đồng lợi nhuận.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu | = | Lợi nhuận trước thuế |
Vốn chủ sở hữu bình quân trong kỳ |
Vốn chủ sở hữu bình quân trong kỳ | = | Vốn chủ sở hữu đầu năm + Vốn chủ sở hữu cuối năm |
2 |
2. Nguồn số liệu;
Doanh nghiệp GTVT.
31. Số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
Số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động: số người hiện đang làm việc trong đơn vị được tuyển dụng theo quy định của Nhà nước và có thời hạn ký hợp đồng lao động lớn hơn một năm. Không bao gồm những người được cử đi làm việc cho đơn vị khác trong thời gian lớn hơn một năm mà đơn vị không phải trả lương.
2. Nguồn số liệu:
Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT.
32. Thu nhập bình quân
1. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:
Thu nhập bình quân của một người lao động đang làm việc là tổng số tiền thu nhập thực tế tính bình quân một người lao động đang làm việc, thường được tính theo tháng, năm. Theo chế độ báo cáo hiện hành, thu nhập của người lao động khu vực nhà nước chỉ tính thu nhập của người lao động trong phạm vi một cơ quan/tổ chức/đơn vị hoặc doanh nghiệp chính, không tính các khoản thu nhập từ các nguồn của đơn vị khác.
2. Nguồn số liệu:
Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT./.
- 1 Quyết định 1504/QĐ-BGTVT năm 2013 về hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2 Quyết định 02/QĐ-BGTVT năm 2015 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải hết hiệu lực thi hành 6 tháng cuối năm 2014 do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3 Thông tư 48/2017/TT-BGTVT về quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê và chế độ báo cáo thống kê ngành Giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 4 Thông tư 48/2017/TT-BGTVT về quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê và chế độ báo cáo thống kê ngành Giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 1 Thông tư 14/2015/TT-BKHCN về Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 2 Thông tư 20/2013/TT-BTP hướng dẫn hoạt động thống kê của Ngành Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 3 Quyết định 2101/QĐ-BGTVT năm 2013 phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng công tác thống kê ngành Giao thông vận tải
- 4 Nghị định 107/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải
- 5 Quyết định 43/2010/QĐ-TTg ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Thông tư 14/2009/TT-BGTVT quy định báo cáo hoạt động và số liệu thống kê trong ngành hàng không dân dụng Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 7 Nghị định 40/2004/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thống kê
- 8 Luật Thống kê 2003
- 1 Thông tư 14/2009/TT-BGTVT quy định báo cáo hoạt động và số liệu thống kê trong ngành hàng không dân dụng Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2 Quyết định 1504/QĐ-BGTVT năm 2013 về hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3 Quyết định 2101/QĐ-BGTVT năm 2013 phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng công tác thống kê ngành Giao thông vận tải
- 4 Thông tư 20/2013/TT-BTP hướng dẫn hoạt động thống kê của Ngành Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 5 Quyết định 02/QĐ-BGTVT năm 2015 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải hết hiệu lực thi hành 6 tháng cuối năm 2014 do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 6 Thông tư 14/2015/TT-BKHCN về Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 7 Thông tư 48/2017/TT-BGTVT về quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê và chế độ báo cáo thống kê ngành Giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành