Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ QUỐC PHÒNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 414/2001/TT-BQP

Hà Nội, ngày 22 tháng 2 năm 2001

THÔNG TƯ

CỦA BỘ QUỐC PHÒNG SỐ 414/2001/TT-BQP NGÀY 22 THÁNG 2 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 20/2000/CT-TTG NGÀY 6/10/2000 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO, TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/CP NGÀY 12/3/1994 VỀ CÔNG TÁC QUỐC PHÒNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Ngày 06/10/2000 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/2000/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị định số 19/CP ngày 12/3/1994 của Chính phủ về công tác quốc phòng trong tình hình mới.

Để triển khai thực hiện Chỉ thị trên, Bộ Quốc phòng hướng dẫn một số nội dung chủ yếu sau:

1. Công tác Giáo dục quốc phòng.

- Giáo dục quốc phòng là nhiệm vụ cần thiết trước mắt và cũng là nhiệm vụ thường xuyên lâu dài đối với mọi đối tượng nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành và thế hệ trẻ. Các Bộ, ngành và các địa phương tổ chức, quán triệt kỹ và có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Chỉ thị số 62/CT-TW ngày 12 tháng 2 năm 2001 của Bộ Chính trị tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân trước tình hình mới. Tiếp tục tổ chức quán triệt sâu rộng Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VII), Nghị quyết của Bộ Chính trị về chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhiệm vụ quốc phòng an ninh được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX.

- Công tác Giáo dục quốc phòng phải được tiến hành thường xuyên bằng nhiều hình thức, phương pháp: giáo dục tập trung, giáo dục kết hợp trong các ngày lễ ngày truyền thống của Nhà nước và địa phương, tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với cán bộ công chức của Đảng, Nhà nước và học sinh, sinh viên cần thực hiện đúng, đủ và có chất lượng môn học Giáo dục quốc phòng theo chương trình quy định. Tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ các cấp; có nhận thức đúng đắn hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao cảnh giác cách mạng trong thời kỳ mới; đề phòng và khắc phục các khuynh hướng sai lệch, coi nhẹ nhiệm vụ quốc phòng an ninh, làm cho mọi người nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, phân biệt rõ đối tượng và đối tác; không mơ hồ, ảo tưởng về bản chất của chủ nghĩa đế quốc, đặc biệt trong điều kiện hợp tác mở rộng các quan hệ đối ngoại hiện nay.

- Các quân khu chỉ đạo các tỉnh tiến hành khảo sát phân tích, nắm chắc số cán bộ chưa được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng lập kế hoạch bồi dưỡng cho phù hợp.

Việc tổ chức, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng theo phân cấp:

Cán bộ lãnh đạo Bộ, ngành và lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung bồi dưỡng ở Học viện Quốc phòng.

Cán bộ sở, ban, ngành cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cán bộ lãnh đạo huyện, quận, thị xã và thành phố thuộc tỉnh tập trung bồi dưỡng ở quân khu.

Cán bộ ban, ngành huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và cán bộ lãnh đạo xã, phường, thị trấn tập trung bồi dưỡng ở các Trung tâm Giáo dục quốc phòng.

- Các trường Trung học phổ thông, Trung học chuyên nghiệp dạy nghề, cao đẳng và đại học, các Trung tâm Giáo dục quốc phòng triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục quốc phòng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động thương binh và xã hội ban hành cho từng cấp học.

Các cơ quan, đơn vị và nhà trường quân đội thực hiện trách nhiệm đối với môn học Giáo dục quốc phòng theo Chỉ thị số 1823/CT-QP ngày 14/10/1996 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

- Các quân khu chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương cùng với ngành Giáo dục đào tạo tổ chức tập huấn bồi dưỡng giáo trình mới cho đội ngũ giáo viên giáo dục quốc phòng. Cục Dân quân tự vệ phối hợp chặt chẽ với Vụ Giáo dục quốc phòng/bộ Giáo dục và Đào tạo giúp hai Bộ hướng dẫn chỉ đạo tiếp tục mở rộng và triển khai thành lập các Trung tâm giáo dục quốc phòng theo quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm GDQP ban hành theo Quyết định số 03/2001/QĐ ngày 6 tháng 2 năm 2001 của Bộ Giáo dục và đào tạo, trước mắt tổ chức các TTGDQP ở Hải Phòng (QK3), Tây Nguyên (QK5), Cần Thơ (QK9).

- Bộ Tổng Tham mưu (trực tiếp là Cục DQTV, Cục Nhà trường) giúp Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà trường quân đội, các cơ quan quân sự địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo triển khai thực hiện và theo dõi chỉ đạo các trường tổ chức học đủ nội dung, thời gian, bảo đảm chất lượng dạy và học theo quy định.

Cơ quan quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với sở Giáo dục và đào tạo chỉ đạo tổ chức hội thao Giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên từng trường hoặc cụm trường trong huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, nơi nào có điều kiện nên tổ chức hội thi học sinh giỏi và giáo viên giỏi cấp tỉnh về môn học giáo dục quốc phòng. Trong tổ chức hội thi phải bảo đảm tính khách quan, trung thực, chính xác, an toàn tuyệt đối và thiết thực dộng viên khuyến khích được người dạy, người học đối với môn học.

2- Xây dựng nền Quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế xã hội với củng cố quốc phòng an ninh.

Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Chỉ có xây dựng tốt mới có đủ tiềm lực để bảo vệ đổng thời có bảo vệ được đất nước thì mới có điều kiện hoà bình ổn định để thực hiện thắng lợi sự nghiệp Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vì vậy, đồng thời với việc tập trung xây dựng phát triển kinh tế, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nền kinh tế phải chú trọng củng cố và nâng cao chất lượng, sức mạnh của khu vực phòng thủ, chuẩn bi tiềm lực và sức mạnh về mọi mặt, phát huy sức mạnh tại chỗ của từng khu vực, từng địa phương.

Các ngành, các địa phương cần phải tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện các chỉ thị của Thủ Tướng Chính phủ về việc xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc và chỉ thị về tăng cường chỉ đạo xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, chú trọng:

- Làm cho mọi cấp, mọi ngành quán triệt kỹ chủ trương xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, đây là vấn đề có tính chiến lược lâu dài và là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Cần tập trung xây dựng về thế trận Quốc phòng an ninh, kết họp Quốc phòng-an ninh với kinh tế, kinh tế với Quốc phòng - an ninh nhất là các địa bàn trọng điểm kết hợp với các chương trình Quốc gia theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa. Các ngành, các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trong việc xây dưng và phát triển các khu kinh tế - Quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, các địa bàn trọng điểm, gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội vùng cao biên giới, chương trình phát triển kinh tế biển đảo, đánh cá xa bờ, chương trình trồng và bảo vệ rừng, chương trình quân dân y kết hợp.

- Trong việc phát triển kinh tế, kỹ thuật cũng như các lĩnh vực khác của nền kinh tế, cần chú ý vừa đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước thời bình vừa phải đáp ứng yêu cầu khi có chiến tranh xảy ra. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế xã hội với quốc phòng an ninh của đất nước. Trong việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các ngành, các lĩnh vực và của các cơ sở sản xuất công nghiệp phải chú trọng ngay từ thời bình gắn với quốc phòng an ninh, đạt được yêu cầu tăng cường khả năng quốc phòng và tiềm lực quân sự của Nhà nước, hình thành từng bước ngành công nghiệp quốc phòng của đất nước. Đây là đòi hỏi rất cần thiết cả trước mắt cũng như lâu dài.

- Các Bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn để nghiên cứu triển khai lập kế hoạch động viên kinh tế - xã hội nhằm bảo đảm nhu cầu quốc phòng từ khả năng của nền kinh tế quốc dân, khả năng của địa phương, đơn vị tại chỗ để sẵn sàng đáp ứng cho nhiệm vụ tác chiến phòng thủ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đồng thời từng bước nghiên cứu xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự. Chuyển địa phương từ thời bệnh sang thời chiến, tiếp tục tổ chức diều tra khảo sát các doanh nghiệp công nghiệp địa phương trên địa bàn để lựa chọn lên phương án xây dựng dây truyền sản xuất, sửa chữa các mặt hàng phục vụ quốc phòng. Củng cố duy trì dây truyền sản xuất đã xác định. Chuẩn bị tốt mọi mặt cho động viên nền kinh tế quốc dân phục vụ thời chiến khi có yêu cầu.

- Cần quan tâm đến việc điều chỉnh, bố trí dân cư, có chính sách điều tiết hướng luồng di dân tự do vào các mục tiêu phát triển kinh tế của từng vùng theo yêu cầu chiến lược kinh tế - quốc phòng. Có kế hoạch dầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, có chính sách ưuu tiên, tạo diều kiện để nhân dân yên tâm với nơi định cư mới. Hạn chế thấp nhất việc di dân tự do sẽ góp phần về quản lý, nắm chắc và ổn định tình hình. Xây dựng mô hình phát triển kinh tế quốc phòng kịp thời rút kinh nghiệm để tập trung chỉ đạo xây dựng cho phù hợp với từng địa bàn, từng ngành kinh tế.

- Tạo thế trận hậu cần vững chắc, xây dựng cơ sở hậu cần tại chỗ vững mạnh, làm nòng cốt bảo đảm hậu cần trên từng khu vực trong trường hợp bị chia cắt đồng thời phải tổ chức xây dựng các khu căn cứ hậu phương trên từng khu vực địa bàn chiến lược, dự trữ vật chất, kỹ thuật tạo nguồn bảo đảm dồi dào có phương thức bảo đảm thích hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

- Thường xuyên bổ sung hoàn chỉnh quyết tâm và kế hoạch tác chiến theo quy định. Tổ chức diễn tập theo phương án đã xác định nhất là các đia phương chưa diễn tập, các địa phương mới tái lập hoặc mới tách, đồng thời sẵn sàng tham gia diễn tập do Bộ Quốc phòng tổ chức. Khi có yêu cầu của địa phương cơ sở các Bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền tham gia diễn tập theo phương án ở cơ sở. Tích cực tham gia phòng, chống các tiêu cực, tệ nạn xã hội ở địa bàn cơ quan đơn vị đứng chân, xây dựng bảo vệ các công trình quốc phòng, công trình chiến đấu trên các địa bàn trọng điểm, các hang động tự nhiên có giá trị phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng.

Các cấp chính quyền địa phương và các ngành phải thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động phát hiện, đối phó và xử lý có hiệu quả đối với những vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị không để lan rộng kéo dài, nhất là xử lý vấn đề an ninh nông thôn, các vụ khiếu kiện, tố cáo và mâu thuẫn trong nội bộ ở địa phương, đặc biệt là những vụ khiếu kiện có đông người tham gia và những "điểm nóng", các vấn đề dân tộc, tôn giáo, những âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ đoàn kết dân tộc, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết và khôn khéo xử lý chính xác các tình huống, tích cực chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của địch ngay trong từng địa phương, từng đơn vị cơ sở và trên mọi lĩnh vực hoạt động.

3- Về xây dựng lực lượng vũ trang địa phương.

Các địa phương cần quan tâm chăm lo xây dựng tạo bước phát triển mới về chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu toàn diện của lực lượng vũ trang địa phương, trước hết là chất lượng chính trị.

- Chú trọng tổ chức lực lượng vũ trang phù hợp với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ của từng địa phương. Trong đó tập trung xây dựng cơ quan quân sự địa phương vững mạnh toàn diện có đủ số lượng, chất lượng cao đủ sức làm tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác quốc phòng theo Chỉ thị 917/1999/CT-BQP ngày 22/6/1999 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Việc sắp xếp cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác quốc phòng ở các Bộ, ngành thực hiện theo Thông tư số 93/TT-LB ngày 16/01/1995 của liên Bộ Quốc phòng và Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ. Các Bộ, ngành nghiên cứu lựa chọn sắp xếp những đồng chí có phẩm chất chính trị tốt, am hiểu công việc của ngành, có điều kiện ổn định công tác lâu dài; có kiến thức về quân sự, nhiệt tình và trách nhiệm làm tham mưu giúp lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác quốc phòng. Củng cố kiện toàn ban chỉ huy quân sự các doanh nghiệp và cán bộ chỉ huy lực lượng tự vệ ở cơ quan hành chính sự nghiệp.

- Khảo sát nghiên cứu sắp xếp lại tự vệ ở các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hoá cho phù hợp. Cơ quan hành chính sự nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội chưa có lực lượng tự vệ phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự địa phương để nghiên cứu, xác định số lượng, quy mô tổ chức tiến hành thành lập lực lượng tự vệ (chủ yếu thành lập lực lượng tự vệ tại chỗ) để bảo vệ cơ quan.

Các Bộ, ngành có các đơn vị thành viên liên doanh với nước ngoài tiến hành rà soát lại lực lượng tự vệ, nghiên cứu xác định số lượng, quy mô tổ chức phù hợp với tính chất sản xuất kinh doanh của từng loại hình. Những nơi còn vướng mắc do hiệp định ký kết, do luật đầu tư, do cơ chế... cần lập kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Cục Dân quân tự vệ, cơ quan quân sự địa phương khảo sát, hội thảo, nghiên cứu phương án đề xuất, kiến nghị với cơ quan có liên quan để tổ chức xây dựng lực lượng tự vệ.

Các nơi đã có lực lượng tự vệ chuyên ngành cần sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về chức năng, nhiệm vụ, hình thức quy mô, nội dung huấn luyện và hoạt động để tiếp tục phát triển thêm tổ chức tự vệ chuyên ngành khác.

- Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện Pháp lệnh về Dân quân tự vệ, tổ chức đăng ký công dân trong độ tuổi, tuyển chọn kết nạp vào lực lượng DQTV bảo đảm chất lượng ngay từ đầu vào, đồng thời rà soát lực lượng hiện có để củng cố tổ chức, thực hiện luân phiên, duy trì số lượng, quy mô phù hợp với tình hình của từng vùng, từng địa phương, cơ sở. Củng cố các phân đội phòng không Dân quân tự vệ hiện có, tổ chức xây dựng các phân đội mới theo quy định của Bộ Quốc phòng

- Thực hiện huấn luyện DQTV theo phương châm "cơ bản, thiết thực và chất lượng" sát với thực tế, thực hành huấn luyện theo chương trình quy định cho từng đối tượng. Chú trọng huấn luyện cho cán bộ lực lượng Dân quân tự vệ thường trực, cơ động, lực lượng binh chủng phù hợp với tổ chức, trang bị và sở trường cách đánh của Dân quân tự vệ. Chỉ đạo triển khai huấn luyện diễn tập theo phương án, diễn tập phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai và các sự cố khác. Từng bước tổ chức diễn tập thực nghiệm chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến có trọng điểm. Duy trì hoạt động tuần tra canh gác, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Dân quân tự vệ và thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác góp phần bảo vệ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương cơ sở.

- Đối với lực lượng Dự bị động viên phải thường xuyên theo dõi, đăng ký quản lý chặt chẽ quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật. Xây dựng đội ngũ sĩ quan dự bị và lực lượng Dự bị động viên có đủ số lượng và bảo đảm chất lượng. Tăng cường các biện pháp tạo nguồn; tổ chức huấn luyện, thực hành diễn tập động viên từng bước nâng cao chất lượng và khả năng động viên sẵn sàng chiến đấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

- Chỉ đạo và tổ chức sơ kết Pháp lệnh về Dân quân tự vệ và Pháp lệnh về Lực lượng Dự bị động viên, đánh giá kết quả làm được, chưa làm được, rút ra những bài học kinh nghiệm, xác định phương hướng, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiến nghị sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh về Dân quân tự vệ và Pháp lệnh về Lực lượng Dự bị động viên cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ quốc phòng và sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

- Thường xuyên tuyên truyền giáo dục để thực hiện tốt công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ và công tác tuyển sinh quân sự, có chính sách ưu tiên đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người thực hiện chính sách cử tuyển để các nơi này có thanh niên nhập ngũ, tạo điều kiện cho đi học các trường trong quân đội phục vụ lâu dài hoặc khi hết hạn phục vụ tại ngũ trở về địa phương sắp xếp vào đội ngũ cán bộ ở cơ sở.

4- Từng bước hoàn chỉnh hệ thông văn bản quy phạm pháp luật về công tác quốc phòng và sự quản lý Nhà nước về công tác quốc phòng.

- Cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng lập kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan giúp Chính phủ nghiên cứu soạn thảo mới, bổ sung, sửa đổi các văn bản về công tác quốc phòng. Các địa phương cần nghiên cứu đề xuất, kiến nghị để sửa đổi bổ sung. Các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan khi có kế hoạch của Bộ Quốc phòng cần phân công cán bộ để cùng Bộ Quốc phòng tham gia nghiên cứu giúp Chính phủ ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, kịp thời hướng dẫn tổ chức thực hiện. Chú trọng vào việc xây dựng Luật Quốc phòng, các Quy chế về quản lý biên giới, thềm lục địa và vùng biển..., nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Pháp lệnh về Dân quân tự vệ và Pháp lệnh về Lực lượng Dự bị động viên cho phù hợp với tình hình mới.

- Các Bộ, ngành, chủ động kiểm tra và phối hợp với Thanh tra Nhà nước định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra, thanh tra việc tổ chức thực hiện công tác quốc phòng. Hàng năm Thanh tra Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan của Bộ Quốc phòng phối hợp với Thanh tra Nhà nước, Thanh tra của các Bộ, ngành, các quân khu và Thanh tra Nhà nước cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thanh tra việc thực hiện công tác quốc phòng ở các Bộ, ngành và các địa phương.

- Trong tổ chức thực hiện phải coi trọng việc sơ kết, tổng kết chung hoặc từng nội dung để rút kinh nghiệm chỉ đạo; Kịp thời khen thưởng cho những tập thể và cá nhân có thành tích, đồng thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bộ Tổng Tham mưu có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với các Bộ ngành tổ chức thực hiện công tác quốc phòng. Cục Dân quân tự vệ giúp Bộ theo dõi tổng hợp việc quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị định số 19/CP ngày 12/3/1994 của Chính phủ và Chỉ thị 20/2000/CT-TTg ngày 06/10/2000 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quốc phòng.

Quá trình triển khai thực hiện có điểm nào còn vướng mắc hoậc chưa rõ, đề nghị các Bộ, các ngành và địa phương phản ánh về Bộ Quốc phòng để tiếp tục hướng dẫn cụ thể hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.

Lê Văn Dũng

(Đã ký)