Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 42-NV

Hà Nội, ngày 14 tháng 09 năm 1962

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC TRẢ PHỤ CẤP THƯƠNG TẬT VÀ PHỤ CẤP SẢN XUẤT HAY PHỤ CẤP AN DƯỠNG CHO THƯƠNG BINH, DÂN QUÂN, DU KÍCH, THANH NIÊN XUNG PHONG BỊ THƯƠNG TẬT .

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Kính gửi: Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố

Để thi hành các điều 6, 8, 26 của điều lệ ưu đãi thương binh, bệnh binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật do Thủ tướng Chính phủ ban hành bằng Nghị định số 980-TTg ngày 27/7/1956, trước đây Bộ thương binh và Bộ Nội vụ đã có các văn bản số 84-TB4 ngày 24/3/1958, số 2538-TB4 ngày 18/6/1958, số 8091-TBPV ngày 31/12/1959… hướng dẫn những trường hợp thương binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật được hưởng cả phụ cấp thương tật, và phụ cấp sản xuất hay phụ cấp an dưỡng và những trường hợp chỉ được hưởng phụ cấp thương tật, không hưởng phụ cấp sản xuất hay phụ cấp an dưỡng.

Đến nay, một số điểm trong các văn bản nói trên không còn thích hợp nữa, do đó, Bộ hướng dẫn lại như sau:

I. ĐƯỢC HƯỞNG CẢ PHỤ CẤP THƯƠNG TẬTVÀ PHỤ CẤP SẢN XUẤT HAY PHỤ CẤP AN DƯỠNG.

- Thương binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật về địa phương sản xuất hay an dưỡng.

- Thương binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật trước đây về địa phương sản xuất, rồi làm phụ động, hợp đồng, làm khoán, tạm tuyển ở các cơ quan, xí nghiệp, công nông, lâm trường…, làm việc hay sản xuất ở các cơ sở công tư hợp doanh (chưa thực hiện việc cải tiến chế độ tiền lương và áp dụng chế độ bảo hiểm xã hội theo quyết định số 26-CP ngày 15/2/1962 của Hội đồng Chính phủ) trong thời gian sáu tháng kể từ ngày làm việc.

- Thương binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật được thu nhận vào các trại an dưỡng của thương binh, trại an dưỡng, điều dưỡng của Bộ Y tế và Bộ Lao động (điều hai Nghị định số 13-CP ngày 02/02/1962 của Hội đồng Chính phủ).

II. CHỈ ĐƯỢC HƯỞNG PHỤ CẤP THƯƠNG TẬT,KHÔNG HƯỞNG PHỤ CẤP SẢN XUẤT HAY PHỤ CẤP AN DƯỠNG.

Những thương binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật:

- Còn tại ngũ, công tác hay sản xuất ở các cơ quan, xí nghiệp, công nông lâm trường quốc doanh và công tư hợp doanh (đã thực hiện cải tiến chế độ tiền lương và áp dụng chế độ bảo hiểm xã hội).

- Đi học, đã được trợ cấp toàn phần học bổng hay sinh hoạt phí học nghề;

- Làm giáo viên các lớp phổ thông dân lập;

- Đã được hưởng một chế độ trợ cấp vì bị mất sức lao động, như trợ cấp an dưỡng lưu động đối với cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết, trợ cấp mất sức lao động của quân nhân phục vụ…

- Làm phụ động, hợp đồng, làm khoán, tạm tuyển ở các cơ quan, xí nghiệp, công nông lâm trường…, làm việc hay sản xuất ở các cơ sở công tư hợp doanh (chưa cải tiến chế độ tiền lương và chưa áp dụng chế độ bảo hiểm xã hội) từ tháng thứ bảy trở đi.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.

Việc trả phụ cấp thương tật, phụ cấp sản xuất hay phụ cấp an dưỡng cho thương binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật theo hướng dẫn trên đây được thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 1962. Những điểm trong các văn bản cũ trái với hướng dẫn trong thông tư này, đều bãi bỏ.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Tô Quang Đẩu