BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43/1998/TT-BTC | Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 1998 |
Căn cứ các luật thuế, Pháp lệnh thuế hiện hành;
Thi hành Điều 42 Nghị định số 07/1998/NĐ-CP ngày 15/01/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi), Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện miễn thuế, giảm thuế quy định tại Nghị định này như sau:
Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 3 Nghị định số 07/1998/NĐ-CP ngày 15/01/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi), bao gồm:
I. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế:
- Doanh nghiệp Nhà nước;
- Doanh nghiệp của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp;
- Hợp tác xã;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần;
- Doanh nghiệp tư nhân;
- Cá nhân, nhóm kinh doanh hoạt động theo Nghị định số 66-HĐBT ngày 02/3/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
II. Doanh nghiệp do người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
III. Doanh nghiệp do người nước ngoài cư trú lâu dài ở Việt Nam đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
IV. Doanh nghiệp do công dân Việt Nam cùng thành lập với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, với người nước ngoài cư trú lâu dài tại Việt Nam.
V. Tổ chức, công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài cư trú lâu dài ở Việt Nam mua cổ phần hoặc góp vốn vào các doanh nghiệp trong nước, kể cả các doanh nghiệp Nhà nước được đa dạng hoá sở hữu hoặc các quĩ đầu tư tự chủ tài chính.
Các đối tượng nêu tại mục I, II, III, IV phần A Thông tư này chỉ được hưởng ưu đãi về thuế theo quy định của Nghị định số 07/1998/NĐ-CP và hướng dẫn tại phần B Thông tư này khi:
- Hoạt động đúng ngành nghề đã đăng ký kinh doanh.
- Đã đăng ký nộp thuế.
B. HƯỚNG DẪN VIỆC THỰC HIỆN MIỄN THUẾ, GIẢM THUẾ
Các cơ sở sản xuất, vận tải, thương mại, dịch vụ có dự án đầu tư thành lập và phát triển cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Nghị định số 07/1998/NĐ-CP được hưởng các mức ưu đãi miễn thuế, giảm thuế doanh thu, thuế lợi tức theo quy định tại các Điều 31, 32, 33, 34 của Nghị định số 07/1998/NĐ-CP. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện việc đăng ký thuế và đồng thời gửi hồ sơ đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý đề nghị được hưởng các mức ưu đãi về thuế đã ghi trong Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư.
1. Hồ sơ gồm có:
- Quyết định thành lập (nếu có) và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao có công chứng hoặc bản sao có ký tên đóng dấu của doanh nghiệp).
- Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư do Bộ Kế hoạch và đầu tư hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương cấp (bản sao có công chứng hoặc bản sao có ký tên và đóng dấu của doanh nghiệp).
- Tờ khai đăng ký thuế.
- Đơn đề nghị được hưởng các mức ưu đãi về thuế đã ghi trong Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư có đầy đủ chữ ký của người đại diện hợp pháp và con dấu của đơn vị (nếu có).
Trong thời hạn tối đa 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thuế trực tiếp quản lý phải ra thông báo về việc thực hiện mức miễn thuế, giảm thuế và thời hạn được miễn thuế, giảm thuế đã ghi trong Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư. Trường hợp kiểm tra hồ sơ của đơn vị không hợp lệ hoặc không đúng đối tượng quy định của Nghị định số 07/1998/NĐ-CP và hướng dẫn tại phần A Thông tư này, thì trong thời hạn chậm nhất là 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thuế phải thông báo cho đơn vị biết.
2. Thực hiện việc miễn thuế, giảm thuế hàng năm: Việc giảm thuế doanh thu; miễn thuế, giảm thuế lợi tức cho các dự án đầu tư thành lập và phát triển cơ sở sản xuất, kinh doanh do cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở thực hiện khi quyết toán thuế hàng năm. Hàng tháng trong năm được miễn thuế, giảm thuế cơ sở sản xuất, kinh doanh tạm thời kê khai và nộp thuế theo mức thuế ưu đãi đã ghi trong giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư. Hết năm khi quyết toán thuế cơ quan thuế thông báo chính thức về số thuế phải nộp, số thuế được miễn, giảm theo Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư. Nếu số thuế cơ sở đã nộp trong năm chưa đủ so với số thuế phải nộp ghi trong thông báo thì cơ sở phải nộp đủ số thuế còn thiếu theo đúng thời hạn ghi trong thông báo thuế, trường hợp cơ sở trong năm nộp thừa so với số thuế ghi trong thông báo thì được trừ vào số thuế phải nộp của kỳ tiếp theo. Trong quá trình kiểm tra quyết toán thuế nếu phát hiện cơ sở có hành vi khai man, trốn thuế thì ngoài việc truy thu thuế và xử phạt theo luật định, số thuế cơ sở phải nộp do bị truy thu không được miễn thuế, giảm thuế theo Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư.
Đối với các dự án đầu tư đang được hưởng ưu đãi về miễn thuế, giảm thuế doanh thu và thuế lợi tức theo quy định tại các Điều 16, 17, 18, 19 Nghị định số 29/CP ngày 12/5/1995 của Chính phủ thì vẫn tiếp tục được hưởng các mức ưu đãi về thuế cho đến hết thời gian còn lại đã ghi trong Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đã cấp và việc thực hiện miễn thuế, giảm thuế theo hướng dẫn tại Mục I, Phần B Thông tư này.
Đối với các dự án đầu tư thành lập và phát triển cơ sở sản xuất, kinh doanh nhưng không đủ điều kiện được hưởng ưu đãi về thuế doanh thu, thuế lợi tức theo quy định của Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) và Nghị định số 07/1998/NĐ-CP ngày 15-01-1998, thì không thuộc phạm vi áp dụng của Thông tư này. Việc miễn thuế, giảm thuế cho các đối tượng này vẫn thực hiện theo quy định của Luật thuế doanh thu, Luật thuế lợi tức hiện hành.
- Có thực chi về đầu tư, không kể số thực chi từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn tự bổ sung: vốn đầu tư xây dựng cơ bản, quĩ đầu tư phát triển, khấu hao cơ bản.
- Việc đầu tư phải gắn với hiệu quả kinh tế thể hiện ở số lợi nhuận của năm sau cao hơn năm trước (năm đầu tư).
Đối với các khoản lợi nhuận thu được trong năm, nếu doanh nghiệp đã thực chi để tái đầu tư theo dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì không tính vào lợi nhuận chịu thuế trong năm.
Trong năm được xét miễn thuế, cơ sở sản xuất, kinh doanh nêu tại Mục II.B Thông tư này được tạm giữ lại một phần số thuế lợi tức phải nộp, nhưng không quá 50% số thuế lợi tức của phần lợi nhuận tăng thêm theo dự án đầu tư và không quá 30% số thuế lợi tức phải nộp theo kế hoạch năm của cơ sở. Hết năm khi quyết toán thuế cơ quan thuế kiểm tra đối chiếu với các điều kiện trên để ra thông báo về việc miễn thuế hoặc lý do từ chối thực hiện miễn thuế cho cơ sở. Trường hợp cơ sở được miễn thuế thì số thuế tạm nộp thừa trong năm của cơ sở được trừ vào số thuế phải nộp của kỳ sau.
Ví dụ:
Công ty A năm 1997 huy động vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Tổng lợi nhuận chịu thuế thực hiện năm 1997 là 500 triệu đồng và tổng lợi nhuận chịu thuế thực hiện năm 1998 là 600 triệu đồng. Như vậy, phần lợi nhuận tăng thêm được miễn thuế là 100 triệu đồng.
- Cũng ví dụ trên nếu công ty A trong năm 1998 đã sử dụng 50 triệu đồng từ lợi nhuận thực hiện để chi tái đầu tư theo dự án đầu tư đã được duyệt thì phần lợi nhuận này không tính vào lợi nhuận chịu thuế. Khi đó tổng lợi nhuận chịu thuế năm 1998 là 550 triệu đồng và phần lợi nhuận tăng thêm được miễn thuế là 50 triệu đồng.
Theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 07/1998/NĐ-CP thì: Tổ chức, công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài cư trú lâu dài ở Việt Nam mua cổ phần hoặc góp vốn vào các doanh nghiệp trong nước, kể cả các doanh nghiệp Nhà nước được đa dạng hoá sở hữu hoặc các quĩ đầu tư tự chủ tài chính, được miễn thuế lợi tức hoặc thuế thu nhập cá nhân, kể cả thuế thu nhập bổ sung (nếu có) đối với phần lợi nhuận được hưởng trong thời hạn ba năm liên tục kể từ khi được hưởng lần đầu. Thời hạn miễn thuế được xác định theo năm tài chính của các doanh nghiệp hoặc quĩ đầu tư tự chủ tài chính nêu trên. Để thực hiện được việc miễn thuế theo quy định trên thì doanh nghiệp hoặc quỹ đầu tư tự chủ tài chính khi chia lãi cho các tổ chức, cá nhân mua cổ phần hoặc góp vốn phải có quyết định chia lãi, trong đó ghi rõ các nội dung:
- Thời gian bắt đầu mua cổ phần hoặc góp vốn.
- Mức mua cổ phần hoặc góp vốn.
- Số lần chia lãi và mức lãi được chia của mỗi lần cho từng tổ chức, cá nhân mua cổ phần hoặc góp vốn.
Quyết định chia lãi phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của doanh nghiệp hoặc quỹ đầu tư tự chủ tài chính làm căn cứ để cơ quan thuế thực hiện miễn thuế cho các tổ chức, cá nhân mua cổ phần hoặc góp vốn.
Cơ quan thuế chỉ thực hiện miễn thuế cho tổ chức, cá nhân xuất trình được quyết định chia lãi của doanh nghiệp hoặc quỹ đầu tư (bản sao có công chứng hoặc bản sao có ký tên đóng dấu của doanh nghiệp) và miễn thuế riêng đối với từng khoản vốn góp hoặc cổ phần của tổ chức, cá nhân.
Cơ quan thuế trực tiếp quản lý việc nộp thuế lợi tức hoặc thuế thu nhập cá nhân của tổ chức, cá nhân mua cổ phần hoặc góp vốn thực hiện việc miễn thuế lợi tức hoặc thuế thu nhập cá nhân đối với phần lợi nhuận được chia và phải ra thông báo về số thuế được miễn chính thức khi quyết toán thuế hàng năm.
Ví dụ:
Công ty A có hai khoản cổ phần mua của Công ty B và Công ty C. Khoản cổ phần mua của Công ty B tháng 02/1998 và được chia lãi ngay trong năm 1998. Khoản cổ phần mua của Công ty C tháng 6/1998, nhưng năm 1998 không có lãi, đến năm 1999 mới được chia lãi lần đầu. Việc miễn thuế đối với từng khoản cổ phần nêu trên được thực hiện như sau: - Miễn thuế lợi tức trong thời hạn 03 năm liên tục 1998, 1999, 2000 đối với lợi nhuận được hưởng từ khoản cổ phần mua của Công ty B.
- Miễn thuế lợi tức trong thời hạn 03 năm liên tục 1999, 2000, 2001 đối với lợi nhuận được hưởng từ khoản cổ phần mua của Công ty C.
IV. Giảm thuế tài nguyên theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 07/1998/NĐ-CP.
Theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 07/1998/NĐ-CP thì: các đối tượng nêu tại mục I, II, III, IV của phần A Thông tư này có dự án đầu tư thuộc danh mục A thực hiện tại các vùng thuộc danh mục B hoặc tại các vùng thuộc danh mục C ban hành kèm theo Nghị định số 07/1998/NĐ-CP nêu trên nếu có khai thác tài nguyên khoáng sản (trừ dầu khí) được giảm 50% số thuế tài nguyên phải nộp trong năm trong thời hạn 03 năm đầu tiên kể từ khi bắt đầu khai thác.
Căn cứ Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở khai thác thực hiện giảm thuế tài nguyên cho cơ sở khi quyết toán thuế hàng năm. Trong năm giảm thuế, cơ sở khai thác vẫn phải nộp đủ số thuế tài nguyên phải nộp. Hết năm khi quyết toán thuế cơ quan thuế ra thông báo về số thuế được giảm chính thức. Số thuế tài nguyên được giảm chính thức sẽ được trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp của kỳ nộp thuế tiếp sau của cơ sở.
Đối với các dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư trước ngày Nghị định số 07/1998/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, nếu tính từ ngày bắt đầu khai thác tài nguyên khoáng sản đến ngày Nghị định 07/1998/NĐ-CP có hiệu lực mà chưa đến 03 năm, thì được giảm thuế tài nguyên cho khoảng thời gian ưu đãi còn lại.
Ví dụ:
Công ty X được cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư tháng 02/1996 có dự án xây dựng đường giao thông (Danh mục A) tại huyện Ba Chẽ - Quảng Ninh (danh mục B) và có khai thác đá để thực hiện dự án trên từ tháng 4/1997 (lần đầu tiên khai thác tài nguyên khoáng sản) thì được giảm thuế tài nguyên cho khoảng thời gian còn lại như sau:
Giảm 50% số thuế tài nguyên phải nộp từ tháng 02/1998 đến ngày 31 tháng 4/2000 (Nghị định số 07/1998/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/2/1998).
Trong cùng thời gian, nếu doanh nghiệp có dự án đầu tư vừa được giảm thuế tài nguyên theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 07/1998/NĐ-CP, vừa được miễn thuế, giảm thuế tài nguyên theo quy định của Pháp lệnh thuế tài nguyên thì chỉ được miễn thuế, giảm thuế theo một trong hai quy định trên.
Việc miễn, giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp theo quy định tại Điều 27, 28 của Nghị định số 07/1998/NĐ-CP do cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp thực hiện khi quyết toán thuế. Hàng năm, trong thời gian miễn, giảm tiền thuê đất khi quyết toán thuế, cơ quan thuế phải thông báo số tiền thuê đất được miễn, giảm cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh vào các ngành thuộc danh mục A tại Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thì cơ quan thuế thông báo giảm 50% tiền thuê mặt bằng theo nguyên giá mà Nhà nước cho thuê, không bao gồm giá trị các công trình hạ tầng của các công ty phát triển hạ tầng. Thông báo của cơ quan thuế là văn bản có giá trị pháp lý để doanh nghiệp khấu trừ vào số tiền thuê phải trả cho công ty phát triển hạ tầng trong nước theo hợp đồng thuê ký kết giữa hai bên.
Đối với doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư trước ngày 01/2/1998 (ngày Nghị định số 07/1998/NĐ-CP có hiệu lực) thì được áp dụng việc miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định tại Điều 27, 28 của Nghị định số 07/1998/NĐ-CP cho khoảng thời gian ưu đãi còn lại kể từ ngày 01/02/1998.
Trong cùng thời gian, nếu doanh nghiệp thuộc đối tượng miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định tại Điều 27, 28 Nghị định số 07/1998/NĐ-CP, vừa thuộc đối tượng miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 85/CP ngày 17/12/1996 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, thì chỉ được miễn, giảm theo một trong hai quy định trên.
1. Việc miễn thuế nhập khẩu một lần đối với các thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải cho các dự án đầu tư quy định tại khoản 1, Điều 37 của Nghị định số 07/1998/NĐ-CP được thực hiện như sau:
Căn cứ Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, cơ sở sản xuất kinh doanh đã được cấp giấy phép thành lập hoặc được điều chỉnh mở rộng qui mô sản xuất, kinh doanh, thay thế, đổi mới công nghệ phải có giải trình kinh tế - kỹ thuật trong đó ghi rõ số lượng, danh mục máy móc thiết bị, phương tiện vận tải nhập khẩu theo từng mục đích nêu tại khoản 1, Điều 37 Nghị định số 07/1998/NĐ-CP và gửi Bộ thương mại xét quyết định danh mục miễn thuế cụ thể.
Căn cứ danh mục máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải nhập khẩu miễn thuế một lần theo quy định tại khoản 1, Điều 37 của Nghị định số 07/1998/NĐ-CP do Bộ Thương mại cấp cho từng cơ sở, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc miễn thuế cho các cơ sở khi thực tế nhập khẩu (trường hợp nhập khẩu uỷ thác thì cơ quan hải quan yêu cầu cơ sở nhập khẩu uỷ thác xuất trình hợp đồng uỷ thác trong đó ghi rõ danh mục máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải phù hợp với danh mục được miễn thuế của Bộ Thương mại).
2. Miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2, Điều 37 Nghị định số 07/1998/NĐ-CP:
Căn cứ Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, các doanh nghiệp có dự án đầu tư thành lập và phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh đã được cấp giấy phép thành lập hoặc đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh, khi có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để hình thành tài sản cố định phải lập kế hoạch nhập khẩu, ghi rõ danh mục nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo các mục đích nêu tại khoản 2, Điều 37 Nghị định số 07/1998/NĐ-CP và gửi Bộ Thương mại xét duyệt danh mục miễn thuế theo từng mục đích cụ thể. (Riêng đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo khoản 2.b, Điều 37 nêu trên thì doanh nghiệp phải có xác nhận của Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường).
Căn cứ kế hoạch nhập khẩu của doanh nghiệp và danh mục nguyên liệu, vật tư nhập khẩu miễn thuế nhập khẩu do Bộ Thương mại cấp cho doanh nghiệp, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện miễn thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp khi thực tế nhập khẩu. Định kỳ hàng quí các Cục Hải quan phải tập hợp kim ngạch nhập khẩu và số lượng hàng nhập khẩu miễn thuế cho các doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 37 của Nghị định số 07/1998/NĐ-CP báo cáo về Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan.
Hàng nhập khẩu miễn thuế trong các trường hợp trên, nếu sử dụng vào mục đích khác hoặc được phép nhượng bán lại thì phải truy nộp số thuế nhập khẩu đã được miễn vào Ngân sách Nhà nước. Số thuế nhập khẩu truy nộp được xác định trên cơ sở thuế suất, giá tính thuế, tỷ giá theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tại thời điểm nhượng bán hoặc sử dụng vào mục đích khác. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày nhượng bán hoặc sử dụng hàng nhập khẩu vào mục đích khác, doanh nghiệp phải khai báo với cơ quan hải quan nơi doanh nghiệp đăng ký tờ khai nhập khẩu hàng hoá hoặc cơ quan hải quan nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, hoặc cơ quan hải quan nơi nhượng bán hàng hoá. Quá thời hạn trên mà doanh nghiệp không khai báo, nếu bị phát hiện thì ngoài việc phải truy nộp số thuế nhập khẩu được miễn, còn bị bị xử phạt theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp có trách nhiệm giám sát việc sử dụng hàng nhập khẩu miễn thuế trong các trường hợp trên, nếu phát hiện việc sử dụng hàng nhập khẩu sai mục đích thì ngoài việc thu thuế doanh thu, thuế lợi tức (nếu có) theo quy định của Luật thuế doanh thu, Luật thuế lợi tức, còn được quyền ra quyết định truy thu thuế nhập khẩu và xử phạt theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; trường hợp việc truy thu thuế nhập khẩu không thuộc thẩm quyền của mình, thì phải chuyển hồ sơ lên cơ quan thuế cấp trên giải quyết.
3. Việc hoàn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, bộ phận rời, phụ tùng và vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu quy định tại Điều 37 Nghị định số 07/1998/NĐ-CP được thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 1.1 Thông tư số 84/1997/TT/BTC ngày 13/11/1997 hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm trong các Thông tư số 72 A/TC-TCT ngày 30/8/1993, số 107 TC/TCT ngày 30/12/1993 và số 53 TC/TCT ngày 13/7/1995 của Bộ Tài chính về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
4. Bằng sáng chế, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật dùng để góp vốn được miễn các loại thuế liên quan đến chuyển giao công nghệ.
Đối với các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư trước ngày 01/2/1998 (ngày Nghị định số 07/1998/NĐ-CP có hiệu lực) thì được áp dụng việc miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại Điều 37 của Nghị định số 07/1998/NĐ-CP và hướng dẫn tại Mục VI, Phần B Thông tư này cho khoảng thời gian ưu đãi còn lại, kể từ ngày 01/2/1998.
VII. Thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài bỏ vốn đầu tư theo hình thức quy định tại Điều 2 Nghị định số 07/1998/NĐ-CP, người nước ngoài cư trú lâu dài ở Việt Nam mua cổ phần, gọi vốn, tăng vốn hoặc góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 2 của Nghị định số 07/1998/NĐ-CP, khi chuyển lợi nhuận thu được ra nước ngoài chỉ phải nộp một khoản thuế bằng 05% số tiền chuyển ra nước ngoài.
Cách xác định số thuế phải nộp, thủ tục nộp thuế được áp dụng thực hiện theo điểm 2, điểm 3 Mục II, Phần thứ II Thông tư số 74TC/TCT ngày 20/10/1997 hướng dẫn thực hiện quy định về thuế đối với hình thức đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Sau khi được hưởng các mức ưu đãi về thuế theo quy định tại Nghị định số 07/1998/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này, nếu có sự thay đổi chủ đầu tư thì chủ đầu tư mới vẫn tiếp tục được hưởng mức ưu đãi miễn thuế, giảm thuế đã ghi trong Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho khoảng thời gian còn lại và có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của chủ đầu tư cũ để được hưởng ưu đãi miễn thuế, giảm thuế.
Trường hợp đã được hưởng ưu đãi về thuế theo những điều kiện đã đăng ký của dự án đã đầu tư, nhưng trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư có sự thay đổi về những điều kiện đã đăng ký dẫn đến thay đổi mức ưu đãi thuế theo Nghị định số 07/1998/NĐ-CP thì chậm nhất trong thời hạn 05 ngày, chủ đầu tư phải khai báo với cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho phù hợp.
Chủ đầu tư có hành vi gian dối để được hưởng ưu đãi về thuế, hoặc khi thay đổi điều kiện đầu tư cố ý không khai báo để được hưởng mức ưu đãi về thuế cao hơn, thì ngoài việc hoàn trả các khoản thuế đã được ưu đãi, tuỳ theo mức độ vi phạm mà chủ đầu tư phải bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm sai theo hướng dẫn của Thông tư này gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước, các điều kiện mà chủ đầu tư đã đăng ký đối với từng dự án thuộc địa bàn quản lý có liên quan đến chế độ ưu đãi miễn thuế, giảm thuế, một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án; mặt khác kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi lợi dụng để trốn lậu thuế. Cơ quan thuế phải lập sổ sách theo dõi, lưu giữ đầy đủ các tài liệu liên quan đến việc xét miễn, giảm thuế cho từng dự án đầu tư và định kỳ hàng quý, năm phải báo cáo về Tổng cục Thuế số thuế đã tạm thời miễn, giảm, số thuế thực tế miễn, giảm cho đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 07/1998/NĐ-CP của Chính phủ.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 3 năm 1998 và thay thế Thông tư số 94 TC/TCT ngày 22/12/1995 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục, trình tự, thẩm quyền xét miễn, giảm thuế theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước và Nghị định số 29/CP ngày 12/5/1995 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước.
Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì vướng mắc, các cơ sở, các ngành, các địa phương phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu hướng dẫn bổ sung.
Vũ Mộng Giao (Đã Ký) |
- 1 Quyết định 113/2000/QĐ-BTC công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật bị bãi bỏ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2 Thông tư 94-TC/TCT-1995 hướng dẫn thủ tục, trình tự, thẩm quyền xét miễn, giảm thuế theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước và Nghị định 29-CP năm 1995 thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước do Bộ Tài chính ban hành
- 3 Thông tư 146/1999/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc miễn, giảm thuế theo Nghị định 51/1999/NĐ-CP thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) năm 1998 do Bộ Tài Chính ban hành
- 4 Thông tư 146/1999/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc miễn, giảm thuế theo Nghị định 51/1999/NĐ-CP thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) năm 1998 do Bộ Tài Chính ban hành
- 1 Công văn số 19TCT/DNK về việc ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong trường hợp sử dụng nhiều lao động do Tổng cục Thuế ban hành
- 2 Công văn 1582-TCHQ/KTTT của Tổng cục Hải quan về việc thuế nhập khẩu đối với các dự án đầu tư trong nước
- 3 Nghị định 07/1998/NĐ-CP Hướng dẫn Luật khuyến khích đầu tư trong nước sửa đổi
- 4 Thông tư 84/1997/TT-BTC sửa đổi Thông tư 72A-TC/CT-1993, số 107-TC/TCT-1993 và số 53-TC/TCT-1995 về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành
- 5 Thông tư 94-TC/TCT-1995 hướng dẫn thủ tục, trình tự, thẩm quyền xét miễn, giảm thuế theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước và Nghị định 29-CP năm 1995 thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước do Bộ Tài chính ban hành
- 6 Thông tư 53-TC/TCT-1995 hướng dẫn thủ tục hồ sơ và giải quyết việc hoàn thuế nhập khẩu nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu do Bộ tài chính ban hành
- 7 Nghị định 29/CP năm 1995 Hướng dẫn Luật khuyến khích đầu tư trong nước
- 8 Thông tư 107-TC/TCT năm 1993 hướng dẫn chính sách thuế đối với các cửa hàng bán hàng miễn thuế tại các cảng biển, sân bay quốc tế tại Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành
- 9 Thông tư 72A-TC/TCT năm 1993 hướng dẫn thi hành NĐ 54/CP 1993 thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi do Bộ Tài chính ban hành
- 1 Quyết định 113/2000/QĐ-BTC công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật bị bãi bỏ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2 Thông tư 94-TC/TCT-1995 hướng dẫn thủ tục, trình tự, thẩm quyền xét miễn, giảm thuế theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước và Nghị định 29-CP năm 1995 thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước do Bộ Tài chính ban hành
- 3 Thông tư 146/1999/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc miễn, giảm thuế theo Nghị định 51/1999/NĐ-CP thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) năm 1998 do Bộ Tài Chính ban hành
- 4 Công văn số 19TCT/DNK về việc ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong trường hợp sử dụng nhiều lao động do Tổng cục Thuế ban hành