Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/2016/TT-BQP

Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 2016

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TUYẾN CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH; ĐĂNG KÝ VÀ CHUYỂN TUYẾN KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH ĐỐI VỚI CÁC ĐỐI TƯỢNG THUỘC BỘ QUỐC PHÒNG QUẢN LÝ

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13 ngày 13 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh;

Căn cứ Nghị định số 70/2015/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu;

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quân y Bộ Quốc phòng,

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư Quy định tuyến chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh; đăng ký và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định tuyến chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh; danh mục kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh; chỉ đạo, hỗ trợ tuyến về chuyên môn kỹ thuật; đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (sau đây gọi chung là quân nhân), công nhân, viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng quản lý.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng quản lý.

2. Quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng đang công tác, học tập tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng khi đi khám bệnh, chữa bệnh.

3. Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu (sau đây gọi chung là người làm việc trong tổ chức cơ yếu).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Phân tuyến chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh là việc phân loại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành các nhóm tương đồng nhau về chuyên môn nghiệp vụ và được xếp chung trong một hệ thống theo trình tự từ cao đến thấp.

2. Hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng quản lý được phân thành 4 tuyến chuyên môn kỹ thuật, đồng thời cũng là tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, gồm:

a) Tuyến 1 tương đương cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trung ương;

b) Tuyến 2 tương đương cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

c) Tuyến 3 tương đương cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

d) Tuyến 4 tương đương cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, phường, thị trấn.

3. Đăng ký tuyến khám bệnh, chữa bệnh là việc các đơn vị và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Quân đội liên hệ, đăng ký với cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên để đưa cán bộ, chiến sĩ, nhân viên thuộc đơn vị mình khi bị ốm đau, bệnh tật đến khám bệnh, chữa bệnh hoặc để chuyển bệnh nhân khi có chỉ định.

4. Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu đối với người tham gia bảo hiểm y tế là việc cá nhân người đó lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các quy định của Thông tư này để đến khám và điều trị.

5. Danh mục kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh là tên các kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh được thống nhất theo quy định chung của Bộ Y tế.

Chương II

QUY ĐỊNH TUYẾN CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Mục 1. PHÂN TUYẾN CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Điều 4. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Tuyến 1

1. Bệnh viện hạng đặc biệt.

2. Bệnh viện hạng I trực thuộc Bộ Quốc phòng

a) Bệnh viện quân y 175;

b) Viện Y học cổ truyền Quân đội.

3. Bệnh viện hạng I trực thuộc Học viện Quân y

a) Bệnh viện quân y 103;

b) Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác.

Điều 5. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Tuyến 2

1. Bệnh viện hạng I trực thuộc Tổng cục Hậu cần

a) Bệnh viện quân y 354;

b) Bệnh viện quân y 105;

c) Bệnh viện quân y 87.

2. Bệnh viện hạng I trực thuộc Cục Quân y: Viện Y học Phóng xạ và U bướu Quân đội.

3. Bệnh viện hạng I trực thuộc các quân khu, quân đoàn

a) Bệnh viện quân y 110/Quân khu 1;

b) Bệnh viện quân y 17/Quân khu 5;

c) Bệnh viện quân y 7A/Quân khu 7;

d) Bệnh viện quân y 121/Quân khu 9;

đ) Bệnh viện quân y 211/Quân đoàn 3.

4. Bệnh viện quân y hạng II; bệnh viện quân - dân y hạng II.

Điều 6. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Tuyến 3

1. Bệnh xá quân y; bệnh xá quân - dân y.

2. Đội Điều trị.

3. Bệnh viện quân y và bệnh viện quân - dân y hạng III, hạng IV hoặc chưa xếp hạng.

4. Cơ sở 2 của bệnh viện thuộc tuyến 2 không nằm trên cùng địa bàn huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

5. Phòng khám đa khoa thuộc các cơ sở y học dự phòng Quân đội hạng I, hạng II.

6. Phòng khám đa khoa; phòng khám chuyên khoa; khoa đa khoa trực thuộc các bệnh viện hoặc trực thuộc cấp quân khu và tương đương.

7. Trung tâm y tế quân - dân y.

8. Bệnh xá Ban Cơ yếu Chính phủ.

Điều 7. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Tuyến 4

1. Quân y đơn vị cấp tiểu đoàn.

2. Quân y các đơn vị tương tương cấp tiểu đoàn có bố trí bác sĩ, y sĩ, gồm: đại đội độc lập, đồn biên phòng, đảo không có bệnh xá, kho, trạm, trận địa, nhà giàn DK...

3. Quân y cơ quan cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng; quân y cơ quan trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn; quân y hiệu bộ các học viện, nhà trường; quân y nhà máy, xí nghiệp quốc phòng...

4. Tổ quân y có giường lưu.

5. Trạm y tế quân - dân y; phòng khám quân - dân y.

Mục 2. ĐĂNG KÝ TUYẾN, CHUYỂN TUYẾN KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Điều 8. Nguyên tắc đăng ký tuyến, chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh

1. Thuận lợi cho quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu khi đi khám bệnh, chữa bệnh.

2. Thuận lợi cho các đơn vị trong quản lý quân số và quản lý sức khỏe.

3. Phù hợp với phân cấp bậc thang điều trị của hệ thống ngành Quân y.

4. Phù hợp với hệ thống tổ chức các đơn vị Quân đội từ tuyến tiểu đoàn đến Bộ Quốc phòng.

5. Phù hợp địa bàn đơn vị đóng quân.

Điều 9. Đăng ký tuyến khám bệnh, chữa bệnh

1. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc tuyến dưới có trách nhiệm tham mưu cho Thủ trưởng đơn vị làm thủ tục đăng ký tuyến khám bệnh, chữa bệnh với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc tuyến chuyên môn kỹ thuật cao hơn theo thứ tự từ tuyến 4 lên đến tuyến 1; trường hợp tuyến dưới và tuyến trên liền kề cùng nằm trong một đơn vị không cần làm thủ tục đăng ký tuyến.

2. Đăng ký vượt tuyến

a) Đăng ký vượt tuyến là việc đăng ký tuyến khám bệnh, chữa bệnh không theo trình tự quy định tại Khoản 1 Điều này, tuyến 4 đăng ký tuyến với tuyến 2 hoặc tuyến 1; tuyến 3 đăng ký tuyến với tuyến 1;

b) Việc đăng ký vượt tuyến do chỉ huy đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên quyết định dựa trên nguyên tắc tại Điều 8 Thông tư này khi được sự chấp thuận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh - nơi đơn vị lựa chọn đăng ký tuyến; quân y các đơn vị có trách nhiệm tham mưu cho thủ trưởng đơn vị lựa chọn tuyến cho phù hợp; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên có trách nhiệm tạo điều kiện khi đơn vị đến đăng ký tuyến khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 10. Chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh

1. Chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên thực hiện theo trình tự từ tuyến 4 lên đến tuyến 1. Được phép chuyển vượt tuyến trong các trường hợp sau:

a) Các trường hợp cấp cứu thuộc các địa bàn mà nếu chuyển vượt tuyến sẽ thuận lợi hơn chuyển đúng tuyến;

b) Các trường hợp bệnh cấp tính nặng, vượt khả năng điều trị của tuyến trên liền kề hoặc cần điều trị kỹ thuật cao.

2. Chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới khi đã điều trị bệnh ổn định nhưng cần được điều trị củng cố hoặc theo nguyện vọng của người bệnh, người đại diện hợp pháp của người bệnh; được chuyển tuyến đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng tuyến theo yêu cầu chuyên môn hoặc theo nguyện vọng của người bệnh, người đại diện hợp pháp của người bệnh.

3. Quân nhân chưa tham gia bảo hiểm y tế nếu khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở dân y thì việc thanh toán chi phí thực hiện theo Quyết định số 105/2008/QĐ-BQP ngày 11 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng khi đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở dân y.

Chương III

DANH MỤC KỸ THUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH; CHỈ ĐẠO, HỖ TRỢ TUYẾN VỀ CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT

Điều 11. Xây dựng danh mục kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh

1. Trên cơ sở danh mục kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xây dựng danh mục kỹ thuật phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật và điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và trình độ chuyên môn. Danh mục kỹ thuật đề nghị phê duyệt quy định áp dụng cho từng tuyến như sau:

a) Tuyến 1: áp dụng danh mục kỹ thuật tương đương tuyến Trung ương;

b) Tuyến 2: áp dụng danh mục kỹ thuật tương đương tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

c) Tuyến 3: áp dụng danh mục kỹ thuật tương đương tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

d) Tuyến 4: áp dụng danh mục kỹ thuật tương đương tuyến xã, phường, thị trấn.

2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc tuyến dưới được phép thực hiện các kỹ thuật của tuyến trên khi đã được chuyển giao kỹ thuật và kỹ thuật đó được Cục Quân y phê duyệt.

3. Phê duyệt các kỹ thuật mới, kỹ thuật chưa có trong danh mục do Bộ Y tế quy định

a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đảm bảo các điều kiện và thủ tục theo quy định tại Thông tư số 07/2015/TT-BYT ngày 03/4/2015 của Bộ Y tế quy định chi tiết điều kiện, thủ tục cho phép áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh;

b) Danh mục đề nghị phê duyệt gửi về Cục Quân y phải kèm theo hồ sơ, biên bản họp Hội đồng chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 12. Phê duyệt danh mục kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh

1. Thẩm quyền phê duyệt

Cục trưởng Cục Quân y chịu trách nhiệm phê duyệt, phê duyệt bổ sung danh mục kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh, trong đó:

a) Danh mục kỹ thuật của tuyến 1, tuyến 2, tuyến 3 được phê duyệt riêng cho từng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

b) Danh mục kỹ thuật đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc tuyến 4 sử dụng thống nhất theo một danh mục chung do Cục Quân y ban hành; trường hợp đơn vị có nhu cầu mở rộng phạm vi chuyên môn thì quân y đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ gửi văn bản đề nghị Cục Quân y phê duyệt riêng hoặc phê duyệt bổ sung danh mục kỹ thuật;

2. Hồ sơ đề nghị phê duyệt

a) Công văn đề nghị của bệnh viện hoặc quân y đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng;

b) Biên bản họp Hội đồng chuyên môn kỹ thuật;

c) Danh mục kỹ thuật đề nghị phê duyệt hoặc phê duyệt bổ sung theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 Thông tư này và kèm theo bản điện tử;

d) Hồ sơ mô tả năng lực của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị y tế.

3. Trình tự thực hiện

a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại Khoản 2 Điều này đến Cục Quân y (đối với hồ sơ đề nghị phê duyệt danh mục kỹ thuật của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc tuyến 1, 2) hoặc cơ quan quân y đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng (đối với Hồ sơ đề nghị phê duyệt danh mục kỹ thuật của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc tuyến 3, 4);

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải xem xét, xác định hồ sơ hợp lệ hoặc chưa hợp lệ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản thông báo để cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoàn chỉnh hồ sơ. Văn bản thông báo phải nêu cụ thể tài liệu bổ sung và các nội dung phải sửa đổi, bổ sung. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bổ sung, sửa đổi hồ sơ theo nội dung văn bản thông báo và gửi bổ sung hồ sơ về cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã bổ sung hồ sơ nhưng không đúng với yêu cầu thì phải tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định tại Khoản này cho đến khi hồ sơ đạt yêu cầu. Đối với hồ sơ đề nghị phê duyệt danh mục kỹ thuật của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc tuyến 3, 4 sau khi xác định hồ sơ hợp lệ, cơ quan quân y đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng có văn bản kèm theo hồ sơ gửi về Cục Quân y Bộ Quốc phòng.

c) Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chức năng thuộc Cục Quân y phải tổ chức thẩm định và trình Cục trưởng Cục Quân y ban hành quyết định phê duyệt Danh mục kỹ thuật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Việc thẩm định được tiến hành trên hồ sơ, trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Cục trưởng Cục Quân y ra quyết định thành lập Hội đồng chuyên môn để thẩm định một phần hoặc toàn bộ danh mục kỹ thuật tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 13. Chỉ đạo, hỗ trợ tuyến về chuyên môn kỹ thuật

1. Bệnh viện tuyến 1 chỉ đạo, hỗ trợ bệnh viện tuyến 2

a) Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: giúp các bệnh viện tuyến 2 trên địa bàn Quân khu 1, Quân khu 3, Bộ Tư lệnh Thủ đô;

b) Bệnh viện quân y 103/Học viện Quân y: chỉ đạo, hỗ trợ các bệnh viện tuyến 2 trên địa bàn Quân khu 2, Quân khu 4;

c) Bệnh viện quân y 175: chỉ đạo, hỗ trợ các bệnh viện tuyến 2 trên địa bàn Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9;

d) Viện Y học cổ truyền Quân đội, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác chỉ đạo, hỗ trợ các bệnh viện toàn quân về chuyên ngành Y học cổ truyền và Bỏng.

2. Bệnh viện tuyến 2 có trách nhiệm chỉ đạo, hỗ trợ bệnh viện, bệnh xá tuyến 3 thuộc các đơn vị có đăng ký tuyến khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện.

3. Các trường hợp tuyến trên hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới nhưng không thuộc địa bàn phụ trách hoặc không đúng tuyến thì đơn vị tuyến dưới gửi công văn đề nghị về Cục Quân y xem xét, quyết định.

4. Hỗ trợ tuyến về chuyên môn giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng thuộc một đơn vị đầu mối cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng do người chỉ huy xem xét, quyết định.

5. Chủ nhiệm quân y đơn vị đầu mối cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức huấn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến 4.

6. Các đơn vị và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới có trách nhiệm phối hợp, liên kết tuyến chặt chẽ với các bệnh viện tuyến trên trong cấp cứu, điều trị, chuyển tuyến để nâng cao năng lực chuyên môn, rút kinh nghiệm công tác cấp cứu, điều trị người bệnh.

Điều 14. Nội dung hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật

1. Chuyển giao kỹ thuật, nâng cao chất lượng công tác điều trị, đặc biệt là về ngoại khoa, gây mê, hồi sức cấp cứu, kỹ thuật chuyên khoa.

2. Tiếp nhận, tổ chức huấn luyện tại chức về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật cho cán bộ, nhân viên chuyên môn tuyến dưới theo đề nghị của đơn vị.

3. Huấn luyện cho các phân đội quân y về chuyên môn bảo đảm cho sẵn sàng chiến đấu và thu dung, cấp cứu hàng loạt đáp ứng các tình huống quân sự, thiên tai, thảm họa.

4. Củng cố nề nếp, chế độ công tác chuyên môn; kinh nghiệm tổ chức khám bệnh, thu dung điều trị.

5. Hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe tuyển quân, tuyển sinh quân sự cho các đơn vị thuộc tuyến khi đơn vị đề nghị.

Chương IV

ĐĂNG KÝ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH BẢO HIỂM Y TẾ BAN ĐẦU, CHUYỂN TUYẾN KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH BẢO HIỂM Y TẾ

Điều 15. Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu đối với hạ sĩ quan, binh sĩ, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí

1. Hạ sĩ quan, binh sĩ, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc đơn vị quản lý quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư này.

2. Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư này nhưng không thuộc đơn vị quản lý thì phải được sự chấp thuận của chỉ huy đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên.

3. Được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư này hoặc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dân y tuyến huyện, tỉnh khi:

a) Đơn vị đóng quân và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nằm cùng địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc thuộc vùng giáp ranh;

b) Được sự nhất trí của chỉ huy đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên.

Điều 16. Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu đối với các đối tượng hưởng lương từ cấp trung tá hoặc mức lương tương đương trở xuống

1. Đơn vị lập danh sách và đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu cho các đối tượng thuộc đơn vị quản lý tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Thông tư này.

2. Được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 4 Thông tư này hoặc tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dân y tuyến huyện, tỉnh, trung ương khi:

a) Đơn vị đóng quân hoặc nơi thường trú và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nằm cùng địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc thuộc vùng giáp ranh;

b) Được sự chấp thuận của chỉ huy đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên.

Điều 17. Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu đối với cán bộ cấp thượng tá hoặc có mức lương tương đương trở lên

1. Đơn vị lập danh sách và đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu cho các đối tượng thuộc đơn vị quản lý tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Thông tư này.

2. Được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dân y tuyến huyện, tỉnh, trung ương khi:

a) Đơn vị đóng quân hoặc nơi thường trú và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nằm cùng địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc thuộc vùng giáp ranh;

b) Được sự chấp thuận của chỉ huy đơn vị cấp sư đoàn và tương đương trở lên.

Điều 18. Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu đối với cán bộ cấp tướng

1. Đơn vị lập danh sách và đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu cho các đối tượng thuộc đơn vị quản lý tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư này.

2. Được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dân y tuyến trung ương, tuyến tỉnh và phòng khám thuộc Ban bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cán bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 19. Các trường hợp được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

1. Quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 15, Khoản 1 Điều 16, Khoản 1 Điều 17, Khoản 1 Điều 18 đến khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Quân đội cùng tuyến hoặc tuyến dưới, nếu kèm theo giấy giới thiệu của đơn vị được xác định là đúng tuyến.

2. Trường hợp quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu đi công tác hoặc nghỉ phép, nghỉ chuẩn bị hưu nếu đến khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân y hoặc dân y thuộc địa bàn nơi công tác, nơi nghỉ phép hoặc nghỉ chuẩn bị hưu được xác định là đúng tuyến khi:

a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó thuộc tuyến tương đương cho từng đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 15, Khoản 1 Điều 16, Khoản 1 Điều 17, Khoản 1 Điều 18; hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó nằm trong phạm vi thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh đã được quy định; hoặc bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào nếu nằm cùng trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc thuộc vùng giáp ranh;

b) Có giấy công tác, hoặc giấy nghỉ phép, hoặc quyết định nghỉ chuẩn bị hưu hợp lệ.

3. Quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày được quy định tại Thông tư số 26/2014/TT-BQP ngày 20 tháng 5 năm 2014 của Bộ Quốc phòng Ban hành Danh mục bệnh hiểm nghèo, Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày để thực hiện chế độ, chính sách trong Quân đội, khi tiếp tục đến khám và điều trị bệnh cũ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu chuyển đến được xác định là đúng tuyến.

4. Trường hợp cấp cứu, sau giai đoạn điều trị cấp cứu, người bệnh được tiếp tục điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi tiếp nhận người bệnh hoặc được chuyển tuyến đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để tiếp tục điều trị theo yêu cầu chuyên môn được xác định là đúng tuyến.

5. Trường hợp người bệnh đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc sau khi chuyển tuyến được phát hiện hoặc phát sinh bệnh khác kèm theo nếu thuộc phạm vi chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi tiếp nhận người bệnh được xác định là đúng tuyến.

Điều 20. Chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

1. Chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng quản lý thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 10 Thông tư này.

2. Chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh từ cơ sở quân y đến cơ sở dân y và ngược lại thực hiện theo Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14 tháng 4 năm 2014 của Bộ Y tế về việc chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (sau đây viết gọn là Thông tư số 14/2014/TT-BYT).

Điều 21. Thủ tục chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

1. Thủ tục chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng quản lý

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi khám và điều trị cho người bệnh khi thực hiện chuyển người bệnh thì có trách nhiệm:

a) Thông báo và giải thích lý do chuyển tuyến cho người bệnh;

b) Ghi đầy đủ nội dung theo mẫu giấy chuyển tuyến quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Bảo đảm đủ phương tiện chuyển bệnh nhân và trang thiết bị y tế để xử trí cấp cứu trên đường vận chuyển; cử cán bộ, nhân viên chuyên môn hộ tống và bàn giao người bệnh, giấy chuyển tuyến cho cơ sở khám chữa bệnh nơi chuyển đến. Trường hợp chuyển bệnh nhân về tuyến dưới thì cần thông báo cho đơn vị quản lý trực tiếp người bệnh để đơn vị chịu trách nhiệm chuyển người bệnh.

2. Thủ tục chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh từ cơ sở quân y đến cơ sở dân y và ngược lại thực hiện theo Thông tư số 14/2014/TT-BYT.

3. Các trường hợp chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ cần giấy chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi; giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng trong 10 ngày kể từ ngày ký.

4. Sử dụng giấy hẹn khám lại theo mẫu tại Phụ lục 3: mỗi giấy hẹn khám lại chỉ sử dụng một lần theo thời gian ghi trong giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và không hẹn quá 30 ngày kể từ ngày ký giấy hẹn khám lại.

5. Xác định người bệnh cấp cứu: Tình trạng cấp cứu do bác sĩ, y sĩ trực tiếp tiếp nhận khám, đánh giá, xác định và được ghi vào hồ sơ, bệnh án.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Điều 22. Trách nhiệm của Cục Quân y

1. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện các quy định tại Thông tư này.

2. Xác định và lập danh sách các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu theo quy định.

3. Chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng hướng dẫn các đơn vị đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu cho các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý phù hợp khả năng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và điều kiện thực tế của các đơn vị.

Điều 23. Trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng

1. Tổ chức thực hiện ký kết hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Cục Quân y xác định đủ điều kiện tham gia khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu.

2. Phối hợp với Cục Quân y hướng dẫn việc đăng ký, thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu phù hợp với các quy định tại Thông tư này.

3. Hướng dẫn việc khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý đã có thẻ bảo hiểm y tế; phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan của các địa phương và các ngành đảm bảo quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế cho các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý.

Điều 24. Trách nhiệm của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để thực hiện danh mục kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh đã được phê duyệt.

2. Tổ chức thực hiện đăng ký khám bệnh, chữa bệnh, chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Thông tư này.

3. Đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý khi đi khám bệnh, chữa bệnh; phối hợp với các đơn vị có quân nhân đến khám bệnh, chữa bệnh trong quản lý quân số, quản lý sức khỏe quân nhân.

Điều 25. Trách nhiệm của các đơn vị

1. Căn cứ các quy định tại Thông tư này và điều kiện thực tế, chỉ huy các đơn vị xác định việc đăng ký tuyến khám bệnh, chữa bệnh; xác định và quản lý danh sách các đối tượng đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo địa bàn cho phù hợp.

2. Phối hợp với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều chỉnh việc đăng ký tuyến khám bệnh, chữa bệnh, quản lý quân số và quản lý sức khỏe quân nhân.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 26. Điều khoản tham chiếu

Các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu tại Thông tư này khi được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung bằng văn bản khác thì các nội dung liên quan tại Thông tư này sẽ áp dụng, điều chỉnh theo các văn bản mới ban hành.

Điều 27. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 5 năm 2016.

2. Quyết định số 266/QĐ-BQP ngày 18/02/2003 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc giao nhiệm vụ cho các bệnh viện quân y tuyến trên giúp đỡ các bệnh viện, bệnh xá quân y tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật và Văn bản số 4111/BQP-QY ngày 04/6/2013 của Bộ Quốc phòng về việc giao Cục Quân y thẩm định, phê duyệt danh mục kỹ thuật các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Quân đội hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 28. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, chỉ huy các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Bộ Quốc phòng (qua Cục Quân y/Bộ Quốc phòng) để xem xét giải quyết./.

Nơi nhận:

- Các Thủ trưởng BQP và Chủ nhiệm TCCT;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Y tế;
- Các đầu mối đơn vị trực thuộc BQP;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL/Bộ Tư pháp; Cục Quản lý Khám chữa bệnh/Bộ Y tế;
- Cục: Chính sách, Cán bộ/TCCT; Cục Quân
lực/BTTM;
- Bảo hiểm XH Việt Nam;
- Bảo hiểm XH BQP;
- Công báo; Cổng TTĐT Chính phủ; Cổng TTĐT BQP;
- Lưu: VT, THBĐ, PC, Trg100.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Thượng tướng Lê Hữu Đức

PHỤ LỤC 1

MẪU DANH MỤC KỸ THUẬT ĐỀ NGHỊ PHÊ DUYỆT
(Ban hành kèm theo Thông tư số 46/2016/TT-BQP ngày 01/4/2016 của Bộ Quốc phòng)

Đơn vị ……………………

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

DANH MỤC

Kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tại …….. (BV, BX đơn vị...)
(Kèm theo Công văn số …… ngày ……………)

STT

STT theo danh mục của BYT

DANH MỤC KỸ THUẬT

GHI CHÚ

I. HỒI SỨC CẤP CỨU VÀ CHỐNG ĐỘC

A. TUẦN HOÀN

1

1

Theo dõi huyết áp liên tục không xâm nhập tại giường ≤ 8 giờ

2

2

Ghi điện tim cấp cứu tại giường

II. NỘI KHOA

A. HÔ HẤP

3

1

Bóp bóng Ambu qua mặt nạ

X. NGOẠI KHOA

D. TIÊU HÓA

1. Thực quản

4

416

Mở thông dạ dày

2. Dạ dày

5

451

Mở bụng thăm dò

Đ. GAN - MẬT - TỤY

1. Gan

6

608

Cầm máu nhu mô gan

7

678

Các phẫu thuật lách khác

………………………

20

Xét nghiệm nhanh chẩn đoán cúm A

Không có trong danh mục của BYT

Tổng số:.... kỹ thuật./.

PHỤ LỤC 2

MẪU GIẤY CHUYỂN TUYẾN KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
(Ban hành kèm theo Thông tư số 46/2016/TT-BQP ngày 01/4/2016 của Bộ Quốc phòng)

Đơn vị ………………….
Tên cơ sở KCB ………..
Số: ……/20.../GCT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

GIẤY CHUYỂN TUYẾN

nh gửi: ……………………………………………………….

Cơ sở KBCB: …………………………………………………………. trân trọng giới thiệu:

- Họ và tên người bệnh: ………………………………………. Nam/Nữ: …………… Tuổi: ....

- Cấp bậc: …………………. Chức vụ: …………….. Đơn vị: ............................................

- Chỗ ở hiện nay: .........................................................................................................

- Khi cần báo tin: ………………………. Địa chỉ (Điện thoại): ............................................

- Số thẻ BHYT:

giá trị từ..../..../ đến..../..../.....

- Ngày vào viện: …../ ……/ …………

- Đã được khám và điều trị tại: ……………………. (từ…../ …../…… đến …./ …../ ……….)

...................................................................................................................................

TÓM TẮT BỆNH ÁN VÀ QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRỊ

- Dấu hiệu lâm sàng: ....................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

- Kết quả xét nghiệm, cận lâm sàng ..............................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

- Chẩn đoán: ...............................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

- Quá trình điều trị (phương pháp, thủ thuật, kỹ thuật, thuốc):

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

- Tình trạng người bệnh lúc chuyển tuyến:

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

- Lý do chuyển tuyến (đánh dấu):

1. Theo yêu cầu chuyên môn: □

2. Theo yêu cầu của người bệnh (hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh): □

- Hướng điều trị (khi chuyển về tuyến dưới điều trị củng cố):

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

- Chuyển tuyến hồi: …….. giờ …… phút, ngày ….. tháng ….. năm .................................

- Phương tiện vận chuyển: ...........................................................................................

- Người hộ tống (họ tên, chức danh, trình độ chuyên môn): ...........................................

...................................................................................................................................

Y, BÁC SĨ KHÁM, TRỊ
(Ký và ghi rõ họ tên)

Ngày ….. tháng …. năm 20...
GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN
(Ký tên, đóng dấu)

Ghi chú: Cơ sở khám chữa bệnh chưa có con dấu riêng thì sử dụng dấu của đơn vị quản lý trực tiếp.

PHỤ LỤC 3

MẪU GIẤY HẸN KHÁM LẠI
(Ban hành kèm theo Thông tư số 46/2016/TT-BQP ngày 01/4/2016 của Bộ Quốc phòng)

Đơn vị ………………….
Tên cơ sở KCB ………..
Số: ……................

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

GIẤY HẸN KHÁM LẠI

Họ và tên người bệnh: …………………………………………….. Nam/Nữ: …….. Tuổi: ......

Cấp bậc: ……………………. Chức vụ: …………………. Đơn vị: ......................................

Chỗ ở hiện nay: ...........................................................................................................

Số thẻ BHYT:

giá trị từ..../..../ đến..../..../......

Ngày khám bệnh: ……./ ……/ …………

Ngày vào viện: ……./ ……/ …….. Ngày ra viện: ……/ ……/……….

Chẩn đoán: .................................................................................................................

...................................................................................................................................

Hẹn khám lại vào ngày….. tháng …… năm ……. hoặc đến khám bất kỳ thời gian nào trước ngày được hẹn nếu có dấu hiệu bất thường.

(Không hẹn quá 30 ngày kể từ ngày ký giấy hẹn)

Y, BÁC SĨ KHÁM, ĐIỀU TRỊ
(Ký và ghi rõ họ tên)

Ngày …… tháng ….. năm 20...
ĐẠI DIỆN CƠ SỞ KHÁM CHỮA BỆNH
(Ký tên, đóng dấu)