HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 48-TTg | Hà Nội, ngày 03 tháng 06 năm 1963 |
VỀ VIỆC CHẤP HÀNH NGHIÊM CHỈNH PHÁP LUẬT BẢO ĐẢM QUYỀN SỞ HỮU VỀ TƯ LIỆU SẢN XUẤT Ở NÔNG THÔN
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Hiện nay, ở nông thôn miền Bắc nước ta quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đã giữ địa vị thống trị với hai hình thức sở hữu: sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân và sở hữu của hợp tác xã tức là của tập thể nông dân lao động. Bên cạnh hai hình thức sở hữu chủ yếu đó, còn một bộ phận nhỏ tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của xã viên hợp tác xã và của nông dân lao động chưa vào hợp tác xã.
Quyền sở hữu hợp pháp của nhân dân đã được Nhà nước quy định và bảo hộ trong nhiều văn kiện pháp luật.
Sắc lệnh số 97 ngày 22-3-1950 đã xác định nguyên tắc quyền sở hữu của công dân được pháp luật bảo hộ. Sắc lệnh số 85 ngày 20-2-1952 đã quy định thủ tục trước bạ về việc thay đổi quyền sở hữu về ruộng đất; luật cải cách ruộng đất năm 1953 đã quy định nội dung quyền sở hữu của nông dân đối với những của cải được chia trong cải cách ruộng đất; điều lệ mẫu hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ban hành năm 1959 đã quy định quyền sở hữu của hợp tác xã và của xã viên; Nghị định số 151-TTg ngày 14-4-1959 đã quy định những nguyên tắc và thủ tục trưng dụng ruộng đất của hợp tác xã và nông dân.
Hiến pháp của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa ban hành năm 1960 đã quy định những hình thức sở hữu chủ yếu về tư liệu sản xuất hiện nay và những nguyên tắc cơ bản về quyền sở hữu.
Những luật lệ của Nhà nước ban hành đã có tác dụng to lớn thúc đẩy việc hoàn thành cải cách ruộng đất, thực hiện “khẩu hiệu người cày có ruộng”, phát triển và củng cố phong trào hợp tác hóa, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tăng cường chính quyền dân chủ nhân dân.
Tuy nhiên, ở một số địa phương còn có những hiện tượng chưa chấp hành đúng pháp luật, chưa thật sự tôn trọng quyền sở hữu của Nhà nước, còn hợp tác xã, của xã viên, và của nông dân chưa vào hợp tác xã. Những hiện tượng đó gây thiệt hại cho Nhà nước và ảnh hưởng không tốt đến tinh thần đoàn kết, tính tích cực sản xuất của nông dân.
Sở dĩ có những thiếu sót trên đây là do việc tuyên truyền phổ biến chính sách và pháp luật của Nhà nước chưa làm được sâu rộng, ý thức chấp hành chính sách và pháp luật trong một số cán bộ và nhân dân chưa cao. Mặt khác cũng vì Nhà nước chưa kịp đề ra những quy định hoặc có những hướng dẫn cụ thể, cần thiết, phù hợp với tình hình kinh tế phát triển để đáp ứng những yêu cầu mới trong quá trình phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Căn cứ vào đặc điểm tình hình nông thôn hiện nay, để nâng cao ý thức làm chủ tập thể của xã viên, phát huy tinh thần đoàn kết, tính tích cực sản xuất của nông dân, đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật trong nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc, Hội đồng Chính phủ nhắc lại và hướng dẫn việc thi hành torng vấn đề bảo đảm quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của hợp tác xã, xã viên, nông dân và của Nhà nước ở nông thôn như sau:
I. ĐỐI VỚI CÁC HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Theo điều lệ mẫu hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, trong các hợp tác xã có những tư liệu sản xuất thuộc của chung của hợp tác xã. Cần hiểu những tư liệu sản xuất thuộc của chung của hợp tác xã là:
a) Những ruộng đất, ao hồ, cây lâu năm, cơ sở sản xuất mà hợp tác xã đã công hữu hóa, mua lại của xã viên, mua sắm thêm hoặc do hợp tác xã tự làm ra.
b) Những trâu bò, nông cụ, máy móc và các tư liệu sản xuất khác mà hợp tác xã đã mua lại của xã viên, mua sắm thêm, được tặng thưởng hoặc do hợp tác xã tự sản xuất được.
c) Những công trình do hợp tác xã mới xây dựng trên những sông ngòi, bãi biển, rừng núi, đất hoang thuộc sở hữu của Nhà nước, được Ủy ban hành chính địa phương hoặc cơ quan Nhà nước ở trung ương có thẩm quyền cho phép sử dụng.
Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp của hợp tác xã, mỗi xã viên đều có nghĩa vụ chăm sóc, bảo vệ tài sản chung của tập thể và củng cố quyền sở hữu của hợp tác xã.
Khi cần dùng ruộng đất của hợp tác xã để thực hiện những công trình do Nhà nước quản lý, các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước phải bàn bạc với hợp tác xã, và đền bù với giá cả thích đáng theo đúng những nguyên tắc và thủ tục đã quy định trong Nghị định số 151-TTg ngày 14-4-1959 về thể lệ tạm thời trưng dụng ruộng đất.
Khi có điều kiện và cần thiết phải hợp nhất các hợp tác xã nhỏ thành hợp tác xã lớn để sử dụng hợp lý ruộng đất, sức lao động, phát triển sản xuất thì phải do tất cả các hợp tác xã nhỏ thỏa thuận và nếu có sự chênh lệch về kinh tế giữa các hợp tác xã thì cần căn cứ vào tinh thần nguyên tắc của điều lệ mẫu về việc tập thể tổ viên tổ đội công gia nhập hợp tác xã mà giải quyết một cách hợp lý trên tinh thần đoàn kết, tương trợ, cụ thể là:
Những ruộng đất đã đưa vào hợp tác xã, những trâu bò, nông cụ đã công hữu hóa hoặc mua lại của xã viên trong các hợp tác xã nhỏ thì khi hợp nhất, hợp tác xã lớn sẽ thống nhất kinh doanh và phân phối.
a) Trường hợp có sự chênh lệch nhiều về bình quân hoặc màu mỡ ruộng đất và về thu nhập của xã viên thì việc thống nhất kinh doanh và phân phối phải theo nguyên tắc phát triển sản xuất, tăng cường hợp tác xã, tăng thu nhập và nâng cao không ngừng mức sống của toàn thể xã viên, đồng thời chiếu cố đúng mức quyền lợi của xã viên hợp tác xã trước đây có thu nhập cao hơn.
b) Trường hợp có sự chênh lệch về mặt đầu tư lao động và vốn để khai hoang tăng thêm ruộng đất, trồng cây lâu năm, xây dựng cơ bản sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi cá, thì nên giải quyết để hợp tác xã đã đầu tư nhiều được phân phối tương xứng với sức người, sức của đã bỏ ra bằng cách:
- Hoặc tạm thời để các đội trong các hợp tác xã cũ có nhiều cơ sở hơn tiếp tục kinh doanh, nếu sự chênh lệch không nhiều;
- Hoặc thống nhất kinh doanh vào hợp tác xã lớn và hàng năm hợp tác xã lớn sẽ trích một phần thu nhập để trả dần cho xã viên các hợp tác xã cũ có nhiều cơ sở hơn, đến khi tương xứng với sự chênh lệch về công sức của họ đã bỏ ra.
II. ĐỐI VỚI XÃ VIÊN HỢP TÁC XÃ
Điều lệ mẫu hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã quy định nguyên tắc là khi xã viên vào hợp tác xã bậc thấp, thì vẫn giữ quyền sở hữu về những ruộng đất, trâu bò cày, nông cụ đem vào hợp tác xã.
Những tư liệu sản xuất chủ yếu nói trên thuộc quyền sở hữu của xã viên, nhưng do hợp tác xã thống nhất quản lý sử dụng. Khi xã viên ra hợp tác xã, thì hợp tác xã phải trả lại những thứ đó cho xã viên để họ tiếp tục sản xuất.
Ngoài những ruộng đất, trâu bò cày, nông cụ đã đưa vào hợp tác xã, nhưng tư liệu sản xuất khác còn lại vẫn thuộc quyền sở hữu hoàn toàn của xã viên và xã viên có quyền định đoạt, sử dụng và hưởng thụ hoa lợi về những thứ đó.
Khi có đủ điều kiện và xã viên tự nguyện chuyển hợp tác xã bậc thấp lên bậc cao theo quyết nghị của đại hội xã viên, được Ủy ban hành chính huyện xét duyệt, thì giải quyết việc công hữu hóa hoặc mua lại các tư liệu sản xuất của xã viên như sau:
a) Theo điều lệ mẫu của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp: trong hợp tác xã bậc cao, những tư liệu sản xuất chủ yếu biến thành sở hữu tập thể, do đó những ruộng đất và ao hồ lớn của xã viên được công hữu hóa và chuyển thành sở hữu của hợp tác xã.
b) Đối với trâu bò cày kéo, thì tùy số lượng nhiều ít, hợp tác xã sẽ mua lại một phần hoặc tất cả theo trung bình ở thị trường địa phương và trả tiền dần cho xã viên, theo đúng thời hạn từ 3 đến 5 năm như đã quy định trong điều 15 điều lệ mẫu.
c) Đối với những vườn cây lâu năm của xã viên, thì căn cứ vào tinh thần của các điều 9 và 10 điều lệ mẫu và giải quyết như sau:
- Đối với những vườn cây lâu năm tương đối lớn của xã viên đã có trước khi vào hợp tác xã, nếu hợp tác xã đã có kinh nghiệm chăm sóc và có điều kiện tổ chức kinh doanh tốt và được xã viên thật sự tự nguyện nhường lại thì hợp tác xã sẽ mua lại và trả tiền dần theo sự thỏa thuận giữa hợp tác xã và xã viên.
- Đối với những vườn cây non mà xã viên đã trồng trước khi vào hợp tác xã hoặc do xã viên tận dụng thì giờ rỗi, trồng được sau khi vào hợp tác xã, nếu hợp tác xã đã có kinh nghiệm chăm sóc và có điều kiện tổ chức kinh doanh tốt và được xã viên thật sự tự nguyện nhường lại cho hợp tác xã, thì hợp tác xã sẽ căn cứ vào tiền vốn, sức lao động của xã viên đã bỏ ra và giá trị cây trồng đã lớn lên mà bàn bạc với xã viên để trả lại một số tiền thích đáng.
d) Ruộng đất do xã viên mới khai hoang thêm để làm riêng sau khi vào hợp tác xã, vẫn thuộc quyền sử dụng của xã viên. Nếu diện tích nhiều thì cần đưa vào hợp tác xã kinh doanh nhưng phải được sự thỏa thuận của xã viên; hợp tác xã sẽ trả tiền đền bù sức lao động và những chi phí mà xã viên đã bỏ ra để khai hoang.
e) Đất để lại 5%, những hồ ao, những vườn cây nhỏ xung quanh nhà, những cây trồng trên đất thổ cư, bờ ao, bờ hồ, bờ ngõ, đường đi đã có từ trước, hoặc mới trồng thêm, những công cụ lao động nhỏ, cũng như những trâu bò sinh sản, lấy sữa, những gia súc nhỏ, theo điều lệ mẫu vẫn để lại cho xã viên, thì hiện nay và sau này hợp tác xã đều không công hữu hóa và thuộc quyền sở hữu của xã viên.
Những tư liệu sản xuất mà hợp tác xã đã công hữu hóa hoặc mua lại của xã viên đều là tài sản chung của hợp tác xã. Vì vậy khi xã viên ra hợp tác xã, thì về nguyên tắc sẽ không đem theo những tư liệu sản xuất mà hợp tác xã đã công hữu hóa hoặc mua lại.
Tuy nhiên để giúp đỡ người ra hợp tác xã có điều kiện tiếp tục sản xuất thì căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể và yêu cầu của người đó, hợp tác xã có thể:
a) Giao lại một số ruộng đất tương đương với diện tích ruộng đất đã công hữu hóa và sản lượng đã bình khi đem ruộng đất vào hợp tác xã. Nếu người ra không yêu cầu đủ số ruộng đất cũ thì hợp tác xã có thể giao ít hơn.
b) Bán lại cho người ra hợp tác xã một số nông cụ, trâu bò theo giá trung bình ở thị trường địa phương, và theo sự thỏa thuận giữa hai bên.
III. ĐỐI VỚI NÔNG DÂN CHƯA VÀO HỢP TÁC XÃ
Theo quy định của Hiến pháp “Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân”, các cơ quan Nhà nước cũng như các hợp tác xã đều phải tôn trọng quyền sở hữu hợp pháp về ruộng đất và các tư liệu sản xuất của nông dân.
Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của nông dân chưa vào hợp tác xã đối với tất cả những tư liệu sản xuất mà người đó đã có một cách hợp pháp như những ruộng đất, ao hồ, những nhà ở và công trình xây dựng trên những ruộng đất và ao hồ ấy, những vườn cây, cây lâu năm, những nông cụ và công cụ sản xuất khác trực tiếp hoặc gián tiếp dùng cho sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, mà nông dân đã được chia trong cải cách ruộng đất, hoặc do thừa kế, trao đổi, mua sắm, tặng cho mà có.
Theo quy định của luật cải cách ruộng đất, nông dân có quyền bán, cho, trao đổi, để lại cho vợ, chồng, con cái và những người thừa kế khác những tư liệu sản xuất thuộc quyền sở hữu của mình.
Theo quy định của điều 17 Hiến pháp và sắc lệnh số 97 ngày 22-5-1950, mỗi người nông dân chưa vào hợp tác xã có quyền sử dụng các tư liệu sản xuất của mình, nhưng không được lợi dụng quyền tư hữu để làm thiệt hại đến quyền lợi chung của nhân dân và của Nhà nước. Vì vậy các cơ quan Nhà nước, các hợp tác xã và đoàn thể nhân dân cần giúp đỡ, giáo dục nông dân chưa vào hợp tác xã phát triển sản xuất theo kế hoạch của Nhà nước và chấp hành nghiêm chỉnh các luật lệ và chính sách kinh tế của Nhà nước, đặc biệt chống thủ đoạn làm giàu bằng cách bóc lột sức lao động của người khác.
Riêng đối với ruộng đất thì các việc chuyển dịch đều phải do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chứng nhận; người có quyền sở hữu ruộng đất có quyền để lại cho người thừa kế; trao đổi ruộng đất khác, hoặc nhường cho người khác, các việc chuyển dịch ấy đều phải viết thành giấy tờ trình Ủy ban hành chính xã chứng nhận và ghi vào sổ ruộng đất của xã, theo như Sắc lệnh số 85 ngày 20 tháng 2 năm 1952 đã quy định.
Việc trao đổi ruộng đất giữa các hợp tác xã và nông dân vào hợp tác xã cũng phải làm theo nguyên tắc và thủ tục chung, trên cơ sở hai bên thương lượng và thỏa thuận với nhau, không được dùng mệnh lệnh cưỡng ép để buộc nông dân chưa vào hợp tác xã đổi ruộng cho hợp tác xã.
Khi cần dùng ruộng đất của nông dân chưa vào hợp tác xã để thực hiện những công trình do Nhà nước quản lý thì các cơ quan, xí nghiệp phải bàn bạc với người có ruộng đất, và đền bù với giá cả thích đáng theo những nguyên tắc và thủ tục đã quy định trong Nghị định số 151-TTg ngày 14 tháng 4 năm 1959.
IV. ĐỐI VỚI RUỘNG ĐẤT THUỘC TÀI SẢN CỦA NHÀ NƯỚC Ở NÔNG THÔN
Điều 12 của Hiến pháp đã quy định: “Các hầm mõ, sông ngòi và những rừng cây, đất hoang, tài nguyên khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc quyền sở hữu của toàn dân”.
Điều 40 của Hiến pháp còn quy định: “Tài sản công cộng của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa là thiêng liêng không thể xâm phạm, công dân có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ tài sản công cộng”.
Do đó, đối với những nông trường quốc doanh, lâm trường, những khu rừng và những cơ sở kinh tế quốc doanh khác của Nhà nước ở nông thôn, các hợp tác xã và nông dân chưa vào hợp tác xã đều có nhiệm vụ bảo vệ và không được làm gì gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
Việc khai thác đất hoang được Nhà nước khuyến khích, nhưng phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, không ai được tự ý khoanh vùng, chiếm ruộng đất và các tài nguyên của Nhà nước làm của riêng của mình, Hội đồng Chính phủ sẽ quy định thể lệ về việc sử dụng đất đai trong đó có vấn đề khai hoang. Trước mắt, Ủy ban hành chính các cấp và các ngành cần nghiên cứu kỹ và hướng dẫn thi hành đúng Chỉ thị số 14-TTg ngày 03 tháng 2 năm 1962 về việc giải quyết đất đai cho nông trường quốc doanh và nhân dân khai hoang và Thông tư số 31-TTg ngày 24 tháng 4 năm 1963 quy định bổ sung về chính sách nhân dân khai hoang.
Các hợp tác xã và nông dân được Nhà nước cho phép sử dụng đất hoang, bãi biển, sông ngòi của Nhà nước, phải khai thác sử dụing những đất ấy theo đúng mục đích đã được cơ quan Nhà nước công nhận, có thể xây dựng trên những đất ấy những công trình và cơ sở sản xuất, có quyền sở hữu về những công trình và cơ sở này và được hưởng toàn bộ sản phẩm do những công trình và cơ sở ấy mang lại.
Trên đây là một số điểm quy định của pháp luật Nhà nước mà Hội đồng Chính phủ nhắc lại và giải thích rõ thêm để cho các cơ quan Nhà nước các cấp, các ngành, nắm vững và phổ biến cho các đơn vị và cán bộ trực thuộc của mình; để cho các ban quản trị hợp tác xã; xã viên và nông dân chưa vào hợp tác xã hiểu rõ quyền lợi và nhiệm vụ của mình chấp hành đúng pháp luật của Nhà nước, và sử dụng đúng đắn quyền sở hữu về tư liệu sản xuất ở nông thôn.
Việc nắm vững và thi hành đúng những quy định của pháp luật và những điểm hướng dẫn trên đây sẽ có tác dụng làm cho mọi người yên tâm, phấn khởi đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng vào cuộc vận động “cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện mạnh mẽ và vững chắc”.
Ủy ban hành chính các cấp có nhiệm vụ phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung của thông tư này đến tất cả các cơ quan, xí nghiệp ở địa phương cũng như đến tất cả các hợp tác xã, xã viên và nông dân chưa vào hợp tác xã và thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật của Nhà nước. Ủy ban hành chính các cấp phải lãnh đạo và giúp đỡ các hợp tác xã cũng như các cơ quan, xí nghiệp thuộc quyền sửa chữa những sai sót đã mắc phải, giáo dục phê bình những người không làm đúng pháp luật, kiên quyết thi hành kỷ luật hoặc đề nghị truy tố trước toà án những người cố tình vi phạm pháp luật của Nhà nước.
Đối với những việc làm sai sót trước đây xét cần phải giải quyết thì Ủy ban hành cính cấp tỉnh và các cơ quan có trách nhiệm ở trung ương cần nghiên cứu cụ thể và hướng dẫn các cơ quan cấp dưới, các cơ sở và các hợp tác xã giải quyết một cách hợp tình hợp lý.
T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
- 1 Thông tư 31-TTg năm 1963 bổ sung về chính sách nhân dân khai hoang do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Chỉ thị 14-TTg về giải quyết đất đai cho nông trường và nhân dân khai hoang và việc quản lý lâm sản của nông trường quốc doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Nghị định 151-TTg năm 1959 quy định tạm thời về trưng dụng ruộng đất do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 1 Thông tư 31-TTg năm 1963 bổ sung về chính sách nhân dân khai hoang do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Chỉ thị 14-TTg về giải quyết đất đai cho nông trường và nhân dân khai hoang và việc quản lý lâm sản của nông trường quốc doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Nghị định 151-TTg năm 1959 quy định tạm thời về trưng dụng ruộng đất do Hội đồng Chính phủ ban hành