BỘ GIÁO DỤC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 54-TT-PT | Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 1956 |
GIẢI THÍCH THÊM VỀ CÁCH ÁP DỤNG THỂ LỆ VỀ CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC GIÁO VIÊN VÀ TÍNH PHỤ CẤP DẠY THÊM GIỜ
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
Kính gửi: | - Ủy ban hành Chính các khu, tỉnh, thành phố |
Bộ giải thích chung một số vấn đề mà các khu, Ty thỉnh thị về việc áp dụng và thi hành nghị định số 289-NĐ ngày 8/5/1956 của Bộ quy định chế độ công tác của giáo viên, hiệu trưởng, và nghị định Liên Bộ Nội vụ - Giáo dục – Tài chính số 331-NĐLB ngày 2/6/1956 về chế độ phụ cấp dạy thêm giờ.
I. - NGUYÊN TẮC CHUNG VỀ HƯỞNG PHỤ CẤP DẠY THÊM GIỜ
1. Việc hưởng phụ cấp dạy thêm giờ nói chung.
Vần đề này đã được quy định rõ trong điều 7 của nghị định số 286-NĐ nói trên. Một giáo viên nào phải dạy quá số giờ tối đa do thể lệ ấn định là trên thực tế đã phải lao động thêm ngoài, và nếu đã lao động thêm theo đúng những thể lệ đã quy định thì bất cứ lý do nào đều được hưởng phụ cấp dạy thêm giờ.
Thông tư số 33/TT ngày 8/6/1956 của Bộ giải thích áp dụng nghị định Liên bộ số 331-NĐ-LB (phần II, Mục 3, Đoạn C) đã ấn định rõ nguyên tắc cắt cử giáo viên dạy thêm giờ được hưởng phụ cấp. Hiệu trưởng cần nắm vững thể lệ và nguyên tắc khi quyết định cử người dạy thêm, trong trường hợp bất thầu không trù tính trước được, để tránh phiền phức trong việc thanh toán phụ cấp cho giáo viên mà hiệu trưởng đã cử dạy thêm. Hiệu trưởng chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc cử người dạy thay không có lý do chính đáng và trái với thể lệ. Thí dụ: Hiệu trưởng cho phép một giáo viên nghỉ vào những ngày không được nghỉ chính thức do Bộ Giáo dục đã quy định mà không có lý do chính đáng, rồi cử người khác dạy thay hưởng phụ cấp là trái với thể lệ.
2) Nguyên tắc chung về việc tính những giờ dạy thêm.
Việc trả phụ cấp dạy thêm giờ xuất phát từ chỗ giáo viên có lao động thêm nên việc tính phụ cấp để trả chỉ căn cứ vào những giờ hay ngày học mà giáo viên đã thực sự phải dạy thêm quá số giờ tối đa quy định.
Giáo viên vẫn thường xuyên dạy thêm một lớp, vì có lý do gì mà một tháng không dạy đủ số ngày học thì tháng đó sẽ tính từng ngày học dạy thêm để trả chức không tính cả tháng.
Thí dụ: Một giáo viên thường xuyên vẫn dạy hai lớp cấp 1 riêng biệt. Trong tháng 4/1956 giáo viên nghỉ dạy đi dự tổng kết cải cách ruộng đất 10 ngày và chỉ còn thực sự dạy thêm cho lớp thứ hai 16 ngày. Trong tháng ấy giáo viên chỉ hưởng phụ cấp 16 ngày đã thực sự dạy thêm là: 500đ x 16 = 8.000 đồng chứ không phải được lĩnh phụ cấp dạy thêm cả tháng cho một lớp là 13.000 đồng.
II. - MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ VỀ CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC
1. Chế độ công tác của giáo viên dạy sinh ngữ tại các trường phổ thông.
Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình giảng dạy về môn sinh ngữ, Bộ sẽ quy định chế độ công tác chính thức của các giáo viên dạy sinh ngữ nói chung.
Tạm thời giáo viên dạy sinh ngữ ở cấp học nào (trừ giáo viên Trung văn) sẽ theo chế độ phuh cấp và số giờ tối đã của giáo viên dạy văn hóa ở cấp học ấy nghĩa là 18 giờ nếu dạy tại cấp 2 và 16 giờ nếu dạy tại cấp 3.
Năm nay, nói chung, phần đông các trường phổ thông cấp 2 và 3 đều mới bắt đầu tổ chức dạy Trung văn, nên riêng các giáo viên dạy Trung văn ở cấp 2 cũng như ở cấp3 đều tạm thời theo chế độ công tác của giáo viên cấp 2, nghĩa là 18 giờ lên lớp mỗi tuần (xem công văn số 1377-PT ngày 30/10/1956 của Nha Giáo dục phổ thông).
Còn về phụ cấp dạy thêm giờ của giáo viên Trung văn, thì giáo viên dạy riêng ở cấp nào sẽ theo chế độ phụ cấp thêm giờ của cấp ấy quy định trong điều 1 nghị định Liên bộ số 331-NĐ-LB ngày 2/6/1956.
Nếu một giáo viên Trung văn dạy ở cả hai cấp học, thì ngoài số giờ tối đa mà giáo viên cần bảm đảm như một giáo viên cấp 2 ở cấp đó (tức 18 giờ) những giờ dạy thêm ở cấp nào sẽ được tính trả phụ cấp theo cấp ấy.
Thí dụ:
1) Giáo viên dạy 5 giờ ở cấp 2 và 16 giờ ở cấp 3, thì trừ 18 giờ tối đa cần bảo đảm (5g + 13g), giáo viên còn dạy thêm 3 giờ (16g – 13g) ở cấp 3, 3 giờ này được trả theo giá biểu cấp 3.
2) Giáo viên dạy 20 giờ ở cấp 2 và 4 giờ ở cấp 3, thì trừ 18 giờ tối đa cần bảo đảm ở cấp 2, giáo viên đã dạy thêm 2 giờ ở cấp 2 (20g – 18g) và 4 giờ ở cấp 3. Như vậy, 2 giờ dạy thêm ở cấp 2 sẽ được trả theo giá biểu cấp 2 , và 4 giờ dạy thêm ở cấp 3 sẽ được trả theo giá biểu cấp 3.
2. Giáo viên phụ trách phòng thí nghiệm được bớt mỗi tuần lễ mấy giờ lên lớp.
Giáo viên này được rút bớt mỗi tuần lễ 2 giờ lên lớp (xem thêm công văn số 896-PT ngày 30/8/1956 của Nha Giáo dục phổ thông về nội dung công tác của giáo viên phụ trách phòng thí nghiệm).
3. Một giáo viên vừa làm giáo viên chủ nhiệm lớp vừa làm tổ trưởng tổ chuyên môn.
Giáo viên này được rút bớt mỗi tuần lễ 2 giờ lên lớp (một giờ về nhiệm vụ làm giáo viên chủ nhiệm, một giờ về nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ chuyên môn). Tuy nhiên, trường chỉ nên phân công cho một giáo viên kèm nhiệm hai công tác trong trường hợp bất đắc dĩ.
4. Việc cử giáo viên dạy văn hóa thêm các môn âm nhạc, thể dục tại các lớp cấp 2 và 3 vì không có giáo viên chuyên nghiệp.
Việc cắt cử và giảng dạy sẽ tiến hành theo thể thức sau:
- Hội đồng nhà trường nhận xét những giáo viên nào của trường có đủ khả năng dạy thêm các môn âm nhạc hay thể dục và hiệu trưởng đề nghị danh sách lên Ty Giáo dục để xin duyệt y.
- Những giờ dạy âm nhạc và thể dục phải dạy theo đúng thể thức quy định chung cho những giờ lên lớp (dạy thành lớp và giờ riêng biệt, dạy theo chương trình chính thức có hệ thống đã được ấn định, v.v…). Thí dụ: một giáo viên không được Ty công nhận có thể dạy thêm âm nhạc tập hợp một số học sinh các lớp trong trường lại để dạy hát thì không coi là một giờ lên lớp dạy âm nhạc chính thức đã được trả phụ cấp.
- Những giờ âm nhạc và thể dục sẽ tính theo nguyên tắc sau:
Nếu vì bất đắc dĩ phải ghép nhiều lớp để dạy thì chỉ tính là dạy một lớp ghép.
Nếu chia làm nhiều buổi dưới 50 phút để dạy thì sẽ cộng gộp giờ các buổi dạy lại để tính. Thời giờ lẻ từ 30 phút trở lên tính là một giờ lên lớp và dưới 30 phút coi là dạy nửa giờ.
- Phụ cấp về mỗi giờ lên lớp chính thức dạy âm nhạc hay thể dục sẽ theo giá biểu phụ cấp đã quy định chung (600đ một giờ tại cấp 2 và 800đ một giờ tại cấp 3).
5. Những giờ mà giáo viên dạy thêm quá mức số giờ tối đa được dạy thêm có được trả phụ cấp không?
Trong thông tư giải thích số 359-TT-PT ngày 11/5/1956 về chế độ công tác đã ghi rõ: “Mức số giờ dạy thêm tối đa nói trong nghị định là hướng mà các trường phải tiến tới…”.
Như thế nếu tạm thời trong một thời gian nào đó, trường còn thiếu nhiều giáo viên thì những giờ mà giáo viên dạy quá mức số giờ tối đa nói trong nghị định là hướng mà các trường phải tiến tới…”
Như thế nếu tạm thời trong một thời gian nào đó, trường còn thiếu nhiều giáo viên thì những giờ mà giáo viên dạy quá mức số giờ tối đa được dạy thêm đều được trả phụ cấp.
Thông tư đã ghi rõ là trong trường hợp này, trường phải báo cáo cho Khu hay Ty và đề nghị các cơ quan này tích cực tìm biện pháp giải quyết càng sớm càng hay
III. - MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ VỀ TRẢ PHỤ CẤP DẠY THÊM GIỜ.
1. Phụ cấp dạy thêm giờ của giáo viên dân lập (hay hương sự)
a) Giáo viên dân lập (hay hương sư) dạy thêm một lớp quốc lập thay cho giáo viên quốc lập:
Những giáo viên này coi như cán bộ thuộc ngành giáo dục và được hưởng phụ cấp dạy thêm từ 1/1/1956 như đã quy định rõ trong điều 1, 4 và 6 của nghị định Liên bộ số 331-NĐ-LB nói trên đây.
b) Giáo viên dân lập dạy thay một giáo viên dân lập tại một lớp dân lập:
Trường hợp này không nằm trong phạm vi nghị định Liên bộ về phụ cấp dạy thêm giờ số 331-NĐ-LB.
Giáo viên dân lập sẽ lĩnh thù lao theo thể lệ về chế độ giáo viên dân lập tại địa phương.
2. Phụ cấp dạy thêm giờ của các giáo viên lưu dụng.
Trong thông tư số 33-TT ngày 8/6/1956 của Bộ giải thích cách áp dụng nghị định Liên bộ có ghi như sau:
“Đối tượng áp dụng nghị định ấn định phụ cấp dạy thêm là tất cả giáo viên quốc lập nằm trong biên chế của ngành giáo dục (trừ giáo viên lưu dụng đã có chế độ đặc biệt). Như thế nghĩa là:
a) Các giáo viên trung học lưu dụng (cấp 2 và 3) nếu dạy thêm giờ sẽ được trả phụ cấp những giờ dạy thêm theo giá biểu cũ của đối phương mà giáo viên vẫn được trả trước đây.
b) Riêng đối với các giáo viên tiểu học lưu dụng nếu dạy thêm giờ tại các lớp cấp 1 sẽ được trả theo giá biểu phụ cấp trả cho giáo viên cấp 1 phổ thông quy định trong nghị định Liên bộ số 331-NĐ-LB, nghĩa là 500đ một ngày hay 13.000đ một tháng dạy thêm ngoài (trước đây chưa có giá biểu phụ cấp về mỗi buổi dạy học thêm tại các lớp tiểu học).
c) Nếu các giáo viên lưu dụng (kể cả trung và tiểu học) có dạy thêm, giờ từ 1/1/1956 thì cũng được tính trả từ đầu năm 1956 (Điều 6 nghị định Liên bộ số 331-NĐ-LB).
3. Cách tính giờ giáo viên đã thực sự dạy 2 lớp cấp 1 từ 1/1/1956 đến 31/3/1956.
Số giờ tối đa (22g, 30) của giáo viên cấp 1 ghi trong thông tư số 48-TT-TKV ngày 30/11/1951 là số giờ lên lớp hàng tuần ấn định trong thời khóa biểu cũ từ năm 1954 cho các lớp cấp 1. Năm 1956 các trường cấp 1 theo thời khóa biểu mới (mỗi tuần 17 giờ) nên giáo viên nào đã thực sự dạy hai lớp cấp 1 thì không tính theo giờ mà tính theo đơn vị lớp và ngày đã dạy thêm thực sự.
4. Giáo viên dạy thêm ngoài những môn học không có ghi trong chương trình và thời khóa biểu chính thức.
Thông tư số 359-TT-PT ngày 11/5/1956 giải thích về chế độ công tác giáo viên đã ghi rõ:
“Giờ dạy học tối đa hàng tuần (điều 1) là những giờ mà giáo viên lên lớp để giảng dạy về lý thuyết hay thực hành của từng môn học có ghi trong thời khóa biểu hàng tuần của mỗi lớp (phần II Mục A)”.
Theo tinh thần trên những giờ ngoại khóa (tham quan, thuyết trình thêm một vấn đề, dạy hát thêm ngoài cho học sinh, v.v…) không kể là giờ lên lớp được trả phụ cấp.
5. Lớp vỡ lòng dạy thêm giờ.
a) Giáo viên dạy một lớp cấp 1, kèm thêm một lớp vỡ lòng (dạy riêng):
Trong trường hợp này giáo viên không được hưởng phụ cấp về lớp vỡ lòng dạy thêm ngoài theo nghị định số 331-NĐ-LB. Phong trào vỡ lòng là một phong trào nhân dân và chủ yếu dựa vào lực lượng nhân dân. Hơn nữa, hiện nay lớp vỡ lòng chưa sát nhập vào hệ thống trường phổ thông. Giáo viên vỡ lòng có thể hưởng thù lao do nhân dân đài thọ tùy theo khả năng của nhân dân địa phương.
b) Giáo viên miền núi dạy 1 lớp mà đa số là học sinh vỡ lòng và một số ít học sinh lớp 1 thì coi là lớp vỡ lòng hay lớp 1 phổ thông.
Lớp trên đây chỉ coi là lớp 1 phổ thông chính quy nếu có đủ các yếu tố sau:
Quyết định đầu tiên của Ty mở lớp này là lớp 1 phổ thông chính quy đặt trong hệ thống của trường phổ thông cấp 1 quốc lập.
Giáo viên dạy lớp này là giáo viên quốc lập (không phải là giáo viên vỡ lòng).
6. Lớp ghép, lớp dây leo.
a) Quyết định tổ chức lớp ghép.
Việc tổ chức hai lớp thành một lớp ghép để một giáo viên dạy chung vào cùng một buổi, hay tách lớp ghép thành hai lớp riêng dạy thành hai buổi riêng biệt khác nhau, đều do Ty Giáo dục quyết định tùy hoàn cảnh và từng trường hợp cụ thể. Nếu giáo viên nào tự ý tách một lớp ghép không thỉnh thị và chờ sự quyết định của cấp trên thì không những không kể là giáo viên đã dạy hai lớp riêng biệt mà giáo viên coi là đã phạm kỷ luật về tổ chức (xem thêm Quy chế trường phổ thông 10 năm: nghị định số 596-NĐ ngày 16/8/1956 của Bộ và thông tư giải thích số 830-TT-PT ngày 21/8/1956 của Nha Giáo dục phổ thông).
b) Về số lượng học sinh của lớp dạy thêm ngoài:
Ty sẽ không căn cứ vào số lượng học sinh nhiều hay ít của lớp dạy thêm ngoài để quyết định việc giáo viên có ở trong trường hợp dạy thêm, lớp thứ hai được hưởng phụ cấp mà chỉ căn cứ vào số lớp (classe) do Ty đã quyết định mở tại một trường và số lượng giáo viên Ty đã đưa về trường ấy có thiếu hay không.
Thí dụ: Ty quyết định trường A được mở tất cả bốn lớp với bốn giáo viên phụ trách và Ty mới đưa về trường này ba giáo viên, giáo viên nào dạy thêm lớp còn thiếu giáo viên phụ trách sẽ được trả phụ cấp dạy thêm, không kể là số học sinh lớp này nhiều hay ít, miễn là giáo viên dạy thay đã đã đảm bảo đủ số giờ ấn định trong thời khóa biểu chính thức của lớp của lớp ấy.
Nếu Ty Giáo dục thấy lớp thứ hai quá ít học sinh không nên giữ tổ chức dạy thành hai lớp riêng biệt thì Ty ra quyết định tổ chức thành lớp ghép và giáo viên sẽ hưởng phụ cấp dạy thêm lớp thứ hai cho tới ngày có quyết định của Ty Giáo dục sát nhập hai lớp thành một lớp ghép.
Việc giải quyết cách trả phụ cấp cho giáo viên dạy lớp treo cũng dựa theo tinh thần về lớp ghép trên đây.
7. Vấn đề dạy thay.
a) Hiệu trưởng trường cấp 1 vẫn phải dạy học vì không thể bố trí được giáo viên dạy thay mình vào những ngày mình được miễn dạy:
Những ngày mà đáng lẽ hiệu trưởng được miễn dạy theo thể lệ nhưng vẫn phải dạy học vì không có người dạy thay, được kể là những ngày dạy thêm ngoài quá số giờ tối đa và được trả phụ cấp. Trường hợp này hiệu trưởng cần báo cho Ty biết lý do.
Nếu có điều kiện bố trí người dạy thay thì nhất thiết hiệu trưởng sẽ không dạy để có thời giờ công tác lãnh đạo trường.
b) Dạy thay giáo viên ốm:
Giáo viên dạy thay giáo viên ốm được trả phụ cấp dạy thêm giờ nếu việc dạy thay được tổ chức thành giờ lên lớp hay buổi học dạy riêng biệt (không ghép lớp để dạy). Trong trường hợp này giáo viên ốm phải được cấp có thẩm quyền cho phép nghỉ chính thức (Khu, Ty Giáo dục trong trường hợp bình thường hay hiệu trưởng trong trường hợp khẩn cấp; hiệu trưởng sau khi cho phép phải báo cáo ngay cho cấp trên biết).
c) Dạy thay giáo viên đi họp:
Giáo viên dạy thay được trả phụ cấp dạy thêm giờ. Trong trường hợp này giáo viên đi họp phải được cấp có thẩm quyền cho phép nghỉ để đi họp. Nghị định số 1027-TTg ngày 27/8/1956 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách giáo dục phổ thông đã quy định rõ trong mục 4 về chế độ dạy học là:
“Giờ lên lớp phải được tôn trọng… không được để cho công tác xã hội và công tác của đoàn thể ăn lấn vào giờ nghe giảng và giờ học tập cá nhân của học sinh”. Khu, Sở, Ty chỉ nêu cho phép giáo viên nghỉ đi họp trong trường hợp tối cần thiết không thể dừng được.
8. Vấn đề dạy bù.
Nói chung, hiệu trưởng, giáo viên… đi họp về dạy bù không được trả phụ cấp dạy thêm giờ vì thực tế giáo viên chỉ dạy bù vào những giờ mình chưa dạy. Tuy nhiên các trường cần giải quyết vấn đề này theo hướng sau: nếu một giáo viên được cấp trên cho phép nghỉ dạy chính thức để đi họp thì trường nên bố trí giáo viên khác dạy thay và không nên chờ để sau này giáo viên đi họp trở về dạy bù, vì làm như thế không có lợi cho công việc giảng dạy của giáo viên phải dạy bù cũng như việc học tập của học sinh.
Nếu có trường hợp giáo viên phải dạy bù thật đặc biệt cần chiếu cố thì Ty Giáo dục sẽ quyết định việc cho hưởng phụ cấp dạy thêm giờ.
9. Vấn đề dạy trong vụ hè.
a) Giáo viên được điều động đi dạy trong vụ hè:
Giáo viên được điều động đi dạy học (làm giảng viên) tại các trại huấn luyện trong vụ hè được hưởng phụ cấp dạy thêm theo thể thức đã quy định rõ trong thông tư số 33-TT-PT ngày 8/6/1956 của Bộ (Mục 3, đoạn b).
b) Giáo viên tại trường được điều động về làm công tác hành chính, tổ chức, lãnh đạo và hướng dẫn học tập, v.v… trong vụ hè.
Những giáo viên này được hưởng thù lao làm thêm giờ theo tinh thần thông tư Liên Bộ Nội vụ - Tài chính – Lao động số 12-TT-LB ngày 5/7/1956 (không phải phụ cấp dạy thêm giờ).
Tuy nhiên, các cấp có thẩm quyền điều động giáo viên về cơ quan làm công tác trong vụ hè cần nắm vững tinh thần thông tư Liên bộ nói trên đây để việc điều động giáo viên về làm trong vụ hè được quyết định đúng nguyên tắc đã ấn định (làm công tác bất thường, đột xuất, đặc biệt không thể trì hoãn được).
c) Nhân viên làm việc tại văn phòng (Bộ, Nha, Khu, Ty…) làm công tác tổ chức, hành chính, lãnh đạo học tập… tại các trại hè:
Những nhân viên này không được hưởng thù lao như giáo viên các trường được điều động về làm công tác trên đây vì những nhân viên này chỉ làm nhiệm vụ thường xuyên của mình. Lẽ dĩ nhiên nếu họ phải làm quá chế độ 8 giờ một ngày thì những giờ làm thêm theo đúng tinh thần và thể lệ quy định trong thông tư Liên bộ số 12-TT-LB được trả thù lao làm thêm giờ.
d) Nhân viên làm việc tại văn phòng (Bộ, Nha, Khu, Ty…) vì nhu cầu phụ trách một số giờ tại các trường hay trại huấn luyện trong giờ chính quyền:
Trong trường hợp này nhân viên làm việc tại văn phòng được hưởng phụ cấp dạy thêm giờ như đã quy định rõ trong điều 4 của nghị định Liên bộ 331-NĐ-LB. Tuy nhiên, nếu những nhân viên này đảm nhận dạy thêm quá nhiều giờ ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính tại văn phòng thì cơ quan nên cử hẳn những nhân viên ấy ra làm giáo viên. Nếu không điều chỉnh ngay có thể xảy ra tình trạng vô lý sau đây: công tác văn phòng bị ảnh hưởng lớn, nhân viên ấy làm thêm giờ ngoài, quy lại phải trả phụ cấp làm thêm giờ.
e) Trong vụ hè, thời gian giáo viên đến trường trước niên học để chuẩn bị cho khai giảng và ở lại sau niên học để thu xếp công việc trường và tổng kết niên học có được coi là những giờ làm thêm ngoài không?
Thời gian này không coi là những giờ làm thêm được trả thù lao làm thêm giờ vì công tác chuẩn bị cho khai giảng và tổng kết niên học bảo đảm chương trình khai giảng dạy hàng năm của mỗi giáo viên.
g) Giáo viên dạy thêm giờ ngoài chương trình cho học sinh trong vụ hè.
Giáo viên sẽ được trả phụ cấp dạy thêm nếu:
- Kế hoạch dạy thêm giờ do trường đề nghị đã được Ty Giáo dục duyệt y trước (ai dạy, số giờ dạy thêm, số lớp, chương trình dạy,v.v…).
- Việc dạy thêm này chỉ đặt ra tại một vài trường và có lý do chính đáng (thí dụ: vì nạn đói, lụt nên học sinh học tập trong niên học không được điều hòa và đầy đủ chương trình…).
Nếu chủ trương dạy thêm ngoài chương trình trong vụ hè là một chủ trương sẽ đem áp dụng chung cho nhiều trường ở địa phương thì chủ trương và kế hoạch dạy thêm phải được Nha Giáo dục phổ thông duyệt y trước.
h) Chương trình niên khóa của các trường sư phạm là 10 tháng (9 tháng cho trường phổ thông). Vậy tháng thứ 10 dạy hơn phổ thông có được coi là dạy thêm trong hè để tính phụ cấp không?
Tháng thứ 10 vẫn là một tháng học để bảo đảm chương trình niên khóa nên không thể coi là tháng dạy thêm trong hè: thông tư giải thích số 33-TT ngày 8/6/1956 đã nêu rõ là trường hợp dạy trong vụ hè ngoài chương trình niên khóa hàng năm mới được hưởng phụ cấp dạy thêm.
i) Giáo viên đi chấm thi:
Giáo viên được cử đi chấm thi sẽ hưởng chế độ phụ cấp chấm thi quy định trong những văn bản riêng.
IV. - GIẤY CHỨNG NHẬN VIỆC DẠY THÊM GIỜ DÙNG TRONG VIỆC THANH TOÁN PHỤ CẤP.
1. Trách nhiệm:
Hiệu trưởng chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc cấp giấy chứng nhận cho các giáo viên dạy thêm làm chứng từ thanh toán. Ty, Sở hay Khu Giáo dục có nhiệm vụ duyệt lại và kiểm soát trước khi thanh toán phụ cấp.
2. Giấy chứng nhận:
Để các cơ quan Giáo dục và Tài chính có thể xét việc cử người dạy thêm giờ có theo đúng nguyên tắc và thể lệ hay không ngoài những chi tiết khác, trường phải ghi thật rõ ràng và cụ thể trên giấy chứng nhận các điểm sau:
- Lý do phải dạy thêm giờ: thí dụ: dạy thay bà X ốm hay nghỉ đẻ; dạy thay vì trường còn thiếu… giáo viên.
- Quyết định của cấp trên có thẩm quyền cho phép dạy thêm được hưởng phụ cấp (trong trường hợp cần có sự thỏa thuận trước của cấp trên).
Các Khu, Sở, Ty sau khi liên lạc với cơ quan tài chính địa phương, nên ấn định cho trường mẫu giấy chứng nhận để tiện cho việc kê khai và kiểm soát.
Bộ được biết là rất nhiều thể lệ có liên quan đến quyền lợi của giáo viên không được một số lớn Khu, Ty Giáo dục phổ biến chu đáo và rộng rãi đến tận trường và giáo viên.
Bộ đề nghị các Khu, Ty, Sở bổ khuyết thiếu sót trên đây và phổ biến rộng rãi đến tận giáo viên Thông tư này và các văn bản đã ban hành trước đây về chế độ công tác và phụ cấp dạy thêm giờ.
BỘTRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC |
- 1 Thông tư 49-BGD-1979 quy định chế độ công tác đối với giáo viên trường phổ thông do Bộ Giáo dục ban hành
- 2 Thông tư 3225-CB/PL năm 1958 về chế độ phụ cấp cho giảng viên các lớp huấn luyện ngắn hạn do Bộ Nội vụ ban hành
- 3 Nghị định 596-NĐ năm 1956 về việc Ban hành quy chế trường phổ thông 10 năm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành
- 4 Nghị định 1027-TTg năm 1956 về bản chính sách giáo dục phổ thông của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà do Thủ tướng ban hành
- 5 Thông tư liên bộ 12–TT-LB năm 1956 quy định chế độ thù lao cho cán bộ, nhân viên làm thêm giờ do Bộ Nội vụ - Bộ Lao động - Bộ Tài chính ban hành
- 6 Thông tư 33-TT năm 1956 giải thích việc áp dụng Nghị định Liên Bộ Nội vụ - Tài chính – Giáo dục ấn định việc trả phụ cấp dạy thêm cho giáo viên do Bộ Giáo dục ban hành
- 7 Nghị định 331-NĐ-LB năm 1956 quy định phụ cấp dạy thêm cho giáo viên các cấp do Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 8 nghị định 286-NĐ năm 1956 về việc ấn định số giờ dạy học tối đa hàng tuần của giáo viên các cấp do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành