BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 57-TC/TCT | Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 1992 |
Thi hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 01-TTg ngày 6 tháng 10 năm 1992 về một số biện pháp cấp bách nhằm chấn chỉnh quản lý các dịch vụ xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hoá ở thị trường trong nước, sau khi thống nhất với Bộ Thương mại và Du lịch, Bộ Nội vụ, Tổng cục Hải quan và Ban quản lý thị trường Trung ương, Bộ Tài chính hướng dẫn các biện pháp xử lý đối với hàng hoá trong diện nhập khẩu hộ, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh và nhập lậu quy định tại các điểm 3, 4, 5 và 7 trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ như sau:
Theo quy định tại Chỉ thị số 01-TTg ngày 6 tháng 10 năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ thì hàng hoá xuất nhập khẩu trong các trường hợp sau đây đều bị xử lý theo hướng dẫn tại Thông tư này:
1. Đối với ô tô, xe 2 bánh gắn máy trong diện nhập khẩu hộ, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh đã đưa vào Việt Nam nhưng bị đình chỉ theo diện số 189 ngày 13 tháng 8 năm 1992 và quy định tại điểm 3 của Chỉ thị số 01-TTg ngày 6 tháng 10 năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ;
2. Đối với các hàng hoá khác (ngoài ô tô, xe máy) đã được nhập khẩu hộ, tạm nhập tái xuất, quá cảnh và chuyển khẩu đưa vào nước ta không đúng với quy định ở điểm 2 của Chỉ thị số 01-TTg ngày 6 tháng 10 năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ.
II- CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ CỤ THỂ
1. Đối với số xe ô tô, xe 2 bánh gắn máy và các hàng hoá khác đã bị tạm giữ theo quy định tại diện số 189 ngày 13 tháng 8 năm 1992 và quy định tại điểm 3, điểm 4 của Chỉ thị số 01-TTg ngày 6 tháng 10 năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến nay chủ hàng không đến cơ quan công an nơi tạm giữ để khai báo và nộp hồ sơ thì coi như hàng nhập lậu và bị tịch thu.
2. Đối với các chủ hàng là doanh nghiệp đã được Bộ Thương mại và Du lịch cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp được xử lý như sau:
2a. Trường hợp các doanh nghiệp được phép kinh doanh xuất nhập khẩu và được Bộ Thương mại và Du lịch cấp giấy phép tạm nhập tái xuất, phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ sau đây:
(1) Giấy phép tạm nhập, tái xuất của Bộ Thương mại và Du lịch có đóng dấu tạm nhập tái xuất.
(2) Tờ khai hàng xuất nhập khẩu theo mẫu HQ-80-92 do cơ quan Hải quan cấp.
(3) Hợp đồng nhập khẩu, xuất khẩu ký giữa các doanh nghiệp với các tổ chức, cá nhân nước ngoài.
(4) Thông báo thuế hoặc biên lai thu thuế nhập khẩu do cơ quan Hải quan cấp.
Nếu có đủ các giấy tờ trên thì cho phép các chủ hàng làm lại thủ tục nhập khẩu theo hướng dẫn của Bộ Thương mại và Du lịch, kê khai hàng hoá nhập khẩu với cơ quan Hải quan, nộp ngay toàn bộ số thuế nhập khẩu sau đó mới được nhận hàng về để tiêu thụ trong nước.
Trường hợp các chủ hàng muốn tái xuất phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và được Bộ Thương mại và Du lịch cấp giấy phép tái xuất. Các chủ hàng sẽ được hoàn lại tiền thuế nhập khẩu đã nộp sau khi đã thực hiện tái xuất số hàng đó.
+ Trường hợp các doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện 1, 2 nói tại điểm 2a sẽ bị coi như hàng nhập lậu và bị tịch thu.
+ Trường hợp các doanh nghiệp có đủ các điều kiện 1 và 2 nhưng khi thu giữ hàng hoá mà hồ sơ kèm theo không đầy đủ điều kiện 3 và điều kiện 4 tại điểm 2a thì yêu cầu các doanh nghiệp bổ sung đầy đủ hồ sơ. Sau khi các doanh nghiệp đã bổ túc đầy đủ hồ sơ hợp lệ thì xử lý cho phép các doanh nghiệp mang hàng hoá về quản lý và làm lại thủ tục nhập khẩu như hướng dẫn tại điểm 2a nêu trên. Các doanh nghiệp phải nộp một khoản tiền phạt về vi phạm hành chính theo Pháp lệnh Xử phạt hành chính.
3. Đối với các chủ hàng là doanh nghiệp cơ quan, đoàn thể hoặc tư nhân không được Bộ Thương mại và Du lịch cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp được xử lý như sau:
- Trường hợp các đối tượng trên được Bộ Thương mại và Du lịch cấp giấy phép tạm nhập, tái xuất và có đầy đủ điều kiện hợp lệ (như quy định tại điểm 2a và thêm hợp đồng uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu) thì được xử lý như quy định tại điểm 2a, nhưng phải nộp một khoản tiền về xử phạt vi phạm hành chính.
- Trường hợp các đối tượng trên không được Bộ Thương mại và Du lịch cấp giấy phép tạm nhập, tái xuất hoặc không có đủ giấy tờ hợp lệ chứng minh thì cũng bị coi là hàng nhập lậu và bị xử lý tịch thu.
- Trường hợp các đối tượng trên nhập lậu hàng hoá, làm hồ sơ giả mạo đều bị xử lý tịch thu. Tuỳ theo mức độ sai phạm các đơn vị, cá nhân nói trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy tố trước pháp luật.
- Trường hợp người cấp giấy phép sai chỉ dẫn cho giải toả xe trái phép sau khi có công điện 189, chứa chấp, cất giấu hàng hoá hoặc cố ý cản trở, chống đối người thi hành công vụ thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà xử lý phê bình, cảnh cáo, cách chức và truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Đối với các chủ hàng là tổ chức, cá nhân nước ngoài được xử lý như sau:
4a. Trường hợp các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp Việt Nam để làm các dịch vụ nhập khẩu hộ, quá cảnh và chuyển khẩu, được Bộ Thương mại và Du lịch cho phép các doanh nghiệp Việt Nam làm các dịch vụ trên và có hồ sơ hợp lệ gồm:
(1) Giấy phép xuất, nhập khẩu hàng quá cảnh hoặc chuyển khẩu do Bộ Thương mại và Du lịch cấp, riêng hàng quá cảnh phải có đóng dấu "hàng quá cảnh".
(2) Tờ khai hàng xuất nhập khẩu hàng quá cảnh, chuyển khẩu.
(3) Hợp đồng dịch vụ nhập khẩu hộ, vận chuyển quá cảnh hoặc chuyển khẩu có đóng dấu đăng ký tại Bộ Thương mại và Du lịch.
Nếu có đủ các điều kiện trên các doanh nghiệp liên hệ với các tổ chức, cá nhân nước ngoài (thông qua Bộ Thương mại và Du lịch) để trả lại hàng cho chủ sở hữu đó.
Mọi phí tổn phát sinh trong quá trình vận chuyển, bảo quản chủ hàng nước ngoài phải chịu trách nhiệm thanh toán gồm:
+ Chi phí vận chuyển.
+ Các khoản lệ phí Hải quan theo quy định tại Thông tư Liên Bộ Tài chính - Hải quan số 1010 TTLB/TC-HQ ngày 31 tháng 12 năm 1991.
+ Chi phí lưu kho lưu bãi phát sinh trong quá trình bảo quản hàng hoá;
+ Các khoản tiền phạt trong quá trình vận chuyển bảo quản (nếu có).
4b. Trường hợp các tổ chức, cá nhân nước ngoài trước đây đã mang ô tô, xe 2 bánh gắn máy vào Việt Nam qua biên giới phía Tây và Tây nam và các cửa khẩu khác theo hình thức tạm nhập, tái xuất có hoặc không ký quỹ tại Hải quan cửa khẩu được xử lý như sau:
(1) Trường hợp các xe trên chưa hết thời hạn tạm nhập hoặc đã hết thời hạn tạm nhập nhưng chủ xe lưu trú tại Việt Nam liên tục từ trước 13 tháng 8 năm 1992 đến nay thì chủ xe phải đăng ký xin gia hạn tạm nhập tái xuất khỏi Việt Nam trước ngày 31 tháng 10 năm 1992 (trừ các trường hợp tạm nhập tái xuất vì mục đích công vụ hoặc chở người kinh doanh được cơ quan Hải quan cho phép).
(2) Trường hợp các xe trên đã hết thời hạn tạm nhập mà chủ xe không lưu trú tại Việt Nam liên tục từ trước ngày 13 tháng 8 năm 1992 và các xe đó đã được giao cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam quản lý thì bị coi như hàng nhập lậu và bị tịch thu.
1. Bộ Tài chính chủ trì Hội đồng xử lý Trung ương bao gồm các thành viên là đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Thương mại và Du lịch, Tổng cục Hải quan và Ban quản lý thị trường Trung ương, với nhiệm vụ:
- Hướng dẫn các địa phương về nội dung và phương pháp xử lý.
- Kiểm tra việc xử lý của các địa phương.
- Trực tiếp xử lý một số trường hợp phức tạp các địa phương chưa xử lý được hoặc xử lý không đúng quy định.
- Xử lý các loại hàng hoá hiện nay do các cơ quan Trung ương đang thu giữ.
- Ra quyết định xử lý các trường hợp tịch thu ô tô sau khi có ý kiến đề xuất của UBND tỉnh, thành phố.
- Trình Chính phủ các trường hợp vượt thẩm quyền.
2. Ở các địa phương, Bộ Tài chính giao trách nhiệm cho Cục thuế tỉnh, thành phố chủ trì phối hợp với các ngành công an, Thương mại, Hải quan và ban quản lý thị trường cùng cấp thành lập Hội đồng xử lý tại địa phương để giúp UBND tỉnh, thành phố xử lý theo đúng nội dung hướng dẫn tại Thông tư này và tổng hợp báo cáo về Hội đồng xử lý Trung ương thông qua Bộ Tài chính.
Căn cứ hồ sơ và ý kiến đề xuất của Hội đồng xử lý địa phương, UBND tỉnh, thành phố sẽ ra quyết định xử lý từng trường hợp cụ thể. Riêng các trường hợp tịch thu ô tô Hội đồng xử lý địa phương và UBND tỉnh nghiên cứu đề xuất Hội đồng xử lý Trung ương ra quyết định xử lý từng trường hợp cụ thể.
Đối với các trường hợp ô tô thu giữ mà UBND tỉnh, thành phố đã ra quyết định xử lý tịch thu rồi, thì phải gửi các hồ sơ tài liệu có liên quan về Hội đồng xử lý Trung ương để kiểm tra lại.
Đối với các trường hợp hiện nay các địa phương đang tạm giữ hoặc truy tìm nhưng chưa phân loại để xử lý, Cục thuế các tỉnh chủ trì Hội đồng xử lý để xác minh, phân loại và xử lý theo quy định tại Thông tư này.
Việc điều tra, xác minh cụ thể về hồ sơ tài liệu và các hành vi phạm pháp sẽ do công an tỉnh, thành phố chủ trì cùng các ngành có liên quan (Hải quan, Thương mại du lịch...) thực hiện theo quy định tại Chỉ thị số 01-TTg ngày 6 tháng 10 năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Đối với số xe ô tô bị tịch thu trong đợt này sẽ chuyển cho Cục dự trữ quốc gia bảo quản. Hội đồng xử lý các địa phương cần đánh giá chất lượng và định giá cả từng chiếc xe để giao cho Cục dự trữ quốc gia (không phải thanh toán tiền ngay). Cục dự trữ quốc gia sẽ tiêu thụ số hàng trên theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ.
4. Xử lý số tiền thu được
- Đối với số thuế nhập khẩu của các lô hàng tạm nhập tái xuất chuyển sang nộp thuế tiêu thụ trong nước và lệ phí quá cảnh, Hải quan sẽ thu và nộp vào NSNN theo quy định.
- Đối với số tiền thuế phải truy thu của các lô hàng Cục thuế địa phương chịu trách nhiệm thu nộp vào NSNN theo quy định và theo đúng mục lục ngân sách hiện hành.
- Đối với số hàng tịch thu (không phải nộp thuế nhập khẩu) được trích thưởng cho các lực lượng có công tham gia vào việc bắt giữ và xử lý theo đúng quy định tại Thông tư số 04 của Bộ Tài chính; số còn lại được để lại 100% cho ngân sách địa phương.
- Các khoản phạt vi phạm hành chính và lệ phí khác được để lại 100% bổ sung ngân sách địa phương nơi thu giữ các hàng hoá kể trên.
5. Hội đồng xử lý Trung ương sẽ tổ chức các tổ chuyên viên gồm các ngành tài chính, nội vụ, thương mại hải quan và Ban quản lý thị trường Trung ương do Bộ Tài chính chủ trì để hướng dẫn và kiểm tra ở các Hội đồng địa phương trong quá trình xử lý.
6. Đối với số hàng bị tịch thu là ô tô, xe máy sau khi xử lý xong Bộ Nội vụ có hướng dẫn cụ thể về thủ tục đăng ký nhằm giúp cho các đơn vị, cá nhân thuận lợi trong việc đăng ký lưu hành.
1. Việc xử lý khen thưởng đối với các đơn vị, cá nhân có thành tích trong việc phát hiện, bắt giữ, xác minh và xử lý các vụ vi phạm theo các quy định hiện hành (theo QĐ 388 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư 04 của Bộ Tài chính). Nguồn khen thưởng được trích từ số tiền phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị vi phạm và số tiền thu được sau khi bán hàng hoá tịch thu. Việc trích thưởng do Hội đồng xử lý trình UBND tỉnh, thành phố quyết định.
2. Trong quá trình xử lý, mà chưa trích được tiền thưởng, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) và Cục thuế tỉnh, thành phố tạm ứng tiền để bồi dưỡng cho những người tham gia xử lý.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký, các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng tích cực triển khai thực hiện nhằm bảo đảm việc xử lý hoàn thành trước ngày 31 tháng 10 năm 1992. Bộ Thương mại và Du lịch hướng dẫn về các nghiệp vụ liên quan nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vấn đề gì khó khăn vướng mắc thì kịp thời báo cáo về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.
Phan Văn Dĩnh (Đã Ký) |
- 1 Thông tư 69-BTC/TCT năm 1992 bổ sung thi hành Chỉ thị 01-TTg về nguyên tắc xử lý đối với xe ô tô, xe gắn máy và các hàng hoá khác trong diện tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh, nhập khẩu hộ và nhập lậu do Bộ Tài chính ban hành
- 2 Thông tư 69-BTC/TCT năm 1992 bổ sung thi hành Chỉ thị 01-TTg về nguyên tắc xử lý đối với xe ô tô, xe gắn máy và các hàng hoá khác trong diện tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh, nhập khẩu hộ và nhập lậu do Bộ Tài chính ban hành
- 1 Thông tư 77-TC/TCT năm 1992 hướng dẫn việc xử lý hàng tịch thu do Bộ Tài chính ban hành
- 2 Chỉ thị 1-TTg về một số biện pháp cấp bách nhằm chấn chỉnh quản lý các dịch vụ xuất nhập - khẩu và lưu thông hàng hoá ở thị trường trong nước do Thủ tường Chính phủ ban hành
- 3 Thông tư liên bộ 1010-TTLB/TC-HQ năm 1991 quy định mức thu và việc sử dụng các loại lệ phí hải quan do Bộ Tài chính - Tổng cục Hải quan ban hành