BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 65/2002/TT-BTC | Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2002 |
Thi hành khoản 2 điều 1 Nghị định số 02/2002/NĐ-CP ngày 3/1/2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc, Bộ Tài chính hướng dẫn việc cấp bù chênh lệch lãi suất cho các Ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện huy động vốn, cho thương nhân vay để dự trữ, bán lẻ các mặt hàng thiết yếu và mua nông, lâm sản tại khu vực II, III miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc như sau:
Đối tượng được cấp bù chênh lệch lãi suất hướng dẫn tại Thông tư này là các Ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện nhiệm vụ cho thương nhân vay để dự trữ, bán lẻ các mặt hàng thiết yếu và mua nông, lâm sản tại khu vực II, III miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc (gọi tắt là cho thương nhân vay) theo quy định của Nghị định số 02/2002/NĐ-CP ngày 3/1/2002 của Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
2. Phạm vi và nguyên tắc cấp bù
- Phạm vi cấp bù chênh lệch lãi suất là cấp bù số giảm 20% lãi suất cho vay thông thường đối với thương nhân đã vay vốn của các Ngân hàng thương mại Nhà nước. Tổng số tiền cấp bù chênh lệch lãi suất hàng năm được thực hiện trong phạm vi dự toán Ngân sách Nhà nước hàng năm đã được Quốc Hội quyết định.
- Số tiền cấp bù chênh lệch lãi suất được tính toán trên cơ sở dư nợ trong hạn cho thương nhân vay tương ứng với thời gian dự trữ, bán lẻ các mặt hàng thiết yếu và mua nông, lâm sản tại khu vực II, III miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc với 20% mức lãi suất cho vay thông thường thực tế.
- Các Ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện việc cho thương nhân vay phải theo dõi, hạch toán riêng số tiền cho vay, thu nợ, dư nợ để đảm bảo cho việc tính toán, kiểm tra số cấp bù chênh lệch lãi suất được chính xác.
3. Điều kiện để cấp bù chênh lệch lãi suất
Ngân sách Nhà nước chỉ cấp bù cho các Ngân hàng thương mại Nhà nước cho thương nhân vay thực tế có giảm 20% lãi suất khi có đủ các điều kiện sau:
+ Thương nhân vay vốn tại các Ngân hàng thương mại Nhà nước có trụ sở hoặc có đăng ký chi nhánh hoạt động tại các tỉnh miền núi hoặc có miền núi theo quy định của pháp luật.
+ Thương nhân được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ và xác nhận số lượng, giá trị, thời hạn dự trữ, bán lẻ các mặt hàng thiết yếu và mua nông, lâm sản tại khu vực II, III miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc.
+ Hợp đồng tín dụng giữa thương nhân và Ngân hàng thương mại Nhà nước được ký kết từ ngày Nghị định 02/2002/NĐ-CP có hiệu lực (từ ngày 18/1/2002). Hợp đồng tín dụng có quy định rõ lãi suất cho vay thông thường của Ngân hàng thương mại Nhà nước tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng và lãi suất cho vay thực tế (đã được giảm 20%) đối với thương nhân. Lãi suất cho vay thương mại thông thường của Ngân hàng thương mại Nhà nước tại thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng với thương nhân phải phù hợp với mặt bằng lãi suất cho vay thương mại thông thường cùng kỳ hạn, cùng thời điểm của Ngân hàng thương mại Nhà nước với các đối tượng không được giảm lãi suất và của các Tổ chức tín dụng đóng trên địa bàn.
+ Thời hạn vay vốn của thương nhân để dự trữ, bán lẻ các mặt hàng thiết yếu và mua nông, lâm sản tại khu vực II, III miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc được cấp bù chênh lệch lãi suất tương ứng với thời hạn dự trữ, bán lẻ các mặt hàng thiết yếu và mua nông, lâm sản tại khu vực II, III miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc.
Số tiền chênh lệch lãi suất được tạm cấp bù trong năm theo định kỳ 6 tháng một lần, số tiền chênh lệch lãi suất cấp bù chính thức cả năm sẽ được xác định sau khi kết thúc năm tài chính.
4.1. Lập kế hoạch cấp bù chênh lệch lãi suất
- Căn cứ tình hình thực tế về giảm lãi suất đối với thương nhân năm hiện tại và kế hoạch vay vốn của thương nhân năm kế hoạch, các Ngân hàng thương mại Nhà nước lập kế hoạch cho thương nhân vay và xác định số chênh lệch lãi suất dự kiến đề nghị cấp bù theo công thức:
Số cấp bù trong năm kế hoạch | = | Dư nợ cho vay bình quân tháng được cấp bù | x | 20% lãi suất cho vay thông thường tháng | x | Số tháng cho vay được cấp bù trong năm |
Trong đó:
+ Dư nợ cho vay bình quân tháng được cấp bù là dư nợ cho thương nhân vay dự kiến được tính theo phương pháp bình quân số học của tất cả các tháng có dư nợ trong năm kế hoạch.
+ Lãi suất cho vay thông thường để tính kế hoạch cấp bù là lãi suất cho vay thông thường bình quân tháng do Ngân hàng thương mại Nhà nước đang thực hiện tại thời điểm lập kế hoạch ở từng địa phương nơi cho vay.
- Các Ngân hàng thương mại Nhà nước tiến hành lập kế hoạch chênh lệch lãi suất được cấp bù trong năm gửi Bộ Tài chính để tổng hợp vào dự toán Ngân sách Nhà nước hàng năm.
4.2. Phương pháp cấp bù chênh lệch lãi suất
a) Công thức tính toán cấp bù chênh lệch lãi suất
Số tiền được cấp bù | n = ồ i=1 | 20% lãi suất cho vay thông thường/ tháng | x | Tổng các tích số giữa số dư nợ cho thương nhân vay với số ngày dư nợ thực tế trong tháng 30 |
Trong đó :
+ n là số tháng phát sinh hoạt động cho thương nhân vay tương ứng với thời hạn dự trữ, bán lẻ các mặt hàng thiết yếu và mua nông, lâm sản tại khu vực II, III miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc.
+ Lãi suất cho vay thông thường là lãi suất cho vay thông thường/tháng theo kỳ hạn đối với các khách hàng được ghi trong hợp đồng tín dụng ở từng địa phương nơi cho vay đảm bảo theo quy định tại điểm 3 nêu trên.
b) Phương pháp cấp bù chênh lệch lãi suất:
- Định kỳ sáu tháng một lần, căn cứ vào kế hoạch và tiến độ thực hiện của các đơn vị, Bộ Tài chính sẽ tạm cấp bù chênh lệch lãi suất tối đa bằng 80% mức thực hiện trong 6 tháng cho các Ngân hàng thương mại Nhà nước.
- Kết thúc năm tài chính, các Ngân hàng thương mại Nhà nước có thực hiện cho thương nhân vay phải tính toán, xác định số chênh lệch lãi suất thực tế đề nghị cấp bù theo công thức trên báo cáo Bộ Tài chính.
- Trên cơ sở báo cáo của các Ngân hàng thương mại Nhà nước, Bộ Tài chính sẽ tiến hành kiểm tra các điều kiện để được cấp bù chênh lệch lãi suất, xác định chính thức số chênh lệch lãi suất cấp bù cho các Ngân hàng thương mại Nhà nước và xử lý như sau:
+ Nếu số được cấp bù chính thức cao hơn số đã tạm cấp trong năm thì Bộ Tài chính sẽ cấp đủ phần còn thiếu.
+ Nếu số được cấp bù chính thức thấp hơn số đã tạm cấp bù trong năm thì số chênh lệch cấp vượt sẽ được giữ lại để tạm cấp cho năm kế tiếp (trường hợp Ngân hàng thương mại Nhà nước được tiếp tục giao nhiệm vụ cho thương nhân vay giảm lãi suất) hoặc phải nộp lại Ngân sách Nhà nước (trường hợp Ngân hàng thương mại Nhà nước không được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho thương nhân vay giảm lãi suất).
5. Chế độ báo cáo và hồ sơ quyết toán cấp bù chênh lệch lãi suất
5.1. Các Ngân hàng thương mại Nhà nước có trách nhiệm lập và gửi Bộ Tài chính báo cáo sau:
- Báo cáo dự kiến kế hoạch cấp bù chênh lệch lãi suất năm gửi trước ngày 31 tháng 7 năm trước năm kế hoạch.
- Báo cáo tình hình thực hiện cho vay và số đề nghị cấp bù chênh lệch lãi suất 6 tháng gửi chậm nhất sau 20 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng.
- Báo cáo tình hình thực hiện cho vay và số đề nghị cấp bù chênh lệch lãi suất năm gửi chậm nhất sau 45 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
5.2. Các Ngân hàng thương mại Nhà nước lập hồ sơ quyết toán cấp bù chênh lệch lãi suất trước ngày 28 tháng 2 năm kế tiếp tại trụ sở chính để Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra quyết toán cấp bù chênh lệch lãi suất. Hồ sơ quyết toán cấp bù chênh lệch lãi suất gồm:
- Các văn bản chứng minh có đủ điều điều kiện để được cấp bù chênh lệch lãi suất tại điểm 3 nêu trên.
- Số tiền chênh lệch lãi suất phát sinh thực tế đề nghị được cấp bù cả năm (theo mẫu biểu số 01 đính kèm).
- Chi tiết về tình hình cho thương nhân vay theo từng chi nhánh (theo mẫu biểu số 02 đính kèm).
- Tập hợp bảng kê tích số tính lãi suất được cấp bù chênh lệch đối với từng thương nhân (theo mẫu biểu số 03 đính kèm), kèm theo khế ước nhận nợ và các chứng từ liên quan để lập bảng kê tích số.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký. Đối với các hợp đồng tín dụng ký kết từ ngày 18/1/2002 đến ngày thông tư này có hiệu lực thi hành, để được cấp bù chênh lệch lãi suất các Ngân hàng thương mại Nhà nước và thương nhân thuộc diện được cấp bù chênh lệch lãi suất phải thoả thuận điều chỉnh hợp đồng tín dụng phù hợp với quy định tại thông tư số 04/2002/TT-NHNN ngày 3/7/2002 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện việc giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng thương mại Nhà nước đối với thương nhân và thông tư này.
Các Ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện cho thương nhân vay chịu trách nhiệm lập kế hoạch, xác định chính xác số chênh lệch lãi suất đề nghị cấp bù và gửi báo cáo Bộ Tài chính đúng nội dung và thời hạn quy định trong Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết.
Lê Thị Băng Tâm (Đã ký) |
- 1 Quyết định 18/2018/QĐ-TTg hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất thực hiện chính sách cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Thông tư 04/2002/TT-NHNN hướng dẫn việc giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng thương mại nhà nước đối với thương nhân khu vực II, III miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc tại Nghị định 02/2002/NĐ-CP do Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 3 Nghị định 02/2002/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 20/1998/NĐ-CP về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số