Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 87/2014/TT-BTC

Hà Nội, ngày 04 tháng 7 năm 2014

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ CÁC TRẠM THU PHÍ ĐƯỜNG QUỐC LỘ 51

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 và Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ các trạm thu phí đường Quốc lộ 51, như sau:

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng thu phí sử dụng đường bộ các trạm thu phí (Trạm T1 tại Km11+000, Trạm T2 tại Km28+480 và Trạm T3 tại Km56+450) đường Quốc lộ 51 thực hiện theo quy định tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 159/2013/TT-BTC).

Điều 2. Biểu mức thu phí

Ban hành kèm theo Thông tư này Biểu mức thu phí sử dụng đường bộ các trạm thu phí đường Quốc lộ 51.

Điều 3. Thu, nộp phí

1. Trường hợp phương tiện đi qua 01 trạm (T1; T2 hoặc T3), thì chủ phương tiện phải nộp phí tại trạm đó. Trường hợp phương tiện qua 02 trạm kế tiếp nhau (T1 và T2 hoặc T2 và T3), thì chủ phương tiện phải nộp phí tại trạm đến đầu tiên và không phải nộp phí khi qua trạm thứ 2. Trường hợp phương tiện qua cả 03 trạm, thì chủ phương tiện phải nộp phí tại trạm T1 và trạm T3, cụ thể như sau:

a) Đối với xe lưu thông hướng từ Biên Hòa - Vũng Tàu

Trường hợp xe đi hết tuyến: Đến trạm T1, người điều khiển phương tiện nộp phí. Nhân viên thu phí thực hiện thu phí và phát cho người điều khiển phương tiện Liên 2 vé thu phí (liên giao cho người nộp phí) và Liên 3 (liên báo soát) gắn liền với Liên 2. Đến trạm T2, người điều khiển phương tiện nộp Liên 2, Liên 3 cho nhân viên thu phí và không phải nộp phí khi qua trạm. Nhân viên thu phí giữ lại Liên 3 và trả lại cho chủ phương tiện Liên 2. Đến trạm T3, người điều khiển phương tiện nộp phí. Nhân viên thu phí thực hiện thu phí và phát cho người điều khiển phương tiện Liên 2.

Trường hợp xe không đi hết tuyến:

- Xe qua trạm T1: Đến trạm T1, người điều khiển phương tiện nộp phí. Nhân viên thu phí thực hiện thu phí và phát cho người điều khiển phương tiện Liên 2, Liên 3. Trường hợp xe qua trạm T2, người điều khiển phương tiện nộp Liên 2, Liên 3 cho nhân viên thu phí và không phải nộp phí khi qua trạm. Nhân viên thu phí giữ lại Liên 3 và trả lại cho chủ phương tiện Liên 2.

- Xe qua trạm T2 (không qua trạm T1): Đến trạm T2, người điều khiển phương tiện nộp phí. Nhân viên thu phí thực hiện thu phí và phát cho người điều khiển phương tiện Liên 2, Liên 3. Trường hợp xe có qua trạm T3, đến trạm T3, người điều khiển phương tiện nộp Liên 2, Liên 3 cho nhân viên thu phí và không phải nộp phí khi qua trạm. Nhân viên thu phí giữ lại Liên 3 và trả lại cho chủ phương tiện Liên 2.

- Xe qua trạm T3 (không qua trạm T2): Đến trạm T3, người điều khiển phương tiện nộp phí. Nhân viên thu phí thực hiện thu phí và phát cho người điều khiển phương tiện Liên 2.

b) Xe lưu thông hướng Vũng Tàu - Biên Hòa

Trường hợp xe đi hết tuyến: Đến trạm T3, người điều khiển phương tiện nộp phí. Nhân viên thu phí thực hiện thu phí và phát cho người điều khiển phương tiện Liên 2, Liên 3. Đến trạm T2, người điều khiển phương tiện nộp Liên 2, Liên 3 cho nhân viên thu phí và không phải nộp phí khi qua trạm. Nhân viên thu phí giữ lại Liên 3 và trả lại cho chủ phương tiện Liên 2. Đến trạm T1, người điều khiển phương tiện nộp phí. Nhân viên thu phí thực hiện thu phí và phát cho người điều khiển phương tiện Liên 2.

Trường hợp xe không đi hết tuyến:

- Xe qua trạm T3: Đến trạm T3, người điều khiển phương tiện nộp phí. Nhân viên thu phí thực hiện thu phí và phát cho người điều khiển phương tiện Liên 2, Liên 3. Trường hợp xe qua trạm T2, người điều khiển phương tiện nộp Liên 2, Liên 3 cho nhân viên thu phí và không phải nộp phí khi qua trạm. Nhân viên thu phí giữ lại Liên 3 và trả lại cho chủ phương tiện Liên 2.

- Xe qua trạm T2 (không qua trạm T3): Đến trạm T2, người điều khiển phương tiện nộp phí. Nhân viên thu phí thực hiện thu phí và phát cho người điều khiển phương tiện Liên 2, Liên 3. Trường hợp xe qua trạm T1, người điều khiển phương tiện nộp Liên 2, Liên 3 cho nhân viên thu phí và không phải nộp phí khi qua trạm. Nhân viên thu phí giữ lại Liên 3 và trả lại cho chủ phương tiện Liên 2.

- Xe qua trạm T1 (không qua trạm T2): Đến trạm T1, người điều khiển phương tiện nộp phí. Nhân viên thu phí thực hiện thu phí và phát cho người điều khiển phương tiện Liên 2.

c) Liên 3 dùng để kiểm soát qua trạm thu phí (không dùng làm chứng từ hạch toán), có chứa thông tin kiểm soát (mã vạch). Liên 3 chỉ được sử dụng cho đúng phương tiện đã mua phí qua trạm trước, không sử dụng cho xe khác. Liên 3 có giá trị trong vòng 24 giờ kể từ khi người điều khiển phương tiện được phát, không có giá trị qua trạm chiều ngược lại.

Ví dụ, xe của ông A đi từ Biên Hòa đến Vũng Tàu. Đến trạm T1, ông A nộp phí trạm T1, nhận Liên 2 và Liên 3. Xe của Ông A qua trạm T2 (qua ngay hoặc qua trong thời gian 24 giờ, kể từ khi qua trạm T1) nộp Liên 2, Liên 3 và không phải nộp phí tại trạm T2. Nhân viên thu phí giữ lại Liên 3 và trả lại Liên 2cho ông A. Ông A không được sử dụng Liên 3 qua trạm T2 ở chiều ngược lại (từ Vũng Tàu đi Biên Hòa).

2. Đối với xe sử dụng vé tháng, vé quý

Đối với trạm T1 và T3, chủ phương tiện mua vé tháng, vé quý riêng và sử dụng tại từng trạm. Trường hợp, chủ phương tiện có vé tháng, vé quý của trạm T1 hoặc trạm T3, khi qua trạm T2 sẽ không phải nộp phí. Trường hợp phương tiện chỉ qua trạm T2 (không qua trạm T1 và trạm T3) thì chủ phương tiện mua vé tháng, vé quý của trạm T1 hoặc trạm T3 để sử dụng khi qua trạm T2.

3. Đối với xe sử dụng dịch vụ thu phí không dừng qua các trạm (chủ phương tiện phải có tài khoản trả trước của ngân hàng, có thiết bị thu phát tín hiệu): Mức thu phí, cách tính phí qua các trạm tương tự cách tính phí tại khoản 1 và khoản 2 nêu trên, xe không cần dừng lại tại Làn thu phí không dừng của các trạm, việc phải trả phí được thực hiện tự động thông qua tài khoản thanh toán ngân hàng mà chủ phương tiện đã đăng ký với đơn vị thu phí.

Điều 4. Chứng từ thu phí

Chứng từ thu phí sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí đường Quốc lộ 51 thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 159/2013/TT-BTC. Đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức thu phí thực hiện việc đăng ký mẫu chứng từ thu phí phù hợp với mức phí quy định tại Điều 2 và quy trình thu, nộp phí quy định tại Điều 3 Thông tư này.

Điều 5. Quản lý và sử dụng tiền phí thu được

1. Phí sử dụng đường bộ các trạm thu phí đường Quốc lộ 51 được thu, nộp, quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 159/2013/TT-BTC. Tổng số tiền thu phí hàng năm sau khi trừ chi tổ chức thu và trừ các khoản thuế theo quy định được xác định là khoản tiền thu phí hoàn vốn theo phương án tài chính của Hợp đồng BOT.

2. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí không quy định tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ, Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí, Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002, Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

3. Đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ tổ chức thu phí sử dụng đường bộ các trạm thu phí đường Quốc lộ 51 có trách nhiệm: Tổ chức các điểm bán vé tại trạm thu phí thuận tiện cho người điều khiển phương tiện giao thông và tránh ùn tắc giao thông; thực hiện đăng ký, kê khai, thu, nộp, sử dụng chứng từ thu phí theo đúng quy định; báo cáo kết quả thu phí định kỳ quý, năm về Bộ Giao thông vận tải (theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải); công khai mức thu phí, phương thức thu phí tại từng trạm thu phí theo đúng quy định.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2014. Thời gian bắt đầu thu phí Trạm T2 kể từ khi Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định cho phép thu phí Trạm T2, sau khi thực hiện kiểm tra thực tế và đủ điều kiện thu phí theo quy định. Liên 3 chứng từ thu phí chỉ được phép sử dụng khi triển khai thu phí trạm T2.

2. Bãi bỏ Thông tư số 134/2012/TT-BTC ngày 13/8/2012 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ các trạm thu phí đường Quốc lộ 51.

3. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí, đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ tổ chức thu phí sử dụng đường bộ các trạm thu phí đường Quốc lộ 51 và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

4. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng bí thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo;
- Website chính phủ;
- Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc nhà nước các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, CST (CST5).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

BIỂU MỨC THU PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ CÁC TRẠM THU PHÍ ĐƯỜNG QUỐC LỘ 51

(Ban hành kèm theo Thông tư số 87/2014/TT-BTC ngày 04/7/2014 của Bộ Tài chính)

Số TT

Phương tiện chịu phí đường bộ

Mệnh giá

Vé lượt (đồng/vé/lượt)

Vé tháng (đồng/vé/tháng)

Vé quý (đồng/vé/quý)

1

Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng

20.000

600.000

1.600.000

2

Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn

30.000

900.000

2.400.000

3

Xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn

44.000

1.320.000

3.600.000

4

Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng Container 20 fit

80.000

2.400.000

6.400.000

5

Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng Container 40 fit

160.000

4.800.000

13.000.000

Ghi chú:

- Mức phí trong Biểu nêu trên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, áp dụng riêng tại từng trạm.

- Tải trọng của từng loại phương tiện áp dụng mệnh giá trên là tải trọng theo thiết kế (trọng tải hàng hoá), căn cứ vào Giấy chứng nhận đăng ký xe do cơ quan có thẩm quyền cấp.

- Đối với việc áp dụng mức thu phí đối với xe chở hàng bằng Container (bao gồm cả đầu kéo moóc chuyên dùng): Áp dụng mức thu theo trọng lượng toàn bộ của xe, không phân biệt có chở hàng hay không chở hàng.