Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
BỘ TÀI CHÍNH - BỘ TƯ PHÁP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01-VKSND-TAND-BTC-BTP/TTLT

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 1987 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THU VÀ TRẢ CÁC KHOẢN TIỀN TRONG CÁC BẢN ÁN ĐÃ XỬ LÝ TRƯỚC ĐÂY

Do giá cả không ổn định nên từ khi bản án có hiệu lực pháp luật đến khi thi hành, giá trị các khoản tiền phạt, tiền bồi thường… trong các án hình sự, dân sự đã bị giảm nhiều, gây thiệt hại cho Nhà nước và những người được nhận. Vì vậy, theo đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng Nhà nước đã có công văn số 17/CV-HĐNN ngày 21-7-1987 cho phép thi hành án theo nguyên tắc bảo đảm quyền lợi của người bị thiệt hại. Căn cứ vào tinh thần công văn của Hội đồng Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn về việc thu và trả các khoản tiền trong các bản án đã xử trước ngày thực hiện chỉ thị số 01/NCPL ngày 20-1-1987 của Tòa án nhân dân tối cao mà chưa thi hành án hoặc mới thi hành được một phần như sau:

1- Đối với các khoản tiền bồi thường và thanh toán nợ, Tòa án hướng dẫn hai bên căn cứ vào giá trị đồng tiền ở thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật và thời điểm bản án được thi hành, thương lượng với nhau về mức bồi thường hoặc thanh toán hợp lý mà hai bên có thể chấp nhận được. Nếu hai bên thống nhất thì Tòa án công nhận sự thỏa thuận của họ.

Nếu hai bên không thỏa thuận được thì giải quyết như sau:

a) Đối với các khoản tiền bồi thường hoặc thanh toán nợ, Tòa án quy đổi ra thóc hoặc gạo theo giá thị trường ở địa phương khi bản án có hiệu lực pháp luật rồi căn cứ vào giá thóc hoặc gạo lúc thi hành án, tính thành tiền để các đương sự thi hành.

b) Đối với khoản tiền một bên đương sự đã nộp, Tòa án đã thu gửi ở quỹ cơ quan hoặc gửi ở ngân hàng thì không đặt vấn đề truy thu thêm ở bên đã nộp tiền mà cần giải thích, thuyết phục bên kia nhận tiền. Nếu họ không nhận thì Tòa án lập biên bản rồi gửi số tiền đó vào Ngân hàng và thông báo cho người được nhận biết.

2- Nếu bản án xử đương sự phải trả bằng hiện vật, nhưng không có hiện vật để trả thì Tòa án cho trả bằng tiền theo giá của vật đó tại thị trường ở địa phương lúc thi hành án.

3- Tiền đóng góp nuôi con, cấp dưỡng cho bố mẹ già hoặc cấp dưỡng cho vợ, chồng sau khi ly hôn cũng quy đổi thành thóc hoặc gạo như nói ở điểm 1 mục a nói trên. Nếu tình hình kinh tế của các đương sự đã thay đổi, mức đóng góp hoặc cấp dưỡng đó không còn phù hợp thì họ có thể khởi tố vụ kiện mới yêu cầu Tòa án thay đổi mức đóng góp hoặc cấp dưỡng.

4- Tiền phạt và tiền án phí của các bản án đã xử trước ngày đổi tiền (14-9-1985) thì không quy đổi ra thóc hoặc gạo, nhưng thu theo đơn vị tiền mới bằng đơn vị tiền cũ. (Thí dụ: bản án tuyên phạt 1000đ tiền cũ, thì nay thu 1000đ tiền mới). Nếu Tòa án xử sau ngày đổi tiền (sau ngày 14-9-1985) thì thu theo mức đã tuyên trong bản án.

Chánh án Tòa án nhân dân nơi bản án được thi hành ra quyết định về số tiền mà các đương sự phải thi hành án theo những điều đã hướng dẫn trong Thông tư này. Nếu quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện bị khiếu nại hoặc kháng nghị thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét và quyết định. Chánh án Tòa án dân sự Tòa án nhân dân tối cao xét và quyết định đối với các quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị khiếu nại hoặc kháng nghị.

Nếu gặp những trường hợp khó khăn mà địa phương không giải quyết được thì Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương báo cáo để Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc giải quyết.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Những quy định trái với Thông tư này đều không có hiệu lực thi hành.