Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN VẬT GIÁ CHÍNH PHỦ-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03-LB/TT

Hà Nội , ngày 28 tháng 5 năm 1993

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

 CỦA BAN VẬT GIÁ CHÍNH PHỦ - BỘ TÀI CHÍNH SỐ 03-LB/TT NGÀY 28 THÁNG 5 NĂM 1993 HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 151/TTG NGÀY 12/4/1993 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ HÌNH THÀNH, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ QUỸ BÌNH ỔN GIÁ

Thi hành Quyết định số 151/TTg ngày 12/4/1993 của Thủ tướng Chính phủ về hình thành, sử dụng và quản lý Quỹ bình ổn giá, Liên Bộ Ban Vật giá Chính phủ - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

A - NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Quỹ bình ổn giá của Chính phủ được hình thành từ nguồn phụ thu (ngoài thuế theo luật định) một phần chênh lệch giá phát sinh (nếu có) đối với các loại hàng hoá xuất nhập khẩu, sản xuất, tiêu thụ trong nước và các nguồn thu khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Các tổ chức kinh tế Việt Nam được phép kinh doanh xuất nhập khẩu, sản xuất tiêu thụ trong nước nếu có những sản phẩm phải nộp phụ thu thì ngoài nghĩa vụ nộp thuế theo luật định phải nộp phụ thu theo quy định đối với các sản phẩm này.

3. Toàn bộ khoản phụ thu được tập trung thống nhất vào ngân sách Nhà nước (ngân sách Trung ương), ngân sách Nhà nước trích chuyển lập Quỹ bình ổn giá và được quản lý riêng ở tài khoản mở tại kho bạc Nhà nước.

4. Quỹ bình ổn giá chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá theo quyết định của Chính phủ, không được dùng vào mục đích khác.

B- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

I/ CÁCH TÍNH VÀ THU PHỤ THU ĐỂ LẬP QUỸ BÌNH ỔN GIÁ

1. Căn cứ tính phụ thu:

Trong từng thời gian, căn cứ vào đối tượng, danh mục hàng hoá chịu phụ thu và tỷ lệ phụ thu do Thủ tướng Chính phủ (hoặc Trưởng ban Ban Vật giá Chính phủ nếu được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền) quyết định mức phụ thu được xác định như sau:

a) Đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu:

- Lượng hàng hoá tính phụ thu:

- Là lượng hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu ghi trong vận đơn phù hợp với tờ khai Hải quan của các tổ chức kinh tế.

- Giá tính phụ thu:

Đối với hàng nhập khẩu: Là giá vốn nhập khẩu thực tế đã thanh toán bao gồm giá nhập khẩu cộng chi phí vận tải (F), phí bảo hiểm (I) về đến cảng (hoặc cửa khẩu) nhập khẩu (giá CIF). Trường hợp chưa có phí vận tải và phí bảo hiểm thì doanh nghiệp nhập khẩu xuất trình chứng từ hợp lệ về các loại phí trên cho Hải quan (nơi thực hiện phụ thu) để xác định giá tính phụ thu. Nếu doanh nghiệp không xuất trình được thì Hải quan tính các chi phí này theo quy định của Bộ Thương mại.

Đối với hàng xuất khẩu: Là giá xuất khẩu thực tế tại cảng (hoặc cửa khẩu) xuất không bao gồm chi phí vận tải và phí bảo hiểm (giá FOB).

Trường hợp hàng hoá được nhập và xuất khẩu theo phương thức khác như không có hợp đồng mua bán, hàng đổi hàng... thì giá để tính phụ thu được áp dụng theo giá tính thuế hàng xuất, nhập khẩu tương tự. - Phụ thu được nộp bằng tiền Việt Nam, hoặc bằng ngoại tệ như khi nộp thuế xuất nhập khẩu. Nếu nộp bằng tiền Việt Nam thì tỷ giá giữa đồng tiền Việt Nam và đồng tiền nước ngoài để tính toán phụ thu là tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày như áp dụng để tính thuế hàng xuất, nhập khẩu.

- Số tiền phụ thu đối với hàng xuất, nhập khẩu được xác định theo công thức:

 

Số

phụ

thu =

phải

nộp

Số lượng hàng hóa thực tế xuất khẩu hoặc nhập khẩu (trong thời gian chịu phụ thu

 

Giá tính

phụ thu

x bằng

ngoại tệ

Tỉ giá do

ngân hàng

Nhà nước

x công bố

cho từng

loại

ngoại tệ

 

Tỷ

lệ

x phụ

thu

b) Đối với hàng sản xuất trong nước:

- Lượng hàng tính phụ thu là lượng hàng hoá thực tế đã xuất kho bán hàng của doanh nghiệp.

- Giá tính phụ thu là giá bán hàng ghi trong hoá đơn tại nơi sản xuất.

Trường hợp doanh nghiệp không bán hàng tại nơi sản xuất mà tự vận chuyển hàng đến thị trường tiêu thụ thì giá bán tại nơi sản xuất được xác định bằng giá bán tại thị trường tiêu thụ trừ chi phí lưu thông nhưng không được thấp hơn giá bán tại nơi sản xuất.

- Số tiền phụ thu được xác định theo công thức:

Số phụ

thu phải =

nộp

Số lượng hàng hóa thực tế xuất kho bán hàng (trong thời gian chịu phụ thu)

Giá bán

hàng tại

x nơi sản

suất

 

Tỷ lệ

x phụ

thu

2. Tổ chức thu và thủ tục nộp phụ thu:

a) Cơ quan thu:

- Tổng cục Hải quan có trách nhiệm tổ chức thu khoản phụ thu đối với hàng hoá, xuất, nhập khẩu.

- Tổng cục Thuế có trách nhiệm tổ chức thu khoản phụ thu đối với hàng hoá sản xuất trong nước.

b) Thủ tục nộp khoản phụ thu:

- Đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu: Số phụ thu phải nộp, được nộp đồng thời với thuế xuất, nhập khẩu; Căn cứ vào quyết định về nộp phụ thu của Thủ tướng Chính phủ (hoặc Trưởng ban Vật giá Chính phủ nếu được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền); Hải quan yêu cầu doanh nghiệp có hàng hoá chịu phụ thu tính toán, kê khai số phụ thu phải nộp. Trên cơ sở đó Hải quan kiểm tra và thu số phụ thu này cùng với thuế xuất, nhập khẩu. Thủ tục kê khai, phương thức thu nộp cụ thể do Tổng cục Hải quan hướng dẫn sau khi trao đổi với Bộ Tài chính.

- Đối với hàng hoá sản xuất trong nước: Số phụ thu phải nộp, được nộp đồng thời với thuế doanh thu. Căn cứ vào Quyết định về nộp phụ thu của Thủ tướng Chính phủ (hoặc Trưởng ban Vật giá Chính phủ nếu được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền); Cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp có hàng hoá chịu phụ thu tính toán kê khai số phụ thu phải nộp. Cơ quan thuế kiểm tra và thu số phụ thu này cùng với thuế doanh thu nộp vào Ngân sách Nhà nước. Thủ tục kê khai, phương thức thu nộp do Tổng cục Thuế hướng dẫn.

Khoản phụ thu được nộp vào Ngân sách Nhà nước bằng tiền Việt Nam hay tiền nước ngoại phụ thuộc vào doanh số thực tế thu bằng tiền Việt Nam hay tiền nước ngoài về kinh doanh xuất nhập khẩu, bán hàng của doanh nghiệp.

Các mẫu biểu, chứng từ liên quan đến thu phụ thu do Bộ Tài chính thống nhất ban hành và hướng dẫn sử dụng.

3. Thời hạn nộp phụ thu:

Thời hạn nộp phụ thu thực hiện như các quy định về nộp thuế xuất, nhập khẩu (đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu) và thuế doanh thu (đối với hàng hoá sản xuất và tiêu thụ trong nước). Các trường hợp vi phạm quy định về nộp phụ thu cũng phải xử lý như các trường hợp vi phạm tương tự về nộp thuế.

4. Hạch toán ngân sách nguồn thu phụ thu:

- Đơn vị thu phụ thu có trách nhiệm trích chuyển ngay toàn bộ số phụ thu phát sinh về Ngân sách Trung ương theo hướng dẫn của Cục Kho bạc Nhà nước (nếu mở tài khoản chuyển thu ở Kho bạc Nhà nước) và của Tổng cục Thuế.

- Khoản phụ thu nộp vào Ngân sách Nhà nước được ghi vào chương, loại, khoản, hạng tương ứng mục 11 "Thu phụ thu" của mục lục Ngân sách Nhà nước hiện hành. Ngân sách Nhà nước trích chuyển số phụ thu vào tài khoản "Quỹ bình ổn giá" ở Kho bạc Nhà nước.

II/ SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ QUỸ BÌNH ỔN GIÁ

1. Đối tượng được hỗ trợ từ Quỹ bình ổn giá:

- Các doanh nghiệp kinh doanh những vật tư hàng hoá thiết yếu quan trọng (trước mắt ưu tiên cho lương thực, một số nông sản quan trọng, vật tư nông nghiệp) cần được bình ổn giá theo quy định của Chính phủ.

- Các doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng trước đó đã nộp phụ thu cho Quỹ bình ổn giá khi giá thị trường trong nước hoặc trên thế giới có đột biến cần sử dựng Quỹ bình ổn giá hỗ trợ cho các doanh nghiệp này để sản xuất, kinh doanh được bình thường nhằm ổn định giá các mặt hàng này.

2. Phương thức hỗ trợ của Quỹ bình ổn giá:

Về nguyên tắc Quỹ bình ổn giá không cấp vốn cho doanh nghiệp thay ngân sách Nhà nước. Việc hỗ trợ của Quỹ được gắn với yêu cầu thực tế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khi thực hiện mục tiêu bình ổn giá theo các phương thức chủ yếu sau:

a) Hỗ trợ không hoàn lại một phần số lỗ phát sinh trong các trường hợp doanh nghiệp phải thực hiện mục tiêu bình ổn giá do Chính phủ đề ra nhưng sản xuất kinh doanh bị lỗ.

Hỗ trợ một phần số lỗ phát sinh (có thời hạn) cho các doanh nghiệp trước đó có nộp phụ thu, nay phải tiến hành sản xuất kinh doanh bình thường khi có đột biến giá cả.

b) Hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi suất vay vốn của Ngân hàng hoặc một phần chi phí lưu thông cho những doanh nghiệp mua vào những vật tư hàng hoá dự trữ cho sản xuất và tiêu dùng theo mùa vụ để thực hiện chủ trưng bình ổn giá của Chính phủ. Đến khi bán ra, nếu hoà vốn thì doanh nghiệp hoàn lại một phần hoặc toàn bộ số quỹ bình ổn đã hỗ trợ; nếu có chênh lệch giữa giá vốn dự trữ và giá bán ra thực tế thì ngoài việc hoàn lại toàn bộ số quỹ bình ổn giá đã hỗ trợ, các doanh nghiệp còn phải nộp thêm không quá 60% phần chênh lệch giá này để bổ sung cho Quỹ bình ổn giá.

c) Hỗ trợ cho các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ bình ổn giá theo hình thức cho vay không thu lãi hoặc với lãi suất ưu đãi không quá 70% lãi xuất cho vay tương ứng của Ngân hàng thương mại ở cùng thời điểm. Cục Kho bạc Nhà nước mở tài khoản cho vay để quản lý nguồn vốn này và hướng dẫn cụ thể nghiệp vụ cho vay, thu nợ của Quỹ bình ổn giá.

Các hình thức hỗ trợ này do Ban Vật giá Chính phủ chủ trì cùng Bộ Tài chính và các ngành liên quan trình Chính phủ quyết định và được triển khai thực hiện theo những thủ tục nói ở điểm 3 dưới đây.

3. Thủ tục hồ sơ, trình tự quy định sử dụng Quỹ bình ổn giá:

a) Trong từng thời kỳ hoặc khi có các cơ sở sản xuất kinh doanh đề nghị được hỗ trợ của Quỹ bình ổn giá (theo thủ tục quy định ở điểm c dưới đây) Ban Bật giá Chính phủ chủ trì cùng Bộ Tài chính và các ngành có liên quan xây dựng phương án sử dụng Quỹ bình ổn giá trình Chính phủ quyết định:

- Mặt hàng cần được bình ổn giá.

- Mục tiêu (mức giá cần được ổn định trong từng thời kỳ).

- Đối tượng cần được hỗ trợ và phương thức hỗ trợ từ Quỹ bình ổn giá (theo các nội dung cụ thể tại điểm 2 trên).

- Mức hỗ trợ của Quỹ bình ổn giá cho từng mặt hàng.

b) Sau khi có quyết định của Chính phủ về các vấn đề trên, Ban Vật giá Chính phủ chủ trì cùng Bộ Tài chính và các ngành liên quan triển khai thực hiện, bằng cách tổ chức ký các hợp đồng, cam kết trách nhiệm cụ thể với các doanh nghiệp được hỗ trợ từ Quỹ bình ổn giá.

Hợp đồng trên cần được ghi rõ:

- Mục tiêu bình ổn giá (mức giới hạn tối đa, tối thiểu, giá mua, bán) cần đạt được trong thời gian thực hiện chủ trương bình ổn giá.

- Mức hỗ trợ của Quỹ bình ổn giá đối với từng đơn vị hàng hoá và tổng số, trong thời kỳ được quy định bình ổn giá, ghi rõ tổng mức hỗ trợ từ Quỹ bình ổn giá này được chi một lần hoặc nhiều lần cho doanh nghiệp.

- Phương thức hỗ trợ.

- Thời gian thanh quyết toán.

c) Trong trường hợp các doanh nghiệp chủ động kiến nghị để được hỗ trợ của quỹ bình ổn giá, cần phải xây dựng phương án trình Liên Bộ Ban Vật giá Chính phủ và Bộ Tài chính có sự đồng ý của Bộ chủ quan (nếu là doanh nghiệp Trung ương) hoặc Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố (nếu là doanh nghiệp do địa phương quản lý). Tờ trình cần nêu rõ:

- Mặt hàng cần được hỗ trợ từ Quỹ bình ổn giá và mục tiêu, mức giá cụ thể cần bình ổn đối với mặt hàng ấy.

- Mức và phương thức hỗ trợ của Quỹ bình ổn giá.

- Kết quả tài chính của doanh nghiệp khi thực hiện mục tiêu bình ổn giá nói trên.

- Kế hoạch và biện pháp thực hiện.

- Các chứng từ có liên quan khác và cam kết của doanh nghiệp.

4. Thủ tục chi và hoàn lại Quỹ bình ổn giá.

Căn cứ vào Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc Trưởng Ban Vật giá Chính phủ nếu được uỷ quyền và hợp đồng triển khai thực hiện quy định ở tiết b, điểm 3 trên.

a) Bộ Tài chính làm thủ tục chi Quỹ bình ổn giá (ghi chi chương, loại, khoản, hạng tương ứng, mục 60) cho doanh nghiệp thông qua tài khoản Quỹ bình ổn giá mở tại Cục kho bạc Nhà nước.

Doanh nghiệp do Trung ương quản lý được cấp uỷ quyền qua Bộ chủ quản. Doanh nghiệp do địa phương quản lý được cấp uỷ quyền qua Sở tài chính Vật giá tỉnh, thành phố. Bộ chủ quản, Sở Tài chính Vật giá tỉnh, thành phố có trách nhiệm chi đầy đủ, kịp thời cho doanh nghiệp để việc thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá được thuận lợi, nghiêm cấm sử dụng quỹ này sai địa chỉ, sai mục đích.

Việc chi này được thực hiện một lần hay nhiều lần theo hợp đồng khi triển khai thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá của doanh nghiệp như tiết b, điểm 3 trên.

b) Đối với những trường hợp các doanh nghiệp phải hoàn lại một phần, toàn bộ hoặc có thu bổ sung thêm Quỹ bình ổn giá, khi tới hạn nộp vào Quỹ bình ổn giá Ban Vật giá Chính phủ, Bộ Tài chính theo dõi, có quyết định và thu các khoản thu này cho Quỹ bình ổn giá như nguồn thu phụ thu.

c) Trong trường hợp quyết định hỗ trợ theo hình thức cho vay; Bộ Tài chính làm thủ tục chuyển vốn cho vay vào tài khoản cho vay mở tại Cục kho bạc Nhà nước. Cục kho bạc Nhà nước chuyển vốn cho vay đến Chi cục kho bạc nơi doanh nghiệp hoạt động để tiến hành nghiệp vụ cho vay, thu nợ theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ (hoặc Trưởng ban Ban Vật giá Chính phủ nếu được uỷ quyền).

5. Quyết toán việc sử dụng Quỹ bình ổn giá.

- Các doanh nghiệp được hỗ trợ của Quỹ bình ổn giá dưới bất cứ hình thức nào chậm nhất sao 30 ngày kể từ khi hết thời hạn thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá của Chính phủ phải quyết toán với Liên Bộ: Ban Vật giá Chính phủ và Bộ Tài chính. Bộ chủ quản, Sở Tài chính Vật giá tỉnh, thành phố kiểm tra xét duyệt quyết toán của các doanh nghiệp và tổng hợp quyết toán với Liên Bộ Tài chính - Ban Vật giá Chính phủ. Hồ sơ thủ tục quyết toán thực hiện theo chế độ quản lý tài chính hiện hành.

- Hàng năm, Cục kho bạc Nhà nước có trách nhiệm quyết toán thu chi Quỹ bình ổn giá và báo cáo tình hình cho vay, thu nợ trên tài khoản cho vay từ Quỹ bình ổn giá với Liên Bộ Tài chính - Ban Vật giá Chính phủ. Trường hợp trong năm Quỹ bình ổn giá không sử dụng hết thì số dư của Quỹ sẽ được chuyển sang năm sau để sử dụng tiếp.

C/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

Việc phụ thu và quản lý sử dụng Quỹ bình ổn giá là một công việc mới. Liên Bộ quy định một số điểm sau:

1. Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trong phạm vi quản lý thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ nộp phụ thu cho Quỹ bình ổn giá khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn kiểm tra phương án đề nghị hỗ trợ từ Quỹ bình ổn giá của các doanh nghiệp khi được giao nhiệm vụ bình ổn giá làm cơ sở để Liên Bộ xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế có trách nhiệm hướng dẫn thu nộp khoản phụ thu trong phạm vi mình quản lý đảm bảo thu đúng, thu đủ khoản phụ thu cho Quỹ bình ổn giá. Vào ngày cuối tháng Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế có trách nhiệm thông báo cho Ban Vật giá Chính phủ và Bộ Tài chính tổng mức phụ thu mà doanh nghiệp phải nộp, số phụ thu đã nộp, số phụ thu còn nợ, những khó khăn vướng mắc và đề xuất những biện pháp giải quyết. Đặc biệt khi giá cả thị trường trong nước và trên thế giới có thay đổi cần thay đổi tỷ lệ phụ thu Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế phát hiện để Ban Vật giá Chính phủ và Bộ Tài chính theo dõi và xử lý kịp thời.

Chế độ khen thưởng do hoàn thành nhiệm vụ thu phụ thu thực hiện như đối với thu thuế.

3. Cục Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm tổ chức theo dõi và quản lý thu chi của Quỹ bình ổn giá và cho vay hỗ trợ doanh nghiệp theo quyết định của Chính phủ (hoặc Trưởng Ban Vật giá Chính phủ nếu được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền) báo cáo với Liên Bộ Tài chính - Ban Vật giá Chính phủ vào cuối tháng và cuối năm.

4. Ban Vật giá Chính phủ, Bộ Tài chính kết hợp với Tổng cục Hải quan, Tổng cục thuế, các Sở Tài chính Vật giá, Sở tài chính và Ban Vật giá thành phố Hồ Chí Minh tổ chức theo dõi kiểm tra đôn đốc việc thực hiện thu nộp khoản phụ thu của các tổ chức kinh tế; đồng thời có biện pháp tổ chức theo dõi sát tình hình diễn biến giá cả thị trường trong nước và trên thế giới để điều chỉnh tỷ lệ phụ thu cho thích hợp, tổ chức kiểm tra giám sát các doanh nghiệp được hỗ trợ từ Quỹ bình ổn giá để đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu và có hiệu quả Quỹ bình ổn giá.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các ngành, địa phương và các đơn vị phản ánh kịp thời về Liên Bộ để xem xét xử lý bổ sung cho phù hợp.

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã ký)

Trần Quang Nghiêm

(Đã ký)