Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
BỘ TƯ PHÁP - BỘ NỘI VỤ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03-TAND-VKSND-BTP-BNV/TTLT

Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 1989 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN BỔ SUNG VỀ VIỆC XÓA ÁN

Việc xóa án theo quy định tại các điều từ 52 đến 56 và điều 67 Bộ luật Hình sự đã được hướng dẫn trong Thông tư liên ngành số 02-TTLN ngày 1-8-1986 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ. Thông tư này phù hợp với các quy định tại chương XXVIII Bộ luật tố tụng hình sự nên vẫn được tiếp tục thi hành. Nay liên ngành hướng dẫn bổ sung một số điểm như sau:

1- Xóa án đối với những người bị xét xử sơ thẩm đồng thời là chung thẩm

Chánh án Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao xét, quyết định và cấp giấy chứng nhận cho những người bị Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử sơ thẩm đồng thời là chung thẩm. Đối với những người bị Tòa án quân sự cấp cao xét xử sơ thẩm đồng thời là chung thẩm thì việc xóa án do Chánh án Tòa án quân sự cấp cao giải quyết.

2- Việc xóa án đối với người chưa thành niên phạm tội

Việc xóa án quy định tại khoản 2 điều 67 Bộ luật Hình sự và điều 280 Bộ luật tố tụng hình sự được áp dụng đối với người phạm tội khi chưa thành niên (dưới 18 tuổi). Do đó, nếu khi xét việc xóa án, người bị kết án đã thành niên (18 tuổi trở lên) thì vẫn áp dụng điều 67 Bộ luật Hình sự đối với họ.

3- Việc xóa án đối với người đã chết

Đối với người bị kết án đã chết thì việc xóa án không đặt ra, vì xóa án chỉ có ý nghĩa trong việc xem xét tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm khi người đó phạm tội mới. Do vậy nếu thân nhân của người bị kết án đã chết xin xóa án cho người đã chết, thì Tòa án cần giải thích về ý nghĩa của việc xóa án và trả lại đơn xin xóa án cho họ.

4- Việc xóa án trong trường hợp Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc xử sơ thẩm đồng thời là chung thẩm đã giải thể, đã tách ra thành các Tòa án khác nhau hoặc đã nhập với Tòa án khác

a) Nếu Tòa án xử sơ thẩm hoặc sơ thẩm đồng thời là chung thẩm đã giải thể thì Chánh án Tòa án đã tiếp nhận nhiệm vụ của Tòa án đã giải thể có trách nhệm giải quyết việc xóa án.

Trong trường hợp Tòa án đã giải thể, nhưng không rõ Tòa án nào đã tiếp nhập nhiệm vụ của Tòa án đó, thì Chánh tòa Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao giải quyết việc xóa án (nếu Tòa án đã giải thể là Tòa án nhân dân) hoặc Chánh án Tòa quân sự cấp cao giải quyết việc xóa án (nếu Tòa án đã giải thể là Tòa án quân sự).

b) Nếu Tòa án xử sơ thẩm đã tách ra thành các tóa án khác nhau, thì Tòa án giải quyết việc xóa án là Tòa án ở địa phương được tách ra, nơi người bị kết án thường trú. Nếu người bị kết án không thường trú ở một trong các địa phương được tách ra thì việc xóa án do một trong số các Tòa án đã tách ra giải quyết và trong trường hợp này, nếu Tòa án bác đơn xin xóa án thì quyết định bác đơn phải được gửi cho Tòa án khác đã cùng tách ra để đề phòng trường hợp người bị bác đơn lại xin xóa án ngay ở Tòa án khác đó.

c) Nếu Tòa án đã xử sơ thẩm đã nhập với Tòa án khác, thì Tòa án nơi Tòa án đó nhập vào có trách nhiệm giải quyết việc xóa án.