BỘ QUỐC PHÒNG-BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/TTLT | Hà Nội , ngày 13 tháng 10 năm 1992 |
Công tác khám sức khoẻ, kiểm tra sức khoẻ và giám định sức khoẻ để thực hiện Luật NVQS đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, cùng với sự tham gia phối hợp chặt chẽ của các ngành có liên quan.
Cơ quan y tế các cấp là cơ quan chịu trách nhiệm chính trước Uỷ ban nhân dân và Hội đồng NVQS cấp mình. Có nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, phân loại và kết luận sức khoẻ chính xác cho từng công dân thực hiện Luật NVQS.
Theo Điều 24 của Luật NVQS, nay quy định cụ thể như sau:
- Ở xã: Trưởng ban y tế xã là uỷ viên hội đồng NVQS xã;
- Ở huyện: Bác sĩ trưởng hoặc phó trung tâm y tế huyện là uỷ viên Hội đồng NVQS huyện.
- Ở tỉnh: Giám đốc hoặc phó giám đốc Sở Y tế tỉnh là Uỷ viên Hội đồng NVQS tỉnh.
II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA TỪNG CẤP
1. Y tế xã: (Xã và các cơ quan tương đương: Nhà máy xí nghiệp, trường học v.v..).
1.1. Vai trò:
- Có vị trí rất quan trọng trong việc quản lý, đánh giá đúng mức sức khoẻ của công dân độ tuổi NVQS và quân dự bị động viên.
- Góp phần làm cho hội đồng khám sức khoẻ huyện kết luận sức khoẻ cho từng công dân được chính xác theo tiêu chuẩn quy định.
1.2. Nhiệm vụ cụ thể:
1.2.1. Lập hồ sơ sức khoẻ, quản lý, theo dõi nhận xét sơ bộ phân loại sức khoẻ của công dân độ tuổi NVQS và quân dự bị. (Khi đưa công dân đi khám sức khoẻ, phải mang theo hồ sơ này giao cho Hội đồng khám sức khoẻ tham khảo).
1.2.2. Cùng ban chỉ huy quân sự xã xác lập danh sách từng công dân đủ tiêu chuẩn sức khoẻ theo chỉ tiêu quy định (số lượng và chất lượng). Tổ chức đưa họ đi khám sức khoẻ hoặc kiểm tra sức khoẻ.
1.2.3. Tham gia khám sức khoẻ và kiểm tra sức khoẻ do huyện tổ chức. Cung cấp các yếu tố cần thiết cho tổ kiểm tra sức khoẻ và hội đồng khám sức khoẻ để kết luận sức khoẻ từng công dân thuộc xã mình.
1.2.4. Lập danh sách những công dân có sức khoẻ loại 6, thuộc diện miễn làm NVQS để thông qua hội đồng NVQS xã và báo cáo y tế huyện.
1.2.5. Định kỳ sơ kết rút kinh nghiệm về công tác quản lý sức khoẻ cho lực lượng dự bị và phân loại sức khoẻ công dân trong độ tuổi NVQS.
2. Y tế huyện:
2.1. Vai trò: Có vị trí quyết định trong việc phân loại và kết luận sức khoẻ cho công dân thực hiện Luật NVQS.
2.2. Nhiệm vụ cụ thể:
2.2.1. Lập phiếu sức khoẻ cho từng công dân làm NVQS và quân dự bị.
2.2.2. Triển khai việc tổ chức các tổ kiểm tra sức khoẻ và Hội đồng khám sức khoẻ theo kế hoạch của Hội đồng NVQS huyện.
- Lập danh sách chủ tịch, phó chủ tịch và các uỷ viên hội đồng khám sức khoẻ, đề nghị lên Uỷ ban nhân dân huyện xét duyệt và ra quyết định (xem phụ lục 8) sau đó báo cáo lên Sở Y tế Tỉnh.
- Cử các bác sĩ, y sĩ, nhân viên y tế có đủ khả năng tham gia các đoàn kiểm tra sức khoẻ và Hội đồng sức khoẻ của Huyện.
- Tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên y tế làm nhiệm vụ khám sức khoẻ và kiểm tra sức khoẻ.
- Kiến nghị với Sở Y tế tỉnh xin các tổ chuyên khoa tăng cường bảo đảm chất lượng công tác khám sức khoẻ.
- Hiệp đồng với các cơ quan liên quan (quân sự, công an, văn xã, thông tin..) để bảo đảm tốt cho việc khám sức khoẻ.
2.2.3. Chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc quyền tham gia có hiệu quả vào công tác kiểm tra sức khoẻ và khám sức khoẻ. Lập kế hoạch khám sức khoẻ (xem phụ lục 7).
2.2.4. Tổ chức và chỉ đạo công tác vệ sinh phòng dịch điều trị dự phòng và nâng cao sức khoẻ cho các công dân thuộc độ tuổi làm NVQS và quân dự bị động viên.
2.2.5. Tham gia với hội đồng NVQS huyện xét duyệt danh sách công dân miễn làm NVQS (sức khoẻ loại 6).
2.2.6. Phối hợp với ban quân sự huyện bàn giao công dân nhập ngũ về mặt sức khoẻ cho các đơn vị đến nhận quân bảo đảm chu đáo đúng loại sức khoẻ và kịp thời.
2.2.7. Lập dự trù và thanh toán kinh phí, thuốc men phục vụ cho công tác khám tuyển NVQS của huyện.
2.2.8. Định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác y tế phục vụ cho khám sức khoẻ, kiểm tra sức khoẻ và giám định sức khoẻ thực hiện luật N.V.Q.S. Nộp báo cáo về Sở Y tế tỉnh theo mẫu (xem phụ lục 6).
3. Y tế Tỉnh:
3.1. Vai trò: Y tế tỉnh là cấp tổ chức, chỉ đạo trực tiếp công tác y tế phục vụ cho nhiệm vụ NVQS trong tỉnh.
3.2. Nhiệm vụ cụ thể:
3.2.1. Nghiên cứu, quán triệt, tổ chức và chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc quyền thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ thị, quy định của Hội đồng Bộ trưởng, hướng dẫn của Bộ Y tế - Bộ quốc phòng và Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác y tế phục vụ cho nhiệm vụ NVQS.
3.2.2. Cùng với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh lập kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ y tế các huyện, quản lý và theo dõi chặt chẽ về sức khoẻ; kiểm tra sức khoẻ, khám sức khoẻ và giám định sức khoẻ phục vụ cho nhiệm vụ NVQS. Chỉ đạo hội đồng khám sức khoẻ các huyện trong tỉnh.
3.2.3. Cử các tổ chuyên khoa tăng cường cho các hội đồng khám sức khoẻ của tuyến dưới theo yêu cầu.
3.2.4. Cấp phát cho các huyện kinh phí, trang bị dụng cụ y tế, thuốc men, mẫu báo cáo thống kê, phiếu khám sức khoẻ cơ bản NVQS.
Các khoản kinh phí này thanh toán vào ngân sách địa phương.
3.2.5. Xem xét và giải quyết những vướng mắc, khiếu nại, tố cáo về mặt y tế trong công tác NVQS.
3.2.6. Cùng với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, tổ chức hiệp đồng về mặt y tế với đơn vị đến nhận quân.
3.2.7. Theo định kỳ sơ, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác y tế phục vụ cho nhiệm vụ NVQS.
Nộp báo cáo về Bộ Y tế theo mẫu (xem phụ lục 6).
Uỷ ban nhân dân các cấp thành lập Hội đồng NVQS cấp mình để giúp Uỷ ban thực hiện công tác NVQS ở địa phương.
Chỉ huy trưởng quân sự các cấp là Phó chủ tịch Hội đồng NVQS cấp mình.
Công tác khám sức khoẻ kiểm tra sức khoẻ và giám định sức khoẻ đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của cấp uỷ và thủ trưởng quân chính các cấp, cùng với sự tham gia hợp đồng chặt chẽ của các cơ quan chức năng, thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch trong năm theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng.
1. Cùng với y tế xã lập danh sách những công dân trong diện có thể gọi nhập ngũ để chuẩn bị cho việc khám sức khoẻ, kiểm tra sức khoẻ và những công dân thuộc diện miễn làm NVQS (sức khoẻ loại 6) để thông qua Hội đồng NVQS xã và báo cáo lên trên theo quy định.
2. Tổ chức đưa những công dân trong diện sẵn sàng nhập ngũ, quân dự bị đi khám sức khoẻ hoặc kiểm tra sức khoẻ theo chỉ tiêu quy định.
3. Công bố kết quả khám sức khoẻ theo kết luận của Hội đồng khám sức khoẻ huyện. Thu thập những ý kiến thắc mắc về khám và kết luận sức khoẻ để báo cáo lên trên.
1. Cùng với y tế huyện lập kế hoạch kiểm tra sức khoẻ cho công dân đăng ký NVQS năm 17 tuổi và quân dự bị và khám sức khoẻ cho công dân trong diện gọi nhập ngũ, sẵn sàng nhập ngũ theo kế hoạch của Hội đồng NVQS huyện.
2. Đôn đốc công dân đi khám sức khoẻ hoặc kiểm tra sức khoẻ theo đúng kế hoạch của huyện.
3. Cử người tham gia đoàn khám sức khoẻ hoặc tổ kiểm tra sức khoẻ để theo dõi số lượng công dân của từng địa phương đi khám. Cùng với công an bảo đảm an toàn khu vực khám sức khoẻ.
4. Quản lý phiếu sức khoẻ cơ bản NVQS và cùng với y tế huyện tổ chức bàn giao công dân nhập ngũ cho các đơn vị nhận quân.
Quân y huyện:
- Nắm chắc kế hoạch tuyển quân hàng năm, phối hợp theo dõi công tác tổ chức kiểm tra và khám sức khoẻ của ngành y tế địa phương.
- Nắm vững tình hình sức khoẻ của công dân sau khi khám đã được hội đồng khám sức khoẻ kết luận để cung cấp cho Hội đồng NVQS quyết định gọi nhập ngũ những công dân đủ sức khoẻ.
- Cùng với quân y các đơn vị đến nhận quân thâm nhập phát hiện những trường hợp có nghi vấn về sức khoẻ cần kiểm tra để xác minh trước khi bàn giao công dân gia nhập quân đội cho các đơn vị đến nhận quân.
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với Sở Y tế tỉnh để:
1. Chỉ đạo việc triển khai công tác y tế phục vụ cho nhiệm vụ NVQS ở địa phương.
2. Tổ chức kiểm tra đôn đốc cơ quan quân sự và y tế huyện thực hiện việc kiểm tra sức khoẻ , khám sức khoẻ và các mặt y tế khắc phục cho nhiệm vụ NVQS.
3. Tổ chức hiệp đồng với các đơn vị nhận quân về số lượng, thời gian, địa điểm giao nhận và thống nhất về mặt tiêu chuẩn sức khoẻ với từng đơn vị.
Quân y tỉnh:
Chủ nhiệm quân y tỉnh là người tham mưu cho bộ chỉ huy quân sự tỉnh về các mặt công tác y tế trong tuyển quân, với chức năng là phó ban quân dân y tế tỉnh, chủ nhiệm quân y tỉnh làm tham mưu cho giám đốc Sở Y tế tỉnh trong công tác chỉ đạo và tổ chức phối hợp, thực hiện khám tuyển NVQS và quản lý sức khoẻ quân dự bị.
Chủ nhiệm quân y quân khu là người tham mưu cho Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh quân khu trong công tác chỉ đạo tuyển nhận quân theo kế hoạch hàng năm của Bộ quốc phòng và chỉ ddạo công tác quản lý sức khoẻ quân dự bị sẵn sàng đáp ứng yêu cầu động viên thời chiến. Đồng thời chỉ đạo quân y các tỉnh trong công tác khám sức khoẻ, kiểm tra sức khoẻ và giám định sức khoẻ thực hiện Luật NVQS.
V. NHIỆM VỤ CỤC QUÂN Y VÀ CỤC TỔ CHỨC ĐỘNG VIÊN
1. Căn cứ vào số lượng công dân nhập ngũ trong năm do Hội đồng Bộ trưởng quyết định, Cục quân y và Cục Tổ chức động viên kiến nghị với Bộ quốc phòng về việc áp dụng tiêu chuẩn sức khoẻ, tuyển chọn đến sức khoẻ loại nào trong bảng phân hạng sức khoẻ 6 loại.
2. Cục quân y hướng dẫn, chỉ đạo quân y các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, Học viện, Nhà trường.. về tiêu chuẩn sức khoẻ tuyển nhận trong năm để thống nhất thực hiện.
3. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết sau mỗi đợt tuyển quân.
I. HỘI ĐỒNG KHÁM SỨC KHOẺ NVQS
1. Tổ chức, nhiệm vụ:
Hội đồng khám sức khoẻ do y tế huyện tổ chức, có nhiệm vụ khám sức khoẻ và kết luận sức khoẻ cho những công dân thực hiện luật NVQS.
Tuỳ theo địa bàn rộng hay hẹp, số lượng cán bộ y tế được biên chế, số công dân cần khám mà mỗi huyện tổ chức một hoặc hai hội đồng khám sức khoẻ.
Thành phần hội đồng khám sức khoẻ gồm 5 bác sĩ: 1 chủ tịch, 1 phó chủ tịch và 3 uỷ viên. Hội đồng cử ra 3 uỷ viên thường trực, trong đó có hội đồng chủ tịch khám sức khoẻ. Các uỷ viên thường trực có trách nhiệm ký vào phần kết luận của mỗi tờ phiếu sức khoẻ cơ bản NVQS. Hội đồng khám sức khoẻ được phép sử dụng một số cán bộ y tế khác để triển khai việc khám sức khoẻ. Danh sách của Hội đồng khám sức khoẻ do cơ quan y tế huyện đề nghị và chủ tịch huyện ra quyết định bổ nhiệm.
2. Nhiệm vụ của chủ tịch hội đồng khám sức khoẻ:
2.1. Trực tiếp tổ chức, chỉ đạo việc triển khai công tác khám sức khoẻ và chịu trách nhiệm về chất lượng khám trước hội đồng NVQS huyện.
2.2. Tổ chức bồi dưỡng, học tập cho mọi thành viên trong đoàn khám sức khoẻ về tiêu chuẩn sức khoẻ, chức trách nhiệm vụ, lề lối làm việc, phương pháp triển khai.. trước mỗi đợt khám tuyển.
2.3. Bố trí phòng khám, phân công người khám.
2.4. Phân loại và kết luận chính xác sức khoẻ từng công dân đến khám và chịu trách nhiệm về kết luận sức khoẻ của mình trước Luật NVQS.
2.5. Tổ chức hội chẩn và ký giấy giới thiệu đi khám bệnh ở tuyến sau khi cần thiết.
2.6. Tổ chức rút kinh nghiệm khám hàng ngày và làm báo cáo với Trung tâm y tế huyện sau mỗi đợt khám.
3. Nhiệm vụ của phó chủ tịch Hội đồng khám sức khoẻ:
Phó chủ tịch là người thay chủ tịch khi vắng mặt. Là người giúp chủ tịch làm một số việc như sau:
3.1. Chuẩn bị phương tiện, vật chất cần thiết bảo đảm cho hoạt động của hội đồng khám sức khoẻ.
3.2. Dự trù, thanh toán các khoản kinh phí, thuốc tiêu hao với y tế huyện.
3.3. Trực tiếp khám sức khoẻ và tham gia hội chẩn khi cần thiết.
3.4. Tổ chức đăng ký thống kê theo mẫu quy định lưu trữ tài liệu thống kê và làm báo cáo lên trung tâm y tế huyện.
4. Nhiệm vụ của các uỷ viên hội đồng khám sức khoẻ:
4.1. Trực tiếp khám sức khoẻ và tham gia hội chẩn khi cần thiết.
4.2. Chịu trách nhiệm về chất lượng khám và kết luận trong phạm vi được phân công.
5. Lề lối làm việc của hội đồng khám sức khoẻ:
Hội đồng khám sức khoẻ là một tổ chức không chuyên nghiệp (chỉ tập trung làm việc khi có nhiệm vụ). Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ nhằm bảo đảm chất lượng khám, trong trường hợp không thống nhất về chẩn đoán và phân loại sức khoẻ trong hội đồng thì chủ tịch ghi vào phiếu sức khoẻ kết luận của đa số. Những ý kiến không thống nhất phải ghi đầy đủ vào biên bản gửi lên Hội đồng NVQS huyện và xin ý kiến kết luận của Hội đồng giám định y khoa huyện (hoặc tỉnh). Biên bản phải có chữ ký của từng uỷ viên trong hội đồng khám sức khoẻ.
6. Kinh phí hoạt động của hội đồng (xem phụ lục 4)
1. Tổ chức và nhiệm vụ:
Việc kiểm tra sức khoẻ cho những công dân đăng ký NVQS (Điều 20 Luật NV-QS ) và các quân nhân dự bị (Điều 43) nằm trong kế hoạch động viên đã biên chế vào các đơn vị động viên do cơ quan y tế huyện phụ trách. Tổ kiểm tra sức khoẻ (một bộ phận của Hội đồng khám sức khoẻ ) do y tế huyện thành lập. Mỗi tổ có 5 người gồm 2 bác sĩ, 2 y sĩ và 1 y tá. Việc kiểm tra sức khoẻ tiến hành theo kế hoạch của cơ quan quân sự huyện, bảo đảm 100% số đối tượng trên trong năm được khám 1 lần.
2. Nội dung kiểm tra sức khoẻ:
- Kiểm tra về thể lực.
- Phát hiện những bệnh tật, đồng thời ghi vào phiếu sức khoẻ của từng người để quản lý. Hướng dẫn công tác phòng và chữa bệnh.
- Phân loại sơ bộ tình hình sức khoẻ của từng công dân (kể cả công dân sẵn sàng nhập ngũ và quân dự bị động viên).
- Lập phiếu kiểm tra sức khoẻ NVQS cho công dân, nam 17 tuổi và công dân đến kiểm tra lần đầu.
3. kinh phí hoạt động của tổ kiểm tra sức khoẻ (xem phụ lục 5).
III. HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỊNH Y KHOA
1. Nhiệm vụ: Trong thời gian khám sức khoẻ NVQS hoặc khi có yêu cầu đột xuất, hội đồng giám định y khoa có trách nhiệm giám định sức khoẻ cho những công dân sẵn sàng nhập ngũ mà Hội đồng khám sức khoẻ NVQS yêu cầu. Việc này phải được kết luận chính xác, khẩn trương để trả lời trong vòng 7 đến 10 ngày.
2. Kinh phí: Kinh phí cho hội đồng giám định y khoa giám định sức khoẻ phục vụ cho nhiệm vụ NVQS của địa phương do ngân sách địa phương đài thọ.
TIÊU CHUẨN VÀ PHÂN LOẠI SỨC KHOẺ THỰC HIỆN LUẬT NVQS
I. PHIẾU SỨC KHOẺ NVQS VÀ CÁCH THIẾT LẬP
1. Khái niệm.
- Phiếu sức khoẻ NVQS là tài liệu y khoa căn bản để biết một cách tổng quát sức khoẻ của công dân thực hiện Luật NVQS. Đây là tài liệu cơ sở để Hội đồng khám sức khoẻ đánh giá phân loại sức khoẻ để quản lý, để tuyển chọn công dân có đủ sức khoẻ vào quân thường trực, các quân chủng, binh chủng đặc biệt, các trường quân sự, trong và ngoài nước.
- Phiếu sức khoẻ NVQS được thể hiện bằng 8 chỉ tiêu thể hiện cho tình trạng sức khoẻ của một công dân.
(Phụ lục 2: quy định về phiếu sức khoẻ NVQS ).
2. Cách thiết lập.
2.1. Các chi tiêu: Trong khi khám sức khoẻ, để phân loại sức khoẻ dựa vào 8 chỉ tiêu:
1/ Thể lực chung: Ký hiệu (viết tắt) : T.L.C
2/ Mắt : - - : M
3/ Tai mũi họng : - - : TMH
4/ Răng hàm mặt : - - : RHM
5/ Nội khoa : - - : NK
6/ Ngoại khoa : - - : NgK
7/ Thần kinh-tâm thần - - : TK-TT
8/ Da liễu- Hoa liễu - - : DL-HL
2.2. Cách cho điểm: Mỗi chỉ tiêu, sau khi khám bác sĩ cho 1 điểm chẵn từ 1 đến 6.
- Điểm 1: chỉ tình trạng sức khoẻ rất tốt.
- Điểm 2: chỉ tình trạng sức khoẻ tốt.
- Điểm 3: chỉ tình trạng sức khoẻ khá.
- Điểm 4: chỉ tình trạng sức khoẻ trung bình.
- Điểm 5: chỉ tình trạng sức khoẻ kém.
- Điểm 6: chỉ tình trạng sức khoẻ rất kém.
2.3. Cách phân loại sức khoẻ
Phân loại sức khoẻ làm 6 loại. Căn cứ vào điểm của 8 chỉ tiêu để phân loại:
- Loại 1: Trong phiếu sức khoẻ cả 8 chỉ tiêu đều đạt điểm 1. Loại này có thể phục vụ hầu hết các quân binh chủng.
- Loại 2: Trong phiếu sức khoẻ chỉ cần có 1 chỉ tiêu bị điểm thấp nhất là 2. Có thể phục vụ trong 1 số lớn các quân binh chủng.
- Loại 3: Trong phiếu sức khoẻ chỉ cần có 1 chỉ tiêu bị điểm thấp nhất là 3. Có thể phục vụ ở 1 số quân binh chủng.
- Loại 4: Trong phiếu sức khoẻ chỉ cần có 1 chỉ tiêu bị điểm thấp nhất là 4. Có thể phục vụ hạn chế ở một số quân binh chủng.
- Loại 5: Trong phiếu sức khoẻ chỉ cần có 1 chỉ tiêu bị điểm thấp nhất là 5. Có thể làm 1 số công việc hành chính sự vụ khi có lệnh tổng động viên.
- Loại 6: Trong phiếu sức khoẻ chỉ cần có 1 chỉ tiêu bị điểm thấp nhất là 6. Đây là loại sức khoẻ miễn NVQS hoàn toàn.
2.4. Một số điểm cần chú ý:
+ Khi một chỉ tiêu đạt các điểm 1, 2, 3, 4, 5, nhưng bệnh có thể sẽ thay đổi, thuyên giảm hoặc tăng lên sau một thời gian, bệnh tự khỏi dần hoặc khỏi sau khi điều trị, thì điểm đó phải kèm theo chữ "T" bên cạnh (nghĩa là tạm thời).
Trường hợp có chữ "T" kèm theo thì bác sĩ cần ghi tóm tắt lý do bằng tiếng Việt (có thể viết tên bệnh bằng danh từ quốc tế giữa 2 ngoặc đơn).
Trường hợp nghi ngờ chưa thể cho điểm ngay được, Hội đồng khám sức khoẻ có thể gửi công dân tới khám bệnh tại một bệnh viện gần nhất để xác định.
Nếu vẫn chưa kết luận được thì gửi công dân đó đến bệnh viện gần nhất có chuyên khoa sâu để khám với tính cách là ngoại chẩn và giám định sức khoẻ. Thời gian tối đa là 7 -10 ngày. Việc này chỉ thực hiện trong trường hợp thật cần thiết.
+ Khi kết luận sức khoẻ phải căn cứ vào điểm của các chỉ tiêu để kết luận. Nếu một chỉ tiêu bị điểm có chữ "T" thì kết luận sức khoẻ cũng có chữ "T".
3. Xét lại những trường hợp phiếu sức khoẻ có chữ "T".
3.1. Đơn vị nhận quân: Trách nhiệm của thủ trưởng và quân y đơn vị nhận quân là: nếu tân binh về đơn vị mà trong phiếu sức khoẻ NVQS có chữ "T" thì quân y phải tiến hành một đợt điều trị hoặc gửi quân nhân đó tới bệnh viện điều trị nếu cần thiết. Sau một tháng cho kiểm tra lại. Nếu bệnh lành thì bỏ chữ "T" hoặc chuyển loại sức khoẻ. Nếu không khỏi hoặc có chiều hướng tiến triển thì cho giám định sức khoẻ. Khi giám định nếu xét thấy không đủ tiêu chuẩn phục vụ quân thường trực thì trả về địa phương.
Chú ý: không để quân nhân tình trạng sức khoẻ: Trong phiếu sức khoẻ có chữ "T" tồn tại quá 6 tháng.
3.2. Trách nhiệm của các bệnh viện quân y:
Trong quá trình thực hiện NVQS, huấn luyện tân binh tại các trung tâm huấn luyện tân binh, quân nhân vào điều trị tại các bệnh viện quân y, nếu thấy bệnh của quân nhân đó không thể khỏi hoặc thuyên giảm được thì kịp thời cho giám định sức khoẻ. Nếu không đủ tiêu chuẩn sức khoẻ trong vòng 1 tháng sau khi nhập ngũ thì đề nghị trả về địa phương. Sau 1 tháng: cho xuất ngũ trước thời hạn.
Kết quả giám định sức khoẻ được ghi vào biên bản giám định theo mẫu quy định của Cục quân y (làm thành 3 bản, gửi về Cục quân y 1 bản, gửi đơn vị của quân nhân 1 bản, lưu tại Hội đồng giám định 1 bản).
4. Tiêu chuẩn sức khoẻ riêng của một số quân binh chủng đặc biệt:
4.1. Định nghĩa: Tiêu chuẩn sức khoẻ riêng để tuyển quân vào 1 số quân binh chủng, học viện, nhà trường quân sự là điều kiện sức khoẻ tối thiểu phải có để được tuyển chọn vào các quân binh chủng, học viện, nhà trường quân sự đó.
4.2. Tiêu chuẩn sức khoẻ của 1 số quân binh chủng đặc biệt: xem phụ lục 3.
4.3. Trong trường hợp 1 số quân binh chủng, học viện nhà trường quân sự không có tiêu chuẩn sức khoẻ riêng thì tạm thời áp dụng tiêu chuẩn sức khoẻ chung tuyển nhận quân hàng năm.
II. DANH MỤC BỆNH TẬT XẾP SỨC KHOẺ LOẠI 6 (MIỄN NVQS HOÀN TOÀN)
Ở tuyến y tế xã: phân loại sức khoẻ công dân sơ bộ qua quan sát, quản lý sức khoẻ của địa phương. Những trường hợp dễ dàng phân loại sức khoẻ loại 6 (loại miễn NVQS hoàn toàn, không nhận vào quân thường trực) thì lập danh sách để thông qua hội đồng NVQS xã và báo cáo lên huyện theo quy định. Nhưng đối tượng này không phát lệnh gọi đi khám sức khoẻ hoặc kiểm tra sức khoẻ ở tuyến huyện.
1. Động kinh thỉnh thoảng lên cơn.
2. Tâm thần: Điên rồ, mất trí, cuồng dại (bệnh tâm thần có thể đã được điều trị nhiều lần không khỏi).
3. Phù thũng lâu ngày (do bị các bệnh như: suy tim viêm thận, thận hư, suy thận mãn tính..).
4. Chân voi (do giun chỉ) không lao động được.
5. Chân tay tàn tật, biến dạng, mất chức phân chi do mọi nguyên nhân.
6. Lao xương khớp, lao hạch đang tiến triển.
7. Phong các thể chưa ổn định (có loét, sùi, cụt ngón tay, ngón chân).
8. Câm hay ngọng líu lưỡi từ bé
9. Điếc từ bé
10. Mù hoặc chột mắt
11. Run tay chân quanh năm, đi lại khó khăn, không lao động được (như bệnh Parkinson) hoặc chân tay có những động tác bất thường múa giật (Chorée) múa vờn (Athétose)
12. Liệt nửa người trái hoặc phải, liệt hai chi dưới.
13. Gầy còm, hốc hác, yếu đuối, cơ thể suy kiệt khó có thể hồi phục được do mắc các bệnh mãn tính như lao xơ hang, hen dai dẳng, có biến chứng tàn phế mãn tính hoặc khí phế thũng, xơ gan cổ chướng.
14. Cổ bị cố tật, ngoẹo rõ rệt từ nhiều năm.
15. Lùn quá khổ (chiều cao đứng dưới 140 cm)
16. Gù có bướu ở lưng do di chứng lao cột sống, chấn thương cũ làm cột sống tổn thương để lại di chứng.
17. Tật sụp mi mắt bẩm sinh.
18. Sứt môi kèm theo khe hở vòm miệng chưa vá.
19. Trĩ mũi (Ozène) có rối loạn phát âm
20. Bệnh khớp có biến dạng teo cơ, cứng khớp.
III. PHÂN LOẠI SỨC KHOẺ THEO TIÊU CHUẨN THỂ LỰC VÀ BỆNH TẬT
Việc phân loại sức khoẻ căn cứ vào tiêu chuẩn thể lực và bệnh tật (xem phụ lục 1).
QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI CÔNG DÂN ĐẾN KHÁM SỨC KHOẺ VÀ KIỂM TRA SỨC KHOẺ
Những công dân đến khám sức khoẻ và kiểm tra sức khoẻ phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc thủ tục sau:
1. Đã được cơ quan quân sự địa phương đăng ký NVQS và giới thiệu.
2. Phải xuất trình:
- Giấy gọi đi khám sức khoẻ hoặc kiểm tra sức khoẻ của chỉ huy trưởng quân sự huyện.
- Giấy chứng minh thư hoặc thẻ quân nhân.
3. Mang theo các giấy tờ khám bệnh, điều trị, các giấy xét nghiệm, chẩn đoán chức năng, khám chuyên khoa, X-quang.. để giao cho Hội đồng khám sức khoẻ hoặc tổ kiểm tra sức khoẻ đang làm nhiệm vụ (chỉ có giá trị tham khảo nếu đúng là giấy tờ gốc).
4. Chấp hành nghiêm túc nội quy khu vực khám sức khoẻ.
I. VIỆC GIAO VÀ NHẬN CÔNG DÂN NHẬP NGŨ
Việc giao và nhận công dân nhập ngũ về mặt sức khoẻ quy định như sau:
1. Trước khi phát lệnh gọi công dân nhập ngũ, cơ quan y tế huyện phải hoàn thành việc lập danh sách những công dân đủ sức khoẻ, hoàn chỉnh phiếu sức khoẻ NVQS (sau khi khám và kết luận của Hội đồng khám sức khoẻ).
2. Việc bàn giao về mặt sức khoẻ của công dân nhập ngũ do cơ quan y tế huyện đảm nhiệm. Nhận bàn giao là quân y đơn vị đến nhận quân từ cấp Trung đoàn và tương đương trở lên. Công tác này phải tiến hành chu đáo, đúng tiêu chuẩn sức khoẻ đã quy định.
3. Quân y đơn vị đến nhận quân phải có mặt tại địa phương giao quân trước ngày giao quân 20 ngày để nhận và xem xét các hồ sơ sức khoẻ (số lượng hồ sơ sức khoẻ của công dân đủ tiêu chuẩn sức khoẻ nhận của y tế địa phương để xem xét nghiên cứu trước không quá 120% chỉ tiêu sẽ nhận). Nếu có vấn đề gì nghi vấn về mặt sức khoẻ, cần bàn bạc với y tế huyện tiến hành các biện pháp cần thiết kể cả hội chẩn giữa quân dân y hoặc tổ chức cho CĐYK để kết luận lại sức khoẻ. Khi có ý kiến không thống nhất, phải báo lên Hội đồng NVQS tỉnh. Chậm nhất sau 5 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, Hội đồng Giám định y khoa phải tổ chức giám định kết luận. Trong thời gian chờ đợi, việc chăm sóc sức khoẻ công dân đó do y tế địa phương đảm nhiệm.
4. Trong phạm vi 1 tháng kể từ ngày đơn vị nhận quân tại địa phương, quân y đơn vị có nhiệm vụ báo lại cho y tế địa phương biết:
- Số công dân đủ tiêu chuẩn sức khoẻ theo quy định.
- Số công dân không đủ tiêu chuẩn sức khoẻ theo quy định cần trả về địa phương (do sai sót trong quá trình khám chưa tìm ra bệnh hoặc bệnh mới phát sinh trong quá trình huấn luyện tân binh). Việc trả lại những công dân không đủ tiêu chuẩn sức khoẻ về địa phương phải được chủ nhiệm quân y cấp trung đoàn trở lên kết luận và cấp trên trực tiếp phê duyệt. Nếu có gì nghi vấn, cần gửi đi hội đồng giám định y khoa cấp trên kết luận, sau đó báo cáo lên quân y cấp trên (theo ngành dọc về Cục quân y).
Việc trả công dân về địa phương phải làm chính xác, nhanh, gọn, kịp thời.
5. Y tế địa phương và quân y đơn vị nhận quân đều phải nghiên cứu nắm vững tiêu chuẩn sức khoẻ đã được quy định. Trách nhiệm về mặt sức khoẻ của công dân khi giao cho đơn vị thuộc về y tế địa phương. Tuy nhiên, quân y đơn vị nhận quân có thể tổ chức kiểm tra lại một số trường hợp nghi ngờ ở một số chuyên khoa... không dám tràn lan.
II. VIỆC QUẢN LÝ SỨC KHOẺ QUÂN DỰ BỊ VÀ VIỆC GIAO NHẬN KHI CÓ LỆNH ĐỘNG VIÊN
1. Mọi quân nhân trước khi trở về địa phương (xuất ngũ, phục viên, chuyển ngành..) đều được khám, phân loại sức khoẻ chu đáo. Khi về địa phương, phải nộp cho cơ quan quân sự huyện 1 bản hồ sơ sức khoẻ quân nhân của mình.
2. Quân dự bị nằm trong kế hoạch động viên mỗi năm được kiểm tra sức khoẻ 1 lần. Những quân nhân dự bị còn đủ sức khoẻ theo tiêu chuẩn thì vẫn bố trí ở các đơn vị đã biên chế. Nếu không đủ tiêu chuẩn sức khoẻ thì y tế huyện bàn bạc với đơn vị quản lý, đưa ra khỏi danh sách biên chế và thay thế bằng quân nhân dự bị khác.
3. Trong các đợt phúc tra quân dự bị hàng năm, ngoài việc theo dõi các chỉ tiêu khác, đơn vị động viên cần có cán bộ chuyên môn theo dõi chặt chẽ về mặt sức khoẻ của quân nhân dự bị.
4. Khi có lệnh động viên, địa phương có trách nhiệm giao toàn bộ hồ sơ sức khoẻ của các quân nhân dự bị cho đơn vị động viên quản lý.
CÁC ĐIỀU KHOẢN THỰC HIỆN THÔNG TƯ NÀY
1. Thông tư này thực hiện từ ngày 25 tháng 10 năm 1992. Những quy định trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ.
2. Bộ quốc phòng ban hành cụ thể về tiêu chuẩn sức khoẻ tuyển quân, tuyển sinh vào các trường sĩ quan, đại học quân sự, Học viện, Nhà trường... theo bảng phân loại sức khoẻ đã quy định (6 loại). Hàng năm nếu có sự thay đổi thì có hướng dẫn bổ sung kịp thời.
3. Bộ Y tế, Bộ quốc phòng tổ chức tập huấn, phổ biến rộng rãi thông tư này cho các địa phương, cơ quan đơn vị (trong và ngoài quân đội) liên quan trực tiếp đến việc thực hiện Luật NVQS.
4. Sau mỗi đợt gọi công dân nhập ngũ, các Sở Y tế báo cáo về Bộ Y tế, các đơn vị quân đội báo cáo lên cấp trên theo các cấp về Bộ quốc phòng, quân y báo cáo theo ngành dọc về Cục quân y về việc thực hiện thông tư này (theo mẫu quy định, xem ở phần phụ lục).
5. Địa phương, đoàn thể, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt thì được Nhà nước khen thưởng (Điều 11). Tập thể, cá nhân cố tình sai phạm sẽ bị xử lý theo quy định (Điều 69 của Luật NVQS ).
6. Thông tư này có 8 phụ lục kèm theo. Các phụ lục đều có giá trị thi hành.
(Phần phụ lục đã in thành sách)
Đoàn Thuý Ba (Đã ký) | Nguyễn Trọng Xuyên (Đã ký) |
- 1 Thông tư liên tịch 14/2006/TTLT-BYT-BQP về việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự do Bộ Quốc phòng - Bộ Y tế ban hành
- 2 Quyết định 31/2008/QĐ-BYT công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Y tế ban hành đến ngày 31 tháng 12 năm 2007 đã hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 3 Quyết định 31/2008/QĐ-BYT công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Y tế ban hành đến ngày 31 tháng 12 năm 2007 đã hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 1 Thông tư liên tịch 14/2006/TTLT-BYT-BQP về việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự do Bộ Quốc phòng - Bộ Y tế ban hành
- 2 Quyết định 31/2008/QĐ-BYT công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Y tế ban hành đến ngày 31 tháng 12 năm 2007 đã hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 3 Thông tư liên tịch 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ do Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành