Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH - BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 130/2013/TTLT-BTC-BGDĐT

Hà Nội, ngày 19 tháng 9 năm 2013

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 911/QĐ-TTG NGÀY 17 THÁNG 6 NĂM 2010 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO GIẢNG VIÊN CÓ TRÌNH ĐỘ TIẾN SĨ CHO CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG GIAI ĐOẠN 2010 - 2020”

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Thực hiện Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020”

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn nội dung và mức chi thực hiện Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020” như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn quản lý tài chính đối với Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020” theo quy định tại Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Đề án 911).

2. Đối tượng áp dụng của Thông tư này là các trường đại học, cao đẳng, cơ quan, đơn vị và cá nhân được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ triển khai đào tạo theo Đề án 911; các cá nhân được tuyển chọn đào tạo nghiên cứu sinh theo Đề án 911

Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án 911:

1. Ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ cho các trường đại học và các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ đào tạo theo Đề án 911 căn cứ trên số lượng nghiên cứu sinh (NCS) được tuyển sinh và đào tạo theo đúng đối tượng, ngành nghề trong khuôn khổ chỉ tiêu đào tạo được cơ quan có thẩm quyền giao và mức chi đào tạo được quy định tại Thông tư này.

2. Nguồn thu học phí đào tạo:

Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ đào tạo theo Đề án 911 căn cứ vào Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 (Nghị định 49) và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để quy định mức học phí phù hợp với từng chuyên ngành đào tạo.

3. Các nguồn thu hợp pháp khác.

Chương II

NỘI DUNG, MỨC CHI

Điều 3. Quy định về quản lý tài chính đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài:

1. Về mức thu học phí:

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành mức thu học phí trên cơ sở vận dụng mức thu học phí đối với đào tạo trình độ tiến sĩ trong nước theo quy định tại Nghị định 49.

Từ năm 2014, NCS trúng tuyển của Đề án 911 có trách nhiệm đóng học phí trước khi được cử đi đào tạo ở nước ngoài cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý lưu học sinh) 1 lần đối với toàn bộ thời gian học tập ở nước ngoài. Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi vào Kho bạc nhà nước số thu học phí theo quy định và được sử dụng số thu học phí để trang trải cho các nhiệm vụ quản lý, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án hàng năm và cả giai đoạn. Hằng năm Bộ Giáo dục và Đào tạo lập dự toán các nội dung chi từ nguồn thu học phí của Đề án gửi Bộ Tài chính thẩm định trước khi thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nộp NSNN đối với số thu học phí của phương thức đào tạo nước ngoài còn lại sau khi trừ đi các khoản chi phí quản lý, tổng kết Đề án.

2. Về nội dung và mức chi đào tạo:

Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 05 tháng 12 năm 2007 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao hướng dẫn chế độ cấp phát và quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn NSNN và Thông tư liên tịch số 206/2010/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 15 tháng 12 năm 2010 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG và các quy định bổ sung sửa đổi (nếu có).

3. Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm xác định rõ nhu cầu số lượng NCS đào tạo đối với từng ngành nghề đào tạo của năm kế hoạch, chi tiết đến từng quốc gia gửi NCS đào tạo (chi tiết theo số NCS đang học, số NCS sẽ nhập học mới, số NCS sẽ học xong về nước) và căn cứ các mức thu và nội dung mức chi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 của Điều này để xây dựng dự toán thực hiện Đề án 911 trong năm kế hoạch gửi Bộ Tài chính làm căn cứ tổng hợp, bố trí dự toán kinh phí.

Điều 4. Quy định về quản lý tài chính đối với NCS và cơ sở đào tạo NCS của Đề án 911 theo phương thức đào tạo toàn thời gian ở trong nước

1. Về mức thu học phí:

Căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu phát triển của ngành đào tạo và phương thức đào tạo (đào tạo toàn bộ thời gian ở trong nước hoặc đào tạo phối hợp), căn cứ vào Nghị định 49 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ đào tạo NCS của Đề án 911 được chủ động xây dựng mức học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo. Trong đó:

- Các cơ sở đào tạo trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương xây dựng mức thu học phí báo cáo Bộ ngành chủ quản để tổng hợp lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi thực hiện.

- Các cơ sở đào tạo thuộc địa phương quản lý xây dựng mức học phí trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho phép trước khi thực hiện.

NCS của Đề án 911 có trách nhiệm đóng đầy đủ học phí cho cơ sở đào tạo theo định kỳ hàng tháng (tối đa không quá 10 tháng/năm); trường hợp NCS tự nguyện, cơ sở đào tạo có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học. Trong trường hợp tổ chức theo học chế tín chỉ, cơ sở đào tạo thực hiện quy đổi để thu học phí theo tín chỉ nhưng tổng số học phí thu theo tín chỉ của cả khóa học không được vượt quá mức học phí quy định cho khóa học nếu thu theo năm học.

Các cơ sở đào tạo có trách nhiệm thực hiện Quy chế công khai mức thu học phí của cả khóa học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và gửi vào Kho bạc Nhà nước số thu học phí theo quy định.

2. Về mức kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước:

NSNN hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ thực hiện Đề án 911 tính trên số NCS thực tế nhập học trong khuôn khổ chỉ tiêu đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao và mức chi đối với từng chuyên ngành đào tạo. Mức cụ thể như sau:

- Đối với nhóm ngành y dược: 16 triệu đồng/NCS/năm;

- Đối với nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, nông, lâm, thủy sản, thể dục thể thao, nghệ thuật: 14 triệu đồng/NCS/năm;

- Đối với nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, khách sạn, du lịch và nhóm ngành khác (nằm ngoài các nhóm ngành trên): 10 triệu đồng/NCS/năm.

Thời gian hỗ trợ: Tối đa không quá 3 năm/NCS.

3. Ngoài mức kinh phí NSNN hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo nêu trên, để khuyến khích nâng cao chất lượng đào tạo, NSNN sẽ hỗ trợ thêm 1 khoản kinh phí theo mức quy định tại Khoản 2 Điều này (tương ứng theo từng chuyên ngành đào tạo) để các cơ sở đào tạo hỗ trợ trực tiếp cho các NCS đang học có kết quả học tập tốt (đáp ứng tối thiểu các điều kiện về kết quả học tập, nghiên cứu theo quy định hướng dẫn tại phụ lục kèm theo Thông tư này) thực hiện các nội dung sau:

- Đăng bài báo khoa học trong nước hoặc quốc tế;

- Khảo sát trong nước, thực hành, thí nghiệm phục vụ đề tài nghiên cứu;

- Tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế và đi thực tập ngắn hạn ở nước ngoài: Tổng số NCS được cử đi tối đa không quá 25% số NCS của Đề án 911 đang học tại cơ sở đào tạo (Nội dung và mức chi vận dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do NSNN bảo đảm kinh phí).

Thời gian hỗ trợ: Trong thời gian NCS học tại cơ sở đào tạo (không quá 3 năm).

Ngoài nguồn hỗ trợ từ NSNN, các cơ sở đào tạo có thể huy động thêm từ các nguồn đóng góp, huy động hợp pháp khác từ người học, cơ quan cử NCS đi học theo nguyên tắc đồng thuận. Cơ sở đào tạo có trách nhiệm căn cứ vào các quy định về yêu cầu đào tạo NCS của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định tại Thông tư này để xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí và quy chế hỗ trợ đối với các NCS đáp ứng các điều kiện để được nhận hỗ trợ theo các nội dung nêu trên và thông báo công khai.

4. Phương thức hỗ trợ kinh phí từ NSNN cho cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ đào tạo theo Đề án 911:

a) Đối với năm đầu được giao nhiệm vụ đào tạo:

Căn cứ theo danh sách, số lượng NCS đã trúng tuyển và theo học thực tế tại các cơ sở đào tạo đối với từng chuyên ngành đào tạo, không vượt quá chỉ tiêu đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ hàng năm (có xác nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo), NSNN thực hiện hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho cơ sở đào tạo theo số lượng NCS thực tế và mức chi quy định tại Khoản 2, Khoản 3 của Điều này.

b) Đối với các năm tiếp theo:

Căn cứ theo danh sách, số lượng NCS đang theo học tại cơ sở đào tạo và số NCS mới trúng tuyển, theo học thực tế, NSNN tiếp tục hỗ trợ cho số NCS đang học và số nhập học mới theo mức chi quy định tại Khoản 2, Khoản 3 của Điều này.

Để số lượng NCS tuyển mới hàng năm phù hợp với khả năng cân đối của NSNN, tổng số lượng tuyển mới hàng năm tối đa không vượt quá 30% số NCS thực tế đã trúng tuyển năm trước liền kề (tính từ mốc chỉ tiêu thực hiện của năm 2013). Căn cứ vào thực tế triển khai, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh và giao chỉ tiêu tuyển mới tại các cơ sở đào tạo đảm bảo không vượt quá tổng chỉ tiêu được tuyển mới hàng năm của Đề án 911.

5. Quản lý và sử dụng nguồn kinh phí:

a) Căn cứ vào nguồn kinh phí được sử dụng của Đề án 911, các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và các quy định tại Thông tư này, người đứng đầu các cơ sở đào tạo có trách nhiệm ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ về đào tạo NCS của Đề án 911 và công khai trong đơn vị.

b) Nội dung quy chế chi tiêu nội bộ về đào tạo NCS của Đề án 911 cần bao gồm các nội dung như: Chi thù lao giảng dạy và hướng dẫn NCS của Đề án (hoặc thuê giảng viên trong nước hoặc nước ngoài, nếu có); chi biên soạn/hoàn chỉnh chương trình, giáo trình; chi hội đồng chấm chuyên đề, phản biện đề tài, hội đồng bảo vệ luận án và các nội dung khác có liên quan); chi hỗ trợ NCS đăng bài báo trong nước, quốc tế; chi hỗ trợ NCS thực hiện khảo sát trong nước, thực hành, thí nghiệm phục vụ đề tài nghiên cứu; chi hỗ trợ đối với NCS tham dự hội nghị, hội thảo và thực tập ngắn hạn ở nước ngoài; chi cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thư viện và các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến công tác đào tạo NCS đảm bảo chất lượng đào tạo theo yêu cầu của Đề án 911.

c) Dự toán kinh phí NSNN hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo chưa sử dụng hết đến cuối năm được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng.

Điều 5. Chế độ tài chính đối với phương thức đào tạo theo hình thức phối hợp

1. Phương thức đào tạo phối hợp:

Phương thức đào tạo phối hợp là phương thức đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó NCS được đào tạo một phần thời gian ở trong nước và một phần thời gian ở nước ngoài với sự phối hợp đào tạo giữa cơ sở đào tạo tiến sĩ ở trong nước và cơ sở đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài.

2. Về mức thu học phí:

- Đối với thời gian NCS đào tạo ở nước ngoài: Thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Thông tư này.

- Đối với thời gian NCS đào tạo ở trong nước: Thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Thông tư này.

3. Về nội dung và mức chi đào tạo:

- Đối với thời gian NCS đào tạo ở nước ngoài: Thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Thông tư này.

- Đối với thời gian NCS đào tạo ở trong nước: Thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5 Điều 4 của Thông tư này.

Điều 6. Chế độ tài chính đối với các cơ sở đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định giao nhiệm vụ đào tạo tiền tiến sĩ

1. Các cơ sở đào tạo tiền tiến sĩ phải đáp ứng các yêu cầu và điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định giao nhiệm vụ đào tạo tiền tiến sĩ.

2. Về nguyên tắc toàn bộ các chi phí trong quá trình học tập tại cơ sở đào tạo tiền tiến sĩ sẽ do người học hoặc cơ quan cử người học chi trả.

a) Các cơ sở đào tạo tiền tiến sĩ được vận dụng các quy định, định mức chi đối với đào tạo cao đẳng, đại học khi đào tạo các lớp học tiền tiến sĩ; được vận dụng các định mức chi quy định tại Thông tư số 123/2009/TT-BTC ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Bộ Tài chính quy định nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với các ngành đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

b) Các cơ sở đào tạo tiền tiến sĩ được thu học phí của người học theo mức thu tối đa không quá 150% mức học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo quy định tại Nghị định 49 để trang trải chi phí đào tạo.

c) Để tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo, NSNN hỗ trợ ban đầu các cơ sở đào tạo tiền tiến sĩ chi phí nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, biên soạn giáo trình đào tạo với mức hỗ trợ tối đa không vượt quá 1.000 triệu đồng/cơ sở. Các cơ sở đào tạo tiền tiến sĩ cần xây dựng Đề án tăng cường chất lượng đào tạo đề nghị được hỗ trợ gửi cơ quan chủ quản phê duyệt và gửi về Bộ Tài chính làm căn cứ để xem xét hỗ trợ kinh phí.

Chương III

LẬP DỰ TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ

Điều 7. Lập dự toán, phê duyệt dự toán

1. Đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài và thời gian đào tạo ở nước ngoài của phương thức đào tạo phối hợp:

a) Căn cứ hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Tài chính; căn cứ số lượng NCS trúng tuyển mới của phương thức đào tạo toàn bộ thời gian ở nước ngoài, số lượng NCS thực tế đang học tại nước ngoài và căn cứ kết quả báo cáo tổng hợp của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương về số lượng NCS dự kiến cử đi mới của phương thức đào tạo phối hợp; Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự toán kinh phí để thực hiện Đề án 911, tổng hợp chung trong dự toán kinh phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Bộ Tài chính để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

b) Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cơ quan chủ quản của các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ thực hiện Đề án 911 báo cáo về số lượng NCS dự kiến đi học ở nước ngoài của phương thức đào tạo phối hợp, gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm căn cứ xây dựng dự toán kinh phí.

c) Kinh phí thực hiện Đề án 911 (đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài và thời gian đào tạo ở nước ngoài của phương thức đào tạo phối hợp) được giao trong tổng dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo để chi trả cho các cơ sở đào tạo và NCS ở nước ngoài theo quy định.

2. Đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở trong nước và thời gian đào tạo trong nước của phương thức đào tạo phối hợp:

a) Hàng năm, các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ thực hiện Đề án 911 xây dựng dự toán kinh phí của Đề án, trong đó thuyết minh rõ nội dung kinh phí đề nghị NSNN hỗ trợ và nội dung kinh phí do đơn vị tự đảm bảo, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của cơ sở đào tạo gửi cơ quan chủ quản và Bộ Giáo dục và Đào tạo để Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp gửi Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

b) Căn cứ vào nguồn dự toán kinh phí hàng năm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chủ quản các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ triển khai Đề án 911 căn cứ vào báo cáo kết quả tuyển sinh mới, số lượng thực tế NCS trong năm của Đề án 911 và đề xuất dự toán kinh phí thực hiện tại các cơ sở đào tạo trực thuộc để thẩm định và phân bổ dự toán cho các đơn vị.

3. Riêng năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động bố trí kinh phí trong dự toán đã được giao để thực hiện các nội dung theo hướng dẫn tại Thông tư này.

Điều 8. Quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí

1. Cơ sở đào tạo, đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai Đề án 911 hàng năm có trách nhiệm lập danh sách các NCS của Đề án 911 gửi cơ quan chủ quản để tổng hợp báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp gửi Bộ Tài chính theo số lượng NCS của từng chuyên ngành đào tạo và số kinh phí đã thực hiện; gửi Kho bạc nhà nước nơi đơn vị giao dịch để làm căn cứ kiểm soát và cấp phát kinh phí theo quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật NSNN, các chế độ chi tiêu hiện hành và các quy định cụ thể tại Thông tư này.

Thủ trưởng cơ sở đào tạo, đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai Đề án 911 chịu trách nhiệm về số lượng và danh sách NCS đã báo cáo.

2. Việc sử dụng kinh phí thực hiện Đề án 911 phải đảm bảo đầy đủ chứng từ theo quy định của pháp luật hiện hành; được quyết toán phù hợp với nguồn kinh phí sử dụng và phù hợp với mục chi tương ứng của mục lục NSNN và tổng hợp trong báo cáo quyết toán hàng năm của cơ sở đào tạo để gửi cơ quan chủ quản tổng hợp, gửi cơ quan tài chính thẩm định theo quy định.

3. Kho bạc nhà nước thực hiện cấp phát, thanh toán, kiểm soát chi kinh phí thực hiện Đề án 911 theo danh sách nghiên cứu sinh do các cơ sở đào tạo lập, gửi hàng năm, các quy định cụ thể tại Thông tư này và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật NSNN có liên quan.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

1. Chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án 911 đảm bảo chất lượng và hiệu quả; ban hành quy định đảm bảo chất lượng đào tạo của phương thức đào tạo trong nước và ngành nghề ưu tiên cử đi đào tạo ở nước ngoài.

2. Ban hành quy định về tiêu chí, điều kiện, đối tượng tuyển chọn các NCS, cơ sở đào tạo đáp ứng đủ điều kiện đào tạo theo các nội dung quy định của Đề án 911.

3. Xây dựng kế hoạch đào tạo và dự toán kinh phí tổng thể toàn bộ Đề án: Chi tiết về số lượng, phương thức đào tạo (đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, đào tạo theo hình thức phối hợp, đào tạo toàn thời gian ở trong nước) và kế hoạch đào tạo cùng với tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện Đề án 911 hàng năm gửi Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; chịu trách nhiệm tự đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện Đề án trong trường hợp tuyển sinh vượt chỉ tiêu đào tạo, cử đi đào tạo mới quá thời gian thực hiện Đề án và kinh phí thực hiện của cả giai đoạn vượt quá tổng mức quy định của Đề án 911.

4. Theo dõi, đánh giá tiến độ, chất lượng thực hiện Đề án và giám sát việc tiếp nhận, bố trí công tác sau khi tốt nghiệp của các NCS của Đề án 911 tại các cơ sở đào tạo; định kỳ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Tham gia với Bộ Giáo dục và Đào tạo về kế hoạch tổng thể thực hiện Đề án về số lượng, cơ cấu ngành nghề, phương thức đào tạo (đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, đào tạo theo hình thức phối hợp, đào tạo toàn thời gian ở trong nước) và dự toán kinh phí thực hiện Đề án 911.

2. Hằng năm, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt tổng dự toán kinh phí thực hiện Đề án 911.

3. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án 911 đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng chế độ tài chính quy định.

Điều 11. Trách nhiệm của cơ sở đào tạo

1. Hàng năm, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo kế hoạch chỉ tiêu đào tạo theo các chuyên ngành được giao nhiệm vụ đào tạo, kết quả tuyển sinh và danh sách NCS theo học thực tế tại cơ sở đào tạo.

2. Đảm bảo chất lượng đào tạo theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo; quản lý, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện Đề án 911 đúng chính sách, chế độ tài chính quy định.

3. Cơ sở đào tạo cử giảng viên đi học theo Đề án 911 có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cử đi đào tạo hàng năm và sắp xếp, bố trí công việc cho các giảng viên trong thời hạn không quá 6 tháng sau khi các giảng viên đã tốt nghiệp chương trình đào tạo của Đề án 911. Quá thời hạn này, nếu cơ sở đào tạo không có quyết định tiếp nhận hoặc tuyển dụng làm giảng viên và không bố trí công việc cho giảng viên thì cơ sở đào tạo có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ chi phí đào tạo theo mức chi quy định tại Thông tư này cho NSNN.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định yêu cầu các cơ sở đào tạo bồi hoàn chi phí đào tạo theo quy định.

Điều 12. Trách nhiệm của NCS

1. Hoàn thành chương trình đào tạo đã đăng ký và quay trở về cơ sở đào tạo cử đi học sau khi tốt nghiệp để làm thủ tục tiếp nhận lại.

2. Đóng học phí theo quy định của cơ sở đào tạo; tự đảm bảo kinh phí chi trả các chi phí đào tạo tương ứng theo từng nhóm ngành nghề đào tạo để nộp cho cơ sở đào tạo theo mức quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Thông tư này cho thời gian kéo dài học tập (quá 3 năm theo quy định).

3. Có trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo nếu không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc không chấp hành theo sự phân công của tổ chức, cơ quan cử đi đào tạo sau khi hoàn thành chương trình đào tạo. Việc bồi hoàn chi phí đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo.

Điều 13. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2013.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng trong Thông tư liên tịch này được sửa đổi, bổ sung hay thay thế bằng văn bản mới thì sẽ được dẫn chiếu áp dụng theo các văn bản mới đó; trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo để nghiên cứu, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG




Bùi Văn Ga

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Minh

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Tổng bí thư;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở GD&ĐT, Sở Tài chính;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT;
- Lưu: VT, Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT.

 

PHỤ LỤC

ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHÍ HỖ TRỢ KINH PHÍ ĐÀO TẠO ĐỐI VỚI CÁC NCS ĐÀO TẠO TRONG NƯỚC CỦA ĐỀ ÁN 911
(ban hành kèm theo TTLT số 130/2013/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo)

1. Đối với nội dung hỗ trợ kinh phí để NCS tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế và đi thực tập ngắn hạn ở nước ngoài:

Thực hiện hỗ trợ đối với các NCS đáp ứng đủ các điều kiện:

- Có kết quả học tập các học phần, chuyên đề trong chương trình đào tạo tiến sỹ đạt loại giỏi trở lên;

- Có chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ C1 theo khung chuẩn Châu Âu;

- Hội đồng khoa học nhà trường kết luận: Đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao hoặc có khả năng chuyển giao công nghệ; ưu tiên ngành đào tạo thuộc khối khoa học kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, nông nghiệp, một số ngành đặc thù thuộc khối khoa học xã hội và nhân văn hoặc đề tài cần thiết phải được thực tập ở nước ngoài.

2. Đối với nội dung hỗ trợ kinh phí để đăng các bài báo:

Thực hiện hỗ trợ đối với các NCS trong thời gian đào tạo đã có bài báo được công bố ở các tạp chí khoa học trong nước hoặc quốc tế theo quy định tại điểm g, khoản 2, Điều 16, Thông tư số 35/2012/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Đối với nội dung hỗ trợ kinh phí để khảo sát, thực hành, thí nghiệm phục vụ đề tài nghiên cứu theo yêu cầu của giảng viên hướng dẫn (nếu có):

Thực hiện hỗ trợ đối với các NCS đã kết thúc các môn học cơ sở và bắt đầu từ năm học thứ 2 của khóa đào tạo.