Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH -
BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2014/TTLT-BTC-BTP

Hà Nội, ngày 17 tháng 2 năm 2014

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VIỆC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 59/2012/QĐ-TTG NGÀY 24/12/2012 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI NGHÈO, ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI CÁC XÃ NGHÈO GIAI ĐOẠN 2013 - 2020

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020;

Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020 như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 – 2020 (sau đây viết tắt là Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Sở Tư pháp.

2. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

3. Cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg.

Điều 3. Nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện

1. Ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương).

2. Các dự án hợp tác quốc tế (nếu có).

3. Nguồn tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước (nếu có).

Điều 4. Nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí

1. Kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả.

2. Việc lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành và quy định tại Thông tư này.

3. Kinh phí từ nguồn tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước; các dự án hợp tác quốc tế thực hiện đúng theo sự thỏa thuận với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ trong và ngoài nước và phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Điều 5. Nội dung chi

1. Kinh phí quản lý để thực hiện các nhiệm vụ hướng dẫn; kiểm tra, giám sát; tọa đàm, sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg.

2. Chi các hoạt động để thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg.

Điều 6. Mức chi

1. Mức chi để thực hiện các nội dung quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch này được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 209/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 30/11/2012 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan, tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước; định mức tài chính hỗ trợ các hoạt động để thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý được thực hiện theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg.

2. Mức chi để thực hiện các nội dung chi quy định tại khoản 5, 7 và 8 Điều 4 Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg được thực hiện như sau:

a) Cung cấp Báo Pháp luật Việt Nam cho Ủy ban nhân dân và Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý các xã nghèo theo giá phát hành của Báo Pháp luật Việt Nam với số lượng: 01 số/tuần báo; báo tết dương lịch, báo tết âm lịch/đơn vị/năm.

b) Hỗ trợ học phí cho viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh có các xã nghèo tham gia khóa đào tạo nghề luật sư tạo nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý: theo mức học phí hiện hành của Học viện Tư pháp. Số lượng hỗ trợ 03 người/trung tâm/năm.

c) Hỗ trợ học phí bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo: theo mức học phí của cơ sở đào tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mức thu. Số lượng hỗ trợ 02 người/trung tâm/năm.

Điều 7. Lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí

Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 209/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 30/11/2012 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan, tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước. Thông tư này hướng dẫn thêm một số đặc thù sau:

1. Lập dự toán

a) Đối với kinh phí quản lý: Hàng năm, Sở Tư pháp lập dự toán kinh phí quản lý thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg theo quy định hiện hành.

b) Đối với kinh phí thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg:

- Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự cân đối được ngân sách:

Căn cứ số lượng xã nghèo và thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước lập dự toán kinh phí thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg gửi Sở Tư pháp tổng hợp để gửi Sở Tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bố trí kinh phí theo quy định.

- Đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách:

Căn cứ số lượng xã nghèo và thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước lập dự toán gửi Sở Tư pháp tổng hợp để gửi Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh. Trên cơ sở dự kiến nguồn thu, nhiệm vụ chi của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp dự toán đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu theo các nội dung hỗ trợ quy định tại khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 3 Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg báo cáo về Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính.

Bộ Tư pháp tổng hợp dự toán đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các tỉnh trong năm kế hoạch gửi Bộ Tài chính thẩm định trình cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Việc lập và gửi dự toán đề nghị hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương đảm bảo cho công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành về thời hạn báo cáo dự toán ngân sách nhà nước hàng năm.

2. Phân bổ dự toán

Khi phân bổ dự toán cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền cần giao cụ thể phần kinh phí hoạt động thường xuyên, các hoạt động quản lý và kinh phí nghiệp vụ đặc thù được quy định trong Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg.

3. Chấp hành dự toán

a) Đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán, Bộ Tài chính sẽ thông báo kinh phí cho các địa phương được hỗ trợ.

b) Căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước của đơn vị được cấp có thẩm quyền giao, các đơn vị thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để thực hiện.

c) Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, chấp hành, thanh toán cho từng hoạt động của chính sách trợ giúp pháp lý theo quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước, các chế độ chi tiêu hiện hành và các quy định tại Thông tư này.

4. Hạch toán và quyết toán

Các đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý theo Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm hạch toán và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Điều 8. Điều khoản thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 4 năm 2014.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh đề nghị các địa phương phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp để nghiên cứu, giải quyết./.