Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 45/2002/TTLT-BTC-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 2002 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ CHỮA BỆNH DO NGÀNH LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI QUẢN LÝ

Căn cứ vào Nghị định số 20/CP ngày 13/4/1996 của Chính phủ ban hành Quy chế về cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6/7/1995;
Căn cứ vào Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu và Thông tư số 25/2002/TT-BTC ngày 21/03/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 10/2002/NĐ-CP;
Liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc quản lý tài chính đối với cơ sở chữa bệnh do ngành Lao động- Thương binh và Xã hội quản lý như sau
:

I . QUY ĐỊNH CHUNG

1/ Đối tượng áp dụng của Thông tư này là các cơ sở chữa bệnh được thành lập theo Nghị định số 20/CP ngày 13/4/1996 của Chính phủ, sau đây gọi là Trung tâm giáo dục - lao động xã hội ( gọi tắt là Trung tâm), có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được ngân sách địa phương cấp kinh phí hoạt động thường xuyên, được thu để bù đắp chi phí chữa bệnh, cai nghiện, dạy nghề cho đối tượng và hoạt động của Trung tâm.

2/ Trung tâm nêu tại Thông tư này được áp dụng chế độ tài chính quy định đối với đơn vị sự nghiệp có thu tại Thông tư số 25/2002/TT-BTC ngày 21 tháng 3 năm 2002 của Bộ Tài chính, hạch toán kế toán theo chế độ kế toán Hành chính sự nghiệp và thực hiện việc phân cấp, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước theo Thông tư số 103/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 và Thông tư số 21/2001/TT-BTC ngày 16 tháng 3 năm 2001 của Bộ Tài chính.

II. QUI ĐỊNH CỤ THỂ

1. Các nguồn tài chính của Trung tâm :

1.1/ Nguồn Ngân sách Nhà nước cấp:

a/ Ngân sách địa phương cấp kinh phí hoạt động thường xuyên của Trung tâm bao gồm:

- Kinh phí chi cho bộ máy quản lý và các hoạt động khác phục vụ cho công tác chữa bệnh, giáo dục, cai nghiện, dạy nghề tính theo chỉ tiêu biên chế được duyệt và nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao hàng năm.

- Kinh phí chữa bệnh, giáo dục, cai nghiện, dạy nghề và các khoản chi khác cho đối tượng mại dâm, người nghiện ma tuý diện bắt buộc đưa vào cơ sở chữa bệnh theo Nghị định 20/CP ngày 13/4/1996 của Chính phủ và các văn bản quy định hiện hành của nhà nước.

- Vốn đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất Trung tâm .

b/ Kinh phí của các cơ quan Trung ương, địa phương hợp đồng với Trung tâm để thực hiện các chương trình đề tài, dự án, thí điểm chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề, tái hoà nhập cộng đồng cho đối tượng.

1.2/ Nguồn đóng góp của đối tượng :

a/ Tiền ăn của đối tượng chữa bệnh, cai nghiện bắt buộc theo quy định hiện hành.

b/ Đóng góp của người cai nghiện tự nguyện ( sau đây gọi tắt là phí cai nghiện tự nguyện), những người tự nguyện đến các Trung tâm cai nghiện thì đóng góp các khoản sau:

+ Tiền ăn.

+ Tiền thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện và tiền thuốc chữa bệnh thông thường, tiền viện phí (nếu trong thời gian cai nghiện đối tượng phải đi viện).

+ Tiền xét nghiệm tìm chất ma tuý và các xét nghiệm khác.

+ Tiền sinh hoạt văn thể.

+ Tiền học văn hoá, học nghề (nếu bản thân đối tượng có nhu cầu).

+ Tiền điện, nước, vệ sinh.

+ Tiền đóng góp xây dựng cơ sở vật chất.

+ Phí phục vụ, quản lý.

Các khoản đóng góp của người cai nghiện tự nguyện theo nguyên tắc thu đủ đảm bảo các chi phí phục vụ cai nghiện cho đối tượng trong thời gian cai nghiện. Ngoài các khoản thu trên, Trung tâm không được thu một khoản nào khác của đối tượng cai nghiện .

Đối tượng cai nghiện là trẻ em mồ côi, người già cô đơn không nơi nương tựa, đối tượng gia đình thuộc hộ nghèo (theo chuẩn mực do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội công bố áp dụng cho từng thời kỳ) thì được xét miễn, giảm một phần các khoản đóng góp phí cai nghiện tự nguyện.

Mức thu phí cai nghiện tự nguyện, chế độ miễn giảm cho các đối tượng nêu trên do Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thống nhất với Sở Tài chính Vật giá đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

- Trường hợp tỉnh không có Trung tâm, phải gửi đối tượng nghiện ma tuý đi cai nghiện tại tỉnh khác thì kinh phí cai nghiện xử lý như sau:

+ Đối với đối tượng cai nghiện bắt buộc: Tỉnh gửi đối tượng phải chuyển kinh phí phục vụ cai nghiện, phục hồi theo mức quy định hiện hành của nhà nước cho tỉnh nhận đối tượng.

+ Đối với đối tượng cai nghiện tự nguyện: đối tượng tự đóng góp phí cai nghiện theo mức quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi nhận đối tượng cai nghiện tự nguyện .

1.3/ Nguồn thu từ lao động, sản xuất (nếu có)

1.4/ Nguồn kinh phí viện trợ của các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ, tổ chức quốc tế .

1.5/ Nguồn ủng hộ, quyên góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

1.6/ Nguồn thu khác.

2. Nội dung chi tại Trung tâm :

a/ Chi cho hoạt động bộ máy quản lý và các hoạt động thường xuyên khác phục vụ cho công tác chữa bệnh, dạy nghề, cai nghiện phục hồi của Trung tâm theo chế độ và mức chi hiện hành.

b/ Chi trợ cấp cho đối tượng bắt buộc được đưa vào Trung tâm theo chế độ quy định hiện hành .

c/ Chi thực hiện chương trình đề tài, dự án thí điểm theo hợp đồng hoặc hiệp định thoả thuận của nhà tài trợ trong và ngoài nước.

d/ Chi cho công tác cai nghiện tự nguyện: Theo đúng nội dung các khoản thu nêu tại điểm 1.2 mục 1 phần II Thông tư này.

đ/ Chi cho hoạt động lao động sản xuất.

e/ Chi xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm tài sản, trang thiết bị sản xuất, dạy nghề, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa Trung tâm theo nhu cầu và nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền duyệt.

f/ Nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác theo quy định hiện hành.

g/ Chi khác .

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

2. Các cơ sở cai nghiện của các ngành, tổ chức khác được vận dụng thông tư này để tổ chức thực hiện.

3. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết./.

 

K/T BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG-
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG



 
Đàm Hữu Đắc

K/T BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG



 
 
Nguyễn Thị Kim Ngân

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chủ tịch nước,
- Văn phòng Quốc hội,
- Văn phòng TW Đảng,
- Thủ tướng, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm
- Văn phòng Chính phủ,
- Viện KSNDTC, Toà án NDTC,
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
- Cơ quan thuộc Chính phủ,
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW,
- Sở Tài chính -Vật giá, Sở LĐTBXH,
- Chi cục PCTNXH, Các cơ sở chữa bệnh .
- Các Cục, Vụ, Viện Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH
- Công báo,
- Lưu VP Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH.