Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 78/2003/TTLT-BTC-BGTVT

Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 2003

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 78/2003/TTLT-BTC-BGTVT NGÀY 12 THÁNG 8 NĂM 2003 |HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN KHOÁN CHI HOẠT ĐỘNG THU PHÍ ĐỐI VỚI CÁC TRẠM THU PHÍ ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí.
Căn cứ Nghị định số 56/CP ngày 02/10/1996 của Chính phủ về doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích.
Căn cứ Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu.
Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn thực hiện khoán chi hoạt động thu phí đối với các Trạm thu phí đường bộ như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này áp dụng đối với các Trạm thu phí đường bộ được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập, tổ chức thu phí trên các tuyến đường quốc lộ, đường địa phương, do ngân sách nhà nước đầu tư, bao gồm: Đường bộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; đường bộ đầu tư bằng vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; đường bộ do nhà nước đầu tư bằng vốn vay - thu phí hoàn trả vốn, lãi vay và các đường bộ khác do nhà nước quản lý.

Thông tư này không áp dụng đối với các đơn vị có trạm thu phí đường bộ được đầu tư bằng vốn liên doanh, đầu tư để kinh doanh (BOT).

2. Nhà nước thực hiện khoán chi phí hoạt động tổ chức thu phí, theo tỷ lệ phần trăm (%) trên số phí thực thu (bao gồm cả số thu vượt - nếu có) của từng Trạm. Mức khoán này được ổn định 3 năm, hết thời hạn 3 năm sẽ xem xét, điều chỉnh lại cho phù hợp. Trên cơ sở nhiệm vụ thu và mức khoán chi được cấp có thẩm quyền giao, đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp chống thất thu, tiết kiệm chi để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thu phí đường bộ và tăng thu nhập cho người lao động.

3. Các Trạm thu phí đường bộ phải thực hiện các quy định về mức thu phí, tổ chức thu, chế độ thu nộp phí đường bộ theo quy định và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A. NỘI DUNG CHI VÀ NGUỒN KINH PHÍ BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG THU PHÍ:

1. Nội dung chi hoạt động thu phí:

Chi bảo đảm hoạt động của các trạm thu phí, bao gồm: Chi hoạt động thường xuyên, chi đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí; cụ thể như sau:

1.1. Chi hoạt động thường xuyên tổ chức thu phí:

- Tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn);

- Chi phí quản lý: Công tác phí, hội nghị, thông tin liên lạc, dịch vụ công cộng (tiền điện chiếu sáng trạm thu phí, nước văn phòng trạm thu phí), vật tư văn phòng, chi hội họp...

- Chi tiền ăn giữa ca;

- Chi bảo hộ lao động hoặc đồng phục theo chế độ quy định (nếu có);

- Chi bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ;

- Chi sửa chữa thường xuyên nhà cửa, thiết bị văn phòng, trạm thu phí;

- Chi thuê bảo vệ trạm thu phí (nếu có);

- Chi tiền vé, ấn chỉ phục vụ thu phí;

- Chi mua phụ tùng thay thế, thiết bị có giá trị nhỏ và công cụ lao động khác trực tiếp phục vụ thu phí;

- Chi phí gián tiếp của doanh nghiệp phục vụ công tác thu phí (đối với doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ thu phí);

- Chi khác (nếu có).

1.2. Chi trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi.

1.3. Chi đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí:

Chi đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí: mua sắm, lắp đặt thiết bị thu phí (thiết bị tự động, bán tự động); chi mua thiết bị đếm xe theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc đầu tư mua sắm hiện đại hoá công nghệ thu phí thực hiện đấu thầu theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Riêng các khoản chi sửa chữa lớn nhà điều hành, sửa chữa lớn Trạm thu phí, chi phí duy tu bảo dưỡng và điện chiếu sáng các cầu (đối với đoạn đường có cầu), chi bảo vệ cầu, mua xe chở tiền, chi sửa chữa lớn xe chở tiền được bố trí bằng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt hàng năm (ngân sách trung ương bố trí đối với đường quốc lộ, ngân sách địa phương bố trí đối với đường địa phương).

2. Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động thu phí:

2.1. Đối với các Trạm thu phí đường quốc lộ:

Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động thu phí được tính 20% trên số phí đường bộ thực thu được hàng năm (Trong đó: 5% chi đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí cho các trạm thu phí, 15% chi hoạt động thường xuyên tổ chức thu phí); Số còn lại 80% nộp vào ngân sách trung ương, hoặc trả vốn và lãi vay theo dự án (đối với tuyến đường đầu tư bằng vốn vay, thu phí hoàn trả vốn và lãi vay). Việc phân bổ số phí 20% được để lại, thực hiện như sau:

a) Phân bổ 15% để bảo đảm hoạt động thường xuyên tổ chức thu phí (bao gồm cả trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi theo quy định):

Cục Đường bộ Việt Nam căn cứ vào dự toán thu-chi phí đường bộ được cấp có thẩm quyền giao; Dự toán thu-chi phí đường bộ của Khu quản lý đường bộ hoặc Sở Giao thông Vận tải (đối với Trạm trên tuyến đường quốc lộ được Bộ Giao thông Vận tải uỷ thác quản lý) chi tiết theo từng Trạm thu phí; Chế độ chi tiêu tài chính hiện hành; Nội dung chi bảo đảm hoạt động thường xuyên tổ chức thu phí; phê duyệt tỷ lệ phần trăm (%) số phí được để lại cho từng Trạm thu phí, trong phạm vi 15% số phí thu được. Tỷ lệ để lại cho từng Trạm thu phí được xác định như sau:

- Đối với Trạm thu phí có mức chi thường xuyên được duyệt bằng hoặc thấp hơn 15% số thu, thì số phí để lại chi thường xuyên theo tỷ lệ phần trăm (%) được duyệt. Trường hợp có phần chênh lệch thừa giữa tỷ lệ được duyệt với tỷ lệ quy định chung được để lại chi hoạt động thường xuyên (15%) thì phần chênh lệch thừa nộp vào tài khoản của Cục Đường bộ Việt Nam mở tại Kho bạc Nhà nước Trung ương, để lập quỹ điều hoà cho các Trạm thiếu.

- Đối với Trạm thu phí có mức chi thường xuyên được duyệt cao hơn 15% số thu, thì Trạm được Cục Đường bộ Việt Nam cấp bù bảo đảm đủ tiền lương tối thiểu cho cán bộ nhân viên thu phí theo quy định, nhưng tối đa không quá 25% số phí thực thu của mỗi Trạm.

b) Phân bổ 5% để chi đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí cho các Trạm thu phí:

Trên cơ sở dự toán chi đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí, phục vụ cho công tác thu phí của Khu quản lý đường bộ hoặc Sở Giao thông Vận tải (đối với Trạm trên tuyến đường quốc lộ được Bộ Giao thông Vận tải uỷ thác quản lý) chi tiết theo từng Trạm thu phí; Căn cứ vào nhu cầu hiện đại hoá công nghệ thu phí bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng lưới trạm thu phí, Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự toán chi đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí của từng Trạm thu phí trong phạm vi 5% số thu phí các Trạm nộp về tài khoản của Cục Đường bộ Việt Nam mở tại Kho bạc Nhà nước Trung ương và số dư chi thường xuyên của 3 năm trước (nếu có), sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính.

2.2. Đối với các Trạm thu phí đường địa phương.

a) Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động thường xuyên tổ chức thu phí (bao gồm cả trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi theo quy định):

Tiền thu phí để lại chi hoạt động thường xuyên theo tỷ lệ phần trăm (%) trên số phí thực thu của từng Trạm, do Sở Giao thông Vận tải xác định, sau khi thống nhất với Sở Tài chính-Vật giá trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định, nhưng tối đa không quá 30% tổng số phí thu được của từng Trạm thu phí. Số còn lại nộp vào ngân sách địa phương hoặc trả vốn và lãi vay theo dự án (đối với tuyến đường đầu tư bằng vốn vay, thu phí hoàn trả vốn và lãi vay).

b) Nguồn kinh phí chi đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí:

Chi đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí: mua sắm, lắp đặt thiết bị thu phí (thiết bị tự động, bán tự động); chi mua thiết bị đếm xe, do ngân sách địa phương cấp theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

B. CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH

1. Chi hoạt động thường xuyên tổ chức thu phí:

Căn cứ vào nội dung chi hoạt động thường xuyên tổ chức thu phí quy định tại điểm 1.1, mục A, phần II của Thông tư này; Căn cứ vào số tiền thu phí để lại chi thường xuyên được cấp có thẩm quyền duyệt, các đơn vị tổ chức thu phí chủ động sắp xếp bộ máy thu phí, tiết kiệm chi để nâng cao chất lượng hoạt động thu phí và tăng nguồn thu nhập cho người lao động.

Đối với các Trạm thu phí trực thuộc các doanh nghiệp công ích sửa chữa đường bộ, chế độ quản lý tài chính thực hiện theo quy định tại Nghị định số 56/CP ngày 2/10/1996 của Chính phủ về doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Đối với các Trạm thu phí trực thuộc các đơn vị sự nghiệp có thu, thực hiện chế độ quản lý tài chính theo quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu và Thông tư số 25/2002/TT-BTC ngày 21/3/2002 của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Riêng đối với quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi mức trích bằng 3 tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay cao hơn năm trước, bằng 2 tháng lương thực hiện, nếu số thu năm nay bằng hoặc thấp hơn năm trước, theo quy định tại Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí và Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí.

2. Chi đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí cho các Trạm thu phí:

Căn cứ vào nội dung chi đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí cho các Trạm thu phí quy định tại điểm 1.3, mục A, phần II của Thông tư này và dự toán được cấp có thẩm quyền giao, các đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí (Công ty sửa chữa đường bộ hoặc đơn vị sự nghiệp có thu) tổ chức thực hiện theo quy định hiện hành, bảo đảm tiến độ và chất lượng công việc.

3. Kinh phí chuyển năm sau:

3.1. Đối với khoản chi thường xuyên tổ chức thu phí, cuối năm không chi hết đơn vị được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi.

3.2. Đối với khoản chi đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí, cuối năm không chi hết đơn vị nộp lại Cục Đường bộ Việt Nam (đối với các Trạm thu phí cầu, đường quốc lộ); nộp ngân sách địa phương (đối với các Trạm thu phí đường địa phương).

4. Thực hiện ghi thu, ghi chi phí đường bộ được để lại:

Thực hiện ghi thu, ghi chi qua ngân sách nhà nước số tiền thu phí để lại trả nợ vốn vay đầu tư đối với đường bộ do nhà nước đầu tư bằng vốn vay và thu phí hoàn vốn. Trình tự, thủ tục ghi thu, ghi chi qua ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định tại điểm 4, mục II, phần II Thông tư số 109/2002/TT-BTC ngày 06/12/2002 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí sử dụng đường bộ.

Đối với số tiền thu phí để lại chi bảo đảm hoạt động thường xuyên, chi đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí không thực hiện ghi thu, ghi chi qua ngân sách nhà nước.

C. LẬP, CHẤP HÀNH DỰ TOÁN THU - CHI PHÍ ĐƯỜNG BỘ

Hàng năm đơn vị có trạm thu phí đường bộ căn cứ vào đối tượng thu, mức thu phí đối với từng loại phương tiện, số phương tiện tham gia giao thông năm kế hoạch, định mức tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành lập dự toán thu-chi phí đường bộ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc phân cấp, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước. Thông tư này hướng dẫn cụ thể một số điểm như sau:

1. Lập và giao dự toán năm đầu thực hiện cơ chế khoán:

1.1. Lập dự toán:

a) Đối với đơn vị có Trạm thu phí đường quốc lộ:

- Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ trực thuộc Khu quản lý đường bộ có Trạm thu phí, lập dự toán thu-chi phí đường bộ của năm kế hoạch, gửi Khu quản lý đường bộ xem xét, tổng hợp gửi Cục Đường bộ Việt Nam.

- Đơn vị (doanh nghiệp công ích đường bộ hoặc đơn vị sự nghiệp) trực thuộc Sở Giao thông Vận tải được Bộ Giao thông Vận tải uỷ thác quản lý đường quốc lộ có Trạm thu phí, lập dự toán thu - chi phí đường bộ gửi Sở Giao thông Vận tải xem xét, tổng hợp gửi Cục Đường bộ Việt Nam.

- Cục Đường bộ Việt Nam xem xét, tổng hợp dự toán thu-chi phí đường quốc lộ gửi Bộ Giao thông Vận tải. Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp cùng với dự toán ngân sách hàng năm của Bộ, gửi Bộ Tài chính theo quy định.

b) Đối với đơn vị thu phí đường địa phương:

Đơn vị (doanh nghiệp công ích đường bộ hoặc đơn vị sự nghiệp) có Trạm thu phí lập dự toán thu - chi phí cầu đường bộ gửi Sở Giao thông Vận tải. Sở Giao thông Vận tải tổng hợp cùng với dự toán ngân sách hàng năm của Sở, gửi Sở Tài chính-Vật giá địa phương theo quy định.

c) Dự toán thu - chi phí phí đường bộ các đơn vị lập, bao gồm:

- Dự toán thu; trong đó: Số thu nộp ngân sách nhà nước và số thu được để lại chi theo quy định tại điểm 2, mục A, phần II.

- Dự toán chi theo nội dung quy định tại điểm 1, mục A, phần II.

Dự toán thu - chi phí đường bộ, các đơn vị lập theo từng Trạm, có thuyết minh cơ sở tính toán chi tiết theo nội dung thu, chi.

1.2. Giao dự toán:

a) Đối với đơn vị thu phí đường quốc lộ:

- Đối với các đơn vị trực thuộc Khu quản lý đường bộ: Căn cứ dự toán thu, chi phí đường bộ được cấp có thẩm quyền giao; dự toán thu, chi của Khu quản lý đường bộ chi tiết theo từng Trạm thu phí; định mức tiêu chuẩn và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành. Cục Đường bộ Việt Nam giao dự toán thu, giao tỷ lệ phần trăm (%) chi thường xuyên trên tổng số thu cho các Khu quản lý đường bộ, chi tiết theo từng Trạm thu phí. Khu quản lý đường bộ giao dự toán thu và tỷ lệ phần trăm (%) chi thường xuyên trên tổng số thu cho các Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ, chi tiết theo từng Trạm thu phí.

- Đối với các đơn vị trực thuộc Sở Giao thông Vận tải được Bộ Giao thông Vận tải uỷ thác quản lý đường quốc lộ có Trạm thu phí: Cục Đường bộ Việt Nam giao dự toán thu phí cầu, đường bộ giao tỷ lệ phần trăm (%) chi thường xuyên trên tổng số thu cho Sở Giao thông Vận tải, chi tiết theo từng Trạm thu phí. Sở Giao thông Vận tải giao dự toán cho đơn vị, chi tiết theo từng Trạm thu phí.

b) Đối với đơn vị thu phí đường địa phương:

Căn cứ dự toán thu-chi phí đường bộ được cấp có thẩm quyền giao, dự toán thu-chi do các đơn vị có Trạm thu phí lập, định mức tiêu chuẩn và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành. Sở Giao thông Vận tải giao dự toán thu phí đường bộ và giao tỷ lệ phần trăm (%) chi thường xuyên trên tổng số thu cho đơn vị, chi tiết theo từng Trạm thu phí.

Việc giao dự toán thu phí đường bộ, tỷ lệ phần trăm (%) được để lại chi thường xuyên trên tổng số thu của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải cho các đơn vị trực thuộc có Trạm thu phí, phải đảm bảo các nguyên tắc: Số thu không thấp hơn và tỷ lệ chi thường xuyên được để lại trên tổng số thu không cao hơn số được cấp có thẩm quyền giao, chi tiết theo nội dung thu-chi quy định tại điểm 1, điểm 2 mục A, phần II của Thông tư này.

Dự toán thu phí đường bộ, tỷ lệ phần trăm (%) chi thường xuyên trên tổng số thu giao cho các đơn vị (chi tiết theo từng Trạm thu phí) của Cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải phải gửi cho cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan Thuế, Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị có Trạm thu phí đăng ký giao dịch.

Căn cứ vào dự toán thu tỷ lệ phần trăm (%) chi thường xuyên trên tổng số thu được giao, các đơn vị lập dự toán thu-chi theo quý (có chia ra từng tháng) gửi cơ quan Thuế, Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị đăng ký giao dịch, đồng gửi cho cơ quan quản lý cấp trên.

2. Lập và giao dự toán trong thời gian ổn định:

2.1. Đối với dự toán thu:

Hàng năm trong thời kỳ ổn định, các đơn vị có Trạm thu phí lập dự toán thu phí đường bộ gửi cơ quan chủ quản, như quy định tại điểm 1.1, mục C, phần II của Thông tư này.

Căn cứ dự toán thu phí đường bộ được cấp có thẩm quyền giao, Cục đường bộ Việt Nam (đối với đơn vị có Trạm thu phí đường quốc lộ), Sở Giao thông Vận tải (đối với đơn vị có Trạm thu phí đường địa phương) giao dự toán thu phí đường bộ cho đơn vị, như quy định tại điểm 1.2, mục C, phần II của Thông tư này.

2.2. Đối với dự toán chi:

Hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế chi tiêu năm trước, số giao thu của năm kế hoạch, tỷ lệ phần trăm (%) chi thường xuyên trên tổng số thu được để lại theo quy định; các đơn vị có trạm thu phí lập dự toán chi hoạt động thường xuyên, chi tăng cường cơ sở vật chất cho các trạm tổ chức thu phí gửi cơ quan chủ quản cấp trên, cơ quan Thuế, cơ quan Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị giao dịch để theo dõi quản lý.

Riêng dự toán chi tăng cường cơ sở vất chất cho trạm thu phí phải được cơ quan chủ quản cấp trên duyệt và giao dự toán đơn vị mới được tổ chức thực hiện.

3. Chấp hành dự toán thu-chi:

3.1. Về thu:

a) Đối với các Trạm thu phí đường quốc lộ:

Căn cứ số phí đường bộ thực thu được, định kỳ các đơn vị thực hiện như sau:

- Đối với Trạm thu phí tỷ lệ chi thường xuyên tổ chức thu phí được cấp có thẩm quyền duyệt thấp hơn 15%:

+ Nộp ngân sách trung ương hoặc trả vốn và lãi vay theo dự án (đối với tuyến đường đầu tư bằng vốn vay, thu phí hoàn trả vốn và lãi vay) 80% số phí thực thu.

+ Nộp quỹ đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí 5% số phí thực thu vào tài khoản của Cục Đường bộ Việt Nam mở tại Kho bạc Nhà nước Trung ương.

+ Trích để lại chi thường xuyên tổ chức thu phí theo tỷ lệ phần trăm (%) được duyệt trên số phí thực thu. Phần chênh lệch thừa, đơn vị nộp vào quỹ điều hoà của Cục Đường bộ Việt Nam mở tại Kho bạc Nhà nước Trung ương, để điều hoà cho các Trạm thiếu.

- Đối với Trạm thu phí tỷ lệ chi thường xuyên tổ chức thu phí được cấp có thẩm quyền duyệt bằng 15%:

+ Nộp ngân sách trung ương hoặc trả vốn và lãi vay theo dự án (đối với tuyến đường đầu tư bằng vốn vay, thu phí hoàn trả vốn và lãi vay) 80% số phí thực thu.

+ Nộp quỹ đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí 5% số phí thực thu vào tài khoản của Cục Đường bộ Việt Nam mở tại Kho bạc Nhà nước Trung ương.

+ Trích để lại chi thường xuyên tổ chức thu phí bằng 15% số phí thực thu.

- Đối với Trạm thu phí tỷ lệ chi thường xuyên tổ chức thu phí được cấp có thẩm quyền duyệt cao hơn 15%:

+ Nộp ngân sách trung ương hoặc trả vốn và lãi vay theo dự án (đối với tuyến đường đầu tư bằng vốn vay, thu phí hoàn trả vốn và lãi vay) 80% số phí thực thu.

+ Nộp quỹ đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí 5% số phí thực thu vào tài khoản của Cục Đường bộ Việt Nam mở tại Kho bạc Nhà nước Trung ương.

+ Trích để lại chi thường xuyên tổ chức thu phí bằng 15% số phí thực thu.

b) Đối với các Trạm thu phí đường địa phương:

Căn cứ số phí đường bộ thực thu được, định kỳ đơn vị trích để lại chi thường xuyên theo tỷ lệ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Số phí còn lại đơn vị nộp ngân sách địa phương hoặc trả vốn và lãi vay theo dự án (đối với tuyến đường đầu tư bằng vốn vay, thu phí hoàn trả vốn và lãi vay).

3.2. Phân bổ quỹ điều hoà tập trung do Cục đường bộ Việt Nam quản lý cho các đơn vị có chi thường xuyên được để lại trên tổng số thu cao hơn 15% số thu:

Căn cứ vào tỷ lệ giao chi thường xuyên được để lại trên tổng số thu cho từng Trạm thu phí, số phí đơn vị thực thu được nộp vào ngân sách trung ương và số hiện có về quỹ điều hoà tập trung, Cục Đường bộ Việt nam cấp bù kinh phí chi thường xuyên cho các Trạm thu phí để đảm bảo hoạt động. Việc cấp bù kinh phí chi thường xuyên cho mỗi Trạm thu phí được xác định như sau:

Số phí cấp bù

 

Tỷ lệ % chi thường

 

 

Số phí thực

chi thường

=

xuyên trên tổng số phí

- 15%

x

thu trong kỳ

xuyên

 

thu được giao cho Trạm

 

 

của trạm

Trường hợp trong 3 năm liên tục không sử dụng hết quỹ điều hoà phục vụ công tác thu phí, thì phải chuyển số còn thừa sang quỹ đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí.

3.3. Chi thực hiện hiện đại hoá công nghệ thu phí:

Căn cứ vào đề án đổi mới hiện đại hoá công nghệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, số hiện có của quỹ đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí; Cục Đường bộ Việt Nam cấp kinh phí cho các đơn vị tổ chức thực hiện.

3.4. Về chi:

Căn cứ vào mức chi thường xuyên tổ chức thu phí, chi đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt; số thu phí thực nộp vào Kho bạc Nhà nước, dự toán chi của đơn vị; lệnh chuẩn chi của Thủ trưởng đơn vị và chứng từ chi theo quy định; Kho bạc Nhà nước thực hiện cấp phát tạm ứng hoặc thanh toán và thực hiện kiểm soát chi theo quy định hiện hành.

4. Điều chỉnh dự toán chi:

Trong quá trình thực hiện, để phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, các Trạm được điều chỉnh nội dung chi, trong phạm vi dự toán chi thường xuyên đã được giao (điều chỉnh giữa các nội dung và mục chi thường xuyên). Đơn vị không được điều chỉnh dự toán chi đầu tư hiện đại hoá công nghệ thu phí sang chi hoạt động thường xuyên tổ chức thu phí.

Trường hợp số phí thực thu trong năm thấp hơn dự toán được cấp có thẩm quyền giao, các Trạm thu phí phải giảm chi tương ứng.

D. KẾ TOÁN, QUYẾT TOÁN VÀ KIỂM TRA THU, CHI PHÍ ĐƯỜNG BỘ

1. Đơn vị tổ chức thu phí đường bộ phải thực hiện kế toán và quyết toán thu-chi phí đường bộ, chi tiết từng Trạm thu phí theo đúng chế độ kế toán thống kê hiện hành và quy định tại điểm 8, mục I, phần II Thông tư số 109/2002/TT-BTC ngày 06/12/2002 của Bộ Tài chính Quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí đường bộ.

Cơ quan chủ quản cấp trên của đơn vị thu phí có trách nhiệm kiểm tra và thông báo xét duyệt quyết toán thu-chi phí đường bộ của các đơn vị trực thuộc theo quy định hiện hành.

2. Cơ quan chủ quản cấp trên và các cơ quan nhà nước có liên quan thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, kiểm soát hoạt động thu-chi phí đường bộ theo quy định hiện hành và quy định tại Thông tư này.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam (đối với đơn vị có Trạm thu phí đường quốc lộ), Sở Giao thông vận tải (đối với đơn vị có Trạm thu phí đường địa phương) căn cứ vào dự toán thu-chi phí được cấp có thẩm quyền giao năm 2003; tình hình thực hiện dự toán năm 2002, để giao dự toán thu phí đường bộ, giao tỷ lệ phần trăm (%) chi thường xuyên trên tổng số thu năm 2003 cho các đơn vị, chi tiết theo từng Trạm thu phí để làm căn cứ thực hiện ổn định trong 3 năm (2003-2005)

Trong thời gian giao tỷ lệ phần trăm (%) chi thường xuyên trên tổng số thu ổn định, trường hợp Nhà nước thay đổi hoặc điều chỉnh các quy định về tiền lương, nâng mức lương tối thiểu hoặc thay đổi định mức, chế độ tiêu chuẩn chi ngân sách nhà nước, thì các đơn vị tự trang trải các khoản chi tăng thêm trong nguồn thu phí để lại chi thường xuyên theo quy định.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Liên bộ xem xét, sửa đổi cho phù hợp.

Nguyễn Công Nghiệp

(Đã ký)

Phạm Duy Anh

(Đã ký)