Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH - BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 88/2014/TTLT-BTC-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 2014

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;

Căn cứ Nghị định số 27/2005/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thủy sản;

Thực hiện Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020;

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020.

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Thông tư này hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 theo quy định tại Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020.

Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án của Chương trình, gồm: Ngân sách nhà nước, theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Điều 4. Nội dung chi thực hiện các nhiệm vụ, dự án do ngân sách Trung ương bảo đảm

1. Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế:

a) Rà soát, lập hồ sơ thành lập các khu bảo tồn biển, các khu bảo tồn vùng nước nội địa do trung ương quản lý;

b) Thả bổ sung một số loài thủy sản bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế cao vào một số lưu vực sông và hồ chính thuộc khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa cấp quốc gia do Thủ tướng Chính phủ thành lập;

c) Hợp tác quốc tế về điều tra nguồn lợi thủy sản (trên biển và nội địa), quản lý các loài cá di cư, quản lý các khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa xuyên quốc gia, chống đánh bắt bất hợp pháp với các nước thuộc lưu vực sông Mêkông;

d) Duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản (bao gồm thu thập, xử lý và trao đổi thông tin) trên quy mô toàn quốc;

đ) Hoạt động của các Ban Quản lý khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa do trung ương quản lý;

e) Hoạt động của các Trạm cứu hộ động vật biển do trung ương quản lý;

g) Chi khác liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

2. Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường:

a) Điều tra nguồn lợi hải sản tại các vùng biển xa bờ, trong đó ưu tiên điều tra nguồn lợi một số nhóm đối tượng khai thác chủ lực, có giá trị kinh tế, có sản lượng lớn;

b) Điều tra nguồn lợi hải sản vùng ven biển, khả năng cho phép khai thác bền vững; trong đó ưu tiên điều tra khu vực tập trung các bãi giống, bãi đẻ của các loài hải sản;

c) Điều tra nguồn lợi thủy sản vùng nội đồng, trong đó ưu tiên điều tra tại các lưu vực sông, hồ lớn, có các giống loài thủy sản đặc hữu, có tính đa dạng sinh học cao;

d) Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về cộng đồng về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản;

đ) Chi khác (nếu có).

3. Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp đào tạo:

a) Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của các cơ quan trung ương;

b) Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các Ban Quản lý khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa do trung ương quản lý.

4. Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp nghiên cứu khoa học:

a) Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo một số loài thủy sản bản địa quý hiếm có giá trị kinh tế cao, có nguy cơ tuyệt chủng;

b) Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ kiểm soát, lưu giữ, sinh sản nhân tạo các loài thủy sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao.

Điều 5. Nội dung chi thực hiện các nhiệm vụ, dự án do ngân sách địa phương bảo đảm

1. Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế:

a) Rà soát, lập hồ sơ thành lập các khu bảo tồn biển, các khu bảo tồn vùng nước nội địa do địa phương quản lý;

b) Thả bổ sung một số loài thủy sản bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế cao vào một số thủy vực tự nhiên có điều kiện thuộc khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa và một số lưu vực sông và hồ chính do địa phương quản lý;

c) Điều tra nguồn lợi thủy sản do địa phương quản lý;

d) Xây dựng mô hình tổ chức sản xuất gắn với quản lý của cộng đồng để bảo vệ nguồn lợi và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng thông qua hình thức khuyến ngư;

đ) Duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản (bao gồm thu thập, xử lý và trao đổi thông tin) do địa phương quản lý;

e) Hợp tác quốc tế về điều tra nguồn lợi thủy sản do địa phương quản lý;

g) Hoạt động của các Ban Quản lý khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa do địa phương quản lý;

h) Chi khác liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

2. Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường:

a) Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về cộng đồng về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản;

b) Chi khác (nếu có).

3. Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp đào tạo:

a) Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn của các cơ quan địa phương về bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

b) Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các Ban Quản lý khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa do địa phương quản lý.

4. Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp nghiên cứu khoa học:

a) Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái của các loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao;

b) Nghiên cứu, lưu giữ, hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo, quy trình nuôi thương phẩm một số loài thủy sản bản địa quý hiếm có giá trị kinh tế cao, có nguy cơ tuyệt chủng.

Điều 6. Mức chi

Mức chi thực hiện các nhiệm vụ, dự án thực hiện theo định mức, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Cụ thể một số văn bản hướng dẫn như sau:

1. Chi điều tra theo Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê và các văn bản khác có liên quan.

2. Chi hoạt động của các Ban Quản lý khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa; các Trạm cứu hộ động vật biển theo cơ chế tài chính và mức chi của đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Chi hoạt động khuyến ngư theo Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp & PTNT hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí NSNN cấp đối với hoạt động khuyến nông.

4. Nội dung chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường theo Thông tư liên tịch số 45/2010/TTLT-BTC-BTNMT ngày 30/3/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và môi trường hướng dẫn việc quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường.

5. Chi duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản theo Thông tư số 194/2012/TTLT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan đơn vị, sử dụng ngân sách nhà nước.

6. Nội dung chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp đào tạo theo Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước.

7. Nội dung chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học theo Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT-BTC-BKHCN ngày 04/10/2006 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chế độ khoán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước và Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 7/5/2007 của Bộ Tài chính-Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

8. Chế độ công tác phí theo Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

9. Chi đoàn ra theo Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21/6/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức Nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí.

10. Chi tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP của Bộ Tài chính và Tư pháp quy định việc lập dự toán, công tác quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì sẽ được áp dụng theo các văn bản mới đó.

Điều 7. Lập dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước

1. Lập dự toán:

Hàng năm, căn cứ vào Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm sau, Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách năm sau của Bộ Tài chính, nội dung và khối lượng công việc cần thực hiện trong năm kế hoạch, định mức kinh tế-kỹ thuật, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và các quy định tại Thông tư này; cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 lập dự toán kinh phí thực hiện như sau:

a) Đối với nhiệm vụ, dự án, đề án do các Bộ, cơ quan trung ương thực hiện: Các đơn vị căn cứ vào nhiệm vụ, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, lập dự toán chi ngân sách nhà nước, báo cáo Bộ, cơ quan trung ương chủ trì thực hiện nhiệm vụ, dự án xem xét, tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước của Bộ, cơ quan trung ương gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt theo quy định;

b) Đối với nhiệm vụ, dự án do địa phương thực hiện: Các đơn vị căn cứ vào nhiệm vụ, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt lập dự toán kinh phí chi ngân sách nhà nước gửi Sở chủ quản xem xét, tổng hợp gửi Sở Tài chính để tổng hợp vào dự toán ngân sách của địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, để trình Hội đồng nhân dân phê duyệt theo quy định.

2. Quyết toán kinh phí:

Việc quyết toán ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ, dự án thực hiện theo Thông tư số 01/2007/TT-BTC ngày 02/01/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ và ngân sách các cấp và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Điều 8. Công tác báo cáo, thanh tra và kiểm tra

1. Kết thúc năm ngân sách, các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ, dự án có trách nhiệm báo cáo Bộ, cơ quan trung ương (đối với nhiệm vụ, dự án do Bộ, cơ quan trung ương chủ trì) và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đối với nhiệm vụ, dự án do địa phương chủ trì). Các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tổng hợp tình hình thực hiện các nhiệm vụ, dự án được giao chủ trì theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương được giao thực hiện nhiệm vụ, dự án có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ, dự án và kinh phí bảo đảm sử dụng kinh phí đúng mục đích và có hiệu quả.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 8 năm 2014.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT
THỨ TRƯỞNG




Vũ Văn Tám

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trương Chí Trung

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- VP Tổng bí thư;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng BCĐTW phòng, chống tham nhũng;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Tài chính, KBNN các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư Pháp;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính, Bộ NN và PTNT;
- Lưu: VT Bộ Tài chính, Bộ NN và PTNT.