Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 9230-2 : 2012

ISO 5682-2 : 1996 (E)

THIẾT BỊ BẢO VỆ CÂY TRỒNG - THIẾT BỊ PHUN - PHẦN 2: PHƯƠNG PHÁP THỬ THIẾT BỊ PHUN THỦY LỰC

Equipment for crop protection - Spraying equipment - Part 2: Test methods for hydraulic sprayers

Lời nói đầu

TCVN 9230-2 : 2012 hoàn toàn tương đương với ISO 5682-2 : 1996 (E)

TCVN 9230-2 : 2012 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn Cơ điện - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Bộ tiêu chuẩn Thiết bị bảo vệ cây trồng - Thiết bị phun gồm 3 phần:

- TCVN 9230-1 : 2012, Phần 1: Phương pháp thử vòi phun

- TCVN 9230-2 : 2012, Phần 2: Phương pháp thử thiết bị phun thủy lực

- TCVN 9230-3 : 2012, Phần 3: Phương pháp thử hệ thống điều chỉnh mức phun

 

THIẾT BỊ BẢO VỆ CÂY TRỒNG - THIẾT BỊ PHUN - PHẦN 2: PHƯƠNG PHÁP THỬ THIẾT BỊ PHUN THỦY LỰC

Equipment for crop protection - Spraying equipment - Part 2: Test methods for hydraulic sprayers

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định phương pháp thử đánh giá đặc tính kỹ thuật và độ phân bố chính xác của thiết bị phun thủy lực sử dụng để bảo vệ cây trồng.

Tiêu chuẩn này áp dụng cho các thiết bị phun thủy lực sử dụng trong nông nghiệp, không sử dụng cho thiết bị phun thủ công và thiết bị phun lắp trên máy bay.

2. Tài liệu viện dẫn

Các tiêu chuẩn sau đây chứa các điều khoản, tham chiếu trong văn bản này, cấu thành các điều khoản của phần này của tiêu chuẩn TCVN 9230 (ISO 5682). Tại thời điểm công bố, các ấn bản được chỉ báo thời gian hiệu lực. Tất cả các tiêu chuẩn là đối tượng soát xét, và các bên thỏa thuận dựa trên tiêu chuẩn TCVN 9230-2 : 2012 (ISO 5682-2) được khuyến khích áp dụng phiên bản mới nhất chỉ ra dưới đây. Các thành viên của IEC và ISO duy trì đăng ký sự hợp lệ của tiêu chuẩn này.

TCVN 9231 : 2012 (ISO 5681 : 1992), Thiết bị bảo vệ cây trồng - Từ vựng (Equipment for crop protection - Vocabulary).

TCVN 9230-1 : 2012 (ISO 5682-1 : 1996), Thiết bị bảo vệ cây trồng - Thiết bị phun - Phần 1: Phương pháp thử vòi phun (Equipment for crop protection - Spraying equipment - Part 1: Test methods for sprayer nozzles).

3. Thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau TCVN 9231 : 2012 (ISO 5681 : 1992)

3.1

Mức tham chiếu (reference level)

Mức chất lỏng trong thùng chứa, khi thùng chứa được nạp đầy đến dung lượng định mức ở vị trí thăng bằng ngang.

4. Chất lỏng thử nghiệm

4.1 Nước sạch, không chứa các phần tử cứng lơ lửng, ngoại trừ đối với thử nghiệm hệ thống đảo khuấy (xem điều 8.9).

5. Thiết bị và dụng cụ thử nghiệm

CHÚ THÍCH - Cho phép sử dụng thiết bị đo không mô tả trong điều 5.1 và 5.2, nhưng phải đảm bảo có cùng độ chính xác và độ phân giải đo.

5.1 Thiết bị và dụng cụ thử nghiệm

Đối với các phép đo thử liên quan đến vòi phun và thiết bị đo, xem TCVN 9230-1 : 2012/ISO 5658-1 : 1996, điều 5.1.

5.2 Bàn thử phân bố

Bàn thử độ phân bố đồng đều chất lỏng phải phù hợp với TCVN 9230-1 : 2012/ISO 5682-1 : 1996, Hình 1.

5.2.1 Đặc tính của rãnh hứng

Thành rãnh hứng phải nằm theo phương thẳng đứng;

Mặt phẳng tạo thành bởi các đường sống đỉnh của các thành rãnh hứng, theo chiều dọc (vuông góc với các rãnh hứng) phải không sai lệch quá ±1 % so với mặt phẳng nằm ngang, theo chiều ngang, và không sai lệch quá ±2 % - theo chiều rộng bàn thử, song song với các rãnh hứng (xem Hình 2);

Độ dày của thành các rãnh hứng phải không lớn hơn 4 mm;

Khoảng cách giữa hai đường sống đỉnh các thành rãnh kế tiếp nhau phải nằm trong khoảng (100 ± 1) mm;

CHÚ THÍCH - Trong trường hợp các thành rãnh hứng của bàn thử phân bố cách nhau 50 mm hoặc 25 mm, các điều kiện dưới đây sử dụng để so sánh 2 hoặc 4 rãnh hứng liền kề với 1 rãnh hứng 100 mm.

Chiều cao thành đứng của các rãnh hứng ít nhất phải bằng 2 lần chiều rộng rãnh hứng;

Tổng chiều rộng của bàn thử phải không bị ảnh hưởng bởi tổng sai số cho phép đối với các cạnh đỉnh thành rãnh hứng.

5.2.2 Phần trên của thành rãnh hứng

Phần trên của thành rãnh hứng phải được cắt vát đối xứng để tạo đỉnh cạnh vê tròn và phải có các đặc tính kỹ thuật sau:

a) Chiều cao của đỉnh cắt vát ít nhất bằng 3 lần độ dày của thành rãnh hứng;

b) Độ dày của phần trên đỉnh vát không lớn hơn 1 mm;

c) Bán kính lượn (vê tròn) của đỉnh thành rãnh hứng không lớn hơn 0,5 mm;

d) Không có điểm nào của các sống đỉnh thành rãnh hứng cao hơn hoặc thấp hơn ± 2 mm so với mặt phẳng trung bình của các sống đỉnh thành rãnh hứng.

6. Độ chính xác của các phép đo

6.1 Thời gian đo phải được đo không ngắn hơn 60 s và phải đo chính xác đến ± 1 s;

6.2 Lưu lượng chất lỏng phải đo với độ chính xác ± 0,5 %;

6.3 Áp suất đo với độ chính xác ± 2,5 %;

6.4 Độ chính xác đo khối lượng, độ dài và thể tích phải công bố trong báo cáo thử nghiệm;

6.5 Góc phải được đo với độ chính xác ± 1o;

6.6 Nhiệt độ phải được đo với độ chính xác ± 0,5 oC.

7. Điều kiện thử nghiệm chung

Toàn bộ dữ liệu vận hành và các thông số thử nghiệm phải được ghi rõ trong báo cáo thử nghiệm, xem ví dụ cho trong Phụ lục B.

7.1 Tần số quay trục trích công suất

Tất cả các phép thử phải được thực hiện tại tần số quay của trục trích công suất: 540 rpm hoặc 1000 rpm hay theo khuyến cáo của nhà chế tạo.

7.2 Nhiệt độ và ẩm độ không khí tương đối

Nhiệt độ của chất lỏng sử dụng trong thử nghiệm, nhiệt độ của môi trường trong quá trình thử nghiệm phải nằm trong khoảng từ 10 oC đến 25 oC. Độ ẩm tương đối của không khí thông thường không thấp hơn 50 %. Nhiệt độ và độ ẩm tương đối của không khí phải được ghi rõ trong báo cáo thử nghiệm.

7.3 Áp suất

Trong quá trình thử nghiệm áp suất phải không thay đổi hơn ± 2,5 % so với áp suất thử nghiệm, ghi và phản ánh trong báo cáo thử nghiệm.

Trong quá trình thử nghiệm, phải thiết lập áp suất thử bằng cách sử dụng đầu đo áp suất chuẩn, lắp bên cạnh đầu đo áp suất của thiết bị phun. Giá trị áp suất kiểm tra phải không thay đổi trong quá trình thử nghiệm.

Phải lắp đặt đủ số lượng đầu đo áp suất để giám sát áp suất chất lỏng tại cửa vào và tại điểm cuối của mỗi phân đoạn dàn phun. Nếu cần thiết, phải lắp đặt thêm các đầu đo áp suất tại cửa vào và cửa ra đối với mỗi phin lọc trên đường ống dẫn.

Tùy chọn, có thể đo áp suất cửa vào và cửa xả từ bơm và vòi phun thủy lực, đo ở vị trí gần nhất có thể.

7.4 Lựa chọn vòi phun thử nghiệm

Phải chuẩn bị đủ số lượng vòi phun hoàn chỉnh, trang bị đủ cho dàn phun. Độ sai lệch lưu lượng chất lỏng của mỗi vòi phun, thể hiện bằng tỷ số phần trăm so với lưu lượng trung bình của các mẫu thử nghiệm, không được vượt quá 2,5 % theo quy định trong TCVN 9230-1 : 2012/ISO 5658-1 : 1996, điều 6.2.

8. Thử nghiệm

8.1 Độ phun đồng đều của vòi phun lắp trên dàn phun

Thử nghiệm phải được thực hiện với mỗi kiểu vòi phun hoàn chỉnh.

8.1.1 Áp suất thử nghiệm

Thử nghiệm tại áp suất lớn nhất do nhà chế tạo quy định đối với kiểu vòi phun lắp đặt trên dàn phun, nếu áp suất này nhỏ hơn áp suất làm việc cực đại của thiết bị phun. Nếu không, hãy thử nghiệm tại áp suất làm việc cực đại.

8.1.2 Phép đo

Thu gom chất lỏng phun ra từ mỗi vòi phun trong thời gian thử nghiệm tương ứng, đo thể tích chất lỏng nhận được.

Có thể sử dụng bất kỳ phương pháp tương đương nào.

8.1.3 Kết quả thử nghiệm

Khối lượng chất lỏng thu nhận được đối với mỗi vòi phung phải được chỉ rõ trong báo cáo thử nghiệm dưới dạng đồ thị hoặc bảng số về tỷ lệ phần trăm so với mức phun chung của kiểu vòi phun được lắp đặt.

8.2 Lưu lượng của dàn phun

Thử nghiệm phải được thực hiện với mỗi kiểu vòi phun hoàn chỉnh.

8.2.1 Áp suất thử nghiệm

Thử nghiệm tại áp suất quy định tại TCVN 9230-1 : 2012/ISO 5658-1 : 1996, điều 7.2.2.

8.2.2 Phép đo

Đo lưu lượng phun toàn phần từ dàn phun trong thời gian tối thiểu là 60 min.

8.2.3 Kết quả thử nghiệm

Chỉ rõ lưu lượng toàn phần của dàn phun trong báo cáo thử nghiệm, biểu thị bằng L/min dưới dạng bảng số hoặc đồ thị.

Mức phun thể tích/hec ta (m3/ha) tại các vận tốc tiến khác nhau cũng phải được chỉ rõ dưới dạng bảng số hoặc đồ thị.

8.3 Khoảng cách vòi phun và chiều tâm trục phun

8.3.1 Khoảng cách

Khoảng cách giữa các vòi phun dọc theo cần dàn phun phải được đo với độ chính xác ±1 mm.

8.3.2 Chiều tâm trục của vòi phun

Chiều tâm trục của vòi phun phải được đo theo chiều thẳng đứng theo khuyến cáo của nhà chế tạo. Ví dụ: có thể nhận biết được bằng cách cắm sào vào đai ốc vòi phun.

8.3.3 Kết quả thử nghiệm

Chỉ rõ vị trí của vòi phun dọc theo dàn phun, biểu thị bằng mm, và góc sai lệch của tâm trục so với chiều thẳng đứng và chiều chuyển động, biểu thị bằng độ, với các vòi phun được đánh số từ trái sang phải trên trục ngang nhìn từ người quan sát đứng phía sau thiết bị phun.

8.4 Độ phun đồng đều

8.4.1 Áp suất

Thử nghiệm tại áp suất cực đại và cực tiểu do nhà chế tạo quy định, và nếu quy định, tại áp suất tối ưu.

Thử nghiệm phải tiến hành trên dàn phun hoàn chỉnh, hoặc trong trường hợp thiết kế đối xứng, trên ít nhất một nửa dàn phun.

Trong trường hợp thử nghiệm tiến hành trên phân đoạn dàn phun, các điều kiện sau phải được xem xét:

- toàn bộ dàn phun phải làm việc (phun) trong quá trình thử trên một phân đoạn dàn phun;

- thời gian thử nghiệm phải bằng nhau đối với mỗi phân đoạn dàn phun;

- dàn phun phải được đặt tại vị trí làm việc.

8.4.2 Vị trí của dàn phun

Dàn phun phải được đặt tại vị trí làm việc chuẩn (bình thường).

8.4.3 Chiều cao của dàn phun

Nếu nhà chế tạo chỉ rõ chiều cao làm việc tối ưu, thử nghiệm phải thực hiện tại độ cao này, cũng như tại độ cao cách 150 mm về phía trên và về phía dưới.

Nếu nhà chế tạo không chỉ rõ chiều cao làm việc, thử nghiệm phải thực hiện tại độ cao 400 mm, 500 mm, 600 mm và 700 mm, và tùy chọn tại 300 mm và 800 mm. Độ cao được đo từ các cạnh đỉnh của bàn thử nghiệm phân bố tới miệng vòi phun.

8.4.4 Phép đo

Thu gom chất lỏng từ từng máng hứng 100 mm trong khoảng thời gian thử nghiệm, xác định theo lưu lượng của vòi phun có lưu lượng lớn nhất.

8.4.5 Kết quả thử nghiệm

Phải chỉ ra kết quả thử trong báo cáo thử nghiệm, đối với mỗi độ cao dàn phun dưới dạng đồ thị hoặc bảng số, các rãnh hứng được đánh số từ trái sang phải trên trục hoành theo vị trí của người quan sát đứng sau thiết bị phun. Hệ số biến động ở mỗi độ cao cũng phải được chỉ rõ dưới dạng đồ thị hoặc bảng số. Chỉ các rãnh hứng đặt trong vùng được phủ hoàn toàn bởi các tia phun sẽ được xem xét tính toán. Hệ số phân tán phải được tính đối với các rãnh hứng 100 mm và tương tự đối với rãnh hứng 50 mm hoặc 25 mm, nếu được sử dụng.

8.5 Tổn thất cột áp trên đường ống phân phối

Đặt hệ thống điều chỉnh thiết bị phun ở vị trí sao cho đạt được lưu lượng cực đại từ dàn phun.

8.5.1 Phép đo

Bố trí đầu đo áp suất theo điều 7.3.

Lắp vòi phun được cung cấp có lưu lượng ra lớn nhất.

Điều chỉnh áp suất tới áp suất chỉ thị cực đại theo quy định của nhà chế tạo.

Khởi động tất cả các cơ cấu khuấy trộn thủy lực, vận hành bởi lưu lượng từ bơm (ví dụ: đầu phun thủy lực hoặc cơ cấu khuấy thủy lực).

8.5.2 Kết quả thử nghiệm

Áp suất đọc trên chỉ thị các đầu đo áp suất, sai lệch giữa các số đọc trên các đầu đo kế tiếp nhau, và sai lệch giữa các số đọc trên đầu đo áp suất đặt phía trên đầu vào với đầu đo đặt tại cửa ra của bơm, phải được trình bày dưới dạng bảng số.

8.6 Lưu lượng của bơm

8.6.1 Phép đo

Lưu lượng của bơm phải được đo tại tốc độ quay do nhà chế tạo quy định, và tại áp suất làm việc cực đại và áp suất cực tiểu. Ngoài ra, lưu lượng bơm phải được đo tại vị trí lắp đặt bình thường tại độ cao đầu vào tương ứng với thùng chứa nửa đầy trong quá trình thử nghiệm.

8.6.2 Kết quả thử nghiệm

Kết quả thử nghiệm phải được trình bày trong báo cáo thử nghiệm dưới dạng đồ thị hoặc bảng số, biểu thị bằng L/min.

8.7 Mức độ nạp đầy từ cơ cấu nạp thùng chứa

8.7.1 Phép đo

Lưu lượng của hệ thống nạp thùng chứa phải được đo đối với:

a) mặt nước giữ tại mức cửa nạp;

b) mặt nước giữ tại 3 m bên dưới mặt phẳng nằm ngang đi qua miệng cửa vào của bơm;

c) mặt nước giữ tại 5 m bên dưới mặt phẳng nằm ngang đi qua miệng cửa vào của bơm;

Phải sử dụng các ống dẫn, đầu nối và bộ phận nắn thẳng dòng do nhà chế tạo cung cấp.

8.7.2 Kết quả thử nghiệm

Kết quả thử phải được phản ánh trong báo cáo thử nghiệm. Độ chính xác ± 5 % là đủ đối với phép thử lưu lượng xả. Lưu lượng xả phải được biểu diễn bằng L/min. Tùy chọn, thời gian để nạp đầy thùng chứa của thiết bị phun phải được chỉ rõ, biểu thị bằng phút (min).

8.8 Dung tích thùng chứa

8.8.1 Phép đo

Đo thể tích toàn phần của thùng chứa.

So sánh thể tích thực của thùng chứa ứng với đường tâm của mỗi dấu mức trên thang đo của số đọc trên cơ cấu đo dung tích.

8.8.2 Kết quả thử nghiệm

Trong báo cáo thử nghiệm phải đề cập đến thể tích toàn phần của thùng chứa, biểu thị bằng lít (L) và tỷ lệ của thể tích danh định.

Đối với dấu mức trên thang đo của cơ cấu đo, thể tích đọc và độ sai lệch đối với thể tích thực phải được thể hiện dưới dạng bảng, như là tỷ lệ phần trăm của thể tích thực.

8.9 Khuấy trộn

8.9.1 Thử nghiệm ban đầu

Thử nghiệm sơ bộ bằng hỗn hợp 1 % oxicrorit đồng phù hợp với Phụ lục A (nồng độ được xem là nồng độ cơ sở). Nạp đầy thùng chứa đến dung tích danh định trong khi khuấy trộn.

Trước khi dừng khuấy, lấy ít nhất 2 mẫu, mỗi mẫu ít nhất 20 ml tại 90 %, 50 % và 10 % mức tham chiếu (điều 3.1).

Đánh giá mỗi mẫu riêng biệt và tính trung bình tại mỗi mức.

CHÚ THÍCH - Các mẫu có thể được phân tích bằng kỹ thuật sấy tại nhiệt độ giữa 105 oC và 110 oC. Có thể sử dụng kỹ thuật khác, nhưng phải đảm bảo đạt được các trị số và độ chính xác giống nhau.

Nếu giá trị trung bình tại mỗi mức không nằm trong khoảng 0,95 % và 1,05 %, phải lặp lại thử nghiệm với hệ thống khuấy đảo hiệu quả hơn.

Tính giá trị trung bình tại tất cả 3 mức, để sử dụng sau đó như nồng độ cơ sở trong tính toán độ phân tán.

8.9.2 Thử nghiệm khuấy đảo lặp lại.

Sau khoảng thời gian lấy mẫu, để cho hỗn hợp tĩnh lặng trong 16 h.

Sau đó khởi động lại quá trình khuấy đảo và, sau 10 min lấy 2 mẫu theo điều 8.9.1. Đánh giá nồng độ của mỗi mẫu riêng biệt. Tại mỗi mức, tính giá trị trung bình và độ phân tán tương đối so với nồng độ cơ sở, xác định trong điều 8.9.1.

8.9.3 Độ đồng đều nồng độ trong quá trình xả

Xả rỗng thùng chứa bằng cách mở một trong các nguồn cung cấp, nối với van cho phép xả lượng chất lỏng bằng lượng cung cấp đồng thời cho tất cả các vòi phun ở chế độ phun bình thường. Đóng tất cả các nguồn cung cấp khác.

Sử dụng áp suất thử nghiệm bằng giá trị trung bình của áp suất vận hành cực đại và cực tiểu do nhà chế tạo quy định đối với mỗi kiểu vòi phun. Nếu có một số bộ vòi phun, sử dụng bộ vòi phun có lượng chất lỏng phun lớn nhất.

Tại cửa ra của thiết bị phun, lấy 2 mẫu tại thời điểm bắt đầu thử nghiệm, sau đó tùy thuộc tần số cho trong Bảng 1 đến khi kết thúc. Lấy mẫu sau cùng từ phần còn lại của chất lỏng trong thùng chứa.

Bảng 1 - Tần suất lấy mẫu

Dung tích danh định của thùng chứa

Lấy mẫu sau mỗi

≤ 400 L

50 L

> 400 L nhưng ≤ 1000 L

100 L

> 1000 L

200 L

8.9.4 Kết quả thử nghiệm

Kết quả thử nghiệm phải được chỉ rõ trong báo cáo thử nghiệm cho trong Phụ lục B.

 

Phụ lục A

(Quy định)

Quy định thành phần bột thử chứa Oxiclorit đồng sử dụng trong thử nghiệm

A.1 Thành phần cấu thành

Sử dụng trihydric oxiclorit đồng (còn gọi là Cupravit)1), có thành phần như sau:

Hợp chất thành phần

Tỷ lệ

Trihydric oxitclorit đồng (3CuO.CuCl2.3H2O)

45 %

Licnosunphat

5 %

Cacbonat Canxi (CaCO3)

8 %

Decahydrat Sunphat natri (Na2SO4.10H2O)

11 %

A.2 Kích thước phần tử hạt

Kích thước, μm

Tỷ lệ thể tích tối thiểu, %

< 20

98

< 10

90

< 5

70

A.3 Độ không tinh khiết của hoạt chất kỹ thuật

Độ không tinh khiết toàn phần:

≤ 3,5 %

Độ ẩm:

≤ 2 %

Độ tro:

≤ 1,5 % (tính vào khối lượng đồng)

A.4 Độ hòa tan

Hòa tan chậm trong nước và dung môi hữu cơ.

Hòa tan trong dung môi axit hữu cơ mạnh.

Hòa tan trong dung môi amoniac, amin nhờ hình thành các hợp chất.

 

Phụ lục B

(Quy định)

Biên bản thử nghiệm máy khuấy trộn dung dịch

B.1 Thử nghiệm ban đầu

Mức lấy mẫu

Nồng độ đo được, %

Mẫu số 1

Mẫu số 2

Mẫu số 3

Mẫu số 4

Mức trên (90 % mức tham chiếu)

 

 

 

 

Mức giữa (50 % mức tham chiếu)

 

 

 

 

Mức dưới (10 % mức tham chiếu)

 

 

 

 

Nồng độ cơ sở (giá trị trung bình cộng của 3 mức) …………………………….%

B.2 Thử nghiệm khuấy trộn lặp lại

Mức lấy mẫu

Nồng độ đo được, %

Sai lệch so với nồng độ cơ sở

Mẫu số 1

Mẫu số 2

Mẫu số 3

Trung bình

Mức trên (90 % mức tham chiếu)

 

 

 

 

 

Mức giữa (50 % mức tham chiếu)

 

 

 

 

 

Mức dưới (10 % mức tham chiếu)

 

 

 

 

 

B.3 Độ đồng đều nồng độ dung dịch phun trong quá trình thùng chứa cạn dần

Áp suất thử ………………… MPa.

Mức dung dịch lấy mẫu

Sai lệch tương đối so với nồng độ cơ sở

Dung tích định mức

 

Mức dung tích theo quy định tại Bảng 1

 

Lượng dung dịch còn lại trong thùng chứa

 

 

MỤC LỤC

Lời nói đầu

1 Phạm vi áp dụng

2 Tài liệu viện dẫn

3 Thuật ngữ và định nghĩa

4 Chất lỏng thử nghiệm

5 Thiết bị và dụng cụ thử nghiệm

5.1 Thiết bị và dụng cụ thử nghiệm

5.2 Bàn thử phân bố

6 Độ chính xác của các phép đo

7 Điều kiện thử nghiệm chung

7.1 Tần số quay trục trích công suất

7.2 Nhiệt độ và ẩm độ không khí tương đối

7.3 Áp suất

7.4 Lựa chọn vòi phun thử nghiệm

8 Thử nghiệm

8.1 Độ phun đồng đều của vòi phun lắp trên dàn phun

8.2 Lưu lượng của dàn phun

8.3 Khoảng cách vòi phun và chiều tâm trục phun

8.4 Độ phun đồng đều

8.5 Tổn thất cột áp trên đường ống phân phối

8.6 Lưu lượng của bơm

8.7 Mức độ nạp đầy từ cơ cấu nạp thùng chứa

8.8 Dung tích thùng chứa

8.9 Khuấy trộn

Phụ lục A (Quy định) Quy định thành phần bột thử chứa Oxiclorit đồng

Phụ lục B (Quy định) Biên bản thử nghiệm máy khuấy trộn dung dịch



1) - Bộ thử nghiệm này còn được biết với tên thương mại là Cupravit. Thông tin này đưa ra để tiện cho người sử dụng tiêu chuẩn này và không có nghĩa là TCVN/ISO bảo đảm cho chế phẩm này.