TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 83/BC-TLĐ | Hà Nội, ngày 28 tháng 08 năm 2013 |
BÁO CÁO
KẾT QUẢ ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM LẦN THỨ XI
I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC CHUẨN BỊ VÀ TỔ CHỨC ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM LẦN THỨ XI
Sau khi có Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 24 tháng 02 năm 2012 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã có Kế hoạch số 02/KH-TLĐ ngày 13 tháng 3 năm 2012 về tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, Quyết định thành lập các Tiểu ban và hướng dẫn một số nội dung liên quan chuẩn bị cho Đại hội. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI được tổ chức từ 27 đến 30 tháng 7 năm 2013 tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt-Xô, về dự Đại hội có 944/950 đại biểu chính thức được triệu tập.
Tại Đại hội, đã có 50 bài đăng ký tham luận, trong đó 16 đại biểu đọc tham luận tại hội trường và 246 lượt đại biểu phát biểu ở các tổ góp ý vào các Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa X trình tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI. Hầu hết các ý kiến phát biểu thảo luận đều đồng ý với các nội dung đã thể hiện trong các dự thảo Báo cáo. Ngay sau Đại hội, Bộ phận thường trực các Tiểu ban đã khẩn trương tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu dự Đại hội để hoàn chỉnh Văn kiện của Đại hội. Sau đây là đánh giá chung về kết quả công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội theo nhiệm vụ được phân công của từng tiểu ban:
1. Tiểu ban chuẩn bị Văn kiện
1.1. Kết quả chuẩn bị Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa X tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI
Căn cứ Chương trình hoạt động toàn khóa của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa X), ngay từ đầu năm 2012, Bộ phận giúp việc của Tiểu ban đã nghiên cứu, tham mưu xây dựng và trình Hội nghị lần thứ 19 Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn (ngày 23 tháng 02 năm 2012) thảo luận, cho ý kiến về Định hướng chuẩn bị nội dung Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa X tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI (sau đây gọi chung là Báo cáo Chính trị). Trên cơ sở đó, Tiểu ban đã nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Đề cương Báo cáo chính trị và tổ chức lấy ý kiến góp ý tại 11 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và 04 Công đoàn ngành Trung ương.
Sau khi Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn (họp tháng 7 năm 2012) thảo luận và thông qua Đề cương Báo cáo Chính trị, để có cơ sở lý luận và thực tiễn chuẩn bị cho việc xây dựng dự thảo Báo cáo, Tiểu ban đã tham mưu cho Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn thành lập 5 đoàn khảo sát do các đồng chí Phó Chủ tịch làm trưởng đoàn để tổ chức khảo sát về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Việt Nam tại một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở thuộc 16 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và 05 công đoàn ngành trung ương. Trên cơ sở đó, Bộ phận biên tập đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị và đã được Tổ giúp việc, Tiểu ban Văn kiện, Thường trực Đoàn Chủ tịch nhiều lần thảo luận, đóng góp ý kiến.
Ngày 01 tháng 11 năm 2012, Hội nghị lần thứ 23 Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo (lần 2) Báo cáo chính trị, Tiểu Ban chuẩn bị Văn kiện đã nghiên cứu, tiếp thu và xây dựng dự thảo (lần 3).
Ngày 30 tháng 11 và 05 tháng 12 năm 2012, Tổng Liên đoàn đã tổ chức 2 hội nghị với sự tham dự của 32 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, 11 công đoàn ngành trung ương. Gửi tài liệu và xin ý kiến các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ủy ban kiểm tra Tổng Liên đoàn (khóa X). Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến đóng góp, Tiểu Ban chuẩn bị Văn kiện đã nghiên cứu, tiếp thu và xây dựng dự thảo (lần 4). Hội nghị lần thứ 24 Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn (ngày 24 tháng 12 năm 2012), đã thảo luận và cho ý kiến.
Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn (họp cuối tháng 12 năm 2012) đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo (lần thứ 4) Báo cáo chính trị. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo Tiểu ban Văn kiện nghiên cứu, tiếp thu và xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị (lần thứ 5) để lấy ý kiến đóng góp của Đại hội Công đoàn cấp trên cơ sở và Đại hội Công đoàn cấp tỉnh, thành phố, ngành trung ương, Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn. Đặc biệt, Tổng Liên đoàn đã tổ chức hội thảo với các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tổng Liên đoàn qua các thời kỳ và đã tiếp thu được nhiều ý kiến sâu sắc. Trên cơ sở đó, Tiểu ban Văn kiện tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị và trình Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn thảo luận, cho ý kiến tại các kỳ họp lần thứ 25 (tháng 02/2013), 26 (tháng 4/2013) và 27 (tháng 5/2013). Hội nghị lần thứ 11 (họp trong các ngày 01 và 02 tháng 6 năm 2013), Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn đã cho ý kiến lần cuối vào dự thảo Báo cáo chính trị. Ngày 27 tháng 6 năm 2013 đã đăng toàn văn dự thảo trên Báo Lao động để lấy ý kiến rộng rãi của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và các đối tượng xã hội quan tâm.
Trong quá trình chuẩn bị Báo cáo chính trị, Tổ giúp việc, Tiểu ban chuẩn bị Văn kiện, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã nhiều lần họp, thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị trước khi trình xin ý kiến Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành.
Đến đầu tháng 7 năm 2013 dự thảo Báo cáo chính trị được hoàn thành và trình tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI là sự kết tinh của trí tuệ, kinh nghiệm và kỳ vọng của công nhân, lao động và các cấp Công đoàn.
Báo cáo chính trị đã nêu rõ được tình hình cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, công nhân, lao động và kết quả hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2008-2013; những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Xác định mục tiêu, phương hướng tổng quát, phương châm hành động, 11 chỉ tiêu phấn đấu, 4 chương trình hành động, 8 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của tổ chức Công đoàn trong nhiệm kỳ 2013- 2018. Nội dung Báo cáo chính trị đã được Đại hội thảo luận, biểu quyết thông qua với sự đồng thuận rất cao.
1.2. Kết quả chuẩn bị một số văn bản khác phục vụ Đại hội
Bên cạnh việc tập trung chuẩn bị Báo cáo chính trị tại Đại hội, Tiểu ban còn được giao nhiệm vụ chuẩn bị gần 30 văn bản quan trọng khác phục vụ Đại hội, như: Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, lao động với Đảng, Nhà nước; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn; phối hợp với các Công đoàn ngành, địa phương chuẩn bị, biên soạn, chỉnh sửa 50 bài tham luận tại Đại hội; đã tham mưu cho Thường trực Đoàn Chủ tịch in ấn nội dung 8 tập tài liệu phục vụ Đại hội gồm 25 nội dung...
Việc chuẩn bị Văn kiện và các tài liệu phục vụ Đại hội của Tiểu ban nhìn chung được hầu hết đại biểu dự Đại hội đánh giá khoa học, trình bày đẹp, nội dung đáp ứng được yêu cầu, đã góp phần vào thành công chung của Đại hội.
2. Tiểu ban sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam
Sau khi có quyết định của Đoàn Chủ tịch, Tiểu ban đã chủ động lập kế hoạch nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa X; hướng dẫn việc lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Lập kế hoạch và tổ chức 3 cuộc hội thảo lấy ý kiến cán bộ công đoàn, các nhà khoa học, các cán bộ lão thành của Công đoàn vào dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam sửa đổi, bổ sung. Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam sửa đổi, bổ sung được lấy ý kiến đóng góp từ Đại hội Công đoàn các cấp, trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ quan có liên quan và nhiều lần trình xin ý kiến Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành (Dự thảo Điều lệ sửa đổi, bổ sung đã trình lấy ý kiến Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lần thứ 23, lần thứ 26, lần thứ 27, lần thứ 28; Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lần thứ 10, lần thứ 11, lần thứ 12); ngày 29 tháng 6 năm 2013 đã đăng Báo Lao động toàn văn dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ để xin ý kiến rộng rãi đoàn viên và người lao động. Qua quá trình xin ý kiến, đã nhận được hàng chục nghìn ý kiến đóng góp vào dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, Điều lệ Công đoàn Việt Nam sửa đổi, bổ sung đã đảm bảo được tính kế thừa những quy định còn phù hợp, sửa đổi những bất hợp lý, bổ sung những nội dung mới đã được tổng kết qua thực tiễn hoạt động của các cấp Công đoàn, đặc biệt cụ thể hóa Luật Công đoàn năm 2012 và Bộ luật Lao động năm 2012.
Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam sửa đổi, bổ sung đã được trình tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI. Ngay sau Đại hội, Tiểu ban đã khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu và đã báo cáo xin ý kiến Ban Bí thư trước khi ban hành.
3. Tiểu ban Nhân sự Đại hội
Căn cứ quy định của Trung ương và các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư; trên cơ sở Đề án Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, đã phân bổ 950 đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI với cơ cấu, tiêu chuẩn đại diện cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động toàn quốc. Kết quả, có 944 đại biểu dự Đại hội, đảm bảo đúng thành phần, cơ cấu, tiêu biểu cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và của cả hệ thống công đoàn cả nước dự Đại hội.
Tiểu ban đã hướng dẫn các cấp Công đoàn về nội dung, phương pháp tiến hành công tác nhân sự, cơ cấu Ban Chấp hành và đoàn đại biểu đi dự Đại hội Công đoàn cấp trên. Tiến hành xây dựng Đề án nhân sự Ban Chấp hành, Ủy ban kiểm tra Tổng Liên đoàn khóa XI, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trong quá trình chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XI, Tiểu ban đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban kiểm tra Tổng Liên đoàn xem xét, xác minh, giải quyết kịp thời các đơn thư có liên quan đến tư cách đại biểu đảm bảo đúng quy định.
Tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đã biểu quyết thống nhất số lượng ủy viên Ban Chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI (nhiệm kỳ 2013 - 2018) là 175 đồng chí, số lượng ủy viên đoàn Chủ tịch là 27 đồng chí. Tại Đại hội, đã bầu 172 đồng chí vào Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tại Hội nghị lần thứ nhất, đã bầu 24 đồng chí vào Đoàn Chủ tịch; bầu đồng chí Đặng Ngọc Tùng, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa X giữ chức Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI nhiệm kỳ 2013- 2018; Hội nghị cũng đã bầu 5 đồng chí: Mai Đức Chính, Trần Thanh Hải, Nguyễn Thị Thu Hồng, Nguyễn Văn Ngàng, Trần Văn Lý giữ chức Phó Chủ tịch; bầu đồng chí Đỗ Xuân Học, Ủy viên Đoàn Chủ tịch làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đại hội giao cho Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XI tiếp tục chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành và Đoàn Chủ tịch bầu bổ sung sau.
Kết quả bầu cử tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI cho thấy, công tác chuẩn bị nhân sự của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa X đã thực hiện đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác nhân sự của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, các tỷ lệ nữ, công nhân trực tiếp sản xuất, cán bộ công đoàn cơ sở đều tăng so với nhiệm kỳ trước, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn vừa có kế thừa (tái cử), vừa có nhân sự mới.
4. Tiểu ban tuyên truyền, phục vụ Đại hội
a) Bộ phận tuyên truyền, khánh tiết
Đã tham mưu với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn chỉ đạo công tác tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội bằng nhiều hình thức phong phú, như trên các phương tiện thông tin đại chúng1, treo panô, áp phích... Đã tranh thủ được sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài hệ thống công đoàn trong công tác tuyên truyền về Đại hội Công đoàn các cấp cũng như tuyên truyền về Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI. Hướng dẫn các cấp Công đoàn triển khai công tác tuyên truyền đến tận đoàn viên và người lao động. Công tác trang trí khánh tiết tại hội trường và khu vực diễn ra Đại hội đảm bảo trang trọng, khoa học, đạt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, trong những ngày diễn ra Đại hội, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, hầu hết các tỉnh, thành ủy đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức đợt tuyên truyền cao điểm về Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI. Bộ phận tuyên truyền, khánh tiết đã chủ động cử cán bộ phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng kế hoạch tuyên truyền về Đại hội như phát các thông tin về Đại hội, trailer, logo, phương châm hành động về Đại hội trong thời gian diễn ra Đại hội cũng như xây dựng kế hoạch tổ chức tường thuật trực tiếp phiên khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI; phối hợp với Truyền hình Thông tấn xã xây dựng bộ phim tài liệu “Công đoàn Việt Nam những chặng đường lịch sử”; tổ chức triển lãm ảnh về những thành tựu nổi bật trong hoạt động Công đoàn nhiệm kỳ 2008- 2013; xây dựng và phát hành cuốn sách ảnh “Từ Đại hội đến Đại hội” và một số ấn phẩm khác phục vụ Đại hội. Ngay sau phiên bế mạc Đại hội, đã tổ chức họp báo Thông báo nhanh về kết quả Đại hội do Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn khóa XI chủ trì, đồng thời cung cấp cho các Đoàn đại biểu tài liệu tuyên truyền “Thông tin nhanh về kết quả Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI”; Phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức chương trình văn nghệ chào mừng thành công Đại hội với sự tham gia của gần 1000 công nhân, viên chức, lao động Thủ đô.
Trong quá trình diễn ra Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI các cấp Công đoàn đã liên tục phát động các đợt thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội. Theo thống kê đến nay, cả nước có 888 công trình, sản phẩm và 21.656 đề tài khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đăng ký chào mừng Đại hội với tổng giá trị trên 23.269 tỷ đồng, giá trị làm lợi ước trên 900 tỷ đồng. Các phong trào thi đua đã thể hiện được khí thế, niềm tin của giai cấp công nhân hướng về Đại hội các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI.
b) Bộ phận phục vụ Đại hội
Đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Đại hội, huy động lực lượng và tổ chức phục vụ chu đáo Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI.
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã quyết định tổ chức Đại hội tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt-Xô đã tiết kiệm hàng tỷ đồng so với tổ chức Đại hội tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Đồng thời, Đoàn Chủ tịch có chủ trương chuyển từ việc mua hoa tặng Đại hội sang ủng hộ bằng tiền cho Quỹ Tấm lòng vàng, góp phần chăm lo cho công nhân, lao động nghèo và đã thu được 257 triệu đồng.
Bộ phận phục vụ đã tham mưu cho Thường trực Đoàn Chủ tịch các vấn đề quan trọng về công tác phục vụ, đảm bảo yêu cầu, hiệu quả, thiết thực, đổi mới và tiết kiệm, chống lãng phí được đại biểu, khách mời đánh giá cao, ghi nhận. Thường trực Đoàn Chủ tịch đã có Thông báo về việc phân công và trách nhiệm chủ yếu của các Tiểu ban, Ban và đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn trong việc chuẩn bị và phục vụ Đại hội. Đồng thời, giúp Thường trực Đoàn Chủ tịch ban hành công văn về việc phân công thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị và phục vụ Đại hội. Trên cơ sở đó đã xây dựng phương án, phân công khoảng hơn 100 đầu việc, nhiệm vụ chi tiết cho từng bộ phận phục vụ như: Tài chính, tài sản, đón tiếp, phục vụ chỗ ăn nghỉ, đi lại, y tế, kiểm dịch, an ninh, bảo vệ, đón khách quốc tế; tiếp đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động đến phản ánh và gửi kiến nghị.
Nghiên cứu, xây dựng và tham mưu cho Thường trực Đoàn Chủ tịch về phương án số lượng, bố trí chỗ ngồi cho các đại biểu, khách mời dự Đại hội. Việc gửi giấy mời, đón tiếp, lập dự trù kinh phí và qui chế chi tiêu Đại hội, cấp phát chế độ, tài liệu, quà tặng cho khoảng 1.500 đại biểu và khách mời trong nước và quốc tế dự Đại hội đảm bảo chu đáo, trọng thị; đã tranh thủ được sự hỗ trợ về kinh phí của Nhà nước và của một số đơn vị cho Đại hội; tổ chức cấp phát trên 460 phù hiệu xe, 2.350 phù hiệu phục vụ đại biểu, khách mời, ban tổ chức, báo chí ra vào hội trường...
Tham mưu cho Thường trực Đoàn Chủ tịch có văn bản gửi Bộ Công an, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng của Trung ương và Thủ đô Hà Nội để đề nghị có sự phối hợp, giúp đỡ tổ chức phục vụ Đại hội.
Chủ động làm việc với Cung Văn hóa Lao động Việt-Xô, Nhà khách Tổng Liên đoàn, Khách sạn Công đoàn trong việc bố trí hội trường, các phòng họp, phòng tiếp khách và các điều kiện cần thiết khác tại nơi diễn ra Đại hội phục vụ cho 83 đoàn đại biểu trong thảo luận cũng như đáp ứng yêu cầu phục vụ của Đoàn Chủ tịch Đại hội; bố trí phòng làm việc của Ban Tổ chức Đại hội, Trung tâm báo chí, phòng kiểm phiếu; bố trí chỗ để xe ô tô cho các đoàn và khách mời khoa học.
Phối hợp với Nhà khách Tổng Liên đoàn, Khách sạn Chìa khóa Vàng, Khách sạn Công đoàn, Khách sạn Kim Liên trong việc đón tiếp, bố trí chỗ ở cho các đoàn đại biểu, phục vụ ăn uống, giải khát đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong suốt quá trình diễn ra Đại hội. Tổ chức thông tin liên lạc giữa khách sạn, hội trường; thuê phương tiện, bố trí người phục vụ, nhắc nhở đại biểu theo xe đưa đón đại biểu từ nơi ở đến hội trường đúng thời gian quy định. Mỗi địa điểm ăn nghỉ của đại biểu đều phân công một tổ giúp việc thường trực tại đó do một đồng chí lãnh đạo cấp ban của Tổng Liên đoàn phụ trách để giải quyết kịp thời những công việc phát sinh. Việc phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc lên các phương án bảo vệ an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, y tế, kiểm dịch trong suốt quá trình diễn ra Đại hội, nhất là trong phiên khai mạc ngày 28 tháng 7 năm 2013 của Đại hội với sự tham dự của hàng trăm khách mời, trong đó có lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước... đảm bảo chu đáo, an toàn tuyệt đối.
Do có nhiều cải tiến, đổi mới và sự nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị trong công tác phục vụ so các kỳ Đại hội trước nên vẫn đảm bảo được chất lượng, hiệu quả gọn nhẹ, tiết kiệm và trọng thị.
Đánh giá chung: Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đã tổ chức thành công. Đạt được kết quả đó là do có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, các Ban của Trung ương Đảng; sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc; của các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước, các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và địa phương; của các tổ chức Công đoàn khu vực và quốc tế; sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch, Thường trực Đoàn Chủ tịch và Ban Chấp hành
Tổng Liên đoàn, cũng như sự đóng góp trí tuệ, công sức của công nhân, viên chức, lao động và sự nỗ lực cố gắng của các cấp Công đoàn, của các tiểu ban chuẩn bị Đại hội, của cán bộ, công chức, viên chức, lao động cơ quan Tổng Liên đoàn và các đơn vị trực thuộc tham gia phục vụ Đại hội; đặc biệt là sự cảm thông và chia sẻ của các đại biểu, các Đoàn đại biểu về dự Đại hội.
Ngay sau Đại hội, Tổng Liên đoàn đã khẩn trương tập trung xây dựng Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành, Đoàn Chù tịch; xây dựng 4 Chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI; xây dựng kế hoạch học tập Nghị quyết Đại hội; đồng thời, tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lần thứ nhất để thảo luận, cho ý kiến vào những nội dung trên...
Tuy nhiên, qua quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội cũng còn một số hạn chế như:
- Một số đồng chí trong tiểu ban, tổ chuyên viên giúp việc chưa thật sự đầu tư thời gian, công sức cho việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến xây dựng nội dung báo cáo thuộc trách nhiệm được phân công; chưa đảm bảo tiến độ, nên một số việc vẫn phải chỉnh sửa nhiều lần trước thềm Đại hội.
- Trình độ của một số cán bộ, chuyên viên còn hạn chế nên ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ được phân công, nhất là trong việc phát hiện, xử lý kịp thời một số tình huống phát sinh.
II. TỔNG HỢP KIẾN NGHỊ CỦA CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, CÔNG NHÂN, LAO ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN ĐỐI VỚI ĐẢNG, NHÀ NƯỚC
Thông qua Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến của công nhân, viên chức, lao động và đoàn viên Công đoàn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị với Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổng hợp và báo cáo nội dung kiến nghị như sau:
ĐỐI VỚI ĐẢNG
1. Đề nghị Ban Bí thư sớm tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28 tháng 01 năm 2008 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đánh giá kết quả thực hiện, những tồn tại, nguyên nhân và ban hành Chỉ thị hoặc Kết luận về tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết thời gian tới.
2. Đề nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư có quy định phân cấp hợp lý về công tác quản lý, tổ chức, biên chế cán bộ cho tổ chức Công đoàn, tạo điều kiện để Công đoàn chủ động hơn trong việc tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp, tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, thực hiện chính sách chế độ với cán bộ công đoàn các cấp theo quy định của Luật Công đoàn. Bổ sung biên chế cán bộ cơ quan công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, nhất là tại các Liên đoàn Lao động cấp huyện có nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn, công đoàn các khu công nghiệp tập trung có đông công nhân, lao động nhằm thực hiện quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo quy định của Luật Công đoàn năm 2012.
3. Đề nghị Ban Bí thư chỉ đạo các cấp ủy Đảng có giải pháp tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển đảng viên trong công nhân và thành lập tổ chức cơ sở Đảng ở những doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của Điều lệ Đảng. Đồng thời đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức Đảng tại doanh nghiệp cho phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; có giải pháp tăng tỷ lệ đảng viên và cán bộ quản lý xuất thân từ công nhân.
ĐỐI VỚI QUỐC HỘI
1. Đề nghị Quốc hội xem xét giữ lại Điều 10 trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như dự thảo đưa ra xin ý kiến đóng góp của nhân dân. Điều này đã được Hiến pháp khẳng định trong suốt 55 năm qua và khẳng định bản chất giai cấp của Đảng, vị trí, vai trò nòng cốt đi đầu của giai cấp công nhân trong sự nghiệp công nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Đề nghị Quốc hội khi xem xét cho ý kiến vào các dự án Luật có liên quan đến công nhân, viên chức, lao động trình Quốc hội trong nhiệm kỳ XIII cần chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu để đưa vào dự án Luật những chính sách chăm lo cho công nhân, viên chức, lao động, cụ thể:
a) Về dự thảo Luật Việc làm: cần quy định cơ chế, chính sách đảm bảo cho người lao động khi bị mất việc làm được đào tạo và đào tạo lại tay nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động; Đồng thời quy định thủ tục chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động theo hướng thuận lợi, đơn giản và tránh bị lạm dụng.
b) Về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Trong thời gian vừa qua, tình hình nợ, trốn đóng Bảo hiểm xã hội ở các doanh nghiệp là rất lớn, gây khó khăn và thiệt hại cả về trước mắt và lâu dài đối với người lao động và Quỹ Bảo hiểm xã hội. Vì vậy, đề nghị Quốc hội chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu đưa vào dự thảo Luật các vấn đề sau:
- Trách nhiệm của người sử dụng lao động và cơ quan Bảo hiểm xã hội khi người lao động đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng Bảo hiểm xã hội của mình nhưng do người sử dụng lao động không nộp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội thì người lao động vẫn được chốt sổ và chi trả chế độ Bảo hiểm xã hội. Cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm yêu cầu bắt buộc người sử dụng lao động phải truy nộp bảo hiểm xã hội và đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Quy định tiền lương đóng Bảo hiểm xã hội là tiền lương được quy định tại Điều 90 của Bộ luật lao động năm 2012 (hiện tại đóng Bảo hiểm Xã hội trên nền lương quá thấp nên thiệt thòi cho người lao động khi nghỉ hưu).
- Bổ sung tội danh trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền Bảo hiểm xã hội bắt buộc sau khi đã được các cơ quan chức năng nhắc nhở, xử phạt hành chính về hành vi trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền Bảo hiểm xã hội nhưng vẫn cố tình không thực hiện thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
c) Về dự thảo Luật Tiền lương tối thiểu: đề nghị đẩy nhanh tiến độ trình dự thảo Luật Tiền lương tối thiểu trong năm 2014 nhằm đảm bảo tiền lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ theo Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2012 và kết luận số 23/KL-TW, ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về “Một số vấn đề về: Tiền lương, Bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”.
ĐỐI VỚI CHÍNH PHỦ
1. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành được phân công triển khai thực hiện các đề án theo Kết luận số 23/KL-TW ngày 08 tháng 4 năm 2008 của Bộ Chính trị về “Những công việc cần cụ thể hóa để triển khai thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, khẩn trương rà soát những công việc đã làm, chưa làm và đề ra giải pháp, tiến độ thời gian để tiếp tục những công việc; có Nghị quyết hay Chương trình của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, trong đó cần tập trung vào một số vấn đề bức xức, cấp bách của giai cấp công nhân như: nhà ở, các công trình phúc lợi: khu sinh hoạt văn hóa - thể thao, nhà trẻ, mẫu giáo các khu công nghiệp tập trung; tiền lương, bảo hiểm xã hội, v.v...
2. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn năm 2012, Bộ luật Lao động năm 2012; Đồng thời chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương nghiên cứu hướng dẫn một số nội dung của Bộ luật Lao động mà luật không quy định nhằm bảo đảm đưa Bộ luật Lao động đi vào thực tiễn theo Công văn số 1863/UB VĐXH/13 của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội “về việc trả lời hướng xử lý vướng mắc trong việc hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động năm 2012”.
3. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2009 về cơ chế chính sách khuyến khích xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các Khu công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc xây dựng nhà ở cho công nhân, lao động ở khu công nghiệp. Đồng thời đề nghị Chính phủ sớm ban hành các quy định cụ thể về xây dựng các công trình phúc lợi công cộng như: Khu sinh hoạt văn hóa, thể thao, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế phục vụ cho công nhân Khu công nghiệp.
4. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm có các giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tối đa tình trạng trốn đóng nợ đọng Bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi về trước mắt và lâu dài của người lao động và quĩ Bảo hiểm xã hội; đồng thời nghiên cứu ban hành cơ chế đảm bảo quyền lợi của người lao động khi họ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng Bảo hiểm xã hội nhưng bị người sử dụng lao động chiếm dụng không đóng Bảo hiểm xã hội. Mặt khác sớm hướng dẫn tiền lương làm cơ sở đóng Bảo hiểm xã hội theo điều 90 Bộ luật Lao động năm 2012.
5. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu thực hiện lộ trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo kết luận số 23/KL-TW của Hội nghị Trung ương 5 nhằm đảm bảo đến năm 2015 tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ theo điều 91 Bộ luật Lao động năm 2012.
6. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm nhất là tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các đơn vị làm việc trong điều kiện nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại hoặc có nguy cơ cao mất an toàn lao động; Chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các chủ sử dụng lao động cố tình vi phạm các quy định của pháp luật lao động về an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.
7. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp thực hiện công tác đào tạo nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động; tăng cường nguồn lực cho các trường đào tạo dạy nghề công nhân kĩ thuật đồng thời có quy định rõ hơn về việc doanh nghiệp có cơ chế, tạo điều kiện về kinh phí, thời gian để công nhân, lao động học tập, nắm bắt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
8. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập, hỗ trợ hoạt động của các nghiệp đoàn nghề cá. Đồng thời có chính sách giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngư dân, đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá, động viên ngư dân bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Nơi nhận: | TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH |
1 Một số đơn vị báo đài trung ương và địa phương như: Đài truyền hình Việt Nam, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình An ninh, Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Đài phát thanh truyền hình Hà Nội, Báo Lao động, Nhân dân, Đại đoàn kết, Báo Quân đội, Lao động Thủ đô, Người Lao động, Tạp chí Lao động, Công đoàn, Tạp chí Cộng sản….
- 1 Luật Công đoàn 2012
- 2 Bộ Luật lao động 2012
- 3 Kết luận 23-KL/TW về vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 4 Chỉ thị 12-CT/TW năm 2012 về lãnh đạo Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2013 - 2018) do Ban Bí thư ban hành
- 5 Quyết định 66/2009/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Nghị quyết 20-NQ/TW năm 2008 về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 7 Luật Bảo hiểm xã hội 2006
- 8 Công văn số 553/CV-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tổ chức Đại hội công đoàn cơ sở
- 9 Hiến pháp năm 1992
- 10 Nghị định 222-HĐBT năm 1987 về việc phối hợp với Công đoàn tổ chức Đại hội lần thứ VI Công đoàn Việt Nam do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 1 Công văn số 553/CV-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tổ chức Đại hội công đoàn cơ sở
- 2 Nghị định 222-HĐBT năm 1987 về việc phối hợp với Công đoàn tổ chức Đại hội lần thứ VI Công đoàn Việt Nam do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3 Công văn số 745/TLĐ về việc báo cáo kết quả Đại hội Công đoàn cấp cơ sở và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
- 4 Chỉ thị 14-CT/TW năm 2007 về lãnh đạo Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội lần thứ X Công đoàn Việt Nam do Ban Bí thư ban hành