Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2006/CT-UBND

Phan Thiết, ngày 12 tháng 6 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC QUẢN LÝ ĐỐI TƯỢNG VÀ GIÁO DỤC, GIÚP ĐỠ NHỮNG NGƯỜI CÓ HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Việc quản lý, giáo dục đối tượng đang thi hành các hình phạt theo quyết định của bản án hình sự, quyết định xử lý hành chính; giáo dục, giúp đỡ người bị kết án phạt tù đã chấp hành xong hình phạt; người bị xử lý hành chính bằng các biện pháp đưa vào Trường giáo dưỡng, Cơ sở giáo dục, Cơ sở chữa bệnh đã chấp hành xong quyết định trở về địa phương là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, nhà nước; của cộng đồng dành cho người đã từng lầm lỗi có điều kiện ổn định cuộc sống, sớm hoà nhập cộng đồng và trở thành người lương thiện góp phần xây dựng quê hương.

Tuy nhiên, trong thời gian qua công tác quản lý, giúp đỡ và tiếp tục giáo dục số đối tượng nêu trên vẫn còn một số tồn tại, bất cập: nhiều nơi chưa có sự quan tâm chỉ đạo đúng mức của các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương; sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể và các tổ chức quần chúng chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, còn có hiện tượng khoán trắng cho lực lượng Công an. Trong khi đó, vai trò tham mưu, nòng cốt của lực lượng Công an còn có mặt hạn chế; việc cập nhật thông tin, báo cáo tình hình và đề xuất biện pháp xử lý chưa được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả. Tồn tại nêu trên đã làm hạn chế công tác quản lý, giám sát và phát hiện kịp thời những diễn biến tư tưởng, hoạt động của đối tượng, đó là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tình hình tái phạm tội, tái vi phạm pháp luật hành chính khác của đối tượng, làm gia tăng tội phạm và vi phạm pháp luật, gây mất ổn định về trật tự xã hội ở địa phương.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, từng bước thực hiện tốt chính sách nhân đạo của Đảng và pháp luật của nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho những người có quá khứ phạm tội hoặc vi phạm pháp luật khác được cảm hoá, giáo dục để sớm hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống và trở thành người lương thiện có ích cho xã hội, góp phần phòng ngừa, phát hiện đấu tranh ngăn chặn tội phạm, ổn định tình hình ANTT ở địa phương, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận chỉ thị:

1. Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo các ngành chức năng, UBND cấp xã và các tổ chức quần chúng thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an đề ra các biện pháp thiết thực nhằm tăng cường công tác quản lý, phân loại giáo dục, cảm hoá, giúp đỡ đối tượng và những người có hành vi vi phạm pháp luật theo những nội dung sau:

a) Tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục sâu rộng đến từng hộ, từng người ở từng cộng đồng dân cư về ý nghĩa, tầm quan trọng để toàn dân nhận thức rõ công tác cảm hoá, giáo dục đối tượng sẽ đem lại lợi ích thiết thực vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Khơi dậy và phát huy truyền thống đạo lý, đoàn kết dân tộc, thương yêu đùm bọc, tương thân, tương ái với tình nghĩa xóm làng, phố phường để nhân dân đồng tình và tích cực tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ, cảm hoá người lầm lỗi, giúp họ mau chóng trở thành người tiến bộ, sớm hoà nhập với gia đình và cộng đồng dân cư;

b) Xây dựng cơ chế thích hợp để phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao vai trò trách nhiệm, tính chủ động sáng tạo của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, tạo điều kiện để nhân dân tích cực tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi. Phải kết hợp nhiều hình thức, biện pháp; lấy tình thương, trách nhiệm và thái độ chân thành để giáo dục, thuyết phục; lấy việc làm thiết thực nhân nghĩa giúp đỡ khó khăn trong cuộc sống để cảm hoá làm cho họ yên tâm sửa chữa lỗi lầm, tích cực xây dựng xóm làng, khu phố bình yên;

c) Kết hợp cuộc vận động toàn dân tham gia quản lý giáo dục, cảm hoá những người lầm lỗi tại cộng đồng với thực hiện biện pháp xử lý hình sự, xử lý hành chính theo quy định của Chính phủ tại các Nghị định số: 59/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 về thi hành các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội; Nghị định số: 60/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 về thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ; Nghị định số: 61/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 về thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo; Nghị định số: 53/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 về thi hành các hình phạt cấm cư trú và quản chế; Nghị định số: 163/2003/NĐ-CP ngày 19/12/2003 về xử lý hành chính bằng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn...

d) Xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn, đoàn kết - văn hoá tại cộng đồng dân cư và gia đình. Huy động các đoàn thể, tổ chức xã hội như Mặt trận, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, nhà trường... cùng gia đình cam kết, bảo lảnh để quản lý, giáo dục, cảm hoá những người lầm lỗi; kết hợp với các chương trình kinh tế - văn hoá – xã hội khác ở địa phương như chương trình xoá đói giảm nghèo, phong trào thanh niên lập nghiệp, chương trình phát triển nông , lâm, ngư, nghiệp... nhằm tạo việc làm có thu nhập ổn định, giảm bớt khó khăn, thu hút được nhiều người tham gia lao động chân chính để có điều kiện tự rèn luyện trong môi trường lành mạnh;

e) Gắn cuộc vận động “Toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hoá những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư” với phong trào phát động quần chúng tham gia phát hiện tố giác tội phạm để vận động người phạm tội ra tự thú, tự báo, quản lý chặt chẽ nhân hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, tạo thành thế trận nhân dân phòng chống tội phạm trong từng người, từng hộ gia đình, từng tổ dân cư, góp phần tích cực xây dựng cụm dân cư an toàn, đoàn kết, văn hoá; xây dựng hệ thống chính trị và lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở ngày càng vững mạnh;

f) Nắm và quản lý chặt chẽ từng loại đối tượng, thường xuyên thống kê lên danh sách những người thuộc diện quản lý, giáo dục tại địa phương, trong đó phải nắm chắc lai lịch, quan hệ gia đình, xã hội; tiền án, tiền sự, những di biến động, thái độ lao động, ý thức chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nghề nghiệp và nơi làm việc hiện tại, nguồn sống chính, các biểu hiện bất minh... của từng loại đối tượng. Qua đó, có biện pháp quản lý chặt chẽ không để họ có điều kiện, khả năng phạm tội, đồng thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời đối với những hành vi vi phạm pháp luật khác của họ tại cơ sở.

2. Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thường xuyên và kịp thời thông báo danh sách người được đặc xá, tha tù; người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh về địa phương cư trú cho chính quyền và công an cơ sở có kế hoạch tổ chức tiếp nhận, quản lý và tiếp tục cảm hoá, giúp đỡ họ sớm hoà nhập cộng đồng, có việc làm và ổn định cuộc sống; đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với những người có hành vi tái phạm tội hoặc vi phạm pháp luật khác.

3. Sở Tư pháp có trách nhiệm hệ thống các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan để biên tập đề cương, phối hợp và chỉ đạo các phòng tư pháp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nhất là pháp luật về giáo dục, cảm hoá người có hành vi vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn Phòng thi hành án và các đội thi hành án thực hiện tốt chính sách miễn, giảm thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẩn các phòng tổ chức xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức đoàn thể và mặt trận tổ quốc ở địa phương để tổ chức dạy nghề, cho vay vốn, tạo việc làm cho những người được đặc xá tha tù, người đã chấp hành xong quyết định xử lý hành chính khác trở về cư trú tại địa phương sớm hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng chống tái phạm tội và vi phạm pháp luật khác.

5. Sở Văn hoá Thông tin phối hợp với Đài phát thanh, truyền hình Bình Thuận tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến và giáo dục pháp luật trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình; nghiên cứu xây dựng và phát sóng các tiểu phẩm văn hoá, văn nghệ như: “câu chuyện pháp luật, câu chuyện cảnh giác...” nghiên cứu tăng thời lượng phát sóng với mục đích đa dạng hoá hình thức biểu dương gương người tốt, việc tốt; nhân rộng điển hình tiên tiến đối với những người đã có thời lầm lỗi, đã sớm hoà nhập cộng đồng, có việc làm ổn định, cố gắng vươn lên làm giàu và trở thành công dân lương thiện, tiêu biểu trong cuộc sống.

6. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức giám sát và chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên trong phạm vi trách nhiệm của mình phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng tham gia thực hiện tốt nội dung nêu tại khoản 1 chỉ thị này.

7. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày đăng công báo của địa phương; Công an tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẩn thi hành Chỉ thị này; UBND các cấp, các đoàn thể và các sở, ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Dũng Nhật