Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/CT-UBND

An Giang, ngày 16 tháng 12 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Ngày 12 tháng 10 năm 2010, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh An Giang đã ban hành Chỉ thị số 04/2010/CT-UBND về việc kiểm định các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh An Giang. Qua 3 năm triển khai thực hiện, bước đầu đã đạt được một số kết quả sau:

- Ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tổ chức triển khai Chỉ thị số 04/2010/CT-UBND, phổ biến các văn bản hướng dẫn thực hiện; các cơ sở giáo dục lập Hội đồng tự đánh giá, lập kế hoạch tự đánh giá, phân công các thành viên tìm thông tin minh chứng, hoàn chỉnh báo cáo tự đánh giá. Các sở, ngành liên quan tùy theo chức năng, nhiệm vụ, đã phối hợp với ngành GDĐT trong việc phổ biến, tuyên truyền về công tác kiểm định.

- Ngành GDĐT phối hợp với Trường Cán bộ quản lý giáo dục thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tập huấn cho hơn 1.200 cán bộ, giáo viên (là đội ngũ cốt cán, mỗi trường từ 4 đến 5 người) để lực lượng này thực hiện công tác tự đánh giá tại trường.

- Ngành GDĐT đã cử 40 cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn về đánh giá ngoài do Bộ GDĐT tổ chức, sau khi hoàn tất được Bộ GDĐT cấp Giấy chứng nhận để tham gia các đoàn đánh giá ngoài theo quy định của Bộ GDĐT.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm hỗ trợ các cơ sở giáo dục thuộc địa bàn thực hiện kế hoạch cải tiến, nhất là đối với tiêu chí xây dựng cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện tự đánh giá, các cơ sở giáo dục gặp một số khó khăn như sau:

- Khối lượng hồ sơ minh chứng cần tìm khá lớn (mỗi đơn vị trường học khoảng 100 hồ sơ); nhiều tiêu chí tự đánh giá phải vận dụng nhiều văn bản hướng dẫn; nội dung công việc còn quá mới nên tiến độ công việc nhìn chung còn chậm.

- Trong năm học 2011-2012 và 2012-2013, Bộ GDĐT tiếp tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về công tác kiểm định thay thế các văn bản trước đây (xem phụ lục kèm theo) nên công tác kiểm định phải chờ vận dụng theo hệ thống văn bản mới.

Từ kết quả bước đầu đạt được, cũng như những khó khăn khi thực hiện Chỉ thị 04/2010/CT-UBND ngày 12 tháng 10 năm 2010 của UBND tỉnh về kiểm định các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh An Giang; để đảm bảo công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ thị:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Căn cứ hướng dẫn nhiệm vụ công tác khảo thí, kiểm định của Bộ GDĐT ban hành từng năm học, hướng dẫn các đơn vị lập kế hoạch thực hiện công tác kiểm định chất lượng đối với từng cấp học, phân tích điều kiện thực tế tại đơn vị, nguồn lực, dự kiến thời gian hoàn thành.

Tổ chức triển khai, hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt các khâu trong quá trình tự đánh giá tại đơn vị (từ khâu lập Hội đồng tự đánh giá, kế hoạch tự đánh giá, phân công viết phiếu tự đánh giá từng tiêu chí, tổng hợp hoàn chỉnh báo cáo tự đánh giá của đơn vị đến khâu lập cơ sở dữ liệu, kế hoạch cải tiến chất lượng...). Đảm bảo trong năm học 2013-2014, 100% số trường học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) hoàn thành cơ sở dữ liệu và báo cáo tự đánh giá. Phấn đấu đánh giá ngoài tối thiểu 10% trường phổ thông và 20% trường mầm non. Các năm học tiếp theo, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GDĐT về quy trình và chu kỳ công tác kiểm định.

b) Tăng cường tuyên truyền về công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với cán bộ, giáo viên trong ngành. Phổ biến đầy đủ những văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT về công tác kiểm định. Từng bước nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên, thực hiện thành nề nếp trong việc lập hồ sơ công việc để phục vụ lưu trữ hồ sơ minh chứng sau này. Công tác tự đánh giá phải đảm bảo tính trung thực; việc xác định tiêu chí đạt, không đạt phải phản ánh thực tế tại đơn vị và căn cứ theo hồ sơ minh chứng, không được đánh giá theo cảm tính. Phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong toàn xã hội về công tác kiểm định, để người dân có điều kiện quan tâm tìm hiểu các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã đạt được cấp độ nào trong bộ tiêu chuẩn kiểm định.

c) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm định. Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ GDĐT, ngành GDĐT chủ động trong việc ứng dụng phần mềm quản lý công tác kiểm định một cách hiệu quả, đồng thời nâng cao năng lực quản lý công tác kiểm định ở các phòng GDĐT, Sở GDĐT. Kết quả công tác kiểm định (các báo cáo tự đánh giá, đánh giá ngoài của các cơ sở giáo dục...) phải được công bố trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục, Phòng GDĐT, Sở GDĐT theo quy định.

d) Tiếp tục phối hợp với các đơn vị được Bộ GDĐT giao trách nhiệm tập huấn công tác kiểm định theo bộ tiêu chuẩn kiểm định mới. Định kỳ báo cáo với Bộ GDĐT và UBND tỉnh về nhu cầu và kế hoạch đánh giá ngoài các cơ sở giáo dục của tỉnh; đề nghị Bộ GDĐT có kế hoạch tập huấn và cấp Giấy chứng nhận cho các cán bộ giáo viên làm công tác đánh giá ngoài:

- Trong năm học 2013-2014, đảm bảo tập huấn đủ số lượng thành viên các đoàn đánh giá ngoài (mỗi cấp học, ngành học tối thiểu 10 đoàn, mỗi đoàn đánh giá ngoài gồm ít nhất 7 thành viên).

- Những năm học tiếp theo, tiếp tục cử cán bộ, giáo viên dự bồi dưỡng tập huấn để bổ sung, thay thế đội ngũ cốt cán hiện có (đối với cán bộ, giáo viên nghỉ hưu hoặc được điều động luân chuyển sang đơn vị khác); đồng thời có kế hoạch bồi dưỡng tập huấn chuyên sâu, đảm bảo đủ lực lượng thực hiện công tác kiểm định. Từng bước hình thành đội ngũ kiểm định viên đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 60/2012/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ GDĐT về việc quy định về kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục.

đ) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo công tác kiểm định được tổ chức thực hiện đúng yêu cầu hướng dẫn của Bộ GDĐT. Từ những thuận lợi, khó khăn của cơ sở giáo dục qua kết quả kiểm định, Sở GDĐT chỉ đạo, hướng dẫn các phòng GDĐT và các đơn vị trực thuộc thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục đã đề ra trong báo cáo tự đánh giá.

e) Phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn thực hiện định mức chi cho công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 6249/BTC-HCSN ngày 10 tháng 05 năm 2012 về nội dung, mức chi đối với hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên; hướng dẫn của Bộ GDĐT tại công văn số 3881/BGDĐT-KHTC ngày 21 tháng 06 năm 2012 về nội dung, mức chi đối với hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên; công văn số 4643/BGDĐT-KHTC ngày 19 tháng 07 năm 2012 về việc đính chính công văn số 3881/BGDĐT-KHTC ngày 21 tháng 06 năm 2012 về nội dung, mức chi đối với hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên.

g) Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết công tác kiểm định chất lượng giáo dục để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ sở giáo dục; kịp thời khen thưởng các cá nhân, đơn vị làm tốt công tác kiểm định, đồng thời phê bình, kỷ luật các cá nhân, tổ chức cố ý cản trở hoặc không làm tốt. Thực hiện đầy đủ các loại báo cáo định kỳ (cuối học kỳ I, cuối năm học) về công tác kiểm định với Bộ GDĐT và UBND tỉnh.

2. Sở Tài Chính:

Phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện định mức chi cho công tác kiểm định, cân đối bố trí ngân sách hàng năm, đảm bảo nguồn kinh phí triển khai công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

Phối hợp, hỗ trợ ngành giáo dục đào tạo theo dõi tiến độ thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục các trường mầm non và phổ thông thuộc địa bàn quản lý. Cần đặc biệt quan tâm đối với những kiến nghị về xây dựng cơ sở vật chất, về mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội của Phòng GDĐT. Từ đó tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng, hoàn thành các tiêu chí về cơ sở vật chất theo bộ tiêu chuẩn ban hành tại Thông tư số 07/2011/TT-BGDĐT ngày 17 tháng 02 tháng 2011 quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường mầm non và Thông tư số 42/2012/TT-BGDĐT ngày 23 tháng 11 năm 2012 quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tùy theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện tốt nội dung Chỉ thị này. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổng hợp tình hình, kịp thời báo cáo và tham mưu UBND tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Chỉ thị này thay thế cho Chỉ thị số 04/2010/CT-UBND ngày 12 tháng 10 năm 2010 của UBND tỉnh về kiểm định các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh An Giang.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ GD&ĐT (để báo cáo)
- TT. TU, HĐND, UBND tỉnh (để báo cáo);
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- VP: TU, Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Các trường ĐH, CĐ, TCCN, TCN trong tỉnh;
- Báo AG, Đài PT&THAG;
- Lãnh đạo VP.UBND tỉnh;
- Phòng, Trung tâm: VHXH, TH, CB&TH;
- Lưu: HC-TC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Việt Hiệp

 

PHỤ LỤC

Hiện nay, Bộ GDĐT đã ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn đối với công tác kiểm định, cụ thể :

- Đối với Mầm non:

+ Thông tư số 07/2011/TT-BGDĐT ngày 17/02/2011 quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường mầm non.

+ Thông tư số 45/2011/TT-BGDĐT ngày 11/10/2011 ban hành quy định về quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non.

+ Công văn số 7886/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 23/11/2011 về việc hướng dẫn tự đánh giá trường mầm non.

+ Công văn số 1007/KTKĐCLGD-KĐPT ngày 21/12/2011 về việc xác định yêu cầu, gợi ý tìm thông tin minh chứng theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường mầm non.

+ Công văn số 2439/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 24/4/2012 về việc hướng dẫn đánh giá ngoài trường mầm non.

- Đối với phổ thông và giáo dục thường xuyên:

+ Thông tư số 42/2012/TT-BGDĐT ngày 23/11/2012 quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.

(Thông tư này thay thế Quyết định số 04/2008/QĐ-BGDĐT ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường tiểu học; Quyết định số 80/2008/QĐ-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường trung học phổ thông; Thông tư số 12/2009/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 05 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường trung học cơ sở; Quyết định số 83/2008/QĐ-BGDĐT ngày 31/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông).

+ Công văn số 8987/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 28/12/2012 về việc hướng dẫn tự đánh giá và đánh giá ngoài cơ sở giáo dục phổ thông,cơ sở giáo dục thường xuyên.

+ Công văn số 46/KTKĐCLGD-KĐPT ngày 15/01/2013 về việc xác định yêu cầu, gợi ý tìm thông tin minh chứng theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường tiểu học, trung học.

+ Công văn số 430/KTKĐCLGD-KĐPT ngày 04/5/2013 về việc xác định yêu cầu, gợi ý tìm thông tin minh chứng theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trung tâm giáo dục thường xuyên.

- Định mức chi cho công tác kiểm định:

Các công văn số 3881/BGDĐT-KHTC ngày 21/6/2012, số 4643/BGDĐT-KHTC ngày 19/7/2012 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn nội dung, mức chi đối với hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên.

- Qui định về kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục:

Thông tư số 60/2012/TT-BGDĐT ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.