Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 27/2004/CT-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2004

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG VÌ SỰ TIẾN BỘ CỦA PHỤ NỮ Ở CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của sự nghiệp phát triển đất nước. Trong những năm qua, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, phụ nữ nước ta đã có nhiều tiến bộ vượt bậc. Các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều hoạt động tích cực để phát huy vai trò của phụ nữ, xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch và chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ; xây dựng và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành pháp luật, chính sách có liên quan đến sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới; theo dõi, đôn đốc và kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật, chính sách đối với phụ nữ. Tuy vậy, vẫn còn những yếu kém cần khắc phục: tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn còn trong suy nghĩ và hành động của không ít người; nhiều phụ nữ nghèo phải làm việc quá sức mà thu nhập thấp; tình trạng phụ nữ và trẻ em bị lừa bán ra nước ngoài diễn biến phức tạp; không ít phụ nữ và trẻ em còn là nạn nhân của bạo lực. Bên cạnh đó, một số Bộ, ngành và địa phương chưa thật sự coi trọng và tạo điều kiện cho hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Để đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phải:

a) Quán triệt và thực hiện đầy đủ quan điểm bình đẳng giới trong công tác.

b) Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ trong phạm vi cơ quan, địa phương.

c) Thường xuyên theo dõi, đôn đốc và kiểm tra tình hình thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với phụ nữ tại cơ quan, địa phương.

d) Tuyên truyền và phổ biến kịp thời mọi chủ trương của Đảng, luật pháp của Nhà nước đối với phụ nữ và Công ước của Liên hợp quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) tại cơ quan, địa phương.

2. Thành lập Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện những nhiệm vụ quy định tại điểm 1.

Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ: 01 Phó Thủ trưởng cơ quan làm Trưởng ban; Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ hoặc tương đương làm Phó Trưởng ban. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 01 Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm Trưởng ban; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Trưởng ban thường trực; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, thành phố làm Phó Trưởng ban. Các thành viên của Ban làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định tổ chức, nhiệm vụ cụ thể và danh sách các thành viên của Ban.

Kinh phí hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do ngân sách nhà nước cấp, được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 646/TTg ngày 07 tháng 11 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các Bộ, ngành, địa phương và có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

 

 

Phạm Gia Khiêm

(Đã ký)