CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 418-CT | Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 1991 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG BUÔN LẬU
Trong cuộc đấu tranh chống buôn lậu, chúng ta đã thu được một số kết quả; nhưng kết quả đó chưa cơ bản, chưa vững chắc còn ở mức rất thấp so với yêu cầu. Tệ buôn lậu vẫn đang diễn ra nghiêm trọng trong cả nước, nhất là ở vùng biên giới Tây Nam. Với hoạt động ngày càng có tổ chức hơn, với những thủ đoạn tinh vi hơn, một mặt bọn buôn lậu vẫn tìm mọi cách móc nối với một số người trong cơ quan, đoàn thể và tổ chức kinh tế của Nhà nước, tận dụng các phương tiện vận tải của Nhà nước, kể cả xe lửa, tàu biển và máy bay; mặt khác sử dụng nhiều người lao động, bộ đội phục viên, thương binh và học sinh khuân vác và tẩu tán hàng cho chúng. Tệ buôn lậu đã gây ra những hậu quả rất xấu đối với việc ổn định và phát triển nền kinh tế và xã hội, củng cố an ninh và quốc phòng.
Để ngăn chặn và đẩy lùi tệ buôn lậu, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, thiết lập trật tự mới trên thị trường và bảo đảm hiệu lực quản lý của Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố phải đích thân chỉ đạo việc kiểm điểm công tác chống buôn lậu trong ngành, lĩnh vực công tác và trong địa phương mình, đề ra chủ trương và biện pháp đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống buôn lậu gắn với chống tham nhũng.
Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước và các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng cũng như Uỷ ban nhân dân các địa phương phải gắn cuộc đấu tranh chống tham nhũng với chống buôn lậu trong ngành, lĩnh vực công tác, trong địa phương và đơn vị mình. Thủ trưởng cấp trên của bất kỳ tổ chức kinh tế quốc doanh và tổ chức làm kinh tế của cơ quan, đoàn thể nào phải liên đới chịu trách nhiệm về hoạt động đầu cơ, buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả và các hành vi kinh doanh trái phép khác của các tổ chức đó.
Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nếu để tình trạng buôn lậu, làm hàng giả xảy ra trong ngành và địa phương do mình phụ trách.
Bộ Thương mại và Du lịch cùng các ngành có liên quan phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, trước hết là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Vũng Tàu, kiểm tra các cơ quan đại diện hoặc đại lý của các tổ chức kinh tế nước ngoài tại nước ta. Phải dẹp bỏ cơ quan đại diện hoặc đại lý nào không có giấy phép hoạt động. Phải xử lý nghiêm cơ quan đại diện hoặc đại lý tuy đã được cấp giấy phép hoạt động, nhưng trong thực tế đã vi phạm luật pháp nước ta, nhất là có những hành vi buôn lậu hàng hoá, vàng và ngoại tệ hoặc bội tín. Bộ Nội vụ chỉ đạo xem xét nhân thân những người Việt Nam trước khi được cơ quan nước ngoài tuyển dụng vào làm việc tại các đại diện của họ.
Trong cuộc đấu tranh chống buôn lậu, các ngành, các cấp phải đặc biệt quan tâm, tăng cường chỉ đạo trọng tâm, trọng điểm.
Về mặt hàng, phải kiên quyết thực hiện bằng được chủ trương cấm nhập khẩu và lưu thông thuốc lá điếu của nước ngoài, số thuốc lá ngoại tịch thu được, nếu không bảo đảm chắc chắn việc tái chế hoặc tái xuất thì phải huỷ; cấm nhập khẩu pháo và những mặt hàng cấm nhập khẩu vĩnh viễn đã công bố trước đây. Đồng thời phải tập trung chống xuất lậu đồng và kim loại màu khác. Trước mắt, phải xử lý dứt điểm các việc tồn đọng về vi phạm chính sách mặt hàng từ năm 1991 về trước để năm 1992 có điều kiện tổ chức và quản lý tốt việc kinh doanh xuất - nhập khẩu. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Thương mại và Du lịch trình sớm chính sách cụ thể về các mặt hàng xuất nhập khẩu theo chủ trương đã được Hội đồng Bộ trưởng thông qua. Mọi hành vi xuất nhập khẩu lậu bất kỳ mặt hàng nào đều phải bị xử lý nghiêm khắc theo đúng pháp luật.
Gắn với chống buôn lậu hàng hoá phải kiên quyết chống đầu cơ, buôn lậu và vận chuyển trái phép ngoại tệ và vàng ra nước ngoài, kể cả con đường du lịch.
Về địa bàn, phải tập trung sự chỉ đạo chống buôn lậu ở các vùng biên giới, nhất là biên giới Tây Nam. Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện phải cùng các ngành và các địa phương chấn chỉnh quản lý nội bộ, kiên quyết chống buôn lậu trên biển, trên đường hàng không và đường sắt.
Về đối tượng, Bộ Nội vụ phối hợp với Tổng cục Hải quan chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ tập trung truy tìm và đánh trúng bọn buôn lậu có tổ chức, những tên cầm đầu các ổ buôn lậu và những kẻ lợi dụng chức quyền tiếp tay, dung túng, bao che cho chúng, kể cả những nhân viên công an, hải quan, thuế vụ, quản lý thị trường.
Về kinh tế, các Bộ quản lý Nhà nước về sản xuất và lưu thông phải cùng Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố cân đối lại cung - cầu về những mặt hàng có thể phát sinh "cơn sốt" trên thị trường, chủ động và tích cực tìm biện pháp tăng lượng hàng hoá có chất lượng và hợp thị hiếu từ sản xuất trong nước và nhập khẩu hợp pháp cung ứng cho thị trường. Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Bộ Thương mại và Du lịch cần có ngay biện pháp phát triển sản xuất một số chủng loại thuốc lá mà thị trường đang đòi hỏi nhiều và tổ chức lại hệ thống lưu thông thuốc lá, để thuốc lá nội thực sự đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Bộ Thương mại và Du lịch phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan chỉ đạo và kiểm tra chặt chẽ việc tổ chức nhập khẩu xe ô-tô, xe 2 bánh gắn máy và một số hàng tiêu dùng thiết yếu, kể cả hàng điện tử theo quy định mới.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định 337-CT về quản lý ngoại tệ, kiểm tra việc kinh doanh vàng, ngoại tệ và tổ chức tốt việc điều hoà lưu thông tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp với các ngành có liên quan và Uỷ ban Nhân dân các cấp có biện pháp ngăn ngừa, phát hiện và nghiêm trị mọi hành vi tiêu cực của những nhân viên làm việc ở các khâu cấp phát tài chính và tín dụng, kiểm ngân, thu phát, nhận gửi và chi trả tiền tiết kiệm, mua bán ngoại tệ và vàng, v.v...
Về hành chính và tư pháp, các Bộ, ngành và Uỷ ban Nhân dân các địa phương phải rà soát lại những văn bản mình ban hành có quan hệ đến việc kinh doanh, kể cả giấy phép xuất - nhập khẩu và quy định về nộp thuế, thu chi tài chính, v.v... để huỷ bỏ những văn bản trái với những quy định chung của Nhà nước. Sau một tháng kể từ ngày ban hành Chỉ thị này, nếu vẫn để văn bản sai trái lưu hành thì người ký văn bản đó phải chịu trách nhiệm. Trong quá trình rà soát văn bản, nếu thấy cần bổ sung hoặc điều chỉnh gì thì các ngành các cấp phải kịp thời phát hiện để đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét việc bổ sung, điều chỉnh. Trước mắt, Bộ Tài chính chủ trì việc nghiên cứu và trình ngay biện pháp quản lý đối với số hàng hoá nhập khẩu đã lọt qua sự kiểm soát của Hải quan cửa khẩu, đang lưu thông ở nội địa.
Đối với các vụ đầu cơ, buôn lậu đã phát hiện thì các cơ quan bảo vệ pháp luật phải xử lý kịp thời và đúng pháp luật. Không cơ quan hoặc cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào việc xét xử của các cơ quan có thẩm quyền.
Về tư tưởng và tổ chức, cuộc đấu tranh chống buôn lậu và chống tham nhũng lần này đã được Trung ương và Quốc hội nhất trí cao, nhân dân đồng tình; do vậy điều quan trọng là hiện nay các cán bộ lãnh đạo ở các Bộ, ngành và địa phương phải làm cho sự nhất trí đó được quán triệt xuống tận cơ sở. Các cơ quan Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể và các cơ quan truyền thông đại chúng động viên cho được phong trào quần chúng tích cực tham gia chống buôn lậu. Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phải chăm lo tổ chức đời sống của quần chúng để hạn chế việc bọn buôn lậu lôi kéo quần chúng, nhất là ở các vùng biên giới, vào các hoạt động kinh doanh trái phép.
Quản lý thị trường và tăng cường chống buôn lậu không phải là trở lại kiểu quản lý "Cấm chợ ngăn sông", gây ách tắc lưu thông hàng hoá hợp pháp. Các cơ quan có chức năng kiểm kê, kiểm soát kinh doanh trên thị trường phải làm đúng pháp luật. Bất kỳ cơ quan hay cá nhân nào lợi dụng danh nghĩa kiểm kê, kiểm soát để kiểm tra trái pháp luật, sách nhiễu và đòi hối lộ, gây khó khăn cho sản xuất và lưu thông hợp pháp cũng đều phải bị nghiêm trị. Trước hết phải rất chú trọng chấn chỉnh các lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường của các ngành hải quan, thuế vụ, cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường... bảo đảm cho các tổ chức này được trong sạch, vững mạnh, hoạt động đúng pháp luật. Kiên quyết thanh trừng những phần tử thoái hoá biến chất trong các lực lượng này; đồng thời thực hiện chính sách đãi ngộ thoả đáng đối với những người có công trong cuộc đấu tranh chống buôn lậu, chống tham nhũng.
Ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương đã được tổ chức lại, có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này, trước mắt cần khẩn trương triển khai các biện pháp phối hợp, nhất là tập trung vào việc chống buôn lậu, chống đầu cơ, tích trữ hàng hoá, vàng và ngoại tệ.
| Phan Văn Khải (Đã ký)
|
- 1 Chỉ thị 09/2003/CT-BBCVT về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin do Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành
- 2 Công văn về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2002
- 3 Chỉ thị 853/1997/CT-TTg về đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Chỉ thị 09/2003/CT-BBCVT về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin do Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành
- 2 Chỉ thị 701-TTg năm 1995 về đấu tranh chống buôn lậu trên biển do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Nghị quyết số 68-HĐBT về việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống buôn lậu, chuyển trái phép tiền và hàng qua biên giới do Hội đồng bộ trưởng ban hành
- 4 Chỉ thị 853/1997/CT-TTg về đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Chỉ thị 3890-TC/TCT về thực hiện đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 6 Công văn về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2002