Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09/2003/CT-BBCVT

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2003 

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẤU TRANH CHỐNG BUÔN LẬU VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI TRONG LĨNH VỰC BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Trong những năm qua, Đảng, nhà nước thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại. Chính phủ đã có Nghị quyết số 85/CP-m ngày 11/7/1997 đề ra một số giải pháp cấp bách về chống buôn lậu; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 853/1997/CT-TTg ngày 11/10/1997 về đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới. Bộ Bưu chính, Viễn thông (Tổng cục Bưu điện trước đây) cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện các quy định pháp lý trong hệ thống văn bản quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin, nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước của Bộ Bưu chính, Viễn thông. Từ đó đã có hiệu quả thiết thực trong việc ngăn chặn các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại liên quan trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và Công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, thời gian gần đây một số tổ chức, cá nhân vẫn lợi dụng các hoạt động bưu chính, viễn thông, internet để thực hiện hành vi buôn lậu và gian lận thương mại với nhiều thủ đoạn như quay vòng hóa đơn, sử dụng hóa đơn photocopy, khai báo không trung thực số lượng, chủng loại hàng hóa; lợi dụng hình thức nhập khẩu phi mậu dịch không khai báo hải quan hoặc khai báo sai nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát để nhập lậu hàng hóa; chuyển tiền trái phép qua dịch vụ bưu phẩm, bưu kiện; tháo rời từng bộ phận của các thiết bị điện tử, tin học, điện thoại di động để nhập lậu trốn thuế; chuyển lưu lượng điện thoại quốc tế trái phép dưới nhiều hình thức vào Việt Nam. Cá biệt, đã có một số cán bộ, công nhân viên trong ngành lợi dụng chức vụ, nghề nghiệp để buôn lậu hoặc tiếp tay cho hành vi buôn lậu. Tình trạng trên đã gây hậu quả nguy hại về kinh tế, xã hội và tác động xấu, ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của môi trường kinh doanh bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.

Để tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh chống các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại trong tình hình mới, nhằm giữ vững kỷ cương pháp luật, nâng cao hiêu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin, Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin khẩn trương triển khai một số công việc quan trọng sau:

1- Tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trong các hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính và dịch vụ chuyển phát thư nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, trốn thuế và gian lận thương mại qua đường bưu điện. Để làm tốt và có hiệu quả công việc này, cần phải tổ chức triển khai ngay các nhiệm vụ trọng tâm sau:

a) Vụ Bưu chính tiếp tục tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp bưu chính, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư thực hiện nghiêm túc các Thông tư liên tịch số 05/TTLT-TCBĐ-BNV-BTC-BTM ngày 26/7/1997 giữa Tổng cục Bưu điện, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại hướng dẫn việc kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hàng hóa kinh doanh gửi qua đường bưu điện trong nước và Thông tư số 06/1998/TTLT-TCBĐ-TCHQ ngày 11/12/1998 giữa Tổng cục Bưu điện và Tổng cục Hải quan về việc làm thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện, vật phẩm, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh. Trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, nếu thấy cần thiết phải sớm nghiên cứu bổ sung, sửa đổi kịp thời các văn bản cho phù hợp với tình hình mới.

b) Thanh tra Bộ và Thanh tra các Cục Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin khu vực tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về quy trình nghiệp vụ đối với các doanh nghiệp bưu chính, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư theo quy định của pháp luật.

c) Các doanh nghiệp khai thác các dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư (Tổng công ty Bưu chính, Viễn thông Việt Nam, Công ty cổ phần dịch vụ bưu chính, viễn thông Sài Gòn, Công ty điện tử viễn thông Quân đội…) tiếp tục chỉ đạo và tăng cường công tác quản lý trong các khâu vận chuyển, khai thác nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra chặt chẽ các thủ tục, hóa đơn, chứng từ hợp pháp về nguồn gốc hàng hóa khi chấp nhận bưu phẩm, bưu kiện trong nước, làm đầy đủ thủ tục đối với bưu phẩm, bưu kiện, vật phẩm, hàng hóa xuất, nhập khẩu để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu qua đường bưu chính. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên thuộc doanh nghiệp quản lý để nắm vững và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về quy trình nghiệp vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức cảnh giác để không bị lợi dụng hoặc vì lợi ích cá nhân mà tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.

2- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các hành vi trộm cắp cước viễn thông quốc tế của các tổ chức, cá nhân với các biện pháp cụ thể sau:

a) Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an ở Trung ương và địa phương trong công tác điều tra để phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ vi phạm trộm cắp cước viễn thông quốc tế; làm đầu mối theo dõi, hướng dẫn các Cục Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin khu vực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương tích cực kiểm tra xử lý các hành vi chuyển trái phép lưu lượng viễn thông dưới mọi hình thức, đặc biệt là qua kênh thuê riêng, trạm vệ tinh VSAT và mạng Internet.

b) Các Cục Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin khu vực phối hợp chặt chẽ với Cục Tần số vô tuyến điện và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các địa bàn quản lý của Cục, đặc biệt chú trọng các tỉnh có biên giới với nước láng giềng để kiểm tra việc quản lý, sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi chuyển lưu lượng viễn thông qua biên giới với số lượng lớn.

c) Các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 03/2000/CT-TCBĐ ngày 10/4/2000 và văn bản số 307/TCBĐ-TTr ngày 28/3/2001 của Tổng cục Bưu điện về ngăn chặn kinh doanh trái phép dịch vụ viễn thông quốc tế; tăng cường công tác hướng dẫn kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trong các khâu khai thác nghiệp vụ, rà soát lưu lượng, phát hiện các vấn đề phát sinh khi có dấu hiệu trộm cắp cước viễn thông quốc tế để phối hợp với các cơ quan nhà nước liên quan ngăn chặn và xử lý kịp thời. Nâng cao tinh thần cảnh giác, không vì lợi ích cục bộ của doanh nghiệp để sơ hở cho kẻ gian lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm thông qua dịch vụ và mạng của doanh nghiệp đang quản lý, khai thác.

3- Trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng máy tính cũ và thiết bị đầu cuối viễn thông, đặc biệt là điện thoại di động nhập lậu đang diễn ra khá phổ biến hiện nay, theo tinh thần của Ban Chỉ đạo 127/TW, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phải tổ chức thực hiện tốt các công tác sau đây:

a) Các Cục Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin khu vực trực tiếp phối hợp với Ban chỉ đạo 127 của các Tỉnh, Thành phố trong địa bàn quản lý của Cục để tham gia xây dựng phương án triển khai cụ thể của các Tổ, Đội kiểm tra liên ngành. Bố trí lực lượng thanh tra viên (hoặc chuyên viên Phòng Quản lý Nghiệp vụ Viễn thông) tham gia trong các Tổ, Đội kiểm tra liên ngành do các tỉnh, thành phố thành lập. Kiểm tra việc ghi nhãn hàng hoá đối với mặt hàng điện thoại di động thuộc danh mục thiết bị đầu cuối thuê bao nhập khẩu đã được quy định tại Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 03/2000/TT-TCBĐ ngày 26/7/2000, Thông tư số 05/2000/TT-TCBĐ ngày 11/9/2000, Thông tư số 02/2001/TT-TCBĐ ngày 25/4/2001 và Thông tư số 03/2001/TT-TCBĐ ngày 22/5/2001 của Tổng cục Bưu điện, nhằm góp phần hạn chế các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại.

b) Cục Quản lý Chất lượng Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin chủ trì, Vụ Khoa học- Công nghệ phối hợp khẩn trương nghiên cứu đề xuất biện pháp dán tem phù hợp tiêu chuẩn trên các thiết bị viễn thông đầu cuối sản xuất trong nước và nhập khẩu để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

c) Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Công nghiệp Công nghệ thông tin, Cục Quản lý chất lượng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin và các đơn vị liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, rà soát, đánh giá các văn bản pháp quy liên quan đến các tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật máy tính; bổ sung, sửa đổi và tổ chức xây dựng mới tiêu chuẩn kỹ thuật máy tính làm cơ sở pháp lý để quản lý chất lượng sản phẩm các máy tính đang lưu thông trên thị trường, góp phần vào việc phòng chống kinh doanh bất hợp pháp và gian lận thương mại, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

d) Vụ Công nghiệp Công nghệ thông tin chủ trì, Vụ Khoa học-Công nghệ tham gia phối hợp nghiên cứu, đề xuất phương án phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, điện tử và công nghệ thông tin.

đ) Vụ Công nghiệp Công nghệ thông tin chủ trì, Vụ Kế hoạch Tài chính phối hợp làm việc với các cơ quan chức năng của các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách thuế đối với các sản phẩm công nghiệp công nghệ thông tin (linh kiện, cụm linh kiện và phụ tùng thiết bị máy tính, điện tử, điện thoại di động…) cho phù hợp để góp phần kích thích sản xuất trong nước.

e) Thanh tra Bộ làm đầu mối quan hệ với Ban Chỉ đạo 127/TW; có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và thường xuyên báo cáo Bộ trưởng và Ban Chỉ đạo 127/TW về tình hình, kết quả triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các mặt hàng máy tính, điện thoại di động nhập lậu.

g) Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin có kinh doanh các loại điện thoại di động phải chấp hành đúng các quy định của pháp luật về thủ tục đăng ký kinh doanh, hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc nhập khẩu của thiết bị điện thoại di động để không vi phạm pháp luật.

4- Công tác đấu tranh chống các hành vi kinh doanh bất hợp pháp dịch vụ điện thoại Internet (Internet Telephony) và dịch vụ điện thoại công cộng hiện nay đang diễn biến khá phức tạp trên thị trường, tác động và ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh lành mạnh của các doanh nghiệp. Để ngăn chặn các hành vi này biện pháp trước mắt cần phải tập trung triển khai các công việc sau:

a) Vụ Viễn thông chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu đề ra các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật nhằm hạn chế tình hình kinh doanh bất hợp pháp dịch vụ điện thoại Internet, dịch vụ điện thoại công cộng.

b) Thanh tra Bộ phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công An, Tổng cục Hải Quan, Quản lý thị trường có biện pháp để kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với việc kinh doanh bất hợp pháp dịch vụ điện thoại Internet với quy mô lớn, có tổ chức, chú trọng vào các địa bàn trọng điểm thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

c) Vụ Khoa học- Công nghệ chủ trì, Cục Quản lý chất lượng Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin phối hợp nghiên cứu đề xuất biện pháp quản lý chất lượng thiết bị tính cước đầu cuối tại các điểm điện thoại công cộng, đại lý dịch vụ viễn thông.

d) Các doanh nghiệp Internet đã được Bộ Bưu chính, Viễn thông cấp phép tập trung triển khai có hiệu quả dịch vụ điện thoại Internet, tăng cường công tác quảng cáo, tiếp thị của doanh nghiệp để khách hàng hiểu rõ về dịch vụ của doanh nghiệp hiện đang cung cấp trên thị trường, đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp để hạn chế việc kinh doanh bất hợp pháp dịch vụ điện thoại Internet.

5- Trung tâm Thông tin và Báo Bưu điện Việt Nam chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, các đơn vị có liên quan trong và ngoài ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng Internet để nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội; góp phần tăng cường và bảo đảm trật tự kỷ cương pháp luật, ngăn ngừa có hiệu quả sự vi phạm pháp luật về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.

6- Trong quá trình thanh tra, kiểm tra khi phát hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Bưu chính, Viễn thông, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phải kịp thời xử lý và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hoặc chuyển hồ sơ cho các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu các doanh nghiệp xử lý kỷ luật thích đáng đối với những trường hợp cán bộ, nhân viên của đơn vị mình trực tiếp thực hiện hoặc tiếp tay cho các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại. Khen thưởng và động viên kịp thời những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại là nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên, liên tục và lâu dài của các cấp, các ngành. Vì vậy, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông và Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin phải nhận thức rõ và tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG

 


Đỗ Trung Tá