Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 853/1997/CT-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 1997

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐẤU TRANH CHỐNG BUÔN LẬU TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Nghị quyết số 85/CP-m ngày 11-7-1997 của Chính phủ đã đề ra một số giải pháp cấp bách về chống buôn lậu; ngày 16-7-1997 Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 51-VI đôn đốc các cấp, các ngành tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, thời gian gần đây hoạt động buôn lậu và đặt biệt là tình trạng gian lận thương mại để trốn thuế vẫn đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Một số Bộ, ngành, địa phương buông lỏng quản lý đối với hoạt động xuất, nhập khẩu, cá biệt có nơi cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng đã làm ngơ hoặc tạo điều kiện cho bọn buôn lậu hoạt động. Nhiều công ty kinh doanh xuất, nhập khẩu, trong đó có cả của Công an, Quân đội, đơn vị kinh tế Đảng, đoàn thể, do xuất phát từ lợi ích cục bộ, địa phương đã trực tiếp tham gia buôn lậu hoặc tạo điều kiện cho bọn buôn lậu sử dụng làm "bình phong", núp bóng. Các ngành chức năng chống buôn lậu chưa có sự phối hợp chặt chẽ, có nơi, có lúc còn chồng chéo, thậm chí vô hiệu hoá hoạt động của nhau. Đã có tình trạng bọn buôn lậu trong nước và nước ngoài móc nối với các phần tử thoái hoá biến chất trong các lực lượng chống buôn lậu để lũng đoạn và vô hiệu hoá hoạt động của các cơ quan này, trong khi đó lãnh đạo cấp trên lại thiếu sự kiểm tra, giám sát cấp dưới, một số trường hợp vi phạm chưa được xử lý nghiêm, vẫn còn hiện tượng cán bộ làm công tác chống buôn lậu "bảo kê" cho hoạt động buôn lậu. Tình hình trên đã gây ra những hậu quả nguy hại về kinh tế - xã hội, cản trở quá trình phát triển lành mạnh của nền kinh tế đất nước. Để giữ vững kỷ cương, phép nước, lập lại trật tự trong hoạt động thương mại. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương triển khai thực hiện ngay một số việc sau:

1. Đấu tranh chống buôn lậu là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của Nhà nước ta. Vì vậy, chính quyền các cấp cần tập trung lực lượng để đấu tranh mạnh mẽ vào các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là các hoạt động buôn lậu có tổ chức. Trước mắt, từ nay cho đến hết quý I năm 1998, Tổng cục Hải quan chủ trì với sự tham gia của Bộ Nội vụ, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính tiến hành việc tổng kiểm tra đồng loạt hàng hoá đang làm thủ tục xuất, nhập khẩu tại các cảng biển, cửa khẩu, phát hiện hàng nhập lậu, hàng gian lận thương mại để trốn thuế. Đối với những lô hàng chuyển tiếp về địa phương và hàng được phép kiểm tra ngoài cửa khẩu phải được tổ chức kiểm tra sơ bộ ngay tại cảng nhập đầu tiên và ngay sau đó phải được niêm phong kẹp chì Hải quan, nếu là hàng rời không niêm phong kẹp chì được thì Hải quan phải có cán bộ trực tiếp áp tải ngồi trên phương tiện vận tải và tiến hành kiểm tra chi tiết ngay khi hàng đến địa điểm quy định.

Bộ Thương mại chủ trì có sự tham gia của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân có cửa hàng buôn bán hàng hoá, vật tư nhập khẩu nhằm làm lành mạnh thị trường nội địa; đồng thời có biện pháp buộc các doanh nghiệp chỉ kinh doanh những mặt hàng đã đăng ký kinh doanh.

Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành tổng kiểm tra các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trực thuộc (kể cả các đơn vị kinh tế của Đảng, Đoàn thể, Công an, Quân đội) về hoạt động kinh doanh, chế độ thu chi tài chính, hạch toán kế toán...

Các Bộ, ngành có chức năng chống buôn lậu xây dựng ngay các phương án đấu tranh cụ thể thuộc phạm vi, trách nhiệm được giao.

2. Xử lý nghiêm minh các vụ buôn lậu, gian lận thương mại; điều tra, kết luận và xử ngay một số vụ buôn lậu điển hình để răn đe và giáo dục chung. Các đơn vị kinh doanh xuất, nhập khẩu nếu có hành vi gian lận thương mại để trốn thuế thì Hải quan áp dụng ngay việc ngừng làm thủ tục xuất, nhập khẩu đối với đơn vị đó, không chấp nhận việc đổ lỗi cho phía nước ngoài gửi nhầm để xin lại hàng sau khi bị phát hiện. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định đình chỉ hoạt động hoặc rút giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu đối với các đơn vị vi phạm. Tất cả các loại hàng ngoại nhập không qua cửa khẩu, qua cửa khẩu nhưng không khai báo hoặc khai báo không trung thực; hàng đang bán ở các cửa hàng, ở trong kho hoặc đang vận chuyển trên đường nếu không có chứng từ, hoá đơn chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp đều coi là hàng lậu, phải bị tịch thu và xử lý nghiêm. Các phương tiện vận chuyển hàng lậu đều phải bị xử lý theo pháp luật, chủ phương tiện và thủ trưởng đơn vị có phương tiện đó cũng bị xử lý theo mức độ vi phạm. Tang vật của các vụ án buôn lậu đều bị tịch thu và xử lý kịp thời; tiền thu được từ hoạt động chống buôn lậu trừ phần trích thưởng cho các đơn vị, cá nhân theo quy định được để lại toàn bộ cho ngân sách địa phương sử dụng phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội, công tác chống buôn lậu và phải đặc biệt ưu tiên cho các xã biên giới.

3. Các Bộ, ngành ở Trung ương có trách nhiệm cùng với các địa phương, nhất là các địa phương có biên giới, bờ biển thực hiện tốt các chính sách kinh tế, văn hoá, xã hội nhằm nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân bằng các chương trình xoá đói giảm nghèo, chương trình 327, các dự án khác về kinh tế, văn hoá, xã hội... đảm bảo cho nhân dân có đời sống ổn định, không để bọn buôn lậu lợi dụng lôi kéo họ vào con đường làm thuê "cửu vạn" cho chúng.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ Đảng và sự giám sát của Hội đồng nhân dân, quản lý chặt chẽ các đơn vị kinh tế hoạt động xuất nhập khẩu của địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn; chỉ đạo UBND các huyện, thị và các ngành chức năng ở địa phương: Quản lý thị trường, Công an, Hải quan, Thuế vụ v.v... có kế hoạch đấu tranh cụ thể, điều tra nắm chắc đường dây, tổ chức, cá nhân buôn lậu và các hộ kinh doanh có buôn bán hàng nhập lậu để tập trung phối hợp kiểm tra và xử lý. Các tổ chức, đoàn thể quần chúng, cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân nhận thức đầy đủ tác hại của buôn lậu, thấy rõ buôn lậu thực sự là "quốc nạn", đấu tranh chống buôn lậu là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân, của tất cả các ngành, các cấp, coi việc tạo điều kiện và giúp đỡ các lực lượng chống buôn lậu cũng như việc không tiếp tay cho buôn lậu dưới bất kỳ hình thức nào là thể hiện lòng yêu nước và trách nhiệm của công dân.

Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm củng cố, xây dựng lực lượng chống buôn lậu trong sạch, vững mạnh, trang bị phương tiện, kỹ thuật cần thiết đủ sức phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả mọi hoạt động buôn lậu. Thủ trưởng các Bộ, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác chống buôn lậu của Bộ, ngành, địa phương mình. Hàng tháng các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải báo cáo kết quả việc thực hiện với Thủ tướng Chính phủ.

4. Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành khác có liên quan tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan ban hành ngay Thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện và tổ chức phối hợp giữa các lực lượng chống buôn lậu.

Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm chính về công tác chống buôn lậu trên biển và các cửa khẩu, có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng hàng nhập lậu qua các tuyến này.

Các Bộ, ngành chức năng khác, trong công tác chống buôn lậu có trách nhiệm trực tiếp trên từng tuyến như sau:

- Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng Hải quân, Bộ đội Biên phòng tham gia đấu tranh chống buôn lậu trên biển, trên biên giới đường bộ. Các lực lượng của Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chống buôn lậu ở vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và biên giới đường bộ nơi có đồn biên phòng nhưng chưa có tổ chức Hải quan.

- Bộ Nội vụ cần tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện các tổ chức, đường dây buôn lậu trong nội địa và xuyên quốc gia, làm rõ và kết luận những vụ án buôn lậu trọng điểm để sớm đưa ra xét xử, tích cực hỗ trợ các lực lượng chống buôn lậu khác hoàn thành nhiệm vụ.

- Bộ Thương mại quản lý chặt chẽ việc cấp hạn ngạch xuất, nhập khẩu, nhất là việc nhập khẩu những mặt hàng mà trong nước đã sản xuất được. Kịp thời đề xuất điều chỉnh ngay chính sách mặt hàng cho phù hợp với tình hình thực tế. Lực lượng quản lý thị trường chủ trì trong việc chống các hành vi kinh doanh trái phép và đấu tranh chống các hành vi buôn bán các mặt hàng nhập lậu đang lưu thông trên thị trường nội địa.

- Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai sớm biện pháp dán tem để quản lý một số mặt hàng trọng điểm như rượu, thuốc lá, xe đạp, hàng điện tử... Ban hành ngay chế độ sử dụng tiền thu về từ hoạt động chống buôn lậu (tiền phạt, tiền bán hàng tịch thu). Trước mắt xem xét, cấp kinh phí đột xuất để trang bị phương tiện, vật tư cần thiết cho hoạt động chống buôn lậu của các ngành và các địa phương từ nay đến hết quý I năm 1998.

5. Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp với Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tin, báo chí ở Trung ương, địa phương có kế hoạch và tổ chức triển khai tuyên truyền thực hiện công tác này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)