Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 291/CTr-UBND

Đồng Tháp, ngày 12 tháng 10 năm 2016

 

CHƯƠNG TRÌNH

VIỆC LÀM TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2016-2020

Thực hiện Nghị quyết số 55/2016/NQ-HĐND ngày 03 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân Tỉnh về việc ban hành Chương trình việc làm tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Chương trình việc làm giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh với những nội dung cụ thể như sau:

PHẦN I

TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2011-2015

I. Thực trạng về lao động:

Trong thời gian qua, vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương, doanh nghiệp quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện với nhiều chương trình, giải pháp bước đầu đạt hiệu quả tích cực. Số lượng và chất lượng dạy nghề hàng năm tăng nhanh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Tính đến cuối năm 2015 trên địa bàn tỉnh các Trường Cao đẳng nghề, Trường Trung cấp nghề, Trường Trung cấp nghề-Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Dạy nghề-Giáo dục thường xuyên, các cơ sở dạy nghề tư nhân, Trường Cao đẳng nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm…có tham gia dạy nghề với quy mô hàng năm đào tạo cho trên 20.000 người, từ dạy nghề thường xuyên, dạy nghề cho lao động nông thôn, sơ cấp đến cao đẳng nghề góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 43,1% (qua đào tạo nghề 28,7%) năm 2011 lên 55,5% (qua đào tạo nghề đạt 40%) năm 2015. Qua thống kê, tổng hợp số lượng học viên qua đào tạo nghề giai đoạn 2011-2015 trên 70% có việc làm.

Tuy nhiên, lao động của tỉnh làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn, sự chuyển dịch trong ngành nông nghiệp sang các ngành khác còn chậm. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 2.600 doanh nghiệp (trên 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ) thuộc các loại hình, 205 hợp tác xã, 44 làng nghề, 229 trang trại, 03 khu công nghiệp, 32 cụm công nghiệp, hàng năm thu hút từ 10.000-15.000 lao động vào làm việc.

II. Kết quả thực hiện Chương trình giải quyết việc làm giai đoạn 2011-2015:

1. Kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2011-2015:

Năm

Về giải quyết việc làm (lao động)

Lĩnh vực đào tạo

Tổng số

Trong đó: XKLĐ

% so kế hoạch

Tỷ lệ lao động qua đào tạo

Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề

2011

35.207

125

117,40

43,10

28,70

2012

36.481

68

121,60

46,20

31,50

2013

32.412

70

108,00

50,00

36,00

2014

33.612

151

112,04

52,40

37,20

2015

34.836

580

116,12

55,5

40,00

Tổng cộng

172.548

994

115,03

 

 

- Cơ cấu lao động đến cuối năm 2015: nông-lâm-thủy sản: 52,00%, công nghiệp-xây dựng: 20,5% và thương mại-dịch vụ: 27,5%. Tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị của tỉnh chiếm 2,54%.

- Trong 05 năm (2011-2015) đã giải quyết việc làm cho 172.548 lao động, trong đó lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm 22% tổng số lao động được giải quyết việc làm.

2. Dự án phát triển thị trường lao động:

Giai đoạn 2011-2015, các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường lao động từ Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm được triển khai tích cực, hiệu quả với kinh phí thực hiện cả giai đoạn là 4.403,61 triệu đồng, tỉnh đã tổ chức được 54 phiên giao dịch việc làm; bình quân mỗi phiên thu hút 29 đơn vị trực tiếp tham gia tuyển dụng lao động, có 1.452 lao động tham dự.

Thông qua các phiên giao dịch việc làm và Website Trung tâm Dịch vụ việc làm đã thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; tuyển sinh của các trường, cơ sở đào tạo nghề đến với người lao động thường xuyên, đầy đủ hơn. Người lao động được tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề nhiều hơn đã nâng cao hiệu quả kết nối cung-cầu lao động.

Với kinh phí được bố trí khoảng là 1,5 tỷ đồng/năm, tỉnh đã tổ chức điều tra, thu thập, cập nhật thông tin về cung-cầu lao động, góp phần hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về thị trường lao động.

3. Dự án vốn vay giải quyết việc làm:

Từ năm 2011 đến năm 2015, tỉnh được bổ sung nguồn vốn mới là 37,34 tỷ đồng. Nâng tổng nguồn vốn giải quyết việc làm của tỉnh lên 105,962 tỷ đồng (trong đó: nguồn vốn của Trung ương giao cho tỉnh quản lý là 75,762 tỷ đồng, nguồn Quỹ giải quyết việc làm của tỉnh là 30,2 tỷ đồng) được phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội thực hiện cho vay với doanh số bình quân hàng năm khoảng 50 tỷ đồng, cho cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình vay, tạo việc làm cho gần 3.000 lao động mỗi năm.

Từ năm 2012 đến 2015, đối với nguồn vốn mới được bổ sung, tỉnh đã ưu tiên phân bổ cho 30 xã điểm xây dựng nông thôn mới để lập dự án vay vốn, bình quân mỗi xã được phân bổ khoảng 500 triệu đồng.

4. Dự án hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài:

Cùng với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động trong tỉnh, công tác tuyên truyền, vận động người lao động đi làm việc ở nước ngoài được tỉnh đặc biệt quan tâm. Từ năm 2014, tỉnh tái khởi động công tác xuất khẩu lao động, đồng thời đã ban hành các chính sách hỗ trợ và cho vay vốn để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kết quả từ năm 2011 đến năm 2015, tỉnh đã đưa 994 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có 355 lao động nữ chiếm 37,25%; bình quân mỗi năm có 198 lao động đi làm việc ở nước ngoài, thị trường các nước lao động đến làm việc gồm: Nhật Bản có 446 lao động, Hàn Quốc 186 lao động, Malaysia 179 lao động, Đài Loan 178 lao động và nước khác: 05 lao động. Số lao động này được giải quyết việc làm, vừa nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời cũng tăng thu ngoại tệ cho tỉnh, góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

5. Hoạt động nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát, đánh giá chương trình dạy nghề-việc làm

Với kinh phí được cấp từ năm 2011-2015 là 1.603,5 triệu đồng. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã thực hiện những công việc như sau:

- Bình quân mỗi năm mở từ 02 đến 03 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý lao động-việc làm cho cán bộ cấp cơ sở với số lượt cán bộ tham dự bình quân hàng năm khoảng 300 người.

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát cấp tỉnh và cấp huyện trong việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình việc làm, đặc biệt là dự án vay vốn giải quyết việc làm, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những trường hợp sử dụng nguồn vốn của Chương trình không đúng quy định, bảo đảm đúng mục đích.

- Hàng năm, hợp đồng với báo Đồng Tháp đăng các thông tin về công tác dạy nghề và giải quyết việc làm của tỉnh trên Báo Đồng Tháp để thông tin, tuyên truyền cho người dân biết; đồng thời in ấn các tờ rơi, panô, áp phích để thông tin, tuyên truyền về công tác dạy nghề, việc làm, xuất khẩu lao động, thất nghiệp…

III. Đánh giá chung:

1. Mặt được:

- Chương trình giải quyết việc làm được các sở, ngành tỉnh và địa phương quan tâm thực hiện, các mục tiêu, chỉ tiêu từ năm 2011 đến năm 2015 đều đạt và vượt kế hoạch, từ đó đã góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

- Dự án vay vốn tạo việc làm đã góp phần thực hiện tốt Chương trình giải quyết việc làm của tỉnh trong những năm qua, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, tạo cơ hội cho nhóm lao động yếu thế có cơ hội vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tự tạo việc làm cho bản thân để vươn lên hoà nhập với cộng đồng.

- Sàn giao dịch việc làm đã tăng tần suất và chất lượng phiên giao dịch; thông qua các phiên giao dịch việc làm từng bước phát triển thị trường lao động, tạo cơ hội cho người lao động, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo tiếp cận về thông tin thị trường đầy đủ hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc học nghề và tìm kiếm việc làm.

- Công tác điều tra, thu thập, cập nhật thông tin về cung, cầu lao động đã cung cấp cho các ngành, các cấp nhiều số liệu quan trọng để làm cơ sở cho việc phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời góp phần quan trọng trong việc hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về thị trường lao động.

- Nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động được nâng lên; người lao động ngày càng chủ động tự tạo việc làm cho bản thân và cộng đồng, góp phần ổn định về an sinh xã hội của địa phương.

2. Tồn tại, hạn chế:

- Cơ chế cho vay giải quyết việc làm: Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện việc tiếp nhận, thẩm định, giải ngân xử lý thu hồi vốn vay; ngành Lao động- Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước trong việc lập kế hoạch tham mưu UBND các cấp phân bổ nguồn vốn, giao chỉ tiêu việc làm mới, giám sát, đánh giá, báo cáo…Tuy nhiên, một số địa phương chưa có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc cập nhật thông tin, lập báo cáo.

- Lao động được giải quyết việc làm chưa thật sự bền vững, việc làm chưa được ổn định lâu dài, số người thất nghiệp còn cao, bình quân mỗi năm có hơn 4.600 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp.

- Cơ cấu lao động của tỉnh chuyển dịch chậm, lực lượng lao động thuộc khu vực nông thôn còn chiếm tỷ trọng lớn khoảng 52%, chưa đáp ứng với yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Số lao động qua đào tạo và đào tạo nghề vẫn còn thấp, chất lượng nguồn lao động của tỉnh còn hạn chế về chuyên môn, tay nghề, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật lao động…chưa đáp ứng yêu cầu cơ bản của nhà tuyển dụng, nhất là những doanh nghiệp có thu nhập cao và lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Nhìn chung, các mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2011-2015 đều đạt và vượt so kế hoạch đề ra. Riêng công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phấn đấu hàng năm với kế hoạch là đưa 300 lao động nhưng chỉ thực hiện bình quân được 198 lao động/năm. Nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác xuất khẩu lao động trong việc giải quyết việc làm, giảm nghèo; chưa chỉ đạo thường xuyên, liên tục, xem đây là một giải pháp quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Tuy nhiên từ năm 2014, thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có những chuyển biến tích cực, kết quả thực hiện năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt năm 2015 tỉnh đạt 100,69% kế hoạch.

PHẦN THỨ HAI

CHƯƠNG TRÌNH VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2016-2020

I. Nội dung:

1. Mục tiêu chung:

- Giải quyết việc làm cho người lao động nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về nguồn lao động ở địa phương phục vụ cho quá trình tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, tạo ra nguồn thu nhập ổn định, bảo đảm nâng cao đời sống của người dân, góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy sự phát triển xã hội và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động thông qua Chương trình việc làm, là động lực, mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động góp phần xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

- Phát triển thị trường lao động lành mạnh, ổn định; khuyến khích tạo ra nhiều việc làm, mở rộng và phát triển sản xuất thu hút người lao động làm việc; tư vấn, cung ứng lao động đi làm việc ngoài tỉnh và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Chỉ tiêu cụ thể:

Phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm dưới 50% so với tổng số lao động của tỉnh.

- Các chỉ tiêu chủ yếu:

+ Giải quyết việc làm cho khoảng 150.000 người (bình quân 30.000 người/năm), trong đó: giải quyết việc làm từ các chương trình phát triển kinh tế-xã hội: 60.000 người; giải quyết việc làm thông qua chương trình hỗ trợ vốn vay tạo việc làm cho: 12.500 người; giải quyết việc làm thông qua tư vấn, cung ứng lao động đi làm việc ngoài tỉnh: 72.650 người; giải quyết việc làm thông qua chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài: 4.850 người.

+ Phấn đấu duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 3% mỗi năm.

+ Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác lao động việc làm từ tỉnh đến cơ sở, bình quân khoảng 150 người/năm.

3. Đối tượng, phạm vi và thời gian áp dụng:

a. Đối tượng: người từ đủ 15 tuổi trở lên có khả năng lao động và có nhu cầu tìm kiếm việc làm để làm việc.

b. Phạm vi: giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

c. Thời gian thực hiện: từ năm 2016 đến năm 2020.

II. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nhóm giải pháp tạo việc làm từ phát triển kinh tế-xã hội:

- Tạo điều kiện, tận dụng nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội, ưu tiên đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm mà tỉnh có thế mạnh để thu hút các nguồn lực từ bên ngoài tham gia đầu tư, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, xuất khẩu để thu hút nguồn lao động vào làm việc. Đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp, thực hiện tốt các chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án công nghiệp, dệt may, da giầy để tạo việc làm cho nhiều lao động.

- Tổ chức thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với những cách làm mới sáng tạo, đổi mới trong tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ; tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa và dịch vụ trên thị trường; chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang các ngành nghề, lĩnh vực khác phù hợp.

- Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, thu hút lực lượng lao động tham gia làm việc, nhất là lực lượng học sinh, sinh viên mới ra trường, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho người dân tự tạo việc làm, tham gia mua bán, trao đổi sản phẩm tại các khu du lịch, các tour du lịch.

2. Nhóm giải pháp thông tin, tuyên truyền:

- Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về Chương trình việc làm bằng nhiều hình thức phù hợp; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên hệ thống thông tin đại chúng, pano, áp phích, tờ bướm, thông qua các tổ chức chính trị-xã hội, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lĩnh vực phát triển kinh tế gắn với giải quyết việc làm để tạo thêm chỗ làm việc, tự tạo việc làm cho người lao động.

- Tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của người lao động về việc làm, tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực và nhu cầu thị trường việc làm tại địa phương, tạo ra thu nhập cho bản thân và gia đình, từng bước chuyển đổi ngành, nghề phù hợp.

3. Nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:

- Tổ chức sắp xếp lại các cơ sở đào tạo phù hợp với từng vùng, từng khu vực, ngành nghề đào tạo; đổi mới phương pháp đào tạo, gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín để đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương; thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, dạy nghề, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là ngoại ngữ, văn hóa khi làm việc ở nước ngoài.

- Khai thác có hiệu quả các cơ sở dạy nghề hiện có; tập trung nâng cao chất lượng dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động, chú trọng dạy nghề theo địa chỉ tại các doanh nghiệp nhằm chuyển đổi việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; đồng thời thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở theo Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI, nhằm tạo nguồn đào tạo nghề.

- Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý về lao động, việc làm, kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động đi làm việc trong, ngoài tỉnh, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cộng tác viên các cấp.

4. Nhóm giải pháp thực hiện các cơ chế, chính sách, các chương trình, đề án phục vụ giải quyết việc làm:

a. Dự án hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng:

- Xây dựng kế hoạch đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, cung cấp thông tin, vận động người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; xây dựng các chính sách phù hợp, tạo động lực và điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, khu vực nông thôn.

- Liên kết với các công ty xuất khẩu lao động, tìm hiểu, mở rộng, đa dạng hóa thị trường lao động ở nước ngoài, nhất là các thị trường làm việc ổn định, thu nhập cao, tạo nhiều cơ hội cho người lao động lựa chọn, đăng ký tham gia. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài có uy tín, đơn hàng tốt về tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh; đồng thời hạn chế thấp nhất những tồn tại, vướng mắc giữa người lao động với các doanh nghiệp trong công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng để người lao động an tâm tham gia.

b. Dự án hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm:

Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động: đổi mới, tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án sản xuất, kinh doanh của người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để tăng gia sản xuất, tạo việc làm cho người lao động và tự tạo việc làm cho bản thân; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi; quản lý tốt nguồn vốn vay ưu đãi, bảo đảm vòng quay nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu của nhiều dự án, nhiều người lao động vay vốn làm ăn.

Tập trung vào các hoạt động chủ yếu:

- Phân bổ vốn vay theo kế hoạch tạo việc làm từ Quỹ giải quyết việc làm: ưu tiên cho các huyện, thị xã, thành phố sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay tạo việc làm, những vùng có diện tích đất nông nghiệp chuyển mục đích sử dụng để phục vụ an ninh, quốc phòng, giao thông, thủy lợi, xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh vay vốn tạo được nhiều chỗ làm việc mới cho người lao động và ưu tiên cho 8 xã biên giới của tỉnh.

- Cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động, cho vay khởi nghiệp đối với lao động là thanh niên.

- Xây dựng và thực hiện các mô hình tạo việc làm có hiệu quả từ nguồn vốn vay như: các hợp tác xã sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất vật liệu xây dựng; khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống; lồng ghép các chương trình tổ, nhóm giúp nhau làm kinh tế của thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh và người khuyết tật...

c. Dự án hỗ trợ phát triển thị trường lao động:

Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động, thông tin về thị trường lao động: thông qua việc tổ chức sàn giao dịch việc làm, nâng cao năng lực của Trung tâm Dịch vụ việc làm và hệ thống thông tin về cung-cầu lao động; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở dịch vụ việc làm của tỉnh để kịp thời đáp ứng với nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động; thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm luân phiên ở các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức tốt việc điều tra, thu thập thông tin về cung- cầu lao động, đăng tải kịp thời lên hệ thống dữ liệu quốc gia.

Tập trung vào các hoạt động chủ yếu sau:

- Tiếp tục hỗ trợ phát triển thị trường lao động thông qua việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và tại các huyện, thị xã, thành phố.

- Từng bước hoàn thiện hệ thống giao dịch của thị trường lao động, tăng cường đầu tư các cơ sở vật chất dịch vụ việc làm của tỉnh, tổ chức các kênh giao dịch thị trường lao động (thông tin, quảng cáo, trang tìm việc làm trên các Báo, Đài, sàn giao dịch việc làm...); thực hiện việc nối mạng liên kết hệ thống thông tin thị trường lao động trước hết ở các thành phố, thị xã, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Tăng cường công tác chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt việc điều tra, thu thập, xử lý, cập nhật thông tin cung-cầu lao động; từng bước hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu cung- cầu lao động.

d. Tăng cường vai trò quản lý của nhà nước, huy động nguồn lực, đẩy mạnh việc phối hợp trong thực hiện mục tiêu của chương trình:

- Thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về việc làm cho thân nhân người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, vùng sâu, vùng biên giới, hỗ trợ về học nghề, tạo việc làm, phát triển kinh tế hộ gia đình ở từng địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.

- Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh quan tâm chăm lo đến đời sống người lao động, tạo môi trường lành mạnh, hài hòa, ổn định trong quan hệ lao động nhằm phục vụ cho sản xuất, kinh doanh phát triển, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.

- Tiếp tục đổi mới hoàn thiện khung pháp lý và tạo điều kiện môi trường kinh doanh bình đẳng, hiệu quả có tính cạnh tranh, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động.

- Huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là những ngành, lĩnh vực có khả năng thu hút nhiều lao động, trước hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề, các hợp tác xã và các hộ sản xuất, kinh doanh.

- Tăng cường sự tham gia của người dân và các tổ chức đoàn thể trong các hoạt động của Chương trình từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch triển khai thực hiện, quản lý nguồn lực, giám sát và đánh giá, trên cơ sở thông tin đầy đủ đến người dân, về chủ trương, chính sách và sự hỗ trợ của nhà nước về công tác tạo việc làm và tự giải quyết việc làm cho bản thân.

- Tiếp tục duy trì và phân cấp cho cấp huyện trong việc quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình việc làm.

- Phát huy đồng bộ các hệ thống giám sát, đánh giá: giám sát từ trên xuống, giám sát từ cơ sở, tự giám sát…Việc giám sát, đánh giá đầu vào, đầu ra và tác động thông qua đánh giá thực hiện các hoạt động.

III. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH:

Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình việc làm giai đoạn 2016-2020: 329.500 triệu đồng.

1. Vốn vay hỗ trợ giải quyết việc làm: 319.000 triệu đồng, trong đó:

- Quỹ quốc gia giải quyết việc làm giai đoạn 2011-2015 chuyển sang 250.000 triệu đồng (trong đó, vốn Trung ương 210.000 triệu đồng, vốn địa phương 40.000 triệu đồng).

- Nguồn vốn bổ sung từ ngân sách Trung ương: 50.000 triệu đồng (bình quân mỗi năm bổ sung 10.000 triệu đồng).

- Nguồn vốn bổ sung từ ngân sách tỉnh: 19.000 triệu đồng (năm 2016 bổ sung 3.000 triệu đồng; từ năm 2017 trở đi mỗi năm bổ sung 4.000 triệu đồng).

2. Nguồn vốn sự nghiệp: 10.500 triệu đồng, trong đó:

- Dự án phát triển thị trường lao động thuộc Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp-việc làm và an toàn lao động: 9.500 triệu đồng:

+ Tổ chức sàn giao dịch việc làm: 2.000 triệu đồng (bình quân 400 triệu đồng/năm, trong đó: Trung ương 200 triệu đồng, địa phương 200 triệu đồng).

+ Điều tra thu thập thông tin cung-cầu lao động: 7.500 triệu đồng (bình quân 1.500 triệu đồng/năm, trong đó Trung ương 500 triệu đồng, địa phương 1.000 triệu đồng).

- Giám sát, đánh giá, thông tin tuyên truyền 1.000 triệu đồng (bình quân 200 triệu đồng/năm từ nguồn ngân sách địa phương).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, các tổ chức chính trị- xã hội và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện Chương trình việc làm tỉnh giai đoạn 2016-2020.

- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan quản lý, sử dụng và điều hành nguồn vốn vay quỹ Quốc gia giải quyết việc làm có hiệu quả. Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch bổ sung kinh phí hằng năm cho Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và lập dự toán kinh phí thực hiện chương trình giải quyết việc làm hàng năm đảm bảo mục tiêu đã được phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp; quy hoạch, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống dịch vụ việc làm.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để có biện pháp, cơ chế, chính sách thu hút lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Phối hợp với các ngành có liên quan duy trì, cập nhật biến động thông tin thị trường lao động: cập nhật thông tin cung-cầu lao động từ các xã, phường, thị trấn; cập nhật cung-cầu lao động từ các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp.

- Định kỳ hàng năm đánh giá kết quả thực hiện Chương trình báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan đề xuất kế hoạch bố trí nguồn vốn bổ sung cho Quỹ giải quyết việc làm hàng năm của Trung ương để thực hiện Chương trình việc làm của tỉnh; cân đối nguồn lực cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp-việc làm và an toàn lao động của Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội.

- Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Cục Thống kê tỉnh và các ngành có liên quan dự báo nhu cầu đào tạo, giải quyết việc làm trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh hàng năm.

3. Sở Tài chính:

- Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cho vay từ vốn giải quyết việc làm tỉnh và cơ chế khuyến khích xã hội hóa; theo dõi cấp phát, hướng dẫn và giám sát việc sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí vốn hàng năm để triển khai thực hiện tốt mục tiêu của Chương trình từ nguồn vốn ngân sách địa phương.

4. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh:

- Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế nghiên cứu thị trường, tiếp tục đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

- Khuyến khích các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu xây dựng và thực hiện cơ chế ưu tiên tuyển dụng lao động trong tỉnh.

- Phối hợp với các ngành có liên quan cập nhật, tổng hợp thông tin về nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu để giới thiệu, thu hút người lao động vào làm việc.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Thực hiện và hướng dẫn xây dựng các chính sách, dự án thuộc ngành quản lý; phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, phát triển nông thôn, hỗ trợ di dân ổn định cuộc sống.

- Vào tháng 10 hàng năm lập kế hoạch, tổng hợp dự báo nhu cầu đào tạo, nhu cầu sử dụng lao động thuộc khu vực I (nông-lâm-thủy sản) gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của tỉnh.

6. Sở Công thương:

Thực hiện các chính sách, dự án về phát triển cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thu hút lao động vào làm việc, thực hiện tốt các Chương trình khuyến công.

Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, vào tháng 10 hàng năm lập kế hoạch, tổng hợp dự báo nhu cầu đào tạo, nhu cầu sử dụng lao động thuộc khu vực II, III (công nghiệp-xây dựng và thương mại dịch vụ) gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của tỉnh.

7. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh:

Thực hiện tốt việc tiếp nhận, thẩm định, giải ngân, thu hồi, xử lý nguồn vốn giải quyết việc làm và vốn cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (kể cả nguồn vốn trung ương và của tỉnh) theo đúng quy định và thẩm quyền. Ưu tiên hỗ trợ giải quyết cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

8. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chỉ đạo các cơ quan báo, đài địa phương thực hiện tuyên truyền về Chương trình việc làm của tỉnh giai đoạn 2016-2020.

9. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Đồng Tháp:

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực lao động-việc làm và dạy nghề; tổ chức tuyên truyền, đưa tin bài, ảnh; nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình mới, cách làm hay hiệu quả góp phần thực hiện tốt Chương trình.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các thành viên:

- Phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về ý thức học nghề, chọn ngành nghề, duy trì và phát triển ngành nghề, nhất là các ngành nghề truyền thống gắn với nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước khác được phát động tại địa bàn dân cư.

- Phát huy tính tự quản trong tham gia và quản lý tốt các chương trình, dự án được phân bổ và thực hiện có hiệu quả các chính sách liên quan đến việc làm và người lao động.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giải quyết việc làm hằng năm và cả giai đoạn của địa phương phù hợp với mục tiêu, Chương trình việc làm của tỉnh giai đoạn 2016-2020.

- Triển khai có hiệu quả nguồn vay vốn quỹ Quốc gia giải quyết việc làm hàng năm trên địa bàn quản lý.

- Tuyên truyền các chủ trương, chính sách của nhà nước và của tỉnh về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để người lao động hiểu rõ tham gia; tạo điều kiện giải quyết các thủ tục hành chính kịp thời, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp làm tốt công tác tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại địa phương.

- Hàng năm, tổ chức triển khai điều tra, cập nhật cơ sở dữ liệu thị trường lao động, nắm tình hình sử dụng và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp; nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn, tổng hợp báo cáo về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

- Chỉ đạo các phòng, ban liên quan và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lao động-việc làm (bao gồm thống kê lực lượng lao động có việc làm, phát triển nguồn nhân lực, quản lý lao động việc làm, tiền lương, tiền công, an toàn vệ sinh lao động, thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật lao động…). Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác lao động việc làm cấp huyện và cơ sở.

Yêu cầu các sở, ngành tỉnh và đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình, định kỳ hàng năm tổng hợp kết quả báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ LĐTBXH;
- Chủ tịch, các PCT/UBND tỉnh;
- Các sở, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo VP/UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX.Hung.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đoàn Tấn Bửu