Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1335/BGDĐT-TCCB
V/v hướng dẫn chương trình công tác vì sự tiến bộ phụ nữ, năm 2015

Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 2015

 

Kính gửi:

- Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố;
- Các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Căn cứ Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 970/QĐ-BGDĐT ngày 9/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phê duyệt Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Giáo dục giai đoạn 2012-2015; Hướng dẫn số 199/LĐTBXH-BĐG ngày 16/01/2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn triển khai công tác bình đẳng giới 2015; Hướng dẫn hoạt động năm 2015 của Ủy Ban quốc gia vì sự tiến bộ phụ của phụ nữ Việt Nam tại công văn số 07/UBQG-VP, ngày 22/01/2014;

Căn cứ Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2010-2015”; Kế hoạch số 17/KH-BĐHĐA ngày 03/02/2015 của ban Điều hành Đề án 343 về Kế hoạch thực hiện Đề án 343 năm 2015.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn chương trình công tác năm 2015 như sau:

1. Triển khai kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Giáo dục

Thực hiện Quyết định số 970/QĐ-BGDĐT, ngày 9/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phê duyệt Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Giáo dục giai đoạn 2012-2015. Trên cơ sở kết quả sơ kết 03 năm thực hiện Chiến lược bình đẳng giới, Ban VSTBPN các cấp cần chủ động tham mưu cấp ủy và lãnh đạo chính quyền tích cực triển khai để đạt được các tiêu chí đã đề ra, đặc biệt là mục tiêu về tăng số lượng nữ cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Ban VSTBPN phối hợp với các cơ quan chuyên môn tham mưu rà soát đội ngũ cán bộ quản lý về số lượng, chất lượng, cơ cấu để phát hiện, giới thiệu những nữ nhà giáo, cán bộ quản lý có triển vọng đưa vào quy hoạch, quan tâm giới thiệu các nữ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ưu tú tham gia quy hoạch cấp ủy, đại biểu quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương nhiệm kỳ 2016-2020.

Vận động nữ nhà giáo học tập nâng cao trình độ, đặc biệt là tin học và ngoại ngữ; hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Bộ và Công đoàn ngành, của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn để thu hút nữ nhà giáo và lao động tham gia vào mọi lĩnh vực đời sống giáo dục hiện nay.

Đối với các địa phương còn nhiều đối tượng phụ nữ mù chữ ở độ tuổi từ 15 đến 35, còn nhiều trẻ em gái chưa được đến trường hoặc bỏ học, Ban VSTBPN phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đoàn thể tham mưu để thủ trưởng cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch vận động đưa trẻ em gái đến trường, có kế hoạch xóa mù chữ cho phụ nữ ở độ tuổi từ 15 đến 35 để đạt tỷ lệ 90% trở lên số phụ nữ trong độ tuổi nói trên biết chữ vào năm 2015.

2. Triển khai kế hoạch hoạt động Tiểu Đề án 2

Tiếp tục triển khai Tiểu Đề án 2 “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong trường học giai đoạn 2010-2015” với các nội dung sau:

- Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra: có 90% trở lên học sinh, sinh viên nữ trong trường học được tuyên truyền, giáo dục về các phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phù hợp với lứa tuổi, bậc học, cấp học, vùng miền và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương; có 90% cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, cán bộ làm công tác vì sự tiến bộ phụ nữ, giáo viên nữ thuộc các địa phương và của các cơ sở giáo dục trực thuộc, được tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và trong trường học phù hợp với bậc học, cấp học, khu vực và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương; lựa chọn hình thức phù hợp để tuyên truyền, giáo dục, đảm bảo cho các đối tượng được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, từ đó phấn đấu, rèn luyện theo 4 phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”.

- Xây dựng các sản phẩm truyền thông trong trường học, tiếp thu các sản phẩm truyền thông của Ban điều hành Đề án Trung ương để vận dụng, tuyên truyền tại các trường học.

- Tổ chức tổng kết thực hiện Tiểu Đề án 2 vào cuối quý 2 năm 2015, đánh giá hoạt động các mô hình điểm, biểu dương các tấm gương điển hình về phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kì đây mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

3. Tiếp tục kiện toàn, đổi mới hình thức hoạt động của Ban VSTBPN Đổi mới hình thức hoạt động VSTBPN phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và đơn vị.

- Rà soát tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2457/QĐ-TTG ngày 17/6/2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc giao kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 02/12/2009 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để có giải pháp thực hiện hiệu quả.

Căn cứ hướng dẫn của Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố; kế hoạch hoạt động năm 2015 của Ban VSTBPN ngành Giáo dục, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạt hoạt động cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Thực hiện đầy đủ công tác bình chọn, xét các giải thưởng của phụ nữ, thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác đề nghị xét tặng kỉ niệm chương vì sự phát triển phụ nữ và công tác thi đua khen thưởng.

4. Công tác kiểm tra, giám sát

Ban VSTBPN các Sở GD-ĐT, các cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch kiểm tra và tổ chức các đoàn kiểm tra hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ ở các đơn vị trực thuộc và cấp dưới. Nội dung kiểm tra tập trung vào một số vấn đề: Tổ chức và hoạt động của Ban VSTBPN; công tác cán bộ nữ và việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ nữ để đạt chỉ tiêu quy định tại Nghị quyết số 11-NQ/TW, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Tiểu Đề án 2 của đơn vị.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Kế hoạch bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ, lồng ghép với thực hiện Tiểu Đề án 2 tại các địa phương và đơn vị (kế hoạch riêng).

5. Chế độ báo cáo

Các đơn vị gửi báo cáo định kỳ hoạt động của Ban VSTBPN về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Tổ chức cán bộ): 06 tháng đầu năm vào 30/6/2015 và tổng kết năm (vào 20/12/2015), địa chỉ 35 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- UBQG VSTBPN VN (để b/c);
- Hội LHPNVN (để b/c);
- Ban VSTBPN ngành;
- Lưu: VT, TCCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Nghĩa