Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1858/BKHCN-TCCB
V/v tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành KH&CN.

Hà Nội, ngày 09 tháng 6 năm 2017

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Căn cứ Luật Viên chức năm 2010; Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (sau đây viết tắt là Nghị định 29/2012/NĐ-CP); Thông tư số 12/2012/TT-BNV ngày 18/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức (sau đây viết tắt là Thông tư số 12/2012/TT-BNV); Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV ngày 01/10/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV); Quyết định số 1487/QĐ-BKHCN ngày 09/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) từ hạng II lên hạng I và từ hạng III lên hạng II năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn cụ thể một số nội dung trong việc tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành KH&CN từ hạng II lên hạng I và từ hạng III lên hạng II năm 2017 trong các đơn vị sự nghiệp công lập như sau:

I. THI THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP TỪ HẠNG II LÊN HẠNG I

1. Đối tượng dự thi

a) Đối với thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ nghiên cứu viên chính (hạng II) lên nghiên cứu viên cao cấp (hạng I):

Viên chức dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ nghiên cứu viên chính (hạng II) mã số V.05.01.02 lên nghiên cứu viên cao cấp (hạng I) mã số V.05.01.01 (sau đây viết tắt là thăng hạng chức danh nghiên cứu viên cao cấp (hạng I)) phải là viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp nghiên cứu viên chính (hạng II) mã số V.05.01.02, hiện đang làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, có khả năng đảm nhận hoặc đang làm việc ở vị trí công tác phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp nghiên cứu viên cao cấp (hạng I) quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV.

b) Đối với thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ kỹ sư chính (hạng II) lên kỹ sư cao cấp (hạng I):

Viên chức dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ kỹ sư chính (hạng II) mã số V.05.02.06 lên kỹ sư cao cấp (hạng I) mã số V.05.02.05 (sau đây viết tắt là thăng hạng chức danh kỹ sư cao cấp (hạng I)) phải là viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp kỹ sư chính (hạng II) mã số V.05.02.06, hiện đang làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, có khả năng đảm nhận hoặc đang làm việc ở vị trí công tác phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp kỹ sư cao cấp (hạng I) quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV.

2. Điều kiện dự thi

a) Đối với thi thăng hạng chức danh nghiên cứu viên cao cấp (hạng I):

Viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghiên cứu viên cao cấp (hạng I) mã số V.05.01.01 phải bảo đảm đủ các điều kiện sau đây:

- Đang giữ chức danh nghề nghiệp nghiên cứu viên chính (hạng II) mã số V.05.01.02, có khả năng đảm nhiệm vị trí công tác phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp nghiên cứu viên cao cấp (hạng I) quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV ;

- Được cơ quan sử dụng viên chức đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian công tác 03 (ba) năm liên tục gần nhất (2014, 2015, 2016); có phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc trong thời gian đang bị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật tính đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ đăng ký thi;

- Có thời gian giữ chức danh nghiên cứu viên chính hoặc tương đương tối thiểu 06 (sáu) năm, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) mã số V.05.01.02 (tính cả thời gian chuyển tiếp từ ngạch nghiên cứu viên chính, mã ngạch 13.091) tối thiểu là 02 (hai) năm (24 tháng) tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi;

- Được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý viên chức có văn bản cử tham dự thi thăng hạng chức danh nghiên cứu viên cao cấp (hạng I).

b) Đối với thi thăng hạng chức danh kỹ sư cao cấp (hạng I):

Viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng chức danh kỹ sư cao cấp (hạng I) mã số V.05.02.05 phải bảo đảm đủ các điều kiện sau đây:

- Đang giữ chức danh nghề nghiệp kỹ sư chính (hạng II) mã số V.05.02.06, có khả năng đảm nhiệm vị trí công tác phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp kỹ sư cao cấp (hạng I) quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV ;

- Được cơ quan sử dụng viên chức đánh giá, phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian công tác 03 (ba) năm liên tục gần nhất (2014, 2015, 2016); có phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc trong thời gian đang bị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật tính đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ đăng ký dự thi;

- Có thời gian giữ chức danh kỹ sư chính hoặc tương đương tối thiểu 06 (sáu) năm, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh kỹ sư chính (hạng II) mã số V.05.02.06 (tính cả thời gian chuyển tiếp từ ngạch kỹ sư chính, mã ngạch 13.094) tối thiểu là 02 (hai) năm (24 tháng) tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi;

- Được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý viên chức có văn bản cử tham dự thi thăng hạng chức danh kỹ sư cao cấp (hạng I).

3. Tiêu chuẩn dự thi

a) Đối với thi thăng hạng nghiên cứu viên cao cấp (hạng I):

Viên chức đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghiên cứu viên cao cấp (hạng I) phải có đủ các điều kiện quy định tại điểm a khoản 2 mục I công văn này và phải đạt các tiêu chuẩn sau:

- Có bằng tiến sĩ trở lên phù hợp với chuyên ngành, lĩnh vực công tác;

- Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 4 (B2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (sau đây viết tắt là Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT);

- Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (sau đây viết tắt là Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT);

- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiên cứu viên cao cấp (hạng I) hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về quản lý kinh tế - kỹ thuật chương trình dành cho nghiên cứu viên cao cấp;

- Đã chủ trì hoặc tham gia ít nhất 01 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia (hoặc chủ trì ít nhất 02 nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh) được nghiệm thu ở mức đạt trở lên và tham gia ít nhất 02 nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh được nghiệm thu ở mức đạt trở lên; hoặc là (đồng) tác giả hoặc (đồng) chủ biên của ít nhất 01 sách chuyên khảo và là tác giả của ít nhất 01 bài báo khoa học công bố trên tạp chí quốc tế có mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ (ISSN) (hoặc ít nhất 06 bài báo khoa học công bố trên tạp chí chuyên ngành trong nước nằm trong Danh mục tạp chí chuyên ngành được tính điểm công trình khoa học quy đổi khi xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước).

b) Đối với thi thăng hạng chức danh kỹ sư cao cấp (hạng I):

Viên chức đăng ký dự thi thăng hạng chức danh kỹ sư cao cấp (hạng I) phải có đủ các điều kiện quy định tại điểm b khoản 2 mục I công văn này và phải đạt các tiêu chuẩn sau:

- Có bằng thạc sỹ trở lên thuộc chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác;

- Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 4 (B2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ;

- Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ;

- Có chứng chỉ bồi dưỡng kỹ sư cao cấp (hạng I) hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về quản lý kinh tế - kỹ thuật chương trình đối với ngạch kỹ sư cao cấp;

- Đã tham gia ít nhất 01 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia (hoặc chủ trì ít nhất 01 nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh) được nghiệm thu ở mức đạt trở lên và chủ trì ít nhất 02 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở được nghiệm thu ở mức đạt trở lên.

4. Hình thức, nội dung và thời gian thi

Viên chức đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghiên cứu viên cao cấp (hạng I) hoặc kỹ sư cao cấp (hạng I) phải dự thi đủ các bài thi sau:

a) Môn thi kiến thức chung

- Hình thức thi: Thi viết.

- Nội dung thi: Kiểm tra hiểu biết về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội nói chung và KH&CN nói riêng; thành tựu và xu hướng phát triển KH&CN trên thế giới và trong nước; vấn đề đổi mới quản lý nhà nước về KH&CN; việc áp dụng các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển KH&CN vào thực tiễn và giải pháp đối với các vấn đề nảy sinh trong thực tế của Bộ, ngành, địa phương; pháp luật về viên chức phù hợp với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành KH&CN hạng I.

- Thời gian thi: 180 phút.

b) Môn thi chuyên môn, nghiệp vụ

- Hình thức thi: Bảo vệ thuyết minh nhiệm vụ KH&CN (đề tài, đề án, dự án) cấp quốc gia;

- Nội dung thi: Thí sinh chuẩn bị 01 (một) thuyết minh nhiệm vụ KH&CN (đề tài, đề án hoặc dự án) cấp quốc gia và bảo vệ thuyết minh nhiệm vụ KH&CN.

Yêu cầu đối với nhiệm vụ KH&CN đề xuất: Đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, là đề xuất mới, không trùng lặp với các nhiệm vụ đã và đang thực hiện.

- Thời gian bảo vệ thuyết minh: 30 phút.

c) Môn thi ngoại ngữ:

- Hình thức thi: Thi viết và phỏng vấn.

- Nội dung thi: Kiểm tra các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết một trong năm thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc ở trình độ tương đương bậc 4 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT .

- Thời gian thi: Thi viết 120 phút và phỏng vấn 15 phút.

d) Môn thi tin học:

- Hình thức thi: Thi trắc nghiệm;

- Nội dung thi: Kiểm tra hiểu biết về hệ điều hành Windows, sử dụng các ứng dụng của Microsoft Office, sử dụng Internet ở trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT .

- Thời gian thi: 45 phút.

5. Điều kiện miễn thi môn ngoại ngữ, môn tin học

a) Miễn thi môn ngoại ngữ đối với trường hợp có một trong các điều kiện sau đây:

- Viên chức có bằng đại học thứ hai là bằng ngoại ngữ (trường hợp viên chức chỉ có một bằng đại học là đại học ngoại ngữ thì phải đăng ký thi ngoại ngữ khác);

- Viên chức có bằng tốt nghiệp theo trình độ đào tạo hoặc ở trình độ cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I mà học tập ở nước ngoài hoặc học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam.

b) Miễn thi môn tin học đối với viên chức đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin trở lên.

6. Hồ sơ đăng ký dự thi

Hồ sơ đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghiên cứu viên cao cấp (hạng I) hoặc kỹ sư cao cấp (hạng I) bao gồm:

a) Đơn đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghiên cứu viên cao cấp (hạng I) hoặc kỹ sư cao cấp (hạng I) theo Mẫu số 1a hoặc Mẫu 1b kèm công văn này;

b) Bản sơ yếu lý lịch của viên chức theo Mẫu số 2 kèm công văn này, có xác nhận của cơ quan sử dụng hoặc quản lý viên chức;

c) Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng viên chức đối với viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm đối với viên chức lãnh đạo, quản lý trong thời gian ba năm liên tục (2014, 2015, 2016) theo Mẫu số 3a hoặc Mẫu số 3b kèm công văn này;

d) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp nghiên cứu viên cao cấp (hạng I) hoặc kỹ sư cao cấp (hạng I), được cơ quan có thẩm quyền chứng thực.

Trường hợp không có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì thay bằng bản cam kết sử dụng thành thạo ngoại ngữ và kỹ năng tin học ở trình độ theo quy định, được người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng viên chức xác nhận.

Trường hợp có đủ điều kiện được miễn thi môn ngoại ngữ và môn tin học thì phải nộp bản sao các văn bằng, chứng chỉ làm căn cứ xét miễn thi môn ngoại ngữ, tin học.

đ) Bản sao các quyết định cử chủ trì/tham gia, biên bản nghiệm thu hoặc quyết định công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN ở mức đạt trở lên; hoặc chứng nhận là tác giả/chủ biên sách chuyên khảo, bài báo khoa học đã được công bố theo yêu cầu của hạng chức danh nghề nghiệp nghiên cứu viên cao cấp (hạng I) hoặc kỹ sư cao cấp (hạng I).

e) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời gian 30 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ.

g) Bản sao Quyết định nâng lương gần nhất.

h) Bản đăng ký tên nhiệm vụ KH&CN (đề án, đề tài, dự án) cấp quốc gia dự kiến xây dựng thuyết minh để dự thi theo Mẫu số 5a hoặc Mẫu số 5b kèm theo công văn này.

Hồ sơ đăng ký dự thi của mỗi viên chức được bỏ vào một bì đựng riêng có kích thước 250 x 340 x 5mm (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Quyết định số 06/2007/QĐ-BNV ngày 18/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành thành phần hồ sơ cán bộ, công chức và mẫu biểu quản lý hồ sơ của cán bộ, công chức), kèm 02 ảnh kích thước 4cm x 6 cm.

7. Thủ tục và trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và viên chức dự thi thăng hạng

a) Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm thông báo công khai trong cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý về văn bản hướng dẫn tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức KH&CN từ hạng II lên hạng I năm 2017 để mọi viên chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi.

b) Viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định đều có quyền đăng ký dự thi và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của nội dung hồ sơ đăng ký dự thi.

c) Các Bộ, ngành, địa phương xem xét và cử viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi; chịu trách nhiệm về lý lịch, phẩm chất đạo đức, văn bằng, chứng chỉ, thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp, việc đã chủ trì, tham gia nhiệm vụ KH&CN và các tiêu chuẩn, điều kiện khác theo quy định của chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành KH&CN hạng I (nghiên cứu viên cao cấp hoặc kỹ sư cao cấp).

Văn bản cử viên chức dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành KH&CN từ hạng II lên hạng I của các cơ quan, đơn vị (kèm theo danh sách viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi theo Mẫu số 4a, Mẫu số 4b gửi kèm công văn này) gửi về Bộ Khoa học và Công nghệ phải do người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan quản lý viên chức ký.

Hồ sơ đăng ký dự thi thăng hạng của viên chức tham dự kỳ thi thăng hạng phải gửi về Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp gửi Bộ Nội vụ lưu giữ và quản lý theo quy định.

II. THI THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP TỪ HẠNG III LÊN HẠNG II

1. Đối tượng dự thi

a) Đối với thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ nghiên cứu viên (hạng III) lên nghiên cứu viên chính (hạng II):

Viên chức dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ nghiên cứu viên (hạng III) mã số V.05.01.03 lên nghiên cứu viên chính (hạng II) mã số V.05.01.02 (sau đây viết tắt là thi thăng hạng chức danh nghiên cứu viên chính hạng II) phải là viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp nghiên cứu viên (hạng III) mã số V.05.01.03, hiện đang làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, có khả năng đảm nhận hoặc đang làm việc ở vị trí công tác phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp nghiên cứu viên chính (hạng II) quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV.

b) Đối với thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ kỹ sư (hạng III) lên kỹ sư chính (hạng II):

Viên chức dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ kỹ sư (hạng III) mã số V.05.02.07 lên kỹ sư chính (hạng II) mã số V.05.02.06 (sau đây viết tắt là thi thăng hạng chức danh kỹ sư chính (hạng II)) phải là viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp kỹ sư (hạng III) mã số V.05.02.07, đang làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, có khả năng đảm nhận hoặc đang làm việc ở vị trí công tác phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp kỹ sư chính (hạng II) quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV.

2. Điều kiện dự thi

a) Đối với thi thăng hạng chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II):

Viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) phải bảo đảm đủ các điều kiện sau đây:

- Đang giữ chức danh nghề nghiệp nghiên cứu viên (hạng III) mã số V.05.01.03, có khả năng đảm nhiệm vị trí công tác hoặc đang làm vị trí công tác phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của hạng chức danh nghề nghiệp nghiên cứu viên chính quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV;

- Được cơ quan sử dụng viên chức đánh giá, phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 03 (ba) năm liên tục gần nhất (2014, 2015, 2016); có phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc trong thời gian đang bị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật tính đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ đăng ký dự thi;

- Có thời gian giữ chức danh nghiên cứu viên hoặc tương đương tối thiểu 09 (chín) năm (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh nghiên cứu viên (hạng III) mã số V.05.01.03 (tính cả thời gian chuyển tiếp từ ngạch nghiên cứu viên, mã ngạch 13.092) tối thiểu là 02 (hai) năm (24 tháng) tính đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ đăng ký dự thi;

- Được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý viên chức có văn bản cử tham dự kỳ thi thăng hạng chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II).

b) Đối với thi thăng hạng chức danh kỹ sư chính (hạng II):

Viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng chức danh kỹ sư chính (hạng II) phải bảo đảm đủ các điều kiện sau đây:

- Đang giữ chức danh nghề nghiệp kỹ sư (hạng III) mã số V.05.02.07, có khả năng đảm nhiệm vị trí công tác hoặc đang làm vị trí công tác phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp kỹ sư chính (hạng II) quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV;

- Được cơ quan sử dụng viên chức đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian công tác 03 (ba) năm liên tục gần nhất (2014, 2015, 2016); có phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc trong thời gian đang bị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật tính đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ đăng ký dự thi;

- Có thời gian giữ chức danh kỹ sư hoặc tương đương tối thiểu 09 (chín) năm (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh kỹ sư (hạng III) mã số V.05.02.07 (tính cả thời gian chuyển tiếp từ ngạch kỹ sư, mã ngạch 13.095) tối thiểu là 02 (hai) năm (24 tháng) tính đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ đăng ký dự thi;

- Được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý viên chức có văn bản cử tham dự kỳ thi thăng hạng chức danh kỹ sư chính (hạng II).

3. Tiêu chuẩn dự thi

a) Đối với thi thăng hạng chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II):

Viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) phải có đủ các điều kiện quy định tại điểm a khoản 2 Mục II công văn này và phải đạt các tiêu chuẩn sau:

- Có bằng thạc sỹ trở lên phù hợp với chuyên ngành nghiên cứu;

- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiên cứu viên chính (hạng II) hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về quản lý kinh tế - kỹ thuật chương trình đối với ngạch nghiên cứu viên chính.

- Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ ngoại ngữ tương đương bậc 3 (B1) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ;

- Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ;

- Đã chủ trì ít nhất 01 nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh (hoặc chủ trì ít nhất 02 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở) được nghiệm thu ở mức đạt trở lên và tham gia ít nhất 01 nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh được nghiệm thu ở mức đạt trở lên; hoặc tham gia nhóm tác giả của ít nhất 01 sách chuyên khảo và là tác giả của ít nhất 03 bài báo khoa học công bố trên tạp chí chuyên ngành trong nước nằm trong Danh mục tạp chí chuyên ngành được tính điểm công trình khoa học quy đổi khi xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước.

b) Đối với thi thăng hạng chức danh kỹ sư chính (hạng II):

Viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng chức danh kỹ sư chính (hạng II) phải có đủ các điều kiện quy định tại điểm b khoản 2 Mục II công văn này và phải đạt các tiêu chuẩn sau:

- Có bằng đại học trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ;

- Có chứng chỉ bồi dưỡng kỹ sư chính (hạng II) hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về quản lý kinh tế - kỹ thuật chương trình đối với ngạch kỹ sư chính;

- Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 3 (B1) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ;

- Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ;

- Đã chủ trì 01 nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh ở mức đạt trở lên hoặc tham gia ít nhất 02 nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh được nghiệm thu ở mức đạt trở lên.

4. Nội dung, hình thức thi

Viên chức đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) hoặc kỹ sư chính (hạng II) phải dự thi đủ các bài thi sau:

a) Môn thi kiến thức chung

- Hình thức thi: Thi viết.

- Nội dung thi: Kiểm tra hiểu biết về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội nói chung và KH&CN nói riêng; thành tựu và xu hướng phát triển KH&CN trên thế giới và trong nước; vấn đề đổi mới quản lý nhà nước về KH&CN; việc áp dụng các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển KH&CN vào thực tiễn và giải pháp đối với các vấn đề nảy sinh trong thực tế của Bộ, ngành, địa phương; pháp luật về viên chức phù hợp với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành KH&CN hạng II.

- Thời gian thi: 180 phút.

b) Môn thi chuyên môn, nghiệp vụ

- Hình thức thi: Trắc nghiệm.

- Nội dung thi: Kiểm tra trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng triển khai, xử lý các vấn đề KH&CN đặt ra trong thực tiễn gắn với tiêu chuẩn về trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành KH&CN hạng II.

- Thời gian thi: 45 phút.

c) Môn thi ngoại ngữ

- Hình thức thi: Thi viết.

- Nội dung thi: Kiểm tra các kỹ năng đọc hiểu, viết một trong năm thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc ở trình độ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT .

- Thời gian thi: 90 phút.

d) Môn thi tin học

- Hình thức thi: Trắc nghiệm.

- Nội dung thi: Kiểm tra hiểu biết về hệ điều hành Windows, sử dụng các ứng dụng của Microsoft Office, sử dụng Internet ở trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT .

- Thời gian thi: 45 phút.

5. Điều kiện miễn thi môn ngoại ngữ, môn tin học

a) Miễn thi môn ngoại ngữ đối với trường hợp có một trong các điều kiện sau đây:

- Viên chức có bằng đại học thứ hai là bằng ngoại ngữ (trường hợp viên chức chỉ có một bằng đại học là đại học ngoại ngữ thì phải đăng ký thi ngoại ngữ khác);

- Viên chức có bằng tốt nghiệp theo trình độ đào tạo hoặc ở trình độ cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II mà học tập ở nước ngoài hoặc học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam.

b) Miễn thi môn tin học đối với viên chức đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin trở lên.

6. Hồ sơ đăng ký dự thi

a) Đơn đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) hoặc kỹ sư chính (hạng II) theo Mẫu số 1c hoặc Mẫu số 1d kèm công văn này;

b) Bản sơ yếu lý lịch của viên chức theo quy định tại Thông tư số 12/2012/TT-BNV , có xác nhận của cơ quan sử dụng hoặc quản lý viên chức theo Mẫu số 2 kèm công văn này;

c) Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng viên chức đối với viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm đối với viên chức lãnh đạo, quản lý trong thời gian ba năm liên tục gần nhất (2014, 2015, 2016) theo Mẫu số 3c hoặc Mẫu số 3d kèm theo công văn này;

d) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) hoặc kỹ sư chính (hạng II), được cơ quan có thẩm quyền chứng thực.

Trường hợp không có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì thay bằng bản cam kết sử dụng thành thạo ngoại ngữ, kỹ năng tin học ở trình độ theo quy định, được người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng viên chức xác nhận.

Trường hợp có đủ điều kiện được miễn thi môn ngoại ngữ và môn tin học thì phải nộp bản sao các văn bằng, chứng chỉ làm căn cứ xét miễn thi môn ngoại ngữ, tin học để thẩm định.

đ) Bản sao các quyết định cử chủ trì/tham gia, biên bản nghiệm thu hoặc quyết định công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN ở mức đạt trở lên; hoặc chứng nhận là tác giả/chủ biên sách chuyên khảo, bài báo khoa học đã được công bố theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) hoặc kỹ sư chính (hạng II).

e) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời gian 30 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ.

g) Bản sao Quyết định nâng lương gần nhất.

Hồ sơ đăng ký dự thi của mỗi viên chức được bỏ vào một bì đựng riêng có kích thước 250 x 340 x 5mm (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Quyết định số 06/2007/QĐ-BNV ngày 18/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành thành phần hồ sơ cán bộ, công chức và mẫu biểu quản lý hồ sơ của cán bộ, công chức), kèm 02 ảnh kích thước 4cm x 6 cm.

7. Thủ tục, trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ

a) Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ có trách nhiệm thông báo công khai trong các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý về văn bản hướng dẫn tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành KH&CN từ hạng III lên hạng II để viên chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi.

b) Viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định đều có quyền đăng ký dự thi và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của nội dung hồ sơ đăng ký dự thi.

c) Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ xem xét và cử viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi; chịu trách nhiệm về lý lịch, phẩm chất đạo đức, văn bằng, chứng chỉ, thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp, việc đã chủ trì, tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ và các tiêu chuẩn, điều kiện khác theo quy định của chức danh nghề nghiệp hạng II.

Văn bản cử viên chức dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ phải do người đứng đầu đơn vị ký, kèm theo danh sách viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi theo Mẫu số 4c, Mẫu số 4d kèm theo công văn này và hồ sơ dự thi.

d) Hồ sơ đăng ký dự thi của viên chức tham dự kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II được lưu giữ, quản lý theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Thông tư số 12/2012/TT-BNV.

8. Đối với các Bộ, ngành, địa phương cử viên chức tham gia kỳ thi thăng hạng viên chức chuyên ngành KH&CN từ hạng III lên hạng II năm 2017 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức

Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP quy định về phân công, phân cấp tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức từ hạng III lên hạng II thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức thi theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ. Nếu các Bộ, ngành, địa phương muốn cử viên chức tham dự kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành KH&CN từ hạng III lên hạng II năm 2017 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thì phải có văn bản cử viên chức tham dự kỳ thi do lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương ký gửi Bộ Khoa học và Công nghệ. Tiêu chuẩn, điều kiện và thủ tục cử viên chức dự thi theo quy định tại công văn này.

III. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC CÁC KỲ THI THĂNG HẠNG

1. Dự kiến thời gian tổ chức các kỳ thi thăng hạng

Các kỳ thi thăng hạng viên chức chuyên ngành KH&CN từ hạng II lên hạng I và từ hạng III lên hạng II do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức dự kiến vào quý III và quý IV năm 2017.

2. Dự kiến địa điểm tổ chức các kỳ thi thăng hạng

a) Kỳ thi thăng hạng viên chức chuyên ngành KH&CN từ hạng II lên hạng I dự kiến tổ chức tập trung tại Hà Nội.

b) Kỳ thi thăng hạng viên chức chuyên ngành KH&CN từ hạng III lên hạng II dự kiến tổ chức tại 02 miền:

- Tại miền Bắc: dự kiến tổ chức tại Hà Nội cho các đơn vị sự nghiệp công lập khu vực từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra Bắc.

- Tại miền Nam: dự kiến tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh cho các đơn vị sự nghiệp công lập khu vực từ thành phố Đà Nẵng trở vào Nam.

Các cơ quan, đơn vị cử viên chức dự thi đăng ký địa điểm thi theo một trong hai miền Bắc hoặc miền Nam để thuận lợi cho công tác tổ chức kỳ thi.

3. Thời gian nộp văn bản, hồ sơ dự thi

Văn bản cử viên chức dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành KH&CN từ hạng II lên hạng I và từ hạng III lên hạng II năm 2017 của Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị gửi về Bộ Khoa học và Công nghệ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) trước ngày 12/7/2017 (theo dấu bưu điện nơi gửi) theo địa chỉ: Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ, số 113 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội, điện thoại: 04.35560615, file mềm gửi về địa chỉ: vutccb@most.gov.vn. Đồng thời cung cấp thông tin (tên, số điện thoại, e-mail) của chuyên viên phụ trách về hồ sơ của viên chức đăng ký dự thi để thuận tiện phối hợp công tác. Quá thời hạn nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ không tiếp nhận văn bản và hồ sơ dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành KH&CN năm 2017.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ (qua Vụ Tổ chức cán bộ, điện thoại: 04.35560615) để nghiên cứu, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia;
- Cơ quan TW của các tổ chức chính trị - xã hội;
- Đại học Quốc gia Hà Nội;
- Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh;
- Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước;
- Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Trần Văn Tùng;
- Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN;
- Lưu: VT, TCCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Tùng