Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------

Số: 2366/TCT-KK
V/v thẩm quyền giải quyết hoàn thuế GTGT khâu nhập khẩu đối với DNCX

Hà Nội, ngày 16 tháng 06 năm 2015

 

Kính gửi: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam

 

Trả lời công văn số 0105/15-FIN/SEV ngày 04/5/2015 của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (sau đây gọi là Công ty SEV) liên quan đến vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động thương mại của DNCX, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

- Căn cứ khoản 20 Điều 5 Luật Thuế GTGT năm 2008 quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT:

"Hàng hoá chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hoá xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài, hàng hoá, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau .

- Căn cứ Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/02/2007 của Chính Phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định:

"4. Quyền nhập khẩu là quyền được nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hoá đó tại Việt Nam; bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hoá nhập,khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu. Quyền nhập khẩu không bao gồm quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hoá tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác" .

- Căn cứ Điều 21 Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;

- Căn cứ Khoản 9 Điều 1 Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế :

"9. Sửa đổi Khoản 2, Khoản 3, Khoản 5 và bổ sung Khoản 7 Điều 21 như sau:

7. Doanh nghiệp chế xuất được cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua hàng hóa tại Việt Nam phải thành lập chi nhánh riêng nằm ngoài doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất để thực hiện hoạt động này.

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn cụ thể Điều này ".

- Căn cứ Khoản 20 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng hướng dẫn về đối tượng không chịu thuế :

"20. Hàng hóa chuyên khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hoá xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài. ..

Hàng hoá, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau.

Khu phi thuế quan bao gồm: khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, kho bảo thuế, khu bảo thuế, kho ngoại quan, khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại - công nghiệp và các khu vực kinh tế khác được thành lập và được hưởng các ưu đãi về thuế như khu phi thuế quan theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quan hệ mua bán trao đổi hàng hoá giữa các khu này với bên ngoài la quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu ".

- Ngày 22/7/2014, Tổng cục Hải quan có công văn số 9089/TCHQ-GSQL (sau khi có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại công văn số 5087/VPCP-KTTH ngày 08/7/2014 về việc vướng mắc khi thực hiện Khoản 9 Điều 1 Nghị đỉnh số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ). Theo đó: "Doanh nghiệp chế xuất được tiếp tục thực hiện việc mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ đến khi có hướng dẫn cua Bộ Tài chính ".

- Liên quan đến việc hoàn trả thuế GTGT hàng nhập khẩu nộp nhầm, nộp thừa, Bộ Tài chính đã có công văn số 18304/BTC-TCHQ ngày 16/12/2014 gửi các Cục Hải quan các tỉnh, thành phố; các Cục Thuế tỉnh, thành phố. Theo đó:

" Cơ quan Hải quan thực hiện hoàn trả thuế GTGT hàng nhập khẩu nộp nhầm, nộp thừa cho doanh nghiệp đối với những tờ khai đăng ký từ ngày 01/01/2014 (thời điểm Thông tư số 150/2013/TT-BTC có hiệu lực thi hành) trở đi…”

Căn cứ các quy định và hướng dẫn nêu trên, Công ty SEV là doanh nghiệp chế xuất, theo quy định về thuế GTGT thì hàng hóa, dịch vụ mà Công ty SEV mua từ nước ngoài, mua từ khu phi thuế quan khác là đối tượng không chịu thuế GTGT; trường hợp Công ty SEV được cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu để bán ra hoặc để xuất khẩu, Công ty SEV phải thành lập chi nhánh để thực hiện hoạt động theo quy định của pháp luật và kê khai, nộp thuế theo quy định. Tuy nhiên, Công ty SEV chưa thành lập được chi nhánh để thực hiện quyền nhập khẩu để bán ra hoặc để xuất khẩu là do vướng mắc khi thực hiện Khoản 9 Điều 1 Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ và đã được Chính phủ đồng ý cho tiếp tục thực hiện việc mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ đến khi có hướng dẫn của Bộ Tài chính theo công văn số 9089/TCHQ-GSQL ngày 22/7/2014 của Tổng cục Hải quan nêu trên. Số thuế GTGT đã nộp khâu nhập khẩu của Công ty SEV được xác định là nộp thừa theo quy định. Đề nghị Công ty SEV liên hệ với cơ quan Hải quan nơi Công ty SEV mở tờ khai để được giải quyết theo đúng thẩm quyền.

Tổng cục Thuế trả lời để Công ty TNHH Sam sung Electronics Việt Nam được biết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Các vụ PC, CST (BTC);
- Tổng cục Hải quan
- Các Vụ: PC, CS (TCT);
- Lưu: VT, KK (2).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Đại Trí