Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4530/BCT-QLCT
V/v áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ

Hà Nội, ngày 27 tháng 05 năm 2014

 

Kính gửi:

- Bộ Tài chính;
- Tổng cục Hải quan

Bộ Công Thương nhận được công văn số 674/TCHQ-TXNK ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương cho ý kiến về một số vướng mắc phát sinh trong quá trình áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng dầu thực vật nhập khẩu vào khu kinh tế cửa khẩu.

Ngoài ra, sau khi ban hành Quyết định số 5987/QĐ-BCT ngày 23 tháng 8 năm 2013 về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm dầu thực vật và Quyết định số 9990/QĐ-BCT ngày 25 tháng 12 năm 2013 về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đều đã nhận được một số câu hỏi của các doanh nghiệp liên quan đến thời hạn nộp thuế và cơ chế hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu chịu thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ.

Để có hướng xử lý các vấn đề nêu trên, ngày 16 tháng 4 năm 2014 Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với một số đơn vị liên quan của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ Công Thương.

Do việc áp dụng Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là thuộc phạm vi chức năng, quyền hạn của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương xin trao đổi với Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan về một số vấn đề có liên quan tới áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế tự vệ như sau:

1. Về mối liên hệ giữa thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ (thuế phòng vệ thương mại) với thuế nhập khẩu

Điều 11, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2005 quy định về các loại thuế phòng vệ thương mại như sau:

"Ngoài việc chịu thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này, hàng hóa nhập khẩu còn phải áp dụng một trong các biện pháp về thuế sau đây:

1. Tăng mức thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu quá mức vào Việt Nam theo quy định của pháp luật về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam;

2. Thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định của pháp luật về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam;

3. Thuế chống trợ cấp đối với hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định của pháp luật về chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam;…"

Như vậy, theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2005, việc áp dụng các loại thuế phòng vệ thương mại sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tự vệ, chống bán phá giá và chống trợ cấp. Trong khi đó, pháp luật về tự vệ, chống bán phá giá và chống trợ cấp quy định như sau:

- Khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh 42/2002/PL-UBTVQH10 về biện pháp tự vệ quy định:

"Các biện pháp tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam bao gồm: 1. Tăng mức thuế nhập khẩu; 2. Áp dụng hạn ngạch nhập khẩu; 3. Áp dụng các biện pháp khác do Chính phủ quy định".

Theo quy định này, nếu biện pháp tự vệ được thực hiện dưới hình thức thuế thì đó là thuế nhập khẩu (tăng mức thuế nhập khẩu).

- Khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh 20/2004/PL-UBTVQH11 về biện pháp chống bán phá giá và khoản 3 Điều 2 Pháp lệnh 22/2004/PL-UBTVQH11 về biện pháp chống trợ cấp quy định:

"Thuế chống bán phá giá là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước".

"Thuế chống trợ cấp là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước".

Theo các quy định này, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp cũng là thuế nhập khẩu, bổ sung cho mức thuế nhập khẩu hiện hành.

2. Hướng xử lý các vấn đề phát sinh trong việc áp dụng thuế phòng vệ thương mại

Các quy định của pháp luật như đã nêu trên cho thấy thuế tự vệ, chống bán phá giá và chống trợ cấp đều được coi là thuế nhập khẩu (bổ sung hay tăng thêm). Vì vậy, theo quan điểm của Bộ Công Thương, việc áp dụng các loại thuế này trong một số trường hợp có liên quan (như đối với hàng hóa nhập khẩu vào khu kinh tế cửa khẩu, nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, hàng hóa đưa từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác, hàng hóa là nguyên vật liệu sản xuất hàng xuất khẩu v..v) cần được thực hiện như với thuế nhập khẩu theo quy định của Luật Thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Trên đây là ý kiến của Bộ Công Thương về hướng xử lý một số vấn đề phát sinh trong việc áp dụng thuế phòng vệ thương mại. Xin kính chuyển Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan tham khảo, xử lý theo thẩm quyền./.

 


Nơi nhận:

- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các đ/c Thứ trưởng;
- Cục XNK, Vụ CNN, Vụ PC;
- Lưu: VT, QLCT (02)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quốc Khánh