Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6385/TCHQ-GSQL
V/v vướng mắc thực hin Thông tư số 191/2015/TT-BTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 2017

 

Kính gửi:

- Cục Hải quan thành phố Hà Nội;
- Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng cục Hải quan nhận được vướng mắc của các đơn vị khi triển khai thực hiện Thông tư số 191/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 của Bộ Tài chính. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Chuyển luồng đối với tờ khai trị giá thấp (MIC/MEC)

Về ý kiến chỉ phân luồng xanh và đỏ đối với tờ khai MIC/MEC (hàng hóa thuộc nhóm 2, bỏ phân luồng vàng - kiểm tra hồ sơ) vì tỷ lệ luồng vàng đối với tờ khai MIC/MEC thấp (khoảng 2% đối với tờ khai MIC, dưới 1% đối với tờ khai MEC), khi tờ khai được phân luồng vàng, doanh nghiệp chuyển phát nhanh phải xuất trình hồ sơ theo quy định để cơ quan hải quan kiểm tra chi tiết, hồ sơ xuất trình cho cơ quan hải quan chỉ bao gồm vận đơn, hóa đơn thương mại (nếu có) với các thông tin như đã khai báo trên tờ khai nên qua kiểm tra sẽ không phát hiện được gì dẫn đến việc kiểm tra không hiệu quả:

Đối với hàng hóa được phân nhóm 2 khi được phân luồng vàng thực hiện kiểm tra hồ sơ là việc kiểm tra vận tải đơn (hàng xuất khẩu không phải kiểm tra vận đơn) và hóa đơn thương mại (nếu có). Việc kiểm tra sự phù hợp của vận tải đơn, hóa đơn thương mại so với các thông tin của doanh nghiệp chuyển phát nhanh khai báo để đánh giá được sự phù hợp, chính xác của hồ sơ với việc khai báo của doanh nghiệp chuyển phát nhanh là cần thiết. Trong các trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm hoặc có sự không phù hợp thì thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa. Vì vậy, vẫn thực hiện phân luồng vàng đối với hàng hóa có trị giá thấp.

2. Bổ sung chức năng phản hồi thông tin cho doanh nghiệp qua hệ thống VNACCS/VCIS đối với tờ khai trị giá thấp (MIC/MEC)

Về việc bổ sung thêm Tab chỉ thị trên hệ thống VNACCS/VCIS đối với tờ khai trị giá thấp thuộc luồng vàng, đỏ để cơ quan hải quan chỉ thị cho doanh nghiệp:

Vướng mắc trên thuộc về vướng mắc hệ thống nên chưa thể khắc phục được trong thời gian trước mắc, vì vậy, đối với tờ khai luồng vàng và luồng đỏ công chức hải quan sử dụng phiếu yêu cầu nghiệp vụ để phản hồi cho doanh nghiệp chuyển phát nhanh thực hiện xuất trình hồ sơ, hàng hóa cho cơ quan hải quan.

3. Khai báo đơn vị tính đối với tờ khai trị giá thấp MIC/MEC

Về việc vướng mắc do tờ khai trị giá thấp chỉ có thông tin khai báo đơn vị tính gói/kiện không có thông tin đơn vị tính cái/ chiếc/ kg, thông thường, đơn giá hàng hóa trong Invoice hoặc chứng từ vận tải là đơn giá của 1 cái/chiếc/Kg điều này gây khó khăn cho việc khai báo và xác định trị giá của doanh nghiệp khi khai trên tờ khai trị giá thấp:

Yêu cầu công chức hải quan căn cứ trên các thông tin số lượng gói/ kiện, tổng trọng lượng hàng hóa, trị giá tính thuế (hoặc trị giá hóa đơn) để xác định trị giá của hàng hóa. Trong trường hợp có nghi ngờ thì chuyển kiểm tra thực tế hàng hóa.

4. Vướng mắc về thống kê tờ khai trên hệ thống V5- Customs

Trên hệ thống V5- Customs chưa cho phép thống kê số lượng tờ khai nhập riêng, xuất riêng theo tỷ lệ phân luồng 1, 2, 3 (tương ứng xanh, vàng, đỏ) và thống kê theo Mã Đại lý Hải quan (thay vì Mã doanh nghiệp). Điều này gây khó khăn trong việc phân tích, thống kê và khai thác dữ liệu tờ khai tại Chi cục.

Tổng cục Hải quan ghi nhận vướng mắc trên để sửa đổi hệ thống.

5. Lãnh đạo Chi cục không nhìn thấy tờ khai vận chuyển độc lập để phân công công chức thực hiện

Trên giao diện màn hình phân công của lãnh đạo chi cục (thông qua lệnh CES) không thấy được tổng quát các tờ khai doanh nghiệp đăng ký để chọn phân công công chức đăng ký duyệt hồ sơ mà phải phân công theo thủ công từng số tờ khai cụ thể do doanh nghiệp nộp xuất trình hoặc gọi điện thoại thông báo cho lãnh đạo hải quan mới biết số tờ khai của doanh nghiệp được tiếp nhận mà phân công.

Vướng mắc trên chỉ khắc phục được khi thực hiện nâng cấp hệ thống, vì vậy, trong thời gian chờ khắc phục hệ thống yêu cầu các đơn vị gặp phải vướng mắc nêu trên cần chủ động tổ chức dây chuyền tiếp nhận tờ khai đảm bảo doanh nghiệp không gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hải quan, thông báo tại địa điểm làm thủ tục hải quan thông tin về công chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, rà soát các tờ khai theo phản ánh của doanh nghiệp.

6. Vướng mắc khai báo tờ khai vận chuyển độc lập đối với hàng xuất khẩu và hàng hóa lạc tuyến quốc tế

Theo quy định tại khoản 1, điều 12 thông tư 191/2015/TT-BTC, hàng hóa lạc tuyến quốc tế thì phải đăng ký tờ khai vận chuyển độc lập. Thực tế các doanh nghiệp chuyển phát nhanh khi xuất hàng phải gom, đóng gói tất cả các lô hàng đã hoàn thành thủ tục hải quan, trong đó có lô hàng hóa lạc tuyến quốc tế thành 01 bill master và theo thông tư 191/2015/TT-BTC sẽ khai báo tờ khai vận chuyển độc lập để bàn giao cho hải quan giám sát cửa khẩu xuất xuất tiếp theo quy định. Do đó sẽ phát sinh 01 bill master sẽ mở 02 tờ khai vận chuyển độc lập khác nhau: tờ khai vận chuyển độc lập đối với hàng lạc tuyến và tờ khai vận chuyển độc lập đối với hàng hóa xuất khẩu nên gây trùng lắp và khó khăn cho doanh nghiệp, hải quan giám sát khi khai báo và giám sát, theo dõi hàng hóa.

Căn cứ vào quy định tại Điều 12, Điều 17 Thông tư số 191/20T5/TT-BTC thì hàng hóa lạc tuyến (hàng hóa từ nước này lạc tuyến sang nước khác) và hàng hóa xuất khẩu có cùng địa điểm xuất hàng (cảng xuất hàng) được khai báo trên một tờ khai vận chuyển độc lập.

Tổng cục Hải quan trả lời để Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh và Cục Hải quan thành phố Hà Nội biết và triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục CNTT&TKHQ;
- Vụ Pháp chế, Cục Thuế XNK;
- Lưu: VT, GSQL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG





Vũ Ngọc Anh