Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6488/TCHQ-GSQL
V/v thủ tục hải quan hàng hóa quá cảnh có thay đổi phương tiện vận tải

Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2017

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Dương, Tây Ninh.

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 05/CV-VCQT ngày 01/9/2017 của Công ty TNHH Thương mại và vận chuyển quốc tế Việt Trung đề nghị hướng dẫn thủ tục hải quan và giám sát hải quan đối với hàng quá cảnh có thay đổi phương tiện vận chuyển từ đường sắt sang đường bộ (gửi kèm). Về việc này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Về việc chuyển tải hàng hóa quá cảnh:

Thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 64 Luật Hải quan năm 2014tiết d Khoản 6 Điều 43 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ, theo đó người khai hải quan phải thông báo và được sự đồng ý của cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu trước khi thực hiện việc chuyển tải hàng hóa quá cảnh.

2. Về tuyến đường vận chuyển:

Thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 16/2017/TT-BGTVT ngày 22/5/2017 của Bộ Giao thông vận tải về tuyến đường vận chuyển quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, tuyến đường bộ thực hiện theo Phụ lục I, tuyến đường sắt thực hiện theo Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Về công tác giám sát hàng hóa quá cảnh:

a) Chi cục Hải quan cửa khẩu ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng:

Khi người khai hải quan có văn bản thông báo về kế hoạch chuyển tải, chia tách lô hàng, thay đổi phương thức vận tải hàng hóa, Chi cục Hải quan nghiên cứu, thông báo, trao đổi với Chi cục Hải quan ga đường sắt quốc tế Yên Viên và Chi cục Hải quan nơi được giao nhiệm vụ giám sát hàng hóa quá cảnh để xem xét, trả lời người khai hải quan về việc chấp thuận hay không chấp thuận kế hoạch này. Đối với hàng hóa quá cảnh không thể niêm phong hải quan thì không chấp thuận việc chuyển tải, thay đổi phương thức vận tải.

Khi chấp thuận kế hoạch của doanh nghiệp, Chi cục Hải quan thực hiện kiểm tra hồ sơ hải quan, niêm phong hàng hóa, xác nhận trên Thông báo phê duyệt khai báo vận chuyển và trên Bản kê hàng hóa, đăng ký thông tin khởi hành (BOA) và các công việc khác theo quy trình nghiệp vụ hướng dẫn tại Quy trình 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2015 của Tổng cục Hải quan. Trong đó lưu ý, trước khi thực hiện nghiệp vụ BOA, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng thông báo bằng bản fax về kế hoạch chuyển tải, thay đổi phương thức vận tải của lô hàng cho Chi cục Hải quan cửa khẩu ga đường sắt quốc tế Yên Viên và các Chi cục Hải quan được Cục Hải quan bố trí thực hiện nhiệm vụ giám sát hàng hóa tại các ga đường sắt nơi dự kiến thực hiện việc thay đổi phương thức vận tải của lô hàng để tổ chức kiểm tra, giám sát.

b) Chi cục Hải quan cửa khẩu ga đường sắt quốc tế Yên Viên:

Khi nhận được thông báo của Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng, Chi cục Hải quan cửa khẩu ga đường sắt quốc tế Yên Viên căn cứ tình hình thực tế và kế hoạch của doanh nghiệp thực hiện việc giám sát hàng hóa trong quá trình chuyển tải sang phương tiện vận tải đường sắt khác để tiếp tục vận chuyển đến địa điểm khác.

c) Chi cục Hải quan nơi được giao nhiệm vụ thực hiện việc giám sát hàng hóa tại ga đường sắt nơi dự kiến thực hiện việc thay đổi phương thức vận tải của lô hàng:

Khi nhận được thông báo của Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng, Chi cục Hải quan được Cục Hải quan bố trí thực hiện nhiệm vụ giám sát hàng hóa căn cứ tình hình thực tế và kế hoạch của doanh nghiệp thực hiện việc giám sát hàng hóa, cụ thể:

- Căn cứ thông tin hàng hóa trên Thông báo phê duyệt khai báo vận chuyển và Bản kê hàng hóa có xác nhận của Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng, kiểm tra số hiệu container, số hiệu niêm phong hải quan, tình trạng niêm phong hải quan, giám sát việc container hạ bãi và xếp lên phương tiện vận tải đường bộ đảm bảo nguyên trạng, đủ số lượng container.

- Đối với lô hàng là hàng hóa nguyên container (còn nguyên niêm phong hải quan) thì không thực hiện việc thay đổi niêm phong, chỉ ghi số phương tiện vận chuyển mới tại ô “nội dung sửa đổi bổ sung” trên Bản kê hàng hóa và ký tên, đóng dấu công chức, ghi tên Chi cục tại ô “xác nhận sửa đổi của công chức” để xác nhận.

d) Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đến đích:

Khi hàng hóa đến điểm đích ghi trên Thông báo phê duyệt khai báo vận chuyển, công chức được phân công thực hiện việc tiếp nhận thông tin, kiểm tra tình trạng niêm phong hải quan, đối chiếu thông tin số hiệu container, số hiệu niêm phong hải quan trên Thông báo phê duyệt khai báo vận chuyển, Bản kê hàng hóa với thực tế hàng hóa vận chuyển đến, thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp có dấu hiệu nghi vấn, kiểm tra xác nhận thông tin hàng hóa đến đích (nghiệp vụ BIA) trên Hệ thống và thực hiện các trình tự thủ tục hải quan tiếp theo hướng dẫn tại Quy trình 1966/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan.

e) Đối với người khai hải quan:

- Có văn bản thông báo gửi Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng về kế hoạch chuyển tải, thay đổi phương thức vận tải đối với hàng hóa quá cảnh tại các địa điểm dự kiến. Trong đó, nêu cụ thể số lượng, trọng lượng hàng hóa, số hiệu container, số lượng phương tiện vận tải đường bộ dự kiến vận chuyển, thời gian dự kiến vận chuyển, chuyển tải, thay đổi phương thức vận tải.

- Thực hiện các thủ tục về khai báo theo quy định đối với hàng hóa quá cảnh, đảm bảo nguyên niêm phong, nguyên trạng hàng hóa và các trách nhiệm khác theo quy định hiện hành.

- Ngoài các nội dung khai báo theo quy định đối với hàng hóa quá cảnh, người khai khai báo thêm một số tiêu chí sau:

+ Tại tiêu chí “Loại hình vận tải chọn mã CT-vận chuyển có chuyển đổi phương tiện vận tải.

+ Tại ô “Ghi chú” ghi như sau: “Hàng hóa quá cảnh bằng đường sắt từ Đng Đăng đến ga đường sắt Yên Viên, được chuyển tải sang tàu hỏa khác để tiếp tục vận chuyển đến ga.….., sau đó được chuyển tải từ tàu hỏa sang ô tô để vận chuyển đến cửa khẩu….., thời gian chuyển tải dự kiến từ…. ngày..... đến ngày…..”.

Trường hợp có sửa đổi, bổ sung thông tin tại Bản kê hàng hóa sau khi lô hàng chuyển tải, thay đổi phương thức vận tải, người khai hải quan phải cập nhật sửa đổi bổ sung trên file HYS đính kèm sau khi công chức hải quan ký tên, đóng dấu, xác nhận trên Bản kê hàng hóa.

4. Tổ chức thực hiện:

Cục Hải quan nơi có ga đường sắt dự kiến thực hiện việc thay đổi phương thức vận tải (Nghệ An - ga Vinh, Hà Tĩnh - ga Quảng Trị, Quảng Bình - ga Đồng Hới, Quảng Trị - ga Đông Hà, Bình Dương - ga Sóng Thần) tiến hành đánh giá, thẩm định về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại ga đường sắt này. Trường hợp đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát hải quan tại các địa điểm này thì đề nghị các Cục Hải quan trên bố trí Chi cục Hải quan nơi thuận tiện để thực hiện việc giám sát hàng hóa thay đổi phương thức vận tải. Đồng thời thông báo cho cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu để có cơ sở xem xét, chấp thuận việc người khai hải quan chuyển tải, thay đổi phương thức vận tải tại các ga đường sắt này.

Tổng cục Hải quan có ý kiến để các đơn vị biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Công ty TNHH Thương mại và vận chuyển quốc tế Việt Trung (thay t/lời);
- Lưu: VT, GSQL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh