Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------

Số: 780TCT/PC-CS
V/v: Giải pháp vướng mắc về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế

Hà Nội, ngày 17 tháng 03 năm 2005

 

Kính gửi: Cục thuế thành phố Hà Nội

Trả lời công văn số 32246 CT/TTR1 ngày 28/12/2004 và Công văn số 693 CT/HTr ngày 21/01/2005 của Cục Thuế TP Hà Nội hỏi về những vướng mắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và lĩnh vực kế toán, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Thời điểm xác định hoàn thành hành vi trốn thuế:

Tại Điểm 3a và 3c, Mục VI, Phần A Thông tư số 41/2004/TT-BTC nêu trên hướng dẫn thời điểm xác định cá nhân, tổ chức hoàn thành hành vi trốn thuế để xử phạt về hành vi trốn thuế:

“a) Đối với các trường hợp pháp luật quy định chế độ kê khai, tạm nộp hàng tháng, quyết toán theo năm thì thời điểm cá nhân, tổ chức thực hiện nộp quyết toán thuế năm theo quy định của pháp luật về thuế là thời điểm hoàn thành việc kê khai số thuế phải nộp ….

c) Đối với các trường hợp hoàn thuế, miễn, giảm thuế là thời điểm quyết định hoàn thuế, giảm thuế, miễn thuế của cơ quan thuế có hiệu lực thi hành …”.

Theo hướng dẫn trên thì thời điểm xác định hoàn thành hành vi trốn thuế để xử phạt về hành vi trốn thuế được tính từ sau ngày hết hạn quy định phải nộp quyết toán thuế GTGT năm hoặc tính từ thời điểm quyết định hoàn thuế, giảm thuế, miễn thuế của cơ quan thuế có hiệu lực thi hành.

2. Việc xử lý thuế GTGT sau kiểm tra hoàn thuế:

Tại Điểm 3, Mục I, Phần E Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính quy định: “Cơ sở kinh doanh có hành vi gian lận trong kê khai khấu trừ thuế, hoàn thuế không được khấu trừ, hoàn thuế đối với số thuế GTGT kê khai gian lận; trường hợp đã được cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế thì cơ quan thuế phải thu hồi số thuế gian lận đã hoàn; số thuế GTGT của hồ sơ đề nghị hoàn thuế sau khi đã loại trừ số thuế GTGT kê khai gian lận, cơ sở kinh doanh phải kết chuyển sang kỳ kê khai nộp thuế sau để bù trừ vào số thuế GTGT phải nộp”.

Vì vậy, khi cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ hoàn thuế của cơ sở kinh doanh, phát hiện số thuế GTGT kê khai gian lận thì không cho phép khấu trừ, hoàn số thuế gian lận. Số thuế GTGT kê khai đúng quy định được chuyển sang kỳ sau bù trừ vào số thuế GTGT phải nộp và nếu 03 tháng liên tục chưa khấu trừ hết thì được xem xét hoàn thuế theo hướng dẫn tại Điểm 1a, Mục 1, Phần D Thông tư số 120/2003/TT-BTC.

Nếu cơ sở vi phạm đã bị xử lý nhưng phải quyết toán thuế khi sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu … có số thuế GTGT chưa khấu trừ hết hoặc được hoàn thuế GTGT theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì được xem xét hoàn thuế theo hướng dẫn tại Điểm 4, Điểm 5, Mục I, Phần D Thông tư số 120/2003/TT-BTC.

3. Hiệu lực thi hành Nghị định số 100/2004/NĐ-CP:

- Nghị định số 100/2004/NĐ-CP ngày 25/2/2004 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế có hiệu lực từ ngày 18/3/2004.

- Tại Khoản 3,  Điều 29 Nghị định số 100/2004/NĐ-CP ngày 25/2/2004 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế quy định: “Những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế quy định tại Nghị định này thực hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng theo quy định tại Nghị định, trừ trường hợp các hình thức mức xử phạt quy định tại Nghị định này nhẹ hơn các hình thức, mức xử phạt đối với cùng một hành vi vi phạm đã được quy định tại Nghị định số 22/CP ngày 17 tháng 4 năm 1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế”.

Căn cứ quy định trên, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế xảy ra trước ngày Nghị định số 100/2004/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì việc xử phạt được áp dụng theo các quy định của văn bản trước đó, trừ trường hợp Nghị định số 100/2004/NĐ-CP quy định hình thức mức xử phạt áp dụng đối với hành vi đó nhẹ hơn thì áp dụng theo quy định của Nghị định số 100/2004/NĐ-CP.

4. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán:

Điều 21 Nghị định số 185/2004/NĐ-CP ngày 04/11/2004 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán không quy định thẩm quyền xử phạt của cán bộ thuế, thanh tra thuế đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.

Vì vậy, cán bộ thi hành công vụ phát hiện đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán nhưng không dẫn đến trốn thuế thì phải lập hồ sơ trình thủ trưởng cơ quan phụ trách làm thủ tục chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 185/2004/NĐ-CP để xử lý; Trường hợp hành vi vi phạm dẫn đến trốn thuế thì xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế theo quy định tại Nghị định số 100/2004/NĐ-CP.

5. Về các kiến nghị về cơ chế chính sách: Tổng cục Thuế ghi nhận để tiếp tục nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, xử lý.

Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế được biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VP (HC), PCCS

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phạm Duy Khương