Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 2020

 

HƯỚNG DẪN

CÔNG TÁC HỢP TÁC QUỐC TẾ VÀ TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP NĂM 2020

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 17/12/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2020 và Kế hoạch số 01/KH-VKSTC ngày 20/12/2019 về công tác trọng tâm của VKSND tối cao năm 2020, VKSND tối cao (Vụ 13) hướng dẫn công tác hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp năm 2020 như sau:

1. Công tác hợp tác quốc tế

1.1. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về pháp luật, đặc biệt là Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 09/12/2009 của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 21/7/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài, Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 272-QĐ/TW ngày 21/01/2015 của Bộ Chính trị khóa XI; Hướng dẫn số 05-HD/BĐNTW ngày 26/3/2019 của Ban Đối ngoại trung ương thực hiện Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 272-QĐ/TW và Kết luận số 33-KL/TW ngày 27/7/2018 của Bộ Chính trị khóa XII; thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại ban hành theo Quyết định số 37/QĐ-VKSTC ngày 25/01/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao, Quy định quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 202/QĐ-VKSTC-HTQT&TTTPHS ngày 16/5/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao và các quy chế, quy định liên quan đến hoạt động hợp tác quốc tế của ngành Kiểm sát nhân dân. Việc thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, thiết thực và tiết kiệm.

1.2. Triển khai thực hiện các Thỏa thuận hợp tác đã ký bảo đảm hiệu quả, thiết thực, bền vững; đẩy mạnh ký kết các Thỏa thuận hợp tác với các nước, đối tác mới có tiềm năng, thiện chí. Các hoạt động hợp tác tập trung vào lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ Kiểm sát; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm tham nhũng, tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tăng cường thúc đẩy, mở rộng hiệu quả hợp tác song phương từ các diễn đàn hợp tác quốc tế đa phương.

1.3. Tổ chức thành công Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước ASEAN - Trung Quốc lần thứ 13 tại Hà Nội.

1.4. Tổ chức hiệu quả chương trình đoàn ra, đoàn vào cấp cao năm 2020 đã được Chủ tịch nước phê duyệt.

2. Công tác tương trợ tư pháp về hình sự

2.1. Công tác lập, gửi yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự cho nước ngoài để đề nghị thực hiện; xem xét tiếp nhận, thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của nước ngoài thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật tương trợ tư pháp năm 2007, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản pháp luật có liên quan. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần tổng hợp, báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao (thông qua Vụ 13) để được hướng dẫn.

2.2. Việc tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án để yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 28 Luật tương trợ tư pháp năm 2007 thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BNG ngày 16/8/2013. Việc xử lý yêu cầu của nước ngoài về truy cứu trách nhiệm hình sự công dân Việt Nam tại Việt Nam và giải quyết yêu cầu cung cấp quyết định pháp lý cuối cùng trong vụ án do nước ngoài chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 29 Luật tương trợ tư pháp năm 2007 tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 1918/VKSTC-HTQT ngày 15/6/2012 của VKSND tối cao và quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về thủ tục giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2.3. Tương trợ tư pháp giữa các tỉnh có chung đường biên giới với Lào tiếp tục thực hiện thực hiện theo Hướng dẫn số 19/HD-VKSTC-HTQT ngày 24/7/2012 của VKSND tối cao.

2.4. Tương trợ tư pháp giữa các tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc thực hiện theo Hướng dẫn số 38/HD-VKSTC ngày 24/12/2019 của VKSND tối cao về lập yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc.

2.5. Việc lập hồ sơ ủy thác tư pháp về hình sự gửi nước ngoài cần lưu ý:

- Quá trình giải quyết vụ án hình sự ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, nếu thấy cần thiết phải thu thập chứng cứ, tài liệu từ nước ngoài, cần chủ động, kịp thời yêu cầu, phối hợp với cơ quan điều tra lập hồ sơ ủy thác tư pháp về hình sự theo quy định của pháp luật.

- Nội dung hồ sơ ủy thác tư pháp thực hiện theo đúng quy định tại các Điều 18, 19 Luật tương trợ tư pháp năm 2007, Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước và Mẫu văn bản ủy thác theo hướng dẫn của VKSND tối cao (Vụ 13). Văn bản ủy thác cần nêu rõ mục đích, nội dung các hoạt động ủy thác cần thực hiện; sự cần thiết phải thực hiện ủy thác để phục vụ quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án tại Việt Nam. Cần chú ý mô tả cụ thể nội dung vụ án, các tình tiết liên quan đến hành vi phạm tội; trích dẫn đầy đủ nội dung điều luật và hình phạt để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện tương trợ cho Việt Nam trong trường hợp có sự khác nhau về tội danh trong pháp luật giữa nước ta và các nước; nêu rõ thời hạn mong muốn có kết quả thực hiện tương trợ. Trường hợp đề nghị thực hiện nhiều nội dung tương trợ khác nhau thì cần mô tả chi tiết từng loại yêu cầu tương trợ.

Đối với yêu cầu thu hồi tài sản do phạm tội, đặc biệt là thu hồi tài sản tham nhũng mà có thì cần mô tả chi tiết về tài sản, nơi có tài sản cần tìm, căn cứ để xác định tài sản do phạm tội mà có đang có mặt tại nước được yêu cầu và có thể thuộc quyền tài phán của Việt Nam; mối liên hệ giữa tài sản bị yêu cầu thu hồi và hành vi phạm tội; việc thực hiện bản án, quyết định của cơ quan tố tụng có thẩm quyền đối với ủy thác về truy tìm, kê biên, phong tỏa, thu giữ, tịch thu, trả lại tài sản và nêu rõ biện pháp cần áp dụng để thu hồi tài sản.

- Theo quy định của pháp luật một số nước như Xinh-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Trung Quốc (Hồng Kông)...thì yêu cầu tương trợ tư pháp phải do Cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp hình sự của nước yêu cầu lập. Do vậy, cơ quan tiến hành tố tụng lập hồ sơ ủy thác tư pháp đề nghị nước ngoài thực hiện trong trường hợp này cần cung cấp đầy đủ thông tin để VKSND tối cao (Vụ 13) có thể lập yêu cầu tương trợ tư pháp theo mẫu pháp luật nước được yêu cầu quy định.

- Trường hợp cần thiết đề nghị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài giữ bí mật nội dung và việc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp thi cần ghi rõ trong văn bản ủy thác tư pháp; tránh việc đóng dấu các mức độ mật vào hồ sơ ủy thác tư pháp gửi đi nước ngoài.

- Hồ sơ ủy thác tư pháp lập thành 03 bộ, kèm theo bản dịch đảm bảo chất lượng theo quy định tại Điều 5 Luật tương trợ tư pháp năm 2007, gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 13) để kiểm tra tính hợp lệ và làm thủ tục chuyển cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện.

- Quá trình lập hồ sơ ủy thác tư pháp cần chủ động liên hệ với Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 13) để được hướng dẫn cụ thể.

3. Công tác dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù

Các VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp cao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong việc xem xét yêu cầu dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù theo quy định tại Luật tổ chức VKSND năm 2014 (Điều 6, 32, 33), Luật tương trợ tư pháp năm 2007 (các Điều 40, 55)Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (Điều 498 - 506).

4. Chế độ thông tin, báo cáo

4.1. Viện kiểm sát nhân dân các cấp chấp hành đầy đủ, nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 272-QĐ/TW ngày 21/01/2015 của Bộ Chính trị khóa XI; Luật tương trợ tư pháp năm 2007 và Nghị định số 92/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ; Kế hoạch số 01/KH-BCS ngày 20/01/2010 của Ban cán sự Đảng VKSND tối cao (Kế hoạch số 01) thực hiện Chỉ thị 39 CT/TW ngày 09/12/2009 của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân (Chỉ thị số 39); Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại ban hành theo Quyết định số 37/QĐ-VKSTC ngày 25/01/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao và các quy chế, quy định khác có liên quan đến công tác hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự của ngành Kiểm sát nhân dân.

Báo cáo công tác hợp tác quốc tế năm 2019 của các đơn vị theo quy định tại Chỉ thị số 39 và Kế hoạch số 01 đề nghị gửi về VKSND tối cao (Vụ 13) trước ngày 15/02/2020 để tổng hợp, xây dựng báo cáo Ban cán sự Đảng VKSND tối cao.

4.2. Các đơn vị có phát sinh hoạt động hợp tác quốc tế cần báo cáo kịp thời về VKSND tối cao (thông qua Vụ 13) để tổng hợp, xây dựng kế hoạch chung và thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hợp tác quốc tế.

Trên đây là hướng dẫn một số nội dung trọng tâm công tác hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp năm 2020, đề nghị thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao và VKSND cấp tỉnh chỉ đạo nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần liên hệ về VKSND tối cao (Vụ 13) để được hướng dẫn, giải đáp./.

 


Nơi nhận:
- Đ/c viện trưởng VKSTC (để b/cáo);
- Các đ/c Lãnh đạo VKSTC (để b/cáo);
- Các đơn vị thuộc VKSTC;
- Các VKSND cấp cao;
- VKSND các tỉnh, thành phố thuộc TW;
- Văn phòng VKSTC;
- Lãnh đạo Vụ và các phòng Vụ 13;
- Lưu VT, Vụ 13.

TL. VIỆN TRƯỞNG
PHÓ VỤ TRƯỞNG PHỤ TRÁCH
VỤ HỢP TÁC QUỐC TẾ
VÀ TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ HÌNH SỰ




Vũ Thị Hải Yến