Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 123/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 16 tháng 8 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 08-NQ/TU NGÀY 07 THÁNG 4 NĂM 2017 CỦA THÀNH ỦY CẦN THƠ VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

Căn cứ Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp;

Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 07 tháng 4 năm 2017 của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao;

Căn cứ Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 07 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc thông qua Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 07 tháng 4 năm 2017 của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cụ thể như sau:

I. Quan điểm, mục tiêu, phương hướng

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển nông nghiệp bền vững, toàn diện theo hướng đa dạng, phát huy thế mạnh từng vùng; ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng, hội nhập quốc tế theo chiều sâu và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn;

b) Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp là mục tiêu trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới;

c) Thực hiện đồng bộ trong đầu tư, kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu và ứng dụng tăng năng suất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng và khả năng cạnh tranh. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến quá trình sản xuất nông nghiệp, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững;

d) Khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực địa phương, gắn với thực hiện liên kết vùng, tiếp thu có chọn lọc thành tựu khoa học kỹ thuật trong nước và quốc tế, làm chủ công nghệ hiện đại;

đ) Huy động sự tham gia của lực lượng nghiên cứu ở các ngành, các lĩnh vực, các thành phần kinh tế, trước hết là doanh nghiệp và các tổ chức khoa học, công nghệ, thu hút nguồn đầu tư nước ngoài.

2. Mục tiêu

a) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm hàng hóa có năng suất cao, giá trị lớn, an toàn, chất lượng vượt trội và khả năng cạnh tranh cao. Góp phần đưa tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 đạt bình quân trên 3,5%/năm trở lên;

b) Hoàn thành đầu tư hạ tầng 03 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nòng cốt là các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và các tổ chức khoa học, công nghệ và đào tạo tham gia đầu tư để tạo ra công nghệ cao phục vụ nông nghiệp thành phố và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL);

c) Hình thành và phát triển 05 - 10 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hàng năm tập huấn được 500 - 1.000 lượt cán bộ kỹ thuật, nông dân về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

3. Phương hướng

a) Cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp ở trình độ cao, chất lượng cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; đảm bảo phát triển nhanh, bền vững;

b) Phát triển mạnh, đa dạng cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, phát huy lợi thế từng vùng, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo thành chuỗi giá trị khép kín. Phát triển công nghệ sinh học và cung cấp dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao; quy hoạch xây dựng vùng sản xuất giống cho các sản phẩm chủ lực của thành phố (lúa, rau quả, thủy sản, chăn nuôi);

c) Xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao có đủ năng lực nghiên cứu, thử nghiệm, trình diễn, sản xuất và cung ứng các sản phẩm và dịch vụ khoa học, công nghệ, tạo bước đột phá, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của thành phố chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa;

d) Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giữ gìn và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của nông thôn; hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020;

đ) Tăng cường nghiên cứu phát triển công nghệ cao, trọng tâm là ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp. Đẩy mạnh dịch vụ giống nông nghiệp; công nhận và đưa vào sản xuất giống cây trồng và vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt cho các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây dựng quy trình ứng dụng công nghệ mới trên từng lĩnh vực;

e) Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển liên kết, hợp tác, đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm hệ thống các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khu nông nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

II. Danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp

Căn cứ Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp cụ thể như sau:

1. Công nghệ sinh học trong nông nghiệp

a) Công nghệ lai tạo giống cấy trồng, vật nuôi, giống thủy sản có ứng dụng các kỹ thuật sinh học phân tử để tạo ra các giống cây, con mới có đặc tính ưu việt (năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu);

b) Công nghệ sinh học trong sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp và môi trường: Phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc điều hòa sinh trưởng, chế phẩm xử lý môi trường;

c) Công nghệ sinh học trong giám định, chẩn đoán bệnh hại cây trồng, vật nuôi; công nghệ sản xuất và ứng dụng các bộ KIT chẩn đoán nhanh bệnh hại cây trồng và vật nuôi; thuốc thử, que thử, đoạn mồi, kháng thể;

d) Công nghệ nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào, đột biến phóng xạ;

đ) Công nghệ tế bào động vật trong đông lạnh tinh, phôi và cấy chuyển hợp tử, phân biệt giới tính, thụ tinh ống nghiệm sản xuất giống vật nuôi;

e) Công nghệ vi sinh, enzym và protein ứng dụng sản xuất quy mô công nghiệp các chế phẩm sinh học dùng trong dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng, vật nuôi;

g) Công nghệ sinh học, công nghệ viễn thám trong quản lý và phòng trừ dịch sâu, bệnh hại cây trồng nông lâm nghiệp;

h) Công nghệ sản xuất vắc-xin thú y để phòng bệnh cho vật nuôi;

i) Công nghệ sinh học phân tử và miễn dịch học, vi sinh vật học trong phòng, trị một số loại dịch bệnh nguy hiểm đối với thủy sản.

2. Kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản

a) Ứng dụng kỹ thuật canh tác không dùng đất: Thủy canh, khí canh, trồng cây trên giá thể, màng dinh dưỡng;

b) Ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển tự động hoặc bán tự động;

c) Ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, nhà màng có hệ thống điều khiển tự động hoặc bán tự động;

d) Ứng dụng công nghệ chiếu xạ, công nghệ xử lý hơi nước nóng, công nghệ sấy lạnh, sấy nhanh trong bảo quản nông sản;

đ) Ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản và chế biến nông sản: công nghệ bao gói khí quyển kiểm soát; công nghệ bảo quản lạnh nhanh kết hợp với chất hấp thụ etylen để bảo quản rau, hoa, quả tươi; công nghệ tạo màng trong bảo quản rau, quả, thịt, trứng; công nghệ lên men, công nghệ chế biến sâu, công nghệ sinh học và vi sinh sản xuất chế phẩm sinh học và các chất màu, chất phụ gia thiên nhiên trong bảo quản và chế biến nông sản;

e) Ứng dụng công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp (ICM); công nghệ sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản an toàn theo VietGAP;

g) Ứng dụng công nghệ nuôi thâm canh, nuôi siêu thâm canh thủy sản.

3. Công nghệ tự động hóa

a) Công nghệ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch nông sản;

b) Công nghệ tự động hóa trong tưới tiêu, kết hợp dinh dưỡng trong canh tác cây trồng quy mô hàng hóa;

c) Công nghệ tự động hóa, bán tự động trong quá trình chăn nuôi quy mô công nghiệp, thâm canh nuôi trồng thủy sản, trồng trọt.

4. Công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp

a) Công nghệ nano trong sản xuất các chế phẩm nano như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm dinh dưỡng cho cây trồng vật nuôi;

b) Công nghệ sản xuất giá thể, vật tư nông nghiệp, chất bảo quản, màng bảo quản, màng phủ nông nghiệp, vật liệu phụ trợ cho hệ thống nhà màng, hệ thống nhà kính, hệ thống tưới;

c) Công nghệ biến tính gỗ, công nghệ sấy sinh thái, công nghệ ngâm, tẩm để bảo quản gỗ; công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm bảo quản, chế phẩm chống mối, mọt thế hệ mới cho sản phẩm gỗ; công nghệ sản xuất các màng phủ thân thiện với môi trường cho sản phẩm gỗ;

d) Công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa nhằm tiết kiệm nguyên liệu, thời gian và nâng cao hiệu quả sử dụng gỗ;

đ) Công nghệ dự báo, tích trữ và khai thác nguồn nước; công nghệ trữ nước để cung cấp nước ổn định, hiệu quả phục vụ đa mục tiêu;

e) Công nghệ thi công công trình thủy lợi; công nghệ lọc và cấp nước ngọt cho các vùng đất nhiễm mặn, ven biển, hải đảo;

g) Công nghệ vật liệu mới, giải pháp kết cấu mới, thiết bị mới phục vụ thi công công trình thủy lợi;

h) Công nghệ xử lý nước thải và vệ sinh môi trường nông thôn;

i) Công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý phục vụ quản lý, điều hành công trình thủy lợi, khai thác nguồn lợi hải sản, vùng nuôi trồng thủy sản, giám sát và đánh giá mùa màng.

III. Nội dung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

1. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp

a) Xây dựng vùng lúa chất lượng cao liên kết theo cánh đồng lớn:

- Đẩy mạnh thực hiện công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học và kỹ thuật cho nông dân và các hợp tác xã (HTX) trồng lúa. Đẩy mạnh thực hiện dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững thành phố Cần Thơ (dự án VnSAT). Trong đó, tập huấn nâng cao cho 15.000 hộ nông dân đã tham gia tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và đào tạo mới cho 10.000 hộ nông dân chưa được tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”. Tập huấn lại lý thuyết cho 07 HTX đã được tập huấn kỹ thuật “1 phải 5 giảm” và tập huấn lý thuyết kết hợp với thực hành cho 23 HTX chưa được tập huấn kỹ thuật “1 phải 5 giảm”. Đồng thời, nâng cao năng lực cho hộ nông dân thông qua hoạt động học tập, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất để thực hiện tốt mô hình 1 phải 5 giảm, 1 phải 6 giảm.

- Xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP (đến năm 2018 đạt diện tích 2.000 ha, đến năm 2020 đạt diện tích 3.000 ha), vùng lúa nguyên liệu chất lượng cao; trong đó, chú trọng thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh, áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa, liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn và giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Phấn đấu nâng tỷ lệ diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao từ 80% năm 2015 lên trên 95% năm 2020. Trong đó, tập trung xây dựng vùng sản xuất giống ở 04 huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và Phong Điền. Nâng cao chất lượng, năng lực cơ sở sản xuất giống ở các vùng sản xuất lúa trọng điểm, xây dựng liên kết hợp tác trong hệ thống sản xuất cung ứng giống lúa 03 cấp của thành phố để đảm bảo nhu cầu sử dụng của địa phương và cung ứng cho các địa phương khác trong vùng ĐBSCL; đến năm 2020, diện tích lúa giống đạt 10.000 ha gieo trồng với sản lượng 50.000 tấn. Trong đó, sản lượng giống cung ứng ra ngoài thành phố 30.000 tấn (tập trung sản xuất ở vụ Thu Đông để cung ứng giống tốt cho vụ Đông Xuân).

- Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 3348/QĐ-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt đề án xây dựng hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thành phố Cần Thơ. Thực hiện khảo nghiệm tuyển chọn bộ giống lúa ngắn ngày, cao sản, chất lượng cao phục vụ sản xuất lúa hàng hóa của thành phố Cần Thơ. Xây dựng điểm trình diễn sản xuất các giống lúa có triển vọng tại các quận, huyện trọng điểm của thành phố Cần Thơ. Sắp xếp, củng cố hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa cho thành phố Cần Thơ. Tổ chức sản xuất và cung cấp giống lúa cấp nguyên chủng và cấp xác nhận theo đúng các quy định tại các cơ sở sản xuất lúa giống đủ điều kiện trong hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa của thành phố Cần Thơ. Tập huấn kỹ thuật sản xuất, chế biến, bảo quản hạt giống, cập nhật các quy định nhà nước về sản xuất kinh doanh giống lúa cho cán bộ quản lý kỹ thuật, nông dân và các cơ sở sản xuất lúa giống.

- Thực hiện liên kết viện, trường, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu lúa gạo Cần Thơ, phát triển nhãn hiệu “Gạo Cần Thơ”, phấn đấu ít nhất 01 dòng lúa Cần Thơ mới được công nhận giống chính thức (giống Quốc gia) và được cấp ít nhất 01 văn bằng bảo hộ giống lúa mới.

b) Xây dựng vùng rau an toàn gắn với nhu cầu thị trường:

- Ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới trong nông nghiệp vào các điều kiện cụ thể của thành phố. Góp phần nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân thành phố ngang bằng với trình độ tiên tiến của các trung tâm, thành phố lớn trong cả nước. Đến năm 2020, tạo bước chuyển biến về nhận thức của nông dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào thực tiễn sản xuất như: Áp dụng giống lai có năng suất cao, chất lượng tốt cho mỗi loại cây trồng, áp dụng quy trình thâm canh tổng hợp (IPM) và quy trình VietGAP trên rau, quả tươi.

- Xây dựng và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh rau, quả tươi của thành phố. Từng bước xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa trên một số sản phẩm rau, quả tươi với năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao; đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn nhà nước quy định. Góp phần nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố phát triển theo định hướng chung của cả nước.

- Vận động nông dân tổ chức 75 mô hình liên kết sản xuất chuyên canh rau; mỗi mô hình 10 ha với 25 - 30 hộ tham gia, vùng sản xuất rau, quả tươi, chuyên canh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 750 ha. Ứng dụng giống lai có năng suất, chất lượng cao, áp dụng quy trình thâm canh tổng hợp (IPM) và quy trình VietGAP trên rau, quả tươi, để nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân. Tập trung triển khai thực hiện trên địa bàn có lợi thế như quận: Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt, Ô Môn và huyện Phong Điền.

- Đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản, tạo động lực cho sản xuất phát triển bền vững.

c) Xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị, ven đô thị:

- Mô hình sản xuất sinh vật cảnh: Hình thành các mô hình liên kết sản xuất sinh vật cảnh theo mô hình nông nghiệp đô thị, ven đô thị phục vụ thị trường tiêu thụ tại địa phương; tạo ngành nghề mới cho nông dân nội thị có diện tích sản xuất nhỏ. Trong đó, ứng dụng các giống mới, giống lai F1; áp dụng quy trình thâm canh tổng hợp và công nghệ sinh học để đạt hiệu quả cao, tăng thu nhập cho nông dân; xây dựng vùng chuyên canh sản xuất sinh vật cảnh, hướng tới đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Thực hiện trên địa bàn quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, và huyện Phong Điền với quy mô 30 mô hình (mỗi mô hình 2 ha với 25 - 30 hộ) liên kết hợp tác sản xuất. Các hộ dân được tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống sinh vật cảnh, vật tư sản xuất và tổ chức hội thảo tham quan cho nông dân tham gia mô hình.

- Phát triển vùng chuyên canh hoa kiểng:

Hình thành vùng sản xuất hoa kiểng chuyên canh theo hướng tập trung làng nghề, nông nghiệp đô thị, ven đô thị phục vụ thị trường tiêu thụ tại địa phương và góp phần tăng thu nhập cho nông dân vùng ven đô thị có quy mô diện tích đất ít. Dự kiến đưa diện tích trồng hoa, cây cảnh của thành phố đến năm 2020 đạt 200 - 300 ha với địa bàn phân bố tập trung nhiều ở các khu vực mới đô thị hóa và khu vực ven đô thị, nhất là các khu vực sản xuất hoa kiểng truyền thống như: HTX hoa kiểng Bình Minh, Mãn Thanh, Thới Nhật (quận Ninh Kiều); khu vực Bình Chánh, Bình Phó (quận Bình Thủy); phường: Thốt Nốt, Trung Kiên (quận Thốt Nốt); các xã dọc theo đường tỉnh 923, đường huyện 28 (huyện Phong Điền).

Sử dụng giống hoa có năng suất, chất lượng cao, áp dụng quy trình thâm canh tổng hợp (IPM), công nghệ sinh học trên hoa kiểng để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Phối hợp với các viện, trường trong việc lai tạo, nhân giống các loài hoa mới phục vụ cho việc xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hoa kiểng, đăng ký tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng, có nhãn hiệu hàng hóa. Bước đầu, thực hiện trên quy mô diện tích 60 ha (mỗi mô hình 01 - 02 ha, số hộ tham gia 25 - 30 hộ). Triển khai 30 mô hình ở các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và huyện Phong Điền. Tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống, vật tư sản xuất và tổ chức hội thảo tham quan cho nông dân tham gia mô hình; đăng ký tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng, có nhãn hiệu hàng hóa. Trong đó, thực hiện các mô hình sản xuất hoa, cây kiểng chủ lực có thể phát triển, bao gồm:

+ Mô hình sản xuất hoa cao cấp, chủ yếu là hoa lan giỏ và lan cắt cành.

+ Mô hình sản xuất hoa trên liếp, bao gồm các loại cây chính là vạn thọ, mào gà búa lùn, mào gà hai màu, móng tay, sáo nháy, nở ngày,...

+ Mô hình sản xuất hoa trong bịch, bao gồm chủng loại cây chính là cúc lá nhám, cúc tần ô, chuồn lùn, dừa cạn, hàm chó.

+ Mô hình sản xuất hoa trong chậu, bao gồm chủng loại cây chính là cúc lá nhám, thúy, nở ngày, chuồn lùn, mồng gà.

+ Mô hình sản xuất hoa trong giỏ, bao gồm chủng loại cây chính là mào gà búa cao, thúy, dừa cạn, cúc lá nhám, tiểu hoa, flox.

+ Mô hình sản xuất cây kiểng thông thường, bao gồm chủng loại cây chính là mai vàng, croton, lá trắng, kiểm gấm, tai tượng, thu hải đường, môn các loại, muồn bông vàng, thông thiên, móng bò, đại tướng quân, cau các loại, trắc, tùng bạch đàn, tùng la hán, sứ, bông giấy.

+ Mô hình cây cảnh, cây tạo hình (bonsai), bao gồm các chủng loại chính là các loại cau (cau lùn, cau trắng, cau xanh, cau bụng), trắc, thông ngoại, kê nhật, phát đủ, huyết đụ; các loại kiểng cổ thụ, mai chiếu thủy, kim quýt, cùm rụm; tre, trúc kiểng các loại, cây côn dương, tùng bách tán, thiên tuế, thiết mộc lan, đại tướng quân; các loại cây trổ hoa, muồng bông vàng, thông thiên, liêu tử, sứ ngọc lan, sứ cùi, chuối trổ, bông giấy,...

d) Phát triển vùng cây ăn trái đặc sản kết hợp du lịch sinh thái:

- Xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp: Phát triển vùng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, đạt phẩm chất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các quận: Cái Răng, Bình Thủy và huyện Phong Điền, Thới Lai. Xây dựng 50 mô hình liên kết hợp tác sản xuất (20 - 25 hộ/mô hình) chuyên canh cây ăn trái kết hợp xây dựng điểm tham quan và du lịch sinh thái nông nghiệp. Ứng dụng kỹ thuật nâng cấp chỉnh trang 100 điểm vườn theo kiểu du lịch sinh thái.

- Nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất giống cây ăn trái: Tuyển chọn và công nhận một số giống cây ăn trái đầu dòng như cam sành, cam soàn, cam mật, bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, mãng cầu xiêm,...cung ứng cho thành phố và các tỉnh lân cận. Nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất giống cây ăn trái của Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; lưu giữ nguồn giống cây ăn trái nhằm bảo tồn và cung ứng nguồn nhân giống, thực hiện liên kết với các viện, trường trong chuyển giao, sản xuất giống cây ăn trái chất lượng cao.

đ) Phát triển vùng chăn nuôi liên kết đảm bảo an toàn sinh học:

- Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ cho các đối tượng nuôi chính (heo, gà, vịt):

+ Xây dựng liên kết sản xuất trong chăn nuôi nhằm giảm thiểu chăn nuôi nhỏ lẻ và tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các tổ sản xuất có uy tín trên địa bàn thành phố. Thực hiện tuyên truyền về lợi ích của chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đồng thời làm nhịp cầu gắn kết giữa các nhà sản xuất.

+ Xây dựng 20 mô hình chăn nuôi khép kín từ khâu thức ăn, sản xuất con giống, quy trình chăn nuôi đến giết thịt gia súc, gia cầm. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, tổ chức các cuộc hội thảo giữa các nhà quản lý, nhà sản xuất, nhà nghiên cứu để trao đổi kiến thức về sản xuất và quản lý trong chăn nuôi. Giai đoạn 2017 - 2020 tổ chức 14 lớp tập huấn hướng dẫn về quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trừ một số bệnh thông thường, hướng dẫn quản lý đàn và trại chăn nuôi, hướng dẫn xử lý môi trường, xử lý chất thải, vệ sinh thú y và chương trình quản lý sức khỏe gia súc, gia cầm,…

+ Ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, giúp các hộ nuôi áp dụng kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, ngăn ngừa và giảm thiểu các mối nguy ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Giai đoạn đến năm 2020, tổ chức 15 lớp tập huấn (04 lớp/năm) và xây dựng 150 mô hình chăn nuôi an toàn sinh học; xây dựng 225 mô hình ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo thịt, gà thịt và vịt thịt.

- Xây dựng mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP:

+ Tăng cường áp dụng thực hành chăn nuôi tốt theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đảm bảo các đối tượng nuôi chính (heo, gà, vịt) được nuôi dưỡng đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và nguồn gốc sản phẩm rõ ràng.

+ Giai đoạn 2017 - 2020, tổ chức 112 lớp tập huấn (28 lớp/năm), về các kỹ thuật chăn nuôi và tiêu chuẩn VietGAP cho cán bộ làm công tác chuyên môn và hộ chăn nuôi. Cấp phát tờ rơi, tài liệu về thực hành chăn nuôi tốt theo tiêu chuẩn VietGAP 20.000 tờ/năm. Hỗ trợ xây dựng 25 mô hình chăn nuôi heo, gà, vịt theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn toàn thành phố. Phối hợp với các đơn vị truyền thông thực hiện 02 chuyên đề/năm về tuyên truyền lợi ích và hướng dẫn thực hành chăn nuôi tốt theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ chăn nuôi tại địa phương.

- Hỗ trợ xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh:

+ Xây dựng cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn đối với một số dịch bệnh nguy hiểm, tạo sản phẩm chăn nuôi có chất lượng cao cung cấp cho thị trường. Tuyên truyền, vận động các cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và lớn xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Tập huấn phổ biến các kiến thức về xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi.

+ Tổ chức 05 hội thảo (01 hội thảo/năm) tuyên truyền, vận động các cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và lớn xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Hàng năm, tổ chức 10 lớp tập huấn phổ biến các kiến thức về xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi. Thực hiện công tác tuyên truyền (4.000 tờ bướm/năm) về lợi ích của việc xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh. Hỗ trợ xây dựng 20 cơ sở an toàn dịch bệnh.

- Phát triển giống vật nuôi:

+ Tăng cường tập huấn về những tiến bộ kỹ thuật và công tác quản lý giống. Hỗ trợ xây dựng các cơ sở nuôi giữ và nhân giống ông, bà để cung cấp giống bố, mẹ cho cơ sở sản xuất giống. Xây dựng nhãn hiệu sản phẩm cho các cơ sở cung cấp giống đạt chất lượng tốt.

+ Tạo được nguồn tinh giống có chất lượng cho chăn nuôi gia súc; tuyển chọn được những giống gia cầm phù hợp với địa phương, đồng thời ứng dụng nhanh và đồng bộ những tiến bộ kỹ thuật vào công tác giống gia cầm. Trong năm 2017 - 2018 sẽ đầu tư xây dựng 03 cơ sở nuôi giữ và nhân giống ông, bà để cung cấp giống bố, mẹ cho các cơ sở sản xuất giống. Năm 2019, sẽ cung cấp khoảng 40% đàn giống bố, mẹ đạt tiêu chuẩn chất lượng. Sau năm 2020, sẽ đáp ứng được 80% đàn giống bố, mẹ theo tiêu chuẩn giống. Số lượng giống cho từng đối tượng đến năm 2020 như sau: 120.000 con heo giống, 1.700.000 con gà giống, 1.200.000 con vịt giống.

e) Phát triển vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn chất lượng:

+ Xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi thủy sản thâm canh, chuyên canh ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy phạm thực hành nuôi thủy sản tốt GAP đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và truy xuất được nguồn gốc. Củng cố, xây dựng hệ thống sản xuất các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao (cá tra, cá rô phi, tôm càng xanh, các đối tượng thủy đặc sản). Trong đó, tập trung tổ chức lại sản xuất cá tra theo hướng hình thành các tổ chức liên kết sản xuất để phát triển đúng theo quy hoạch, theo tiêu chuẩn quy định đảm bảo vệ sinh môi trường; được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản của thành phố cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến và xuất khẩu theo Nghị định số 55/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra;

+ Thực hiện nghiên cứu và sản xuất đại trà các loại giống thủy sản đặc trưng của vùng trên cơ sở vận hành Trung tâm Giống thủy sản cấp I của thành phố; hoàn thiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị và tăng cường nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ nghiên cứu và sản xuất tại Trung tâm. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình,.. .tham gia đầu tư sản xuất giống, cung ứng con giống chất lượng cao cho người nuôi.

- Phát triển vùng chuyên canh cá tra:

+ Ứng dụng khoa học và công nghệ mới trong lĩnh vực nuôi cá tra, xây dựng vùng ương và nuôi cá tra tập trung phù hợp với Quy hoạch nuôi, chế biến cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020 theo Quyết định 3885/QĐ-BNN-TCTS ngày 11 tháng 9 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thành phố tiếp tục thúc đẩy phát triển nuôi cá tra xuất khẩu; sử dụng hợp lý có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nâng tỷ trọng ngành thủy sản, đồng thời cải thiện thu nhập của người dân.

+ Xây dựng vùng công nghiệp sản xuất giống cá tra tập trung trên địa bàn huyện Cờ Đỏ với quy mô 200 ha và vùng nuôi cá tra thương phẩm với tổng diện tích 100 ha tại khu vực phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt. Kết hợp phổ biến các quy trình về kỹ thuật ương và nuôi cá tra chuyên canh tới người dân thông qua các khóa tập huấn và tài liệu khuyến ngư.

+ Thực hiện điều tra, khảo sát địa điểm, họp nhóm nông dân và chọn các nông hộ có đủ điều kiện, sẵn sàng hợp tác xây dựng vùng ương và nuôi cá tra. Tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các hộ ương và nuôi cá tra. Tổ chức hội thảo, tham quan cho nông dân tham gia xây dựng vùng ương và nuôi cá tra học tập trao đổi kinh nghiệm. Tuyên truyền phổ biến kỹ thuật ương và nuôi cá tra thông qua các phương tiện truyền thông. Phối hợp với các ban ngành liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, đánh giá kết quả xây dựng vùng ương và nuôi cá tra của các nông hộ tham gia.

- Hỗ trợ các hộ nuôi cá tra áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt:

+ Hỗ trợ người nuôi cá tra (tại các quận: Ô Môn, Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh) tham gia áp dụng Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) nhằm phát triển ngành nuôi cá tra theo hướng bền vững, gia tăng giá trị và tính cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu. Hình thành và quản lý chặt chẽ chuỗi cung ứng sản phẩm cá tra xuất khẩu, đảm bảo cung ứng nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng. Tổ chức sản xuất giống cá tra tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn theo quy định nhằm đảm bảo cung ứng giống cá tra đủ về số lượng, an toàn dịch bệnh và có khả năng truy xuất được nguồn gốc.

+ Thực hiện hỗ trợ trên 150 hộ nuôi với diện tích khoảng 600 ha nuôi cá tra áp dụng và đạt chứng nhận Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP). Giai đoạn đầu, hỗ trợ chứng nhận 400 ha với 146 hộ nuôi. Giai đoạn kế tiếp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang nuôi trên địa bàn với phần diện tích còn lại. Đào đạo nguồn cán bộ hiểu về VietGAP, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan quản lý, của người sản xuất về việc áp dụng quy phạm VietGAP trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố.

- Phát triển giống thủy sản chất lượng phục vụ địa phương và các tỉnh trong vùng:

+ Căn cứ vào mật độ thả giống theo từng loại hình và hình thức nuôi, mùa vụ nuôi trong năm để tính toán nhu cầu con giống phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố. Theo đó đến năm 2020, nhu cầu giống thủy sản cần khoảng 1,3 tỷ con. Trong đó, nhu cầu giống cá nuôi chuyên thâm canh, bán thâm canh 558 triệu con; nhu cầu giống cá nuôi kết hợp 703 triệu con; nhu cầu giống cá nuôi lồng bè, vèo 06 triệu con; nhu cầu giống tôm càng xanh 10 triệu con; nhu cầu giống thủy đặc sản là 14 triệu con.

+ Đến năm 2020, phát triển số lượng cơ sở sản xuất giống lên 130 cơ sở. Trong đó, sản xuất giống cá tra là 30 cơ sở; sản xuất giống cá nước ngọt (mè, trôi, rô phi, he, sặc rằn, tai tượng,...) là 52 cơ sở; sản xuất giống tôm càng xanh là 02 cơ sở; sản xuất giống tôm sú kết hợp với thẻ chân trắng, tôm càng xanh là 43 cơ sở; sản xuất giống thủy đặc sản là 03 cơ sở. Sản lượng giống cá tra ước đạt 510 triệu con, khả năng đáp ứng trên 100%; sản lượng giống cá nước ngọt khác đạt 780 triệu con, khả năng đáp ứng trên 100%; sản lượng giống tôm càng xanh đạt 06 triệu con, khả năng đáp ứng trên 100%; sản lượng giống thủy đặc sản đạt 09 triệu con, khả năng đáp ứng trên 100%; sản lượng giống tôm sú, thể chân trắng là 45 triệu con, cung cấp cho thị trường các tỉnh ven biển ĐBSCL như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng.

+ Bố trí các cơ sở sản xuất giống cá tra, cá nước ngọt khác và thủy đặc sản tập trung các quận: Thốt Nốt, Ô Môn, Cái Răng và huyện: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh. Bố trí các cơ sở sản xuất giống tôm sú, tôm càng xanh tập trung ở quận: Ninh Kiều và Cái Răng.

+ Từ năm 2017, Trung tâm Giống thủy sản cấp I, thuộc địa bàn xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh sẽ được đưa vào hoạt động sản xuất với diện tích đất sử dụng là 21,4 ha, diện tích mặt nước gần 12,1 ha. Đảm bảo sản xuất, cung cấp nguồn giống có chất lượng cao; nghiên cứu thực nghiệm về nâng cao chất lượng các loài tôm, cá nước ngọt; lưu trữ và bảo tồn nguồn quỹ gen các giống loài có giá trị kinh tế cao; cải thiện chất lượng đàn cá bố, mẹ bằng di truyền chọn giống; ứng dụng công nghệ sinh học và các tiến bộ kỹ thuật vào sinh sản và nuôi các loài cá, tôm, nhằm hoàn thiện quy trình, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất giống; tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất giống nước ngọt mới từ các cơ sở nghiên cứu.

2. Phát triển hạ tầng nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

a) Xây dựng nông thôn mới:

- Triển khai thực hiện Kết luận số 97-KL/TW ngày 9 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân và Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

- Đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Cần Thơ và tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố triển khai thực hiện Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

- Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và phát triển toàn diện, bền vững, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường.

b) Hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và ổn định đời sống người dân nông thôn:

- Hệ thống thủy lợi:

+ Tập trung phát huy mọi nguồn lực để tăng cường và hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu: Phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản, phòng chống sạt lở các sông, rạch, khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần đổi mới kinh tế - xã hội nông thôn. Tập trung đầu tư phát triển hệ thống công trình thủy lợi phục vụ ứng dụng công nghệ cao giai đoạn đến năm 2020, quan tâm đầu tư hệ thống trạm bơm điện cho vùng Bắc Cái Sắn.

+ Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, ngoài nguồn vốn ngân sách bố trí hàng năm, phấn đấu thực hiện tốt công tác “dân vận khéo” để thực hiện hiệu quả phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” trong đầu tư, quản lý và khai thác các công trình thủy lợi.

+ Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, điều kiện khí hậu, khí tượng thủy văn,... để triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai, ứng cứu kịp thời, có phương án đối phó với mọi tình huống bất trắc do bão lũ, khô hạn gây ra; phối hợp các sở, ngành liên quan thực hiện tốt quy hoạch phòng chống sạt lở bờ sông, rạch nhằm giảm thiểu thiệt hại.

- Hệ thống nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: Huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo và mở rộng các hệ thống cấp nước tập trung; tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ kinh phí lắp đặt đồng hồ nước cho các hộ nghèo và gia đình chính sách. Đến năm 2020, 99% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, và 75% dân số được sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn QCVN 02-BYT.

c) Đẩy mạnh công tác lập quy hoạch 03 Khu nông nghiệp công nghệ cao:

- Khu nông nghiệp công nghệ cao 1 tại xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ.

- Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ (thuộc danh mục các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy hoạch đến năm 2020, định hướng nghiên cứu quy hoạch đến năm 2030 theo Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ).

- Khu nông nghiệp công nghệ cao 3 tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ.

IV. Giải pháp thực hiện

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động

a) Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và nhân dân về vị trí và tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Kết luận số 07-KL/TW ngày 28 tháng 9 năm 2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị; trong đó phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khâu then chốt nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng cho tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X);

b) Vận động doanh nghiệp, nông dân tham gia các chương trình, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, tuân thủ các quy định về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tăng cường liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân để cải tiến phương thức sản xuất.

2. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, đa dạng hóa nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

a) Đề xuất, xây dựng chính sách thông thoáng và ưu đãi đầu tư để thu hút đầu tư vào phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng danh mục dự án đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế;

b) Tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách, vốn ODA, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp công nghệ cao và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sử dụng các nguồn vốn hợp tác, liên kết, liên doanh vào xây dựng các cơ sở sản xuất, kinh doanh; lồng ghép nguồn vốn thực hiện từ các chương trình, dự án và đề án đã được phê duyệt; thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách đầu tư nông nghiệp để tạo điều kiện cho hộ nông dân, tổ chức doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

3. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn

a) Thu hút nguồn nhân lực, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp, trong đó tập trung cho đào tạo dài hạn các lĩnh vực then chốt là công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin và khoa học quản lý;

b) Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tham gia thực hiện chương trình hợp tác đào tạo tại các khu nông nghiệp công nghệ cao;

c) Có chính sách ưu đãi đối với các nhà khoa học, chuyên gia và các kỹ thuật viên lành nghề.

4. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật

a) Đẩy mạnh huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, một phần vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và hạ tầng nông thôn, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân trong vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng và đầu tư các phòng thí nghiệm, cơ sở hạ tầng (nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tiết kiệm,...) cho nhân giống, ươm giống cây trồng và vật nuôi.

b) Triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Vận dụng chính sách khuyến khích đầu tư tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

5. Tăng cường hợp tác, nghiên cứu khoa học công nghệ

a) Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng ứng dụng kịp thời các thành tựu công nghệ sinh học, tạo môi trường thuận lợi để phát huy các đặc điểm ưu việt của giống cây trồng và vật nuôi; nghiên cứu chọn, tạo và đưa vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu, đặc biệt là khả năng chịu hạn, mặn, ngập úng và có sức đề kháng sâu bệnh cao;

b) Xây dựng và tăng cường mối liên kết, hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu trên địa bàn thành phố, vùng ĐBSCL và các cơ quan nghiên cứu ở Trung ương trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

c) Đẩy mạnh liên kết giữa nghiên cứu khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo với sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức nghiên cứu và phát triển, các trường đại học và doanh nghiệp, các hợp tác xã, nông dân,...

6. Về tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

a) Thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm phát triển thị trường và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Thực hiện chương trình liên kết vùng và tham gia 04 nhà trong sản xuất nông nghiệp;

b) Mở rộng thị trường trong và ngoài nước hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Thường xuyên theo dõi, phân tích thị trường; xác định các sản phẩm thế mạnh của thành phố và nhu cầu của thị trường để định hướng phát triển cho phù hợp.

7. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp

a) Chú trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, thông tin dự báo định hướng sản xuất và thị trường, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đẩy nhanh quá cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân ở nông thôn; triển khai thực hiện chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất gắn với cơ cấu lại lao động ở nông thôn nhằm khắc phục những điểm yếu của sản xuất nhỏ, manh mún, kết nối kém; phát triển khoa học công nghệ trình độ cao phục vụ tốt cho sản xuất; xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới;

b) Tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo tiêu chí sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ, có năng suất cao, có giá trị lớn và có khả năng xuất khẩu phù hợp với biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái. Triển khai hiệu quả các nội dung “tam nông”, mô hình “liên kết bốn nhà”. Khuyến khích phát triển mạnh kinh tế hợp tác, nòng cốt là HTX kiểu mới với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình phát triển góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu;

c) Triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

V. Phân công nhiệm vụ, tổ chức thực hiện Kế hoạch

1. Trên cơ sở mục tiêu, nội dung, giải pháp chủ yếu của Kế hoạch này, Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện trực tiếp chỉ đạo, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hàng năm, triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung, giải pháp xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao bảo đảm kịp thời yêu cầu phát triển của ngành, địa phương và thành phố Cần Thơ nói chung. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này. Trường hợp có phát sinh vướng mắc, kịp thời báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố để xem xét, giải quyết.

2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Tổng hợp, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hàng năm theo Kế hoạch này. Đề xuất các nội dung phát sinh, có liên quan đến ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, bổ sung vào kế hoạch hàng năm;

b) Theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch của các sở, ngành và địa phương có liên quan, tổ chức họp định kỳ hàng năm để sơ kết, đánh giá, báo cáo kết quả triển khai; trường hợp cần bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, cùng với các sở, ngành và địa phương có liên quan trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định./.

(Đính kèm Phụ lục triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án, dự án và kế hoạch thực hiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp)

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Anh Dũng

 

PHỤ LỤC

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC QUY HOẠCH, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN VÀ KẾ HOẠCH THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP
(Kèm theo Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

STT

Tên đề án, dự án và kế hoạch

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

I

Triển khai thực hiện công tác lập quy hoạch các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

 

 

 

1

Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân huyện Cờ Đỏ và các đơn vị liên quan

2017

2

Quy hoạch Khu nông nghiệp công nghệ cao 1 (tại xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai)

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân huyện Thới Lai và các đơn vị liên quan

2018

3

Quy hoạch Khu nông nghiệp công nghệ cao 3 (tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ)

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân huyện Cờ Đỏ và các đơn vị liên quan

2018

II

Triển khai thực hiện các đề án, dự án và kế hoạch đã được phê duyệt gắn với mục tiêu ứng dụng công nghệ cao

 

 

 

1

Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Cần Thơ giai đoạn 2011 - 2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện và các đơn vị liên quan

2011 - 2020

2

Đề án phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh thành phố Cần Thơ

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính và các cơ quan liên quan

2014 - 2020

3

Đề án xây dựng hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thành phố Cần Thơ

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan

2014 - 2016

4

Đề án Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản thành phố Cần Thơ giai đoạn 2014 - 2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính và các cơ quan liên quan

2014 - 2020

5

Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2015 - 2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan

2015 - 2020

6

Đề án phát triển kinh tế trang trại tại thành phố Cần Thơ đến năm 2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan

2015 - 2020

7

Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) hợp phần dự án tại thành phố Cần Thơ (đã được phê duyệt tại Quyết định số 625/QĐ-TTg ngày 15/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ).

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan

2015 - 2020

8

Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản thành phố Cần Thơ

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan

2016 - 2020

9

Kế hoạch thực hiện “Đề án nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch”

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan

2016 - 2020

10

Kế hoạch quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở, ngành và địa phương liên quan

2016 - 2020

11

Kế hoạch đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016 - 2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở, ngành và địa phương liên quan

2016 - 2020

III

Công tác lập mới dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao

 

 

 

1

Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ

Ban QLDA Đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ

Các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan

2017 - 2020

2

Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu nông nghiệp công nghệ cao 1 (tại xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai)

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan

2018 - 2020

3

Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu nông nghiệp công nghệ cao (tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ)

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan

2018 - 2020

IV

Công tác lập Kế hoạch và dự án triển khai thực hiện tái cơ câu gan với phát triển nông nghiệp công nghệ cao

 

 

 

1

Kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản đến năm 2020”

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan

2017

2

Kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn thành phố Cần Thơ đến năm 2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở, ngành và địa phương liên quan

2017

3

Kế hoạch triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt thành phố Cần Thơ1

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở, ngành và địa phương liên quan

2017

4

Kế hoạch triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở, ngành và địa phương liên quan

2017

5

Kế hoạch triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản thành phố Cần Thơ

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở, ngành và địa phương liên quan

2017

6

Kế hoạch triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực thủy lợi thành phố Cần Thơ

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở, ngành và địa phương liên quan

2017

7

Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại thành phố Cần Thơ đến năm 2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở, ngành và địa phương liên quan

2017



1 Dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ rau; Dự án xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP; Dự án xây dựng 10 mô hình “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ hoa kiểng”.