Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1579/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 21 tháng 9 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NHIỆM VỤ THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN CHUNG CHO KHU VỰC 05 TỈNH VÙNG BẮC TRUNG BỘ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MTQG GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Thực hiện Công văn số 588/BTTTT-KHTC ngày 05/3/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc bố trí kinh phí sản xuất nội dung thông tin, tuyên truyền phục vụ cho khu vực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020,UBND tỉnh Quảng Bình xây dựng Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chung cho khu vực 05 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể như sau:

I. CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH

- Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020;

- Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản;

- Thông tư số 06/2017/TT-BTTTT ngày 02/6/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn thực hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;

-Thông tư số 03/2018/TT-BTTTT ngày 20/4/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật sản xuất chương trình truyền hình;

- Công văn số 375/BTTTT-KHTC ngày 5/02/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tổ chức thực hiện sản xuất thông tin, tuyên truyền thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;

- Công văn số 588/BTTTT-KHTC ngày 05/3/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc bố trí kinh phí sản xuất nội dung thông tin, tuyên truyền phục vụ cho khu vực thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;

- Quyết định số 2144/QĐ-UBND ngày 29/6/2018 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc phân bổ ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018;

II. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Mục tiêu giảm nghèo là yếu tố cơ bản để đảm bảo công bằng xã hội và tăng trưởng bền vững, mặt khác chỉ có tăng trưởng cao, bền vững mới có sức mạnh vật chất để hỗ trợ và tạo cơ hội cho người nghèo vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Những thành tựu trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong những năm qua đã tạo nên một diện mạo mới trong bộ mặt nông thôn, nông dân, là kết quả của việc thực hiện đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta.

Tuy nhiên, cho đến nay tình trạng đói nghèo vẫn là vấn đề bức thiết đặt ra đối với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng. Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động đến đời sống và hoạt động kinh tế, nên vấn đề đói nghèo và giải quyết thực trạng đói nghèo ở các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ vẫn còn là vấn đề cấp thiết cần được quan tâm giải quyết.

Các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh thuộc vùng Bắc Trung Bộcó nhiều nét tương đồng về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, có tỉ lệ hộ nghèo cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, hiệu quả thấp, sức cạnh tranh còn hạn chế, các điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, mức hưởng thụ thông tin còn chênh lệch với những vùng, miền khác trong cả nước. Những kết quả trong phát triển kinh tế của vùng đến nay còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu đặt ra. Đặc biệt, Sự cố môi trường biển Formosa xảy ra vào đầu tháng 4/2016 đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng trên nhiều phương diện, lĩnh vực, gây thiệt hại lớn cho các tỉnh trong khu vực, đặc biệt đối với 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Bên cạnh đó, Bắc Trung Bộ là vùng có điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất trong cả nước, hàng năm thường xảy ra nhiều thiên tai như bão, lũ, gió Lào, hạn hán… ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống xã hội của nhân dân trong vùng.

Xác định tầm quan trọng của công tác xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là công tác giảm nghèo thông tin, trong những năm qua, các địa phương đã tập trung thực hiện công tác thông tin tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mọi lĩnh vực, đặc biệt, chú trọng tuyên truyền chủ trương xử lý, khắc phục sự cố môi trường biển, góp phần ổn định sản xuất, đời sống của người dân.

Tuy nhiên, nhìn chung công tác thông tin tuyên truyền vẫn còn nhiều hạn chế, một là, hoạt động thông tin tuyên truyền chưa tập trung khai thác các đề tài có tính chất chuyên sâu và hệ thống nhằm tạo điểm nhấn cần thiết góp phần nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền; hai là, đa phần các địa phương còn khó khăn, do đó kinh phí đầu tư cho hoạt động thông tin tuyên truyền còn eo ẹp, chưa được quan tâm đúng mức; ba là, các cơ quan truyền thông tại các địa phương tự thực hiện các nội dung thông tin tuyên truyền một cách độc lập, không có sự kế thừa và khai thác các sản phẩm để dung chung, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tuyên truyền và hạn chế hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước…. Vì vậy, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền có tính chất khu vực là rất cần thiết, đảm bảo khai thác được các chủ đề chuyên sâu, góp phần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông.

Năm 2018, tỉnh Quảng Bình được bố trí 2.000 triệu đồng từ Dự án “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin” thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 để thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền cho các tỉnh trong khu vực; tỉnh xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần giảm nghèo thông tin, cung cấp thông tin thiết yếu đến các tầng lớp nhân dân thuộc địa bàn thụ hưởng Chương trình. Để đảm bảo hiệu quả công tác truyền thông, tỉnh lựa chọn địa bàn 05 tỉnh có nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, bao gồm: Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, đồng thời, lựa chọn các chủ đề thiết yếu, có tính cấp thiết, sử dụng chung cho các tỉnh trong khu vực.

III. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tăng cường đưa thông tin thiết yếu, thiết thực đến với người dân nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và thay đổi hành vi của người nghèo về giảm nghèo bền vững tại 05 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.

- Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước trong hoạt động thông tin, tuyên truyền.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong tổ chức truyền thông công tác giảm nghèo, đặc biệt là hướng tới hộ nghèo vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương, các cơ quan truyền thông, tránh chồng chéo, lãnh phí.

IV. NỘI DUNG CHỦ ĐỀ TUYÊN TRUYỀN

1. Tuyên truyền về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, trọng tâm là phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường biển.

Trong thời gian qua, các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, đặc biệt là 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi sự cố môi trường biển Formosa, vấn đề bảo về môi trường đang là vấn đề cấp thiết nhất đối với các tỉnh trong khu vực. Vì vậy cần tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức của mọi tầng lớp nhân dân về vấn đề phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, trọng tâm là phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường biển.

2. Tuyên truyền phòng, chống thiên tai; ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bắc Trung Bộ là vùng có điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất trong cả nước, hàng năm thường xảy ra nhiều thiên tai như bão, lũ, gió Lào, hạn hán,… ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống xã hội của nhân dân trong vùng. Việc đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống thiên tai; ứng phó với biến đổi khí hậu cần phải được thực hiện thường xuyên, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai.

3. Tuyên truyền về chủ quyền an ninh biên giới.

Địa bàn 5 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đều có biên giới đất liền và biên giới biển, thời gian qua, xuất hiện các vấn đề cần có sự liên kết vùng để giải quyết, như: tình trạng xâm nhập biên giới trái phép, tội phạm ma túy, buôn lậu, đấu tranh bảo vệ nguồn lợi thủy sản,... Vì vậy, công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân là hết sức cần thiết, đây là một trong những nội dung cần được tập trung tuyên truyền nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh của Tổ quốc.

4. Tuyên truyền về phát triển du lịch và khai thác tiềm năng, thế mạnh của 05 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.

Bắc Trung Bộ là vùng có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch với các bãi biển đẹp như Cửa Lò (Nghệ An), Nhật Lệ (Quảng Bình), Cửa Tùng (Quảng Trị), Thuận An, Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), khu vực này còn tập trung nhiều cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, những di tích lịch sửa, văn hóa, kiến trúc có giá trị,… Do đó, việc tuyên truyền nhằm quảng bá du lịch và khai thác tiềm năng, thế mạnh của 05 tỉnh trong khu vực này là hết sức cần thiết, góp phần quan trọng vào sự phát triển du lịch của cả nước và kinh tế xã hội của khu vực.

5. Tuyên truyền về công tác dân tộc, phát triển kinh tế tại địa bàn dân tộc thiểu số; công tác phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Tỉnh Quảng Bình có 2 dân tộc thiểu số: dân tộc Bru-Vân Kiều và dân tộc Chứt, với 5.607 hộ, 24.499 nhân khẩu, chiếm khoảng 2,3% dân số. Các dân tộc thiểu số còn lại với dân số không nhiều như: Thổ, Mường, Tày, Thái, Pa-cô… Hoạt động kinh tế của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chủ yếu là săn bắt, hái lượm, làm nương rẫy…, đời sống xã hội vẫn còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu như tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…, do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, gìn giữ bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật của đồng bào trong việc thoát khỏi các tập tục lạc hậu.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình cũng cần tập trung tuyên truyền về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

V. HÌNH THỨC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN

1. Sản xuất, phát sóng các chương trình truyền hình tuyên truyền chung cho khu vực 05 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.

- Thể loại: Lựa chọn các thể loại phù hợp như: Phóng sự, kí sự, tạp chí, phim tài liệu, tọa đàm,...

- Thời lượng: 15-30 phút/chương trình.

2. Sản xuất, phát sóng các chương trình truyền thanh tại địa bàn tỉnh Quảng Bình.

- Thể loại: Phóng sự, tọa đàm.

- Thời lượng: 10-20 phút/chương trình.

3. Bài viết tuyên truyền trên Báo Quảng Bình điện tử.

VI. QUY MÔ

Căn cứ các hình thức thông tin, tuyên truyền và cơ cấu kinh phí bố trí cho từng nội dung, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông lập dự toán và xác định quy mô theo các quy định hiện hành trình UBND tỉnh phê duyệt.

VII. PHƯƠNG ÁN ĐĂNG TẢI, PHÁT SÓNG

- Trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình và các tỉnh khu vực.

- Lựa chọn các chương trình có chất lượng phát sóng trên kênh truyền hình Quốc gia và các tỉnh trên toàn quốc.

- Trên sóng phát thanh của Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình và Đài Truyền thanh – Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố; Đài Truyền thanh cấp xã.

VIII. PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN

- Thực hiện đấu thầu theo quy định hiện hành.

- UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu sau khi có ý kiến thẩm định Kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông.

IX. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Bố trí 2.000 triệu đồng từ Dự án “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin” thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2018, trong đó, cơ cấu kinh phí từng nội dung như sau:

- Sản xuất, phát sóng các chương trình truyền hình tuyên truyền chung cho khu vực 05 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ: 80%.

- Sản xuất, phát sóng các chương trình truyền thanh tại địa bàn tỉnh Quảng Bình: 10%.

- Bài viết tuyên truyền trên Báo Quảng Bình điện tử: 5%.

- Quản lý, giám sát, tổ chức phát sóng các chương trình phát thanh trên hệ thống Đài Truyền thanh cấp xã: 5%.

X. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Xây dựng Kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chung khu vực 05 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nội dung tăng cường nội dung thông tin, tuyên truyền phục vụ chung cho 05 tỉnhvùng Bắc Trung Bộ theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Tổng hợp tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh theo quy định.

2. Sở Tài chính

- Trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chung khu vực 05 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong việc thanh, quyết toán kinh phí.

3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo, đánh giá kết qủa thực hiện dự án giảm nghèo về thông tin với UBND tỉnh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

4. Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh

- Phát sóng các chương trình thông tin, tuyên truyền chung khu vực 05 tỉnh vùng Bắc Trung Bộtrên sóng phát thanh - truyền hình Quảng Bình.

5. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện nhiệm vụ sản xuất các chương trình phát thanh – truyền hình tuyên truyền chung khu vực 05 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

- Tăng cường công tác tuyên truyền về giảm nghèo trên Trang/Cổng thông tin điện tử của đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ.

6. Đài Truyền thanh – Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố

- Phát sóng các chương trình thông tin, tuyên truyền chung khu vực Miền Trungtrên sóng Đài PTTH các huyện, thị xã, thành phố.

7. Đề nghị các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ

Đề UBND các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Hà Tính, Nghệ An chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh – Truyền hình và các cơ quan, đơn vị có liên quan tạo điều kiện, phối hợp với tỉnh Quảng Bình thực hiện nội dung tăng cường nội dung thông tin, tuyên truyền phục vụ chung cho khu vực Bắc Trung Bộ theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

XI. PHÂN TÍCH HIỆU QUẢ

1. Hiệu quả về chính trị

Tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của cấp ủy, chính quyền địa phương tới các tầng lớp nhân dân khu vực Miền Trung, tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở, làm lành mạnh hoá đời sống xã hội, góp phần lập lại kỷ cương pháp luật, củng cố niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền các cấp, tạo nên sức mạnh tổng hợp để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, góp phần cùng địa phương và cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

2. Hiệu quả về kinh tế:

Tạo ra khả năng được tiếp cận thông tin thường xuyên của người dân từ đó nắm bắt được thực trạng và định hướng phát triển kinh tế, có thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật, góp phần đổi mới tư duy, nâng cao năng lực sản xuất, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân khu vực Bắc Trung Bộ.

3. Hiệu quả văn hóa - xã hội:

Thực hiện kế hoạch sẽ mang lại hiệu quả văn hóa - xã hội rất lớn, rút ngắn khoảng cách về thông tin giữa các địa phương, vùng miền; đáp ứng nhu cầu về hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho nhân dân, qua đó, góp phần nâng cao dân trí, giáo dục truyền thống cách mạng, những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc, địa phương, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

4. Đảm bảo sự ổn định về chính trị - an ninh quốc phòng

Với việc tăng cường nội dung và chất lượng thông tin đến người dân, kế hoạch sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân, đấu tranh chống các luận điệu sai trái và “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; phòng chống tội phạm, phòng chống thiên tai, dịch bệnh trên cơ sở đó đảm bảo sự ổn định chính trị, an ninh quốc phòng cho nhân dân khu vực Bắc Trung Bộ nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng.

Căn cứ Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chung cho khu vực 05 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, yêu cầu các cơ quan, đơn vị được phân công nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Vụ KHTC, Bộ TT&TT;
- UBND các tỉnh: Thừa Thiên Huế; Quảng Trị; Hà Tĩnh; Nghệ An;
- Các sở, ban, ngành liên quan;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh;
- LĐ VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TH, KGVX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Hoàng