Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 222/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 15 tháng 10 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN LIÊN KẾT SẢN XUẤT GIỐNG CÁ TRA 3 CẤP CHẤT LƯỢNG CAO TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2018 - 2025

Thực hiện Quyết định số 987/QĐ-BNN-TCTS ngày 20/3/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Quyết định số 987/QĐ-BNN-TCTS), Uỷ ban nhân dân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2018 - 2025, nội dung cụ thể như sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Sản xuất giống cá tra có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tại địa phương và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Huy động được nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia chuỗi sản xuất. Thông qua chuỗi liên kết giống cá tra 3 cấp chất lượng cao nhằm tổ chức lại sản xuất góp phần truy xuất nguồn gốc, cung cấp nguồn giống phục vụ cho việc nuôi cá tra thương phẩm quy mô lớn theo chuỗi giá trị góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn 2018 - 2020

- Chọn từ 4 - 5 đơn vị cấp 2 đủ điều kiện tham gia liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, nuôi vỗ cá tra bố mẹ và cho sinh sản ra cá bột như trung tâm giống, doanh nghiệp, cơ sở, trại giống,...

- Cung cấp 50% nhu cầu con cá tra giống chất lượng cao trong Tỉnh với số lượng khoảng 700 triệu con. Trong đó, các đơn vị cấp 3 cung cấp 230 triệu con; các cơ sở ương dưỡng ngoài chuỗi liên kết cung cấp 470 triệu con (nhu cầu toàn tỉnh là 1,4 tỷ con cá tra giống vào năm 2020).

- Đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra tập trung (đơn vị cấp 3) ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy mô công nghiệp đảm bảo điều kiện sản xuất giống và kiểm soát được chất lượng con giống.

2.2. Giai đoạn 2021 - 2025

- Hoàn thiện chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao tại địa phương với hoạt động ổn định, bền vững.

- Cung cấp 100% con cá tra giống chất lượng cao toàn tỉnh với nhu cầu là 1,5 tỷ con cá tra giống.

- Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy mô công nghiệp đảm bảo điều kiện sản xuất giống và kiểm soát được chất lượng con giống.

II. Nội dung thực hiện

1. Đơn vị tham gia liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao

1.1. Đơn vị cấp 2: gồm trung tâm giống, doanh nghiệp, trại giống như Trại Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Bình Thạnh trực thuộc Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cơ sở sinh sản,... có đủ năng lực, đáp ứng điều kiện được quy định tại Quyết định số 987/QĐ-BNN-TCTS.

1.2. Đơn vị cấp 3: gồm các đơn vị nhận cá tra bột từ đơn vị cấp 2 ương dưỡng lên cá hương và lên cá giống nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp và các trang trại,... hoặc độc lập cung cấp cho nuôi thương phẩm trong chuỗi liên kết đáp ứng điều kiện được quy định tại Quyết định số 987/QĐ-BNN-TCTS bao gồm trung tâm giống, doanh nghiệp, trại giống, hợp tác xã, tổ hợp tác, các nông hộ có đủ năng lực được địa phương quy hoạch và tổ chức thành vùng ương dưỡng giống tập trung.

Ngoài các đơn vị cấp 3 trong vùng sản xuất giống tập trung, còn liên kết với các cơ sở ương giống nằm ngoài vùng sản xuất giống cá tra tập trung quy hoạch theo đề án đáp ứng điều kiện tại Bộ Tiêu chí các đơn vị tham gia sản xuất giống cá tra 3 cấp theo Quyết định số 987/QĐ-BNN-TCTS và thực hiện đúng theo quy trình sản xuất chất lượng cao.

2. Vùng sản xuất giống cá tra chất lượng cao tập trung

Tỉnh Đồng Tháp có 04 vùng sản xuất giống cá tra tập trung với tổng diện tích 400 ha tại thị xã Hồng Ngự, các huyện: Hồng Ngự, Cao Lãnh và Châu Thành. Cụ thể như sau:

2.1. Huyện Hồng Ngự

- Chọn vùng sản xuất giống tập trung tại cồn số 1 xã Thường Phước 1 với diện tích 80 ha. Hiện nay, diện tích này là đất công do nhà nước quản lý.

- Vị trí: vùng cồn nằm giữa sông Tiền nên thuận lợi trong việc cấp và thoát nước cũng như vận chuyển con giống. Vùng có chiều dài khoảng 2.200 m, chiều ngang rộng nhất khoảng 900 m. Khoảng cách với cột mốc biên giới Campuchia khoảng 4.000 m.

2.2. Thị xã Hồng Ngự

- Chọn vùng sản xuất giống tập trung với diện tích 100 ha. Hiện trạng là đất nông nghiệp của người dân sản xuất. Gồm 02 tiểu vùng:

+ Tiểu vùng số 1: thuộc ấp 2, xã An Bình B với diện tích 50 ha. Vị trí nằm dọc theo tuyến kênh Ba Ánh (kênh nhánh của kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng).

+ Tiểu vùng số 2: thuộc Khu 1, ấp Tân Hòa, xã Tân Hội với diện tích 50 ha. Vị trí nằm ven theo sông Sở Hạ. Khoảng cách với cột mốc biên giới Campuchia 1.200 m.

2.3. Huyện Cao Lãnh

- Chọn vùng sản xuất giống tập trung với diện tích 120 ha, cụ thể:

+ Tiểu vùng số 1: thuộc ấp Hòa Dân, xã Nhị Mỹ với diện tích 67 ha, được bao quanh bởi kênh Đường Thét (kênh cấp chính), kênh Bảy Thước, kênh Đốc Hằng, rạch Bờ Đào.

+ Tiểu vùng số 2: thuộc Ấp 3 và Ấp 6, xã Tân Hội Trung với diện tích 53 ha. Vị trí: dọc theo kênh K6.

2.4. Huyện Châu Thành

- Chọn vùng sản xuất giống tập trung tại ấp Tân Nghĩa, xã Tân Nhuận Đông với diện tích 100 ha. Là vùng đất nông nghiệp của người dân sản xuất.

- Vị trí: vùng này rất thuận lợi do tiếp giáp với nhiều kênh rạch (kênh Tân Phú Hòa, rạch Nha Mân, rạch Ông Mười, rạch Ông Quãng...) nên dễ dàng trong việc vận chuyển con giống và xây dựng hệ thống cấp, thoát nước (nguồn nước cấp chính là kênh Tân Phú Hòa và rạch Nha Mân).

3. Các giai đoạn đầu tư

Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng về hệ thống giao thông, điện, thủy lợi,…và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các vùng sản xuất giống tập trung theo các giai đoạn như sau:

3.1. Giai đoạn 2018 - 2020

Đầu tư cơ sở hạ tầng theo các thứ tự ưu tiên như sau:

- Thứ nhất: Đầu tư cơ sở hạ tầng cho tiểu vùng số 1 của vùng huyện Cao Lãnh (ấp Hòa Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh) với diện tích 67 ha.

- Thứ hai: Đầu tư cơ sở hạ tầng cho tiểu vùng số 1 của vùng thị xã Hồng Ngự (Ấp 2, xã An Bình B, Thị xã Hồng Ngự) với diện tích 50 ha.

- Thứ ba: Đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng huyện Châu Thành (ấp Tân Nghĩa, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành) với diện tích 50 ha.

3.2. Giai đoạn 2021 - 2025

Đầu tư cơ sở hạ tầng theo các thứ tự ưu tiên như sau:

- Thứ nhất: Đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng huyện Hồng Ngự (cồn số 1 xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự) với diện tích 80 ha.

- Thứ hai: Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng huyện Châu Thành (ấp Tân Nghĩa, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành) với diện tích 50 ha.

- Thứ ba: Đầu tư cơ sở hạ tầng cho tiểu vùng số 2 cùng vùng huyện Cao Lãnh (Ấp 3 và Ấp 6, xã Tân Hộ Trung, huyện Cao Lãnh) với diện tích 53 ha.

- Thứ tư: Đầu tư cơ sở hạ tầng cho tiểu vùng số 2 cùng vùng Thị xã Hồng Ngự (thuộc Khu 1, ấp Tân Hòa, xã Tân Hội) với diện tích 50 ha.

III. Tổng nhu cầu vốn: khoảng 146 tỷ đồng

1. Nguồn vốn

a. Nguồn vốn ngân sách nhà nước:

- Vốn ngân sáchTrung ương: 50,5 tỷ đồng.

- Vốn ngân sách địa phương: 21,5 tỷ đồng.

b. Nguồn vốn khác:

- Vốn vay tín dụng đầu tư: 15 tỷ đồng.

- Vốn vay tín dụng thương mại: 15 tỷ đồng.

- Vốn tự có và vốn huy động của các tổ chức, cá nhân: 44 tỷ đồng.

2. Phân kỳ nguồn vốn

2.1. Giai đoạn 2018 - 2020 với số vốn khoảng 55 tỷ (chiếm khoảng 37,67%, trong đó:

- Vốn ngân sách Trung ương: 19 tỷ đồng.

- Vốn ngân sách địa phương: 8 tỷ đồng.

- Vốn vay tín dụng đầu tư: 6 tỷ đồng.

- Vốn vay tín dụng thương mại: 6 tỷ đồng.

- Vốn tự có và vốn huy động của các tổ chức, cá nhân: 16 tỷ đồng.

2.2. Giai đoạn 2021 - 2025 với số vốn khoảng 91 tỷ (chiếm khoảng 62,33%, trong đó:

- Vốn ngân sáchTrung ương: 31,5 tỷ đồng.

- Vốn ngân sách địa phương: 13,5 tỷ đồng.

- Vốn vay tín dụng đầu tư: 9 tỷ đồng.

- Vốn vay tín dụng thương mại: 9 tỷ đồng.

- Vốn tự có và vốn huy động của các tổ chức, cá nhân: 28 tỷ đồng.

2.3. Đối với nhu cầu vốn giai đoạn sau năm 2020: hiện nay chưa xác định được kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương giai đoạn sau, nên chưa có căn cứ xác định khả năng cân đối để thực hiện. Do đó, tùy tình hình thực tế sẽ xem xét và bố trí vốn cho phù hợp tại thời điểm sau năm 2020.

IV. Giải pháp thực hiện

1. Triển khai thực hiện các chính sách có liên quan và nguồn vốn của Trung ương theo Đề án

- Nguồn vốn đầu tư: Tiếp nhận nguồn vốn của Trung ương, vận dụng các nguồn ngân sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng các vùng sản xuất giống tập trung của địa phương.

- Tín dụng: Thực hiện theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn để đầu tư vào chuỗi cá tra 3 cấp chất lượng cao và các quy định hiện hành khác.

- Đất đai: Thực hiện việc miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước, hỗ trợ tập trung đất đai, thực hiện theo điều 6, điều 7 của Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân để chuyển mục đích sử dụng đất sang đất nuôi trồng thủy sản thì phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp thẩm quyền phê duyệt.

- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: hỗ trợ kinh phí đào tạo/tập huấn chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho các đối tượng được quy định tại Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông.

2. Giải pháp thị trường

- Khuyến khích các cơ sở sản xuất giống phát triển xây dựng nhãn hiệu sản phẩm cá tra giống chất lượng cao trên nền tảng chất lượng sản phẩm để tạo sự bền vững. Thực hiện chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, gắn với truy xuất nguồn gốc.

- Vùng sản xuất giống cá tra tập trung phải có sự liên kết với các vùng quy hoạch nuôi cá tra thương phẩm trọng điểm của địa phương.

3. Giải pháp quản lý, tổ chức thực hiện

- Đơn vị tham gia liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao phải đáp ứng quy định theo Bộ tiêu chí tại Quyết định số 987/QĐ-BNN-TCTS và các quy định hiện hành khác.

- Thực hiện chuỗi liên kết kết 3 cấp lấy doanh nghiệp là hạt nhân, từ đó có cơ chế hợp tác và xây dựng một số mô hình liên kết bền vững giữa cơ sở cung cấp giống cấp 2, cấp 3 và doanh nghiệp.

- Các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về chất lượng con giống và cung cấp thông tin giá cả, thông tin thị trường và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

4. Giải pháp khoa học công nghệ và khuyến ngư

4.1. Về khoa học công nghệ

- Hỗ trợ, chuyển giao ứng dụng các đề tài nghiên cứu về công nghệ sản xuất nhân tạo giống cá tra, quy trình kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá tra vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng giống khi tham gia vào chuỗi liên kết.

- Đối với đơn vị cấp 2: Đầu tư khu sản xuất giống cá tra tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy mô công nghiệp đảm bảo điều kiện sản xuất giống và kiểm soát được chất lượng con giống.

- Đối với đơn vị cấp 3: Đầu tư khu ương giống phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và thực hiện ương giống theo tiêu chuẩn thực hành tốt để đảm bảo con giống có chất lượng tốt.

4.2. Về khuyến ngư

- Đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao.

- Tuyên truyền, tổ chức tham quan nâng cao trình độ kỹ thuật, nhân rộng mô hình trình diễn; tuyển chọn dự án khuyến ngư trong sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao theo các quy định hiện hành.

5. Giải pháp môi trường

Các cơ sở sản xuất giống cá tra phải tuân thủ các quy định của nhà nước đảm bảo theo QCVN 01-81:2011/BNNPTNT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản giống - điều kiện vệ sinh thú y. Nguồn nước thải khi thải ra môi trường bên ngoài có các thông số môi trường tuân thủ theo QCVN 62-MT:2016/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi; Có kế hoạch quan trắc, giám sát chất lượng nước định kỳ và đột xuất. Ngoài ra đối với các đơn vị cấp 3 thì các thông số môi trường nước trong ao nuôi phải tuân thủ QCVN 02-20:2014/BNNPTNT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi cá tra trong ao - điều kiện đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

6. Giải pháp về liên kết

6.1. Liên kết dọc

- Doanh nghiệp là đơn vị chủ trì chuỗi đóng vai trò trung tâm. Các đơn vị liên kết với nhau thông qua các thỏa thuận hợp tác, hợp đồng kinh tế để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp gắn kết trong chuỗi.

- Các bên có liên quan trong mối liên kết đứng ra xây dựng quy chế điều phối, hoạt động cho các bên, đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong chuỗi sản xuất về quyền lợi và trách nhiệm của các bên.

6.2. Liên kết ngang

Các hộ ương giống tạo thành mô hình hợp tác (hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ sản xuất giống hoặc nông hộ) để tạo đầu mối và vùng sản xuất tập trung nhận đặt hàng, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, đảm bảo cung cấp con giống chất lượng, đáp ứng đầy đủ số lượng theo hợp đồng đã ký.

V. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Là đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch. Đồng thời, phối hợp với Uỷ ban nhân các huyện có vùng sản xuất giống tập trung triển khai Kế hoạch giai đoạn 2018 - 2025. Tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện từng năm.

- Tổ chức, vận động, tập hợp các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất giống tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai lập Dự án “Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống tập trung tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2018 -

2020” trình Uỷ ban nhân dân tỉnh để kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí thực hiện theo nội dung đã được phê duyệt tại Quyết định số 987/QĐ-BNN-TCTS.

- Theo dõi, tổng hợp thông tin thống kê về tình hình thực hiện Kế hoạch. Trên cơ sở đó đề xuất với Uỷ ban nhân dân Tỉnh kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh bổ sung Đề án phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Định kỳ tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, quản lý về chất lượng giống cá tra trong chuỗi liên kết (kiểm dịch, hàng năm đánh giá về điện kiện sản xuất giống của các cơ sở, hộ ương cá tra giống và công bố trên phương tiện thông tin đại chúng…).

- Tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của tỉnh, nhằm thực hiện tốt Đề án liên kết giống cá tra 3 cấp chất lượng cao.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp dự kiến kế hoạch vốn đầu tư phát triển thực hiện kế hoạch theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Đồng thời, tham mưu bố trí đầy đủ và kịp thời nguồn vốn đối ứng dự án theo nội dung và tiến độ thực hiện của Kế hoạch.

3. Sở Khoa học và Công nghệ

- Bố trí nguồn vốn nghiên cứu khoa học về sản xuất giống (ứng dụng khoa học công nghệ vào ương dưỡng cá tra giống nhằm nâng cao tỷ lệ sống), bệnh cá (nghiên cứu các biện pháp phòng trị bệnh trong quá trình ương dưỡng).

- Hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống, doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu giống cá tra trên nền tảng chất lượng giống.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống trong chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp thủ tục thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật về đất đai.

- Thực hiện công tác quản lý môi trường theo quy định và phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan trắc chất lượng môi trường khu vực vùng sản xuất giống cá tra.

5. Sở Công Thương

Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chuỗi liên kết sản xuất cá tra giống. Tổ chức xúc tiến thương mại về con giống cá tra chất lượng của chuỗi liên kết.

6. Uỷ ban nhân dân thị xã Hồng Ngự, các huyện: Hồng Ngự, Cao Lãnh và Châu Thành

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Kế hoạch theo Đề án liên kết giống cá tra 3 cấp chất lượng cao tại địa phương.

- Quản lý chặt chẽ đất công tại địa phương, tham mưu trình Uỷ ban nhân tỉnh giao đất cho cá nhân, đơn vị thực hiện Đề án theo quy định.

- Lập kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất trình cấp thẩm quyền phê duyệt; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi liên kết giống cá tra 3 cấp chất lượng cao.

7. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư phân bổ từ nguồn vốn đầu tư của Trung ương hỗ trợ và nguồn vốn đầu tư đối ứng của địa phương để thực hiện Đề án.

8. Hiệp hội Thủy sản Tỉnh

- Vận động các hội viên tham gia vào chuỗi liên kết giống cá tra 3 cấp chất lượng cao tại Đồng Tháp.

- Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tuyên truyền, phổ biến các quy định của nhà nước về chất lượng giống gắn với bảo vệ môi trường, nhằm cung cấp con giống chất lượng cao phục vụ nuôi thương phẩm.

9. Các chủ thể thực hiện

- Doanh nghiệp là thành phần chính, đóng vai trò chủ đạo của chuỗi liên kết (trực tiếp ký kết hợp đồng liên kết với đơn vị cấp 3).

- Cơ sở sản xuất giống (đơn vị cấp 2): đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đảm bảo theo các tiêu chí về quá trình sản xuất giống. Thực hiện quy trình nuôi vỗ cá tra bố mẹ, quy trình sinh sản, cung cấp con giống cho cấp 3 đảm bảo chất lượng đúng theo quy định của nhà nước.

- Cơ sở ương dưỡng cá tra giống (đơn vị cấp 3): nhận cá tra bột từ đơn vị cấp 2, thực hiện quy trình ương dưỡng con giống cung cấp cho nuôi thương phẩm đảm bảo chất lượng đúng theo quy định của nhà nước.

Yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, các đơn vị, Uỷ ban nhân dân cấp huyện liên quan tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ NN&PTNT;
- CT, các PCT/UBND Tỉnh;
- Các Sở: NNPTNT; KH&ĐT; TC; CT; TNMT;
- Hiệp hội TS Tỉnh;
- UBND các huyện, tx, tp;
- Lưu: VT, NC/KTN (VA).

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Hùng