Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 987/QĐ-BNN-TCTS

Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN LIÊN KẾT SẢN XUẤT GIỐNG CÁ TRA 3 CẤP CHẤT LƯỢNG CAO VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 27/2017/QĐ-TTg ngày 03/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Thông báo số 158/TB-VPCP ngày 24/3/2017 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng dự án giống cá tra 3 cấp, chất lượng cao;

Căn cứ Công văn số 209/TTg-NN ngày 08/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Đề án chi tiết kèm theo Quyết định).

Điều 2. Tổng cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án nêu tại Điều 1 theo các quy định hiện hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ, Ủy ban nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
- Ban Cán sự Đảng Bộ;
- UBND Sở NN&PTNT các tỉnh, TP vùng ĐBSCL;
- Hội nghề cá, VASEP, Hiệp hội cá Tra Việt Nam;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ NN&PTNT;
- Lưu: VT, TCTS.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Văn Tám

 

ĐỀ ÁN

LIÊN KẾT SẢN XUẤT GIỐNG CA TRA 3 CẤP CHẤT LƯỢNG CAO VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
(Kèm theo Quyết định số 987/QĐ-BNN-TCTS ngày 20/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Sản xuất giống cá tra có chất lượng cao đạt được những tính trạng tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, tỷ lệ sống cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Thông qua chuỗi liên kết giống cá tra 3 cấp chất lượng cao nhằm tổ chức lại sản xuất góp phần truy xuất nguồn gốc, cung cấp nguồn giống phục vụ cho việc nuôi cá tra thương phẩm quy mô lớn theo chuỗi giá trị góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

3. Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao hướng đến tập hợp các nhà sản xuất có đủ năng lực, điều kiện tham gia chuỗi liên kết làm hạt nhân cho sự phát triển. Huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia sản xuất giống cá tra trong chuỗi liên kết 3 cấp khi đạt các tiêu chí theo Đề án.

4. Mô hình liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao là khâu đột phá, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt, chủ đạo trong toàn bộ chuỗi liên kết sản xuất giống, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các cơ sở nghiên cứu, hợp tác xã/tổ hợp tác, các hộ sản xuất giống, nhằm góp phần phát triển bền vững ngành cá tra.

II. MỤC TIÊU ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu chung

Xây dựng Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao ổn định cung - cầu về sản xuất giống, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, huy động các thành phần kinh tế tham gia chuỗi; góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2020

Các chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp đáp ứng 50% nhu cầu giống cá tra chất lượng cao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhu cầu toàn vùng là 2,2 - 2,5 tỷ cá tra giống.

b) Đến năm 2025

Các chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao hoạt động ổn định, cung cấp 100% giống cá tra chất lượng cao cho vùng đồng bằng sông Cửu Long với nhu cầu toàn vùng là 2,5 - 3,0 tỷ cá tra giống.

III. CÁC NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA ĐỀ ÁN

1. Phạm vi Đề án: Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung tại tỉnh An Giang, tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh khác thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

2. Các đơn vị tham gia liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao

a) Đơn vị cấp 1: Là đơn vị nghiên cứu, chọn tạo cung cấp đàn cá tra bố mẹ chọn giống, bao gồm các Viện nghiên cứu/trường Đại học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chọn giống theo tính trạng mong muốn (tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, tỷ lệ sống cao,...) để tạo ra đàn giống bố mẹ có chất lượng cung cấp cho đơn vị cấp 2.

b) Đơn vị cấp 2: Là đơn vị nuôi vỗ cá tra bố mẹ và cho sinh sản ra cá bột bao gồm Trung tâm giống thủy sản của tỉnh, các doanh nghiệp, trại giống có năng lực, liên kết sản xuất hoặc nhận đặt hàng từ doanh nghiệp chủ trì chuỗi.

c) Đơn vị cấp 3: Là đơn vị ương dưỡng giống cá tra từ bột lên hương và lên giống thông qua nhận đặt hàng từ các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết hoặc độc lập cung cấp cho nuôi thương phẩm bao gồm Trung tâm giống, các doanh nghiệp, các tổ hợp tác, hợp tác xã, các nông hộ có đủ năng lực được địa phương quy hoạch và tổ chức thành vùng ương dưỡng giống tập trung.

3. Vùng sản xuất giống cá tra tập trung

- Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương.

- Có diện tích từ 50 ha trở lên thuận tiện về nguồn nước và đảm bảo về môi trường theo quy định.

- Được đầu tư cơ sở hạ tầng đầu mối đồng bộ (hệ thống giao thông, thủy lợi, điện...).

4. Chương trình /dự án ưu tiên đầu tư (Chi tiết phụ lục I)

4.1. Ngân sách Trung ương đầu tư:

a) Chương trình chọn giống và ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long

- Hằng năm, nghiên cứu, chọn tạo, lưu giữ giống gốc giống cá tra và cung cấp cá tra bố mẹ hậu bị có tốc độ tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Hoàn thiện và nhân rộng quy trình sản xuất giống cá tra chất lượng cao.

- Ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến sản xuất cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Nghiên cứu quy trình ương cá tra đạt tỷ lệ sống cao trong điều kiện biến đổi khí hậu, chuyển giao kỹ thuật thu hoạch, vận chuyển, hậu chăm sóc cá tra giống.

b) Dự án đầu tư nâng cấp trung tâm giống cá tra chất lượng cao tỉnh An Giang

- Trung tâm giống thủy sản tỉnh An Giang là đơn vị cấp 2 trọng điểm cung cấp nguồn cá tra bột và trực tiếp ương cá tra giống cho tỉnh An Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tham gia đào tạo nguồn lực, tiếp nhận và chuyển giao khoa học công nghệ cho các đơn vị sản xuất giống cá tra trong vùng.

- Đảm bảo quy mô cung cấp đàn cá tra bố mẹ sinh sản ít nhất 10.000 con và hậu bị 15.000 con/năm; sản xuất cá bột chất lượng cao đến năm 2020 đạt 10 tỷ cá bột.

- Cung cấp con giống cá tra chất lượng cao đến năm 2020 đạt 1 tỷ con giống.

- Đến năm 2025 phấn đấu đạt các tiêu chí để tham gia đơn vị cấp 1.

c) Đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra tập trung tại hai tỉnh đầu nguồn: An Giang và Đồng Tháp

Tại tỉnh An Giang: 03 vùng, tổng diện tích 350 ha bao gồm:

- Vùng thứ nhất: 150 ha tại huyện Châu Phú.

- Vùng thứ hai: 100 ha tại thành phố Long Xuyên.

- Vùng thứ ba: 100 ha tại thị xã Tân Châu.

Tại tỉnh Đồng Tháp: 04 vùng, tổng diện tích 420 ha bao gồm:

- Vùng thứ nhất: 100 ha tại huyện Hồng Ngự.

- Vùng thứ hai: 100 ha tại thị xã Hồng Ngự.

- Vùng thứ ba: 120 ha tại huyện Cao Lãnh.

- Vùng thứ tư: 100 ha tại huyện Châu Thành.

4.2. Ngân sách địa phương đầu tư:

Ngoài 2 tỉnh trên, các tỉnh/thành phố khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long có phát triển nuôi cá tra, dựa vào các nội dung của Đề án để xây dựng và phê duyệt các Chương trình, Dự án, vùng sản xuất, ương dưỡng giống cá tra chất lượng cao tại địa phương trên cơ sở nguồn vốn từ Chương trình phát triển thủy sản bền vững và vốn ngành, các Chương trình liên quan mà Trung ương đã phân bổ cho ngân sách địa phương.

IV. TỔNG NHU CẦU VỐN: Khoảng 592 tỷ đồng

1. Nguồn vốn:

a) Vốn ngân sách nhà nước khoảng 75% tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án:

- Vốn ngân sách Trung ương 50%.

- Vốn ngân sách địa phương 25%.

b) Vốn khác khoảng 25% tổng nhu cầu vốn Đề án:

- Vốn vay tín dụng đầu tư 4,5%.

- Vốn vay tín dụng thương mại 4,5%.

- Vốn tự có và vốn huy động của các tổ chức, cá nhân khoảng 16,0%.

2. Phân kỳ nguồn vốn:

- Giai đoạn 2018-2020 cần khoảng 414 tỷ đồng (chiếm 70%)

- Giai đoạn 2021-2025 khoảng 178 tỷ đồng (chiếm 30%)

3. Giai đoạn thực hiện

a) Giai đoạn 2018-2020

- Chương trình chọn giống và ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Dự án đầu tư nâng cấp trung tâm giống cá tra chất lượng cao tỉnh An Giang (2018 -2025).

- Đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra tập trung tại hai tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp (2018 - 2025).

b) Giai đoạn 2021-2025

- Tiếp tục Dự án đầu tư nâng cấp trung tâm giống cá tra chất lượng cao tỉnh An Giang (Đầu tư phòng thí nghiệm di truyền chọn giống cá tra tại An Giang) và Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống tập trung chuyển tiếp từ giai đoạn 2018-2020.

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp cơ chế, chính sách

a) Nguồn vốn đầu tư: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối các nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ quản lý hiện có để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống tập trung; nâng cấp trại giống;... bao gồm: Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 (Quyết định 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009); Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 1434/QĐ-TTG ngày 22/9/2017); Dự án giống thủy sản sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 4141/QĐ-BNN-KH ngày 20/10/2017); Thí điểm đặt hàng một số sản phẩm KH-CN của Bộ NN&PTNT (Quyết định 846/QĐ-TTg ngày 02/6/2011); (Quyết định 674/QĐ-BNN-KHCN ngày 04/4/2014 của Bộ NN&PTNT phê duyệt Đề án khung sản phẩm quốc gia sản phẩm cá da trơn Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm từ cá da trơn)… Ngoài ra các tỉnh vận dụng nguồn ngân sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng các vùng sản xuất giống của địa phương mình.

b) Tín dụng: Các thành phần kinh tế đầu tư vào chuỗi cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long được vay ưu đãi, hạn mức vay, lãi suất, thời hạn vay, phương thức cho vay, cơ chế đảm bảo tiền vay, cơ cấu lại nợ và cho vay mới... theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

c) Đất đai: Về giao và cấp đất, miễn giảm tiền sử dụng và thuế đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hỗ trợ thuê mặt đất/nước theo điều 5, điều 6, điều 7, điều 8 của Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động tạo quỹ đất bằng cách thuê lại nông dân, thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, sau đó cho doanh nghiệp thuê có thời hạn.

d) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề/tập huấn chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho các thành phần kinh tế theo Quyết định số 1258/QĐ-BNN-KHCN ngày 04/6/2013 về Chương trình khuyến nông Trung ương giai đoạn 2013-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Giải pháp về thị trường

- Cung cấp thông tin minh bạch về chất lượng con giống, giá cả, nhu cầu...rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông.

- Trên cơ sở nhu cầu thực tế về giống của các tỉnh trong vùng, hình thành chuỗi liên kết kiểm soát cung - cầu cá tra giống.

- Xây dựng thương hiệu sản phẩm cá giống chất lượng cao trên nền tảng chất lượng sản phẩm.

- Sản phẩm cá tra ở cả 3 cấp đều được gắn mã vạch, giúp cho quá trình truy xuất được nguồn gốc, từ cá bố mẹ, ương, nuôi, chế biến và tiêu thụ.

3. Giải pháp về tổ chức sản xuất

- Địa phương và doanh nghiệp xây dựng cơ chế quản lý trong liên kết chuỗi liên kết cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là xây dựng khung hợp tác liên kết 3 cấp.

- Xác định các vùng sản xuất giống cá tra tập trung gắn với sự liên kết cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Tổ chức lại sản xuất giống cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo mô hình 3 cấp, lấy doanh nghiệp là hạt nhân của chuỗi liên kết kết 3 cấp.

4. Giải pháp về khoa học công nghệ và khuyến ngư

a) Về khoa học công nghệ: Thực hiện các đề tài nghiên cứu, tuyển chọn giống cá tra bố mẹ chất lượng cao, kháng bệnh, tăng trưởng tốt, quy trình kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá tra, mua bản quyền công nghệ sản xuất nhân tạo giống cá tra theo mục c khoản 1 điều 9 của Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn và các văn bản sửa đổi, bổ sung theo quy định.

Đơn vị cấp 1: Ứng dụng công nghệ chọn giống theo tính trạng mong muốn, hoàn thiện nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất giống cá tra có tính trạng di truyền chọn lọc có khả năng tăng trưởng nhanh, kháng bệnh...

Đơn vị cấp 2: Đầu tư các khu sản xuất giống cá tra tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy mô công nghiệp đảm bảo điều kiện sản xuất giống và kiểm soát được chất lượng con giống.

Đơn vị cấp 3: Đầu tư khu ương giống và thực hiện ương giống theo tiêu chuẩn SQF 1000 (chọn ao và địa điểm, cải tạo ao, cấp nước và gây màu nước, giống và mật độ thả, thức ăn và cách cho ăn đúng theo tiêu chuẩn SQF 1000) để đảm bảo con giống có chất lượng tốt.

b) Về khuyến ngư: Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, tham quan nâng cao trình độ kỹ thuật, nhân rộng mô hình trình diễn; tuyển chọn dự án khuyến ngư trong sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao theo các quy định hiện hành.

5. Giải pháp về bảo vệ môi trường

Các cơ sở sản xuất giống cá tra phải đảm bảo có hệ thống nước cấp và nước thoát riêng biệt, các chỉ tiêu môi trường nước cấp phải tuân thủ theo QCVN 01-81:2011/BNNPTNT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản giống - Điều kiện vệ sinh thú y; Nguồn nước thải có các thông số môi trường tuân thủ theo QCVN 62-MT:2016/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi; Có kế hoạch quan trắc, giám sát chất lượng nước định kỳ và đột xuất. Ngoài ra đối với các đơn vị cấp 3 thì các thông số môi trường nước trong ao nuôi phải tuân thủ QCVN02-20:2014/BNNPTNT: Quy chuẩn quốc gia cơ sở nuôi cá tra trong ao - Điều kiện đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

6. Giải pháp về liên doanh, liên kết 3 cấp

a) Liên kết dọc:

- Liên kết dọc theo chuỗi là từ khâu chọn giống bố mẹ đến khâu sản xuất giống và ương giống, cung cấp cho vùng nuôi thương phẩm để cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp chủ trì chế biến, tiêu thụ. Doanh nghiệp chủ trì chuỗi đóng vai trò trung tâm chủ đạo tổ chức đặt hàng.

- Các đơn vị cấp 1, cấp 2, cấp 3 phải liên kết với nhau thông qua các thỏa thuận hợp tác, hợp đồng kinh tế để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp và gắn kết trong chuỗi. Trường hợp doanh nghiệp chuyên sản xuất giống có thể đồng thời thực hiện cả 3 cấp.

- Các bên có liên quan trong mối liên kết đứng ra xây dựng quy chế điều phối, hoạt động cho các bên, đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong chuỗi sản xuất về quyền lợi và trách nhiệm của các bên.

b) Liên kết ngang:

- Là sự liên kết chủ yếu giữa các hộ ương giống tạo thành mô hình hợp tác (tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất giống hoặc nông hộ) để tạo đầu mối và vùng sản xuất tập trung nhận đặt hàng và ký kết với doanh nghiệp.

Các hộ được địa phương tạo điều kiện quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung hoặc vùng ương dưỡng giống cá tra đủ điều kiện.

7. Giải pháp về hợp tác quốc tế

- Hợp tác với các tổ chức quốc tế thông qua các kênh từ các Viện nghiên cứu, Trường Đại học về nghiên cứu hệ gen của cá tra; nghiên cứu các chỉ thị phân tử có liên kết với tính trạng cần chọn lọc phục vụ cho việc truy xuất/xác định phả hệ nhằm rút ngắn thời gian ương riêng rẽ các gia đình, giảm thiểu sai số và tăng độ chính xác của chọn lọc, từ đó tăng hiệu quả chọn lọc và phát triển kỹ thuật chọn giống dựa trên thông tin hệ gen.

- Hợp tác với Ủy hội Mekong quốc tế và các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu họ cá tra trên lưu vực sông Mekong, chọn ra những tính trạng tốt cho nguồn gen cá tra nuôi tại Việt Nam.

8. Tổ chức thực hiện

a) Tổng cục thủy sản

Là đơn vị đầu mối, chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn các địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án, tổng hợp thông tin thống kê về tình hình triển khai thực hiện các chỉ tiêu của Đề án; trên cơ sở đó có kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh bổ sung phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương.

b) Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp cùng với Tổng cục Thủy sản hỗ trợ UBND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long triển khai thực hiện các nội dung, mục tiêu của Đề án.

c) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nuôi cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long

- Chủ trì xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí tổ chức thực hiện các mục tiêu, nội dung của Đề án tại địa phương ngay sau khi Quyết định được phê duyệt theo hướng ưu tiên xã hội hóa đầu tư, hạn chế tối đa việc sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước triển khai thực hiện Đề án.

- Ban hành và áp dụng các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

- Định kỳ sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

d) Các Hội, hiệp hội có liên quan

Phổ biến và tuyên truyền về các rào cản thương mại kỹ thuật, các quy định của thị trường nhập khẩu đến từng tác nhân tham gia vào chuỗi giống cá tra 3 cấp để có kế hoạch sản xuất phù hợp đáp ứng các đơn hàng của nhà nhập khẩu.

Cùng với cơ quan quản lý hỗ trợ việc giám sát việc thực hiện các mục tiêu và nội dung của Đề án, quảng bá cá tra giống chất lượng cao; Hỗ trợ cơ Sở pháp lý các hợp đồng liên kết.

Phối hợp tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ người sản xuất đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách theo quy định; Hướng dẫn, vận động hội viên tuân thủ quy định pháp luật về thực hiện các chính sách phát triển thủy sản.

9. Giám sát và đánh giá thực hiện Đề án

a) Về chế độ thống kê, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Đề án

- Định kỳ hàng năm, giai đoạn 5 năm/lần, UBND các tỉnh/thành phố có sản xuất cá tra giống liên kết 3 cấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiến hành đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện trong đó nêu rõ: Việc đã hoàn thành, việc chưa hoàn thành, nguyên nhân và đề xuất giải pháp tiếp tục thực hiện, gửi về Tổng cục Thủy sản để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và các cơ quan có liên quan.

- Trong quá trình thực hiện Đề án, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ, Ủy ban nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ động báo cáo Tổng cục Thủy sản để xem xét đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.

- Thời gian gửi báo cáo: Trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.

- Địa chỉ nhận báo cáo: Đồng gửi báo cáo đến 2 cơ quan sau:

+ Vụ Kế hoạch Bộ NN&PTNT: Số 02 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.

+ Tổng cục Thủy sản: Số 10 đường Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.

b) Về chế độ giám sát tiến độ thực hiện Đề án

Thực hiện đúng theo Quyết định số 3201/QĐ-BNN-KH ngày 26/11/2010 của Bộ NN&PTNT về ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê và các chế độ báo cáo thống kê ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.

 

PHỤ LỤC ĐỀ ÁN

PHỤ LỤC I. CHƯƠNG TRÌNH ĐỀ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Kèm theo Quyết định số 987/QĐ-BNN-TCTS ngày 20/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

TT

Tên chương trình/dự án

Nội dung chương trình dự án

Mục tiêu

Đơn vị chủ trì và phối hợp

Tổng vốn (Tỷ đồng)

Thời gian thực hiện

2018-2020

2021-2025

1

Chương trình chọn giống, lưu giữ giống gốc từ chương trình giống gốc, ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chọn giống cá tra thế hệ G4 và G5 và cung cấp cá tra bố mẹ hậu bị có tốc độ tăng trưởng cao, kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Chọn lọc và nuôi vỗ cá bố mẹ.

- Sản xuất gia đình 150 gia đình/thế hệ, chọn giống qua 2 thế hệ G4 và G5, kháng bệnh gan thận mủ.

- Ương nuôi riêng rẽ các gia đình đến kích cỡ đánh dấu.

- Kỹ thuật đánh dấu 50-60 cá thể/gia đình và nuôi tăng trưởng và kháng bệnh gan thận mủ.

- Đánh giá hiệu quả chọn giống, ước tính các thông số di truyền tính trạng tăng trưởng.

- Cung cấp đàn cá tra bố mẹ sinh sản 10.000 con và đàn cá tra hậu bị 15.000 con cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tổng cục Thủy sản chủ trì. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II thực hiện

12

(Từ nguồn sự nghiệp khoa học và Chương trình ứng dụng sinh học giống thủy sản)

2018-2021

(3 năm)

 

Ứng dụng công nghệ sản xuất cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cá tra ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu và an toàn dịch bệnh.

Tổng cục Thủy sản chủ trì, Trung tâm giống thủy sản cấp I Cần Thơ thực hiện.

10

(Từ nguồn sự nghiệp khoa học và Chương trình ứng dụng sinh học giống thủy sản)

2018-2020

 

Nghiên cứu quy trình ương cá tra đạt tỉ lệ sống cao trong điều kiện biến đổi khí hậu và chuyển giao kỹ thuật thu hoạch, vận chuyển, hậu chăm sóc cá tra giống.

Kỹ thuật ương, thu hoạch, vận chuyển và hậu chăm sóc cá tra thành công được ứng dụng vào thực tế tại các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng cục Thủy sản chủ trì. Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II thực hiện và phối hợp với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

3

(Từ nguồn sự nghiệp khoa học và Chương trình ứng dụng sinh học giống thủy sản)

2018 - 2020

 

 

Tổng cộng chương trình/dự án 1

 

25

2018-2020

2

Dự án đầu tư nâng cấp trung tâm giống cá tra chất lượng cao tỉnh An Giang.

Đầu tư nâng cấp cấp trung tâm giống cá tra chất lượng cao tỉnh An Giang.

- Là đơn vị cấp 2 trọng điểm cung cấp nguồn cá tra bột cho tỉnh An Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tham gia đào tạo nguồn lực, chuyển giao khoa học công nghệ cho các đơn vị sản xuất giống cá tra trong vùng; lưu giữ, tuyển chọn nguồn giống bố mẹ cung cấp cho các đơn vị cấp 1.

- Đảm bảo cung cấp đàn cá tra bố mẹ sinh sản 10.000 con và hậu bị 15.000 con; sản xuất cá bột chất lượng cao đến năm 2020 đạt 10 tỷ cá bột cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Cung cấp con giống chất lượng cao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh An Giang đến năm 2020 đạt 1 tỷ giống.

- Đến năm 2025 phấn đấu đạt các tiêu chí tham gia đơn vị cấp 1.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang chủ đầu tư, phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II.

270

(Từ Chương trình phát triển thủy sản bền vững và vốn ngành)

2018-2025

 

Đầu tư phòng thí nghiệm di truyền chọn giống cá tra tại An Giang

Đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm di truyền và chọn giống đạt tiêu chuẩn vùng nhằm nâng cao chất lượng con giống cá tra và giống thủy sản thông qua ứng dụng kết hợp các phương pháp di truyền chọn giống với di truyền phân tử, đồng thời xây dựng định hướng và bảo tồn nguồn gen của thủy sản Việt Nam.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang chủ đầu tư, phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II.

30

(Từ nguồn sự nghiệp khoa học và

Chương trình ứng dụng sinh học giống thủy sản)

2018-2025

Tổng cộng chương trình/dự án 2

 

300

 

3

Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống tập trung.

Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống tập trung tại An Giang

- Tại An Giang: 3 vùng với quy mô 350 ha (150 ha huyện Châu Phú; 100ha thành phố Long Xuyên; 100 ha thị xã Tân Châu).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang chủ đầu tư

121

(Từ Chương trình phát triển thủy sản bền vững và vốn ngành)

2018-2025

Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống tập trung tại Đồng Tháp

- Tại Đồng Tháp: 04 vùng, tổng diện tích 420 ha (huyện Hồng Ngự 100 ha, thị xã Hồng Ngự 100 ha; huyện Cao Lãnh 120 ha; huyện Châu Thành 100 ha).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp chủ đầu tư

146

(Từ Chương trình phát triển thủy sản bền vững và vốn ngành)

2018-2025

 

PHỤ LỤC II.

BỘ TIÊU CHÍ CÁC ĐƠN VỊ THAM GIA SẢN XUẤT GIỐNG CÁ TRA 3 CẤP
(Kèm theo Quyết định số 987/QĐ-BNN-TCTS ngày 20/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

TT

TIÊU CHÍ

NỘI DUNG

1

ĐƠN VỊ GIỐNG CẤP 1 CHỌN TẠO VÀ CUNG CẤP CÁ BỐ MẸ/HẬU BỊ

1.1

Điều kiện

- Là Viện nghiên cứu, Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản, Trường đại học, Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân: Có chức năng hoặc chứng nhận nghiên cứu, đầu tư về giống thủy sản; Có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực có chuyên môn nghiên cứu di truyền chọn giống; Có đàn giống đã được nghiên cứu, công nhận từ kết quả của đề tài, dự án nghiên cứu cấp Bộ hoặc cấp Nhà nước; Nằm trong vùng quy hoạch; có hạ tầng cơ sở đầy đủ, nguồn nước sạch, giao thông thuận tiện, cách xa các nguồn ô nhiễm.

- Có khu cách ly theo dõi sức khỏe giống thủy sản mới nhập về. Cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật phù hợp tuân thủ những quy định nêu tại QCVN 01-81: 2011/BNNPTNT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất thủy sản.

- Phải công bố tiêu chuẩn chất lượng giống thủy sản và đảm bảo chất lượng giống thủy sản đã công bố; thực hiện ghi nhãn giống thủy sản khi lưu hành theo quy định tại Phụ lục 1, Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/5/2013 của Bộ NN&PTNT về việc về quản lý giống thủy sản.

1.2

Quy định về trang thiết bị và kỹ thuật chung

- Hệ thống ao nuôi vỗ cá tra bố mẹ, công trình cho cá đẻ, bể ấp trứng, ương nuôi ấu trùng phải tuân thủ những quy định nêu tại QCVN 01-81:2011/BNNPTNT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản giống- Điều kiện vệ sinh thú y.

- Hệ thống nước đảm bảo cung cấp đủ, cấp và thoát riêng biệt. Nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt phải được thu gom và xử lý tuân thủ những quy định nêu tại QCVN 62- MT:2016/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi. Bùn thải, chất thải phải được thu gom, xử lý.

- Kho thức ăn, hóa chất, nhiên liệu và thuốc phải riêng biệt, có trang bị đầy đủ phòng cháy, chữa cháy.

1.3

Quy định về chất lượng cá hậu bị và cá bố mẹ

- Cá hậu bị và bố mẹ phải thuần chủng và được công nhận, từ kết quả đề tài nghiên cứu cấp Bộ hoặc cấp nhà nước. Đảm bảo số lượng cá bố mẹ ít nhất 100 gia đình, tuổi cho sinh sản không quá 6 năm. Chất lượng cá tra bố mẹ phải tuân thủ những quy định nêu tại TCVN 9963: 2014 về Cá nước ngọt - Cá tra - Yêu cầu kỹ thuật. Mật độ nuôi vỗ trong ao 1 - 1,2 kg/m2, tỷ lệ đực/cái là 1/1,5.

- Độ thành thục của cá tra bố mẹ cho sinh sản phải tuân thủ những quy định nêu tại TCVN 9963: 2014 về Cá nước ngọt - Cá tra - Yêu cầu kỹ thuật.

1.4

Quy định về quản lý

- Hồ sơ quản lý ghi chép hoạt động sản xuất, thời gian lưu giữ hồ sơ tối thiểu là 3 năm theo Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/5/2013 của Bộ NN&PTNT về việc về quản lý giống thủy sản.

- Mỗi cơ sở phải có quy trình thực hiện vệ sinh thú y và biện pháp xử lý khi cá mắc bệnh. Thực hiện các biện pháp phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh theo quy định hiện hành. Khi xảy ra dịch bệnh, phải thông báo ngay cho các cơ quan quản lý theo quy định hiện hành. Quản lý cá bố mẹ và cá hậu bị chặt chẽ, không xảy ra cận huyết, không làm biến đổi gen, không được lai xa các loài thuộc giống Pangasianodon với nhau hoặc với giống Pangasius.

2

ĐƠN VỊ GIỐNG CẤP 2: CHO SẢN XUẤT VÀ CUNG CẤP CÁ BỘT CHO ĐƠN VI GIỐNG CẤP 3

2.1

Điều kiện đối với cơ sở sản xuất cá bột

- Là Trung tâm giống thủy sản, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có năng lực, có cơ sở vật chất. Đảm bảo tiêu chuẩn cho lượng giống thủy sản.

- Với cơ sở sản xuất giống phải thực hiện lập hồ sơ quản lý theo tiêu chí quy định của tổ chức có thẩm quyền và được kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận.

- Tiếp nhận đàn cá tra bố mẹ/hậu bị từ đơn vị cấp 1 và cung cấp cá bột cho đơn vị cấp 3.

2.2

Quy định về trang thiết bị và kỹ thuật chung

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất và các yêu cầu chất lượng chỉ tiêu nguồn nước, các vấn đề liên quan đến thủy sản phải tuân thủ những quy định nêu tại QCVN 02-15: 2009/BNNPTNT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cơ sở sản xuất thủy sản - Điều kiện an toàn thực phẩm, an toàn sinh học và môi trường và QCVN 01-81: 2011/BNNPTNT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản giống- Điều kiện vệ sinh thú y.

2.3

Quy định về chất lượng cá bố mẹ và con bột

- Cá tra bố mẹ nuôi vỗ, cho sinh sản phải tuân thủ những quy định nêu tại TCVN 9963: 2014: Cá nước ngọt - Cá tra – Yêu cầu kỹ thuật.

- Quy trình sản xuất bột cá phải tuân thủ những quy định nêu tại TCVN 9963: 2014 về Cá nước ngọt - Cá tra - Yêu cầu thuật và tiêu chuẩn khác phù hợp với pháp luật Việt Nam.

2.4

Quy định về quản lý

- Lập hồ sơ ghi chép, quản lý và khai thác hoạt động sản xuất giống theo Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/5/2013 của Bộ NN&PTNT về việc về quản lý giống thủy sản.

- Mỗi cơ sở phải có quy trình tiêu độc, khử trùng ao, bể, dụng cụ, thiết bị; quy trình vệ sinh, khử trùng cho công nhân, thực hiện phòng, chữa bệnh, chống dịch bệnh theo quy định hiện hành.

- Thức ăn sử dụng phải đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y thủy sản và thuộc danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

- Quản lý cá bố mẹ và cá hậu bị chặt chẽ, không xảy ra cận huyết, không làm biến đổi gen, không được lai xa các loài thuộc giống Pangasianodon với nhau hoặc với giống Pangasius.

3

ĐƠN VỊ GIỐNG CẤP 3: ƯƠNG DƯỠNG GIỐNG VÀ CUNG CẤP CHO VÙNG NUÔI THƯƠNG PHẨM

3.1

Điều kiện đối với cơ sở ương dưỡng giống cá tra

- Cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật phù hợp và tuân thủ những quy định nêu tại QCVN 02-15: 2009/BNNPTNT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cơ sở sản xuất thủy sản - Điều kiện an toàn thực phẩm, an toàn sinh học và môi trường và QCVN 01-81: 2011/BNNPTNT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản giống- Điều kiện vệ sinh thú y.

- Tiếp nhận nguồn cá bột từ đơn vị cấp 2, cung cấp giống cho các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm.

3.2

Quy định về chất lượng con giống

Quy trình sản xuất giống tuân thủ những quy định nêu tại TCVN 9963: 2014: Cá nước ngọt - Cá tra - Yêu cầu kỹ thuật.

3

Quy định về quản lý

- Các cơ sở sản xuất giống cá tra phải thực hiện chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy theo quy định.

- Trong quá trình sản xuất giống, cơ sở phải theo dõi, ghi chép quá trình sản xuất; lập và lưu giữ hồ sơ về chất lượng giống theo Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/5/2013 của Bộ NN&PTNT về việc về quản lý giống thủy sản và lưu giữ hồ sơ tối thiểu là ba (03) năm.

- Phải xây dựng nội quy, biện pháp bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y thủy sản. Theo dõi kịp thời phát hiện cá bị bệnh, bị chết và xử lý. Thông báo ngay tình hình dịch bệnh theo quy định.