ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 311/KH-UBND | Hà Tĩnh, ngày 20 tháng 9 năm 2018 |
Thực hiện Nghị quyết số 90/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 90/NQ-HĐND); xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 2569/STNMT-CCMT ngày 17/9/2018; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 90/NQ-HĐND, với các nội dung như sau:
- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết số 90/NQ-HĐND nhằm góp phần duy trì, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học, chức năng sinh thái của hệ sinh thái tự nhiên, loài động vật quý hiếm và các nguồn gen có giá trị, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, du lịch sinh thái với bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH).
- Phân công cụ thể nhiệm vụ, quy định rõ trách nhiệm, đề cao sự phối hợp cũng như sự phát huy vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ĐDSH.
1. Công bố và phổ biến các nội dung quy hoạch
Công khai, phổ biến sâu rộng các nội dung Quy hoạch đến các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân trên các trang thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng.
2. Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên đặc thù của tỉnh
- Bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên với tổng diện tích 218.390ha, gồm: các hệ sinh thái rừng nguyên sinh, các kiểu rừng đặc thù, các loài động vật, thực vật quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng đã được đưa vào quản lý trong hệ thống rừng đặc dụng, vùng lõi của Vườn quốc gia Vũ Quang, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ và các Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn.
- Bảo vệ và phát triển các kiểu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, gồm:
+ Rừng đặc dụng tại Vườn quốc gia Vũ Quang và Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ với tổng diện tích 74.510 ha, trong đó Vườn quốc gia Vũ Quang là 52.742ha và Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ 21.768ha.
+ Rừng phòng hộ với tổng diện tích là 113.218ha, trong đó rừng tự nhiên 80.806ha, rừng trồng 22.015ha, đất chưa có rừng 9.658ha và đất khác 739ha. Rừng phòng hộ tập trung chủ yếu tại các khu vực do Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố, Hồng Lĩnh, Sông Tiêm, Ngàn Sâu, Nam Hà Tĩnh và Hương Sơn quản lý.
- Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái biển ven bờ, gồm 04 khu vực: vùng cửa Hội và biển ven bờ Nghi Xuân; vùng cửa Sót và biển ven bờ Lộc Hà - Thạch Hà; vùng cửa Nhượng và biển ven bờ Thạch Hà - Cẩm Xuyên; vùng cửa Khẩu và biển ven bờ Kỳ Anh.
- Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên trên các vùng đất ngập nước tự nhiên, gồm:
+ Hệ sinh thái rừng ngập mặn với tổng diện tích 691,90ha, được phân theo 3 loại rừng để bảo vệ, gồm: rừng tự nhiên phòng hộ có diện tích 32ha và rừng trồng phòng hộ diện tích 659,90ha. Phân bố tại các vùng hạ lưu, cửa sông thuộc các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và thành phố Hà Tĩnh. Triển khai xây dựng quy hoạch công viên rừng ngập mặn hạ lưu sông Rào Cái, đoạn từ cầu Hộ Độ đến cầu Thạch Đỉnh thuộc xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà với diện tích khoảng 130ha.
+ Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái sông, suối, ao hồ trên địa bàn toàn tỉnh.
3. Duy trì, phát triển hệ thống các khu bảo tồn
- Vườn quốc gia Vũ Quang: Nâng cấp, quy hoạch lại và cắm mốc thực địa các phân khu chức năng trong Vườn quốc gia tổng diện tích 57.038ha, diện tích rừng đặc dụng là 52.742ha để bảo tồn các loài động thực vật, hệ sinh thái đặc thù; nâng cấp và mở rộng vườn thực vật; cải tạo, nâng cấp nhà trưng bày, lưu trữ mẫu vật; xây dựng đề án thành lập Trung tâm cứu hộ động vật, chuẩn bị cho quá trình đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trong giai đoạn sau năm 2020.
- Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ: Duy trì, bảo vệ ĐDSH tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, diện tích quy hoạch là 42.062ha, trong đó: đất có rừng: 38.977ha, gồm rừng tự nhiên 31.496ha và rừng trồng 7.481ha; đất chưa có rừng: 3.036ha; đất khác: 49ha. Rà soát việc đáp ứng các tiêu chí chủ yếu của khu bảo tồn và thực hiện chuyển tiếp Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ thành Khu Dự trữ thiên nhiên Kẻ Gỗ theo Luật Đa dạng sinh học, Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ và Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Thành lập mới và triển khai xây dựng vườn thực vật, phòng trưng bày, lưu trữ mẫu vật để bảo tồn các loài thực vật bản địa đặc hữu, quý hiếm.
- Khu dự trữ thiên nhiên cấp quốc gia vùng núi Giăng Màn: Định hướng đến năm 2030, quy hoạch phần diện tích rừng tự nhiên phòng hộ thuộc 04 xã Hương Lâm, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Bình thuộc huyện Hương Khê, diện tích khoảng 16.000ha là khu vực dự kiến thành lập mới khu dự trữ thiên nhiên cấp quốc gia (vùng núi Giăng Màn). Tọa độ địa lý trong khoảng từ 17°39’ đến 18°06’ vĩ độ Bắc và từ 105°33’ đến 105°47’ kinh độ Đông.
- Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh vùng núi Hồng Lĩnh: đến năm 2030, thành lập mới Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh vùng núi Hồng Lĩnh, phạm vi quy hoạch là toàn bộ dãy núi Hồng Lĩnh thuộc địa phận thị xã Hồng Lĩnh và ba huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà, có tổng diện tích khoảng 9.707 ha. Trong đó, diện tích có rừng là 6.778 ha và diện tích chưa có rừng là 2.929 ha. Tọa độ địa lý từ 105°41’ đến 105°55’ kinh Đông và từ 18°28’ đến 18°39 vĩ Bắc.
4. Thành lập các hành lang đa dạng sinh học
Giai đoạn từ năm 2020-2030: Xác định phần ranh giới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, thành lập mới 02 hành lang đa dạng sinh học, gồm:
- Hành lang đa dạng sinh học Vũ Quang - Pù mát: thuộc địa phận thị trấn Vũ Quang thuộc huyện Vũ Quang và các xã Sơn Kim I, Sơn Tây, Sơn Hồng thuộc huyện Hương Sơn với diện tích khoảng 30.000ha.
- Hành lang đa dạng sinh học Vũ Quang - Khe Nét: thuộc địa phận các xã Hòa Hải, Hương Bình, Hương Long, Hương Vĩnh, Hương Xuân, Hương Lâm, Hương Liên, Phú Gia thuộc huyện Hương Khê với diện tích khoảng 58.786ha.
5. Xây dựng và nâng cấp một số cơ sở bảo tồn chuyển chỗ
- Vườn thực vật: Nâng cấp, mở rộng và phát triển vườn thực vật tại Vườn quốc gia Vũ Quang với diện tích khoảng 49ha. Thành lập mới và đưa vào hoạt động vườn thực vật tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ diện tích 150,8ha để bảo tồn các loài thực vật bản địa quý hiếm, đặc hữu. Đến năm 2030, thành lập mới vườn thực vật tại khu vực núi Giăng Màn diện tích khoảng 10ha, tại xã Hương Lâm, huyện Hương Khê.
- Trung tâm cứu hộ động vật: Xây dựng đề án thành lập trung tâm cứu hộ động vật tại Vườn quốc gia Vũ Quang (diện tích khoảng 03ha, nằm ở tiểu khu 146a thuộc thị trấn Vũ Quang) để chuẩn bị cho quá trình đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trong giai đoạn sau năm 2020.
- Nhà bảo tàng lưu giữ mẫu vật: Nâng cấp, sửa chữa nhà bảo tàng và trưng bày mẫu vật ở Vườn quốc gia Vũ Quang, diện tích khoảng 100m2; thành lập mới nhà bảo tàng và lưu trữ mẫu vật tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ với diện tích khoảng 100m2 để sưu tầm và trưng bày các mẫu vật hoặc mô hình của các loài nguy cấp, quý, hiếm; lưu giữ các dữ liệu về động, thực vật hoang dã;...
- Vườn sưu tập cây thuốc: Nâng cấp, hướng dẫn kỹ thuật để phát triển ổn định các vườn thuốc nam hiện có tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2030, thành lập trung tâm dược liệu ở khu di tích Hải Thượng Lãn Ông với diện tích khoảng 05ha, đặt tại quần thể khu di tích Hải Thượng Lãn Ông, tại thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn.
6. Bảo tồn nguồn gen
Xây dựng chương trình bảo tồn nguồn gen. Tăng cường năng lực, đầu tư cơ sở vật chất cho các hoạt động bảo tồn cấp tỉnh: Hội Đông y tỉnh, Trung tâm giống thủy sản, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Hình thành mạng lưới bảo tồn quỹ gen của tỉnh, các khu bảo tồn nguồn gen tập trung và bảo tồn tại chỗ. Ưu tiên bảo tồn và phát triển các loài quý hiếm, có giá trị về kinh tế, dược liệu.
Xây dựng các mô hình bảo tồn cây dược liệu, cây ăn quả có múi, vật nuôi, thủy sản có giá trị kinh tế cao ở Hà Tĩnh. Xây dựng bộ tư liệu về nguồn gen động, thực vật quý hiếm.
7. Kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại
Tăng cường kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở các chốt/trạm kiểm soát tại cửa ngõ ra vào tỉnh, tại các cửa ngõ như sau: phía Đông giáp ranh với biển Đông; phía Bắc nơi giáp ranh với tỉnh Nghệ An; phía Tây giáp ranh với Lào; Nam nơi giáp ranh với tỉnh Quảng Bình; đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ tại Cửa khẩu quốc tế cầu Treo, các tuyến đường tuần tra biên giới để kiểm soát sinh vật ngoại lai và ngoại lai xâm hại.
8. Danh mục nhiệm vụ, dự án ưu tiên
Đơn vị được giao chủ trì có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ, dự án ưu tiên (có phụ lục đính kèm).
1. Phân công nhiệm vụ:
1.1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Là cơ quan chủ trì, đầu mối tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND huyện, thành phố, thị xã thực hiện các nội dung Kế hoạch; tổ chức triển khai các dự án theo lộ trình Kế hoạch; tham mưu điều chỉnh Quy hoạch, Kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế (nếu có).
- Tổng hợp tiến độ, kết quả thực hiện các nội dung của Kế hoạch; định kỳ báo cáo UBND tỉnh.
1.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Thực hiện các nhiệm vụ phân công tại Phụ lục kèm theo Kế hoạch này.
- Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất cho Sở Tài nguyên và Môi trường khi có yêu cầu để báo cáo UBND tỉnh.
1.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Hướng dẫn Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan trong việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm để thực hiện các dự án ưu tiên; phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường huy động, lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện Quy hoạch, Kế hoạch.
1.4. Sở Tài chính
Căn cứ khả năng ngân sách địa phương, chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hàng năm, phân bổ nguồn kinh phí tài trợ (nếu có) để triển khai thực hiện kế hoạch. Hướng dẫn các địa phương, đơn vị quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí đúng quy định.
1.5. Sở Khoa học và Công nghệ
- Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong bảo tồn, khai thác nguồn gen sinh vật. Khuyến khích, hỗ trợ và bảo trợ sở hữu trí tuệ cho các nguồn gen có giá trị kinh tế, y dược, môi trường và khoa học.
- Thực hiện các nhiệm vụ phân công tại Phụ lục kèm theo Kế hoạch này.
1.6. Sở Y tế
Chủ trì tổ chức thực hiện việc xây dựng, sưu tập, quản lý, sử dụng hiệu quả đối với vườn thuốc tại các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý; tuyên truyền, hướng dẫn người dân bảo vệ các loài dược liệu quý và sử dụng các dược liệu hiện có tại địa phương trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân.
1.7. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch
Tập trung khuyến khích đầu tư, khai thác, phát triển du lịch sinh thái, xây dựng các loại hình du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học ở các khu bảo tồn thiên nhiên và khu bảo vệ cảnh quan. Chú trọng phát triển du lịch sinh thái trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây gắn với các Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, Vườn Quốc gia Vũ Quang, thác Vũ Môn, Khu sinh thái Rào Àn, Khu du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh Sơn Kim kết hợp du lịch biên giới cửa khẩu Cầu Treo và các dãy núi cao phía Tây.
1.8. Công an tỉnh
Phối hợp với các cơ quan có chức năng liên quan đấu tranh, xử lý cương quyết, hiệu quả tình trạng săn bắt, đánh bắt, khai thác bộ phận cơ thể, giết, tiêu thụ, vận chuyển, mua, bán, tàng trữ trái phép loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; quảng cáo, tiếp thị, tiêu thụ trái phép sản phẩm có nguồn gốc từ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trên địa bàn tỉnh.
1.9. Cục Hải quan Hà Tĩnh
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trong việc nhập khẩu loài thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại tại các cửa khẩu, cửa ngõ ra vào của tỉnh.
1.10. Sở Thông tin và Truyền thông
Đăng tải nội dung Quy hoạch trên cổng thông tin điện tử của tỉnh; giám sát và phối hợp xử lý việc quảng cáo, tiếp thị trái phép loài và sản phẩm có nguồn gốc từ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trên địa bàn tỉnh. Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống tin cơ sở tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, góp phần bảo vệ, sử dụng, quản lý an toàn đa dạng sinh học.
1.11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
Tăng cường công tác tuyên truyền về ĐDSH nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong bảo tồn đa dạng sinh học; tham gia, phối hợp thực hiện các dự án liên quan trên địa bàn quản lý; khảo sát; cắm mốc ranh giới các dự án, quy hoạch các khu bảo tồn sau khi được phê duyệt.
1.12. Ban quản lý vườn quốc gia Vũ Quang, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, các Ban quản lý rừng phòng hộ và các tổ chức có liên quan
- Thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng tại khu vực quản lý. Tăng cường tuần tra, truy quét, ngăn chặn và xử lý các vi phạm đến tài nguyên rừng, tài nguyên ĐDSH.
- Phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế chính sách chia sẻ các lợi ích tài nguyên lâm sản ngoài gỗ trong quản lý và bảo vệ các tài nguyên rừng cho cộng đồng dân cư sống trong khu vực vùng đệm các vườn quốc gia, khu bảo tồn; lựa chọn đối tượng ký hợp đồng giao khoán đất rừng, đồng thời hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sinh sống gần rừng.
- Thực hiện các nhiệm vụ phân công tại Phụ lục kèm theo Kế hoạch này.
2. Kinh phí
Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch từ nguồn ngân sách Nhà nước bao gồm nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, sự nghiệp giáo dục, vốn đầu tư phát triển và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Các đơn vị được giao chủ trì xây dựng dự toán kinh phí trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định hiện hành.
3. Chế độ báo cáo
Yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này. Định kỳ hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường).
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc các Sở, ngành, địa phương, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, đề xuất báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
(Kèm theo Kế hoạch số 311/KH-UBND ngày 20/9/2018 của UBND tỉnh)
TT | Tên nhiệm vụ | Đơn vị chủ trì | Đơn vị phối hợp | Thời gian hoàn thành |
1 | Công khai và phổ biến các nội dung quy hoạch | |||
| Công khai Quy hoạch trên cổng thông tin điện tử của tỉnh; Phổ biến sâu rộng các nội dung Quy hoạch đến các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân trên các trang thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng. | Sở Thông tin và truyền thông | Sở TN và MT | Quý III/2018 |
2 | Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên đặc thù của tỉnh | |||
2.1 | Xây dựng và triển khai kế hoạch khai thác nguồn tài nguyên rừng hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế. | Sở NN và PTNT | Các sở ngành liên quan; BQL VQG Vũ Quang, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, BQL rừng phòng hộ | Hằng năm |
2.2 | Thực hiện các chương trình quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rừng và bảo tồn ĐDSH bao gồm: trồng rừng, bảo vệ rừng, tăng cường công tác bảo vệ rừng có sự tham gia của cộng đồng, xã hội hóa vấn đề quản lý bảo vệ rừng cho cộng đồng người dân vùng đệm. | Sở NN và PTNT | Các sở ngành liên quan; BQL VQG Vũ Quang, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ | Hằng năm |
2.3 | Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hợp lý, lồng ghép chặt chẽ với hiện trạng và kế hoạch bảo vệ các hệ sinh thái rừng | Sở TN và MT | Các sở ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố, thị xã | Năm 2020 |
3 | Duy trì, phát triển hệ thống các khu bảo tồn | |||
3.1 | Vườn quốc gia Vũ Quang tiếp tục nâng cấp, phát triển các phân khu chức năng theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1130/QĐ-UBND ngày 23/4/2014 | BQL VQG Vũ Quang | Sở NN và PTNT; Sở TN và MT và các Sở ngành liên quan | Năm 2020 |
3.2 | Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ: Rà soát việc đáp ứng các tiêu chí chủ yếu của khu bảo tồn là khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh theo các tiêu chí quy định tại Điều 18 Luật Đa dạng sinh học và Điều 7 Nghị định số 65/2010 ngày 11/6/2010 của Chính phủ | BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ | Sở NN và PTNT; Sở TN và MT và các Sở ngành liên quan | Năm 2020 |
3.3 | Phối hợp với Trung ương thực hiện điều tra, khảo sát và triển khai thành lập mới khu dự trữ thiên nhiên ở khu vực núi Giăng Màn | Sở TN và MT | Sở NN và PTNT, BQL rừng phòng hộ Sông Tiêm, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp và dịch vụ Chúc A và các đơn vị liên quan | Năm 2026 |
3.4 | Xây dựng và triển khai các giải pháp ổn định đời sống người dân trong các khu bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học | Sở NN và PTNT | Sở TN và MT, các Sở, ngành, địa phương liên quan | Năm 2030 |
3.5 | Điều tra, khảo sát và đề xuất thành lập mới khu bảo vệ cảnh quan vùng núi Hồng Lĩnh | Sở TN và MT | Sở NN và PTNT, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, UBND các huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà và thị xã Hồng Lĩnh | Năm 2028 |
3.6 | Phục hồi và quản lý bền vững khu bảo vệ cảnh quan vùng núi Hồng Lĩnh | Sở NN và PTNT | Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, UBND các huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà và thị xã Hồng Lĩnh | Năm 2030 |
4 | Hành lang đa dạng sinh học | |||
4.1 | Điều tra, rà soát và đề xuất thành lập mới 02 HL ĐDSH Vũ Quang - Pù Mát và Khe Nét - Vũ Quang | Sở TN và MT | Sở NN và PTNT, Các sở ngành liên quan, các Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty Lâm nghiệp và UBND các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê | Từ năm 2028-2030 |
4.2 | Xây dựng và triển khai các giải pháp ổn định đời sống của người dân trong hành lang đa dạng sinh học | Sở NN và PTNT | Các Sở, ngành, địa phương liên quan | 2030 |
5 | Xây dựng và nâng cấp một số cơ sở bảo tồn chuyển chỗ | |||
5.1 | Mở rộng, nâng cấp vườn thực vật; nhà bảo tàng mẫu vật; xây dựng trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật tại Vườn quốc gia Vũ Quang | BQL VQG Vũ Quang | Sở NN và PTNT và các Sở, ngành liên quan | Năm 2020 |
5.2 | Xây dựng và triển khai thành lập vườn thực vật; nhà bảo tàng mẫu vật tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ | BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ | Sở NN và PTNT và các Sở, ngành liên quan | Năm 2020 |
5.3 | Chỉ đạo tiếp tục nâng cấp, chỉnh trang, cải tạo các vườn hiện có tại trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh | Sở Y tế | UBND các huyện, thành phố, thị xã | Năm 2020 |
6 | Bảo tồn nguồn gen |
|
|
|
| Xây dựng các mô hình bảo tồn, nuôi trồng chuyên canh các đối tượng cây dược liệu, cây ăn quả có múi, vật nuôi, thủy sản đặc trưng, có giá trị kinh tế cao và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm tại địa phương. | Sở NN và PTNT | Các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã | Hằng năm |
7 | Kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại |
|
|
|
| Tăng cường kiểm soát sinh vật NLXH ở các chốt/trạm kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào tỉnh như ở phía Đông là biển Đông, phía Bắc nơi giáp ranh với tỉnh Nghệ An, phía Tây giáp ranh với Lào và phía Nam nơi giáp ranh với tỉnh Quảng Bình | Cục Hải quan Hà Tĩnh | Các Sở ngành liên quan | Hằng năm |
DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
(Kèm theo Kế hoạch số 311/KH-UBND ngày 20/9/2018 của UBND tỉnh)
TT | Tên chương trình, dự án | Thời gian hoàn thành | Kinh phí (tỷ đồng) | Cơ quan chủ trì |
I | Các chương trình, dự án thực hiện hàng năm và quan trắc định kỳ |
| ||
1 | Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh | Hàng năm (2018-2030) | 6,5 | Sở TN và MT |
2 | Chương trình quan trắc và cập nhật cơ sở dữ liệu ĐDSH trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (định kỳ 5 năm) | 2020-2025; 2025-2030 | 2 | Sở TN và MT |
II | Các chương trình, dự án ưu tiên đến năm 2020 |
| ||
1 | Dự án xây dựng trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật tại VQG Vũ Quang | 2018 - 2020 | 4 | BQL VQG Vũ Quang |
2 | Dự án đầu tư xây dựng và phát triển Vườn thực vật tại Khu DTTN Kẻ Gỗ | 2018 - 2020 | 3 | BQL Khu DTTN Kẻ Gỗ |
III | Các chương trình, dự án giai đoạn 2020 - 2025 |
| ||
1 | Nghiên cứu, xác định các tổn thương do diễn biến thời tiết cực đoan, BĐKH với các HST trên địa bàn tỉnh nhằm đưa ra các giải pháp thích ứng phù hợp với nội lực của tỉnh Hà Tĩnh | 2021-2022 | 4 | Sở TN và MT |
2 | Đánh giá tiềm năng du lịch sinh thái và kết hợp bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. | 2022-2023 | 1,5 | Sở TN và MT |
3 | Nghiên cứu đầu tư, xây dựng và phát triển Mô hình giải quyết sinh kế đối với người dân sinh sống vùng đệm các KBT gắn với công tác bảo tồn ĐDSH | 2023-2024 | 3 | Sở NN và PTNT |
4 | Dự án xây dựng trung tâm dược liệu tại khu di tích Hải Thượng Lãn Ông | 2024-2025 | 4 | Kêu gọi nhà đầu tư |
5 | Xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực quản lý về bảo tồn ĐDSH cho cán bộ quản lý cấp tỉnh Hà Tĩnh | 2025 | 2 | Sở TN và MT |
IV | Các chương trình, dự án giai đoạn 2025 - 2030 |
| ||
1 | Điều tra, khảo sát xây dựng luận cứ khoa học và quy hoạch chi tiết thành lập KDTTN Giăng Màn | 2025-2026 | 5 | Sở TN và MT |
2 | Điều tra khảo sát xây dựng luận chứng khoa học và quy hoạch chi tiết Khu bảo vệ cảnh quan núi Hồng Lĩnh | 2027-2028 | 4 | Sở TN và MT |
3 | Dự án đầu tư xây dựng và phát triển Vườn thực vật tại KDTTN Giăng Màn | 2027-2028 | 2 | BQL KDTTN Giăng Màn |
4 | Điều tra khảo sát xây dựng luận chứng khoa học và quy hoạch chi tiết hành lang ĐDSH Vũ Quang - Pù Mát | 2028-2029 | 6 | Sở NN và PTNT |
5 | Phục hồi rừng và quản lý bền vững khu bảo bảo vệ cảnh quan núi Hồng Lĩnh | 2029-2030 | 7 | Sở NN và PTNT |
6 | Điều tra khảo sát xây dựng luận chứng khoa học và quy hoạch chi tiết hành lang ĐDSH Khe Nét - Vũ Quang | 2029-2030 | 6 | Sở NN và PTNT |
Tổng cộng |
| 60 |
|
- 1 Kế hoạch 2112/KH-UBND năm 2019 về Học tập kinh nghiệm công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học và Vườn quốc gia đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN do tỉnh Tây Ninh ban hành
- 2 Quyết định 2433/QĐ-UBND năm 2019 phê duyệt Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Quảng Trị giai đoạn 2019-2025
- 3 Quyết định 2894/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 4 Kế hoạch 232/KH-UBND năm 2018 về quản lý, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2018-2020
- 5 Nghị quyết 90/NQ-HĐND năm 2018 về thông qua Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 6 Quyết định 199/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 7 Quyết định 01/2018/QĐ-UBND về phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bắc Ninh
- 8 Quyết định 630/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 9 Quyết định 45/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10 Nghị định 65/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đa dạng sinh học
- 11 Luật đa dạng sinh học 2008
- 1 Quyết định 199/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 2 Quyết định 01/2018/QĐ-UBND về phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bắc Ninh
- 3 Kế hoạch 232/KH-UBND năm 2018 về quản lý, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2018-2020
- 4 Quyết định 2894/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 5 Quyết định 2433/QĐ-UBND năm 2019 phê duyệt Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Quảng Trị giai đoạn 2019-2025
- 6 Kế hoạch 2112/KH-UBND năm 2019 về Học tập kinh nghiệm công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học và Vườn quốc gia đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN do tỉnh Tây Ninh ban hành
- 7 Quyết định 630/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 8 Quyết định 3410/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
- 9 Kế hoạch 185/KH-UBND năm 2021 về bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020