Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5113/KH-UBND

Gia Lai, ngày 04 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ ĐẠO CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ “CÁC GIẢI PHÁP KHÔI PHỤC RỪNG BỀN VỮNG VÙNG TÂY NGUYÊN NHẰM ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GIAI ĐOẠN 2016-2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI.

Thực hiện Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, Quyết định số 3315/QĐ-BNN-TCLN ngày 12/8/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn bản số 59-KL/TU ngày 30/8/2016 của Tỉnh ủy Gia Lai về Kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại Hội nghị chuyên đề về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020” (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, GIẢI PHÁP

1. Mục đích:

- Thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020” nhằm bảo vệ hiệu quả diện tích rừng tự nhiên hiện có, mở rộng diện tích rừng trồng, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trên địa bàn; phấn đấu nâng cao độ che phủ của rừng đạt và vượt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.

- Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc khôi phục, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Phát huy tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu những thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu; thu hút các nguồn lực đầu tư vào ngành lâm nghiệp; nâng cao thu nhập của lao động nghề rừng và nhân dân sống gần rừng (đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ); tạo nên sự gắn bó giữa tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư với rừng; phấn đấu đến năm 2020, 100% diện tích rừng của tỉnh đều có chủ.

2. Yêu cầu:

- Việc triển khai phải được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ từ tỉnh, huyện, xã; với sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác khôi phục, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu trong khu vực.

3. Một số giải pháp chủ yếu:

- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 3680/KH-UBND ngày 14/11/2011 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 1685/2011/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; Kế hoạch số 1998/KH-UBND ngày 29/6/2012 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.

- Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân bằng nhiều hình thức như: xây dựng các phong trào không sử dụng các sản phẩm khai thác từ rừng tự nhiên mà không có nguồn gốc hợp pháp; sự cần thiết phải gìn giữ rừng trong cuộc sống thông qua các chương trình văn hóa, văn nghệ, qua hệ thống truyền thông.

- Tạo mọi cơ chế thuận lợi để tất cả các thành phần kinh tế, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng, trồng cây phân tán nhằm nâng cao diện tích, chất lượng, độ che phủ rừng; phát huy tác dụng nhiều mặt của rừng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

- Sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên rừng (nhất là đất đai, nguyên liệu gỗ) trong phát triển kinh tế, xã hội nhằm làm giảm áp lực xâm hại đến rừng; khuyến khích việc sản xuất, cung ứng các loại vật liệu thay thế gỗ rừng tự nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ bản, các công trình dân sinh trong cộng đồng.

- Phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, đơn vị; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

II. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ, NỘI DUNG, THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện thường xuyên và liên tục công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ về Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

2.1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả:

- Không đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đối với diện tích rừng tự nhiên sang mục đích khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

- Trên cơ sở kết quả kiểm kê rừng đã được công bố, tham mưu UBND tỉnh giao trách nhiệm quản lý diện tích rừng hiện có đến chủ tịch UBND cấp huyện và từng đơn vị chủ rừng; thực hiện và hoàn thành trong quý IV/2016.

- Thực hiện việc rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, đưa toàn bộ diện tích đang có rừng ngoài quy hoạch vào quy hoạch đất lâm nghiệp. Rà soát diện tích các khu dân cư, đất sản xuất nông nghiệp đã ổn định, lâu dài của dân đưa ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp, giao về cho địa phương quản lý để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân ổn định sản xuất. Thời gian triển khai và hoàn thành trong Quý IV/2016.

- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; Quy hoạch phát triển rừng sản xuất; Quy hoạch phát triển rừng đặc dụng; Đề án giao đất, giao rừng của tỉnh. Thời gian hoàn thành trong quý II/2017, đồng thời tổ chức thực hiện theo quy hoạch, Đề án được phê duyệt.

- Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp để kịp thời có giải pháp xử lý phù hợp; tổ chức thực hiện thường xuyên hàng năm theo hướng dẫn của Tổng cục Lâm nghiệp.

- Tham mưu đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời tình trạng dân di cư tự do, không để người dân phá rừng lấy đất sản xuất; tổ chức giải tỏa, thu hồi diện tích rừng bị lấn chiếm kể từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011, đồng thời có kế hoạch phục hồi và trồng lại rừng; đối với diện tích rừng nơi có các công trình quốc phòng, doanh trại quân đội, rừng biên giới, giao cho cơ quan quân sự quản lý, bảo vệ.

- Tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân tại chỗ sử dụng gỗ để làm nhà, sửa chữa nhà ở (theo Thông tư số 21/2016/TT-BNNPTNT ngày 28/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sản) trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo; thực hiện và hoàn thành trong Quý IV/2016.

2.2. Tổ chức, kiện toàn lại các ban quản lý rừng; củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty TNHH MTV lâm nghiệp và lực lượng kiểm lâm:

Củng cố, kiện toàn tổ chức các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty TNHH MTV lâm nghiệp đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; hoàn thiện bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba (huyện Krông Pa) để sớm đi vào hoạt động ổn định; nghiên cứu, đề xuất việc sáp nhập một số công ty TNHH MTV lâm nghiệp trên địa bàn các huyện Kbang, Kông Chro; củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của lực lượng kiểm lâm; xem xét, đề xuất việc bố trí lại các chốt chặn, trạm kiểm lâm cửa rừng cho phù hợp với điều kiện thực tế; có kế hoạch luân chuyển cán bộ tại các công ty TNHH MTV lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ nhằm củng cố, đảm bảo hiệu quả hoạt động để hoàn thành nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng trong thời gian đến. Thời gian thực hiện trong Quý IV/2016.

2.3. Rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện các dự án chuyển đổi rừng sang các cây trồng khác và các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp từ năm 2006 đến nay, đề xuất giải pháp phù hợp; kiên quyết thu hồi diện tích rừng, đất lâm nghiệp thuộc các dự án vi phạm pháp luật, yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc trồng rừng thay thế. Đối với diện tích rừng nghèo đã chuyển sang trồng cao su phải đánh giá thật kỹ tình hình sinh trưởng, xác định cho được nguyên nhân cao su bị chết, kém phát triển và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp nhất. Thời gian triển khai và hoàn thành trong Quý IV/2016.

2.4. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển rừng:

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016-2020.

- Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ “Về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020”, Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung; dự án phát triển giống cây lâm nghiệp; xây dựng, thực hiện kế hoạch trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, trồng cây phân tán; xây dựng thí điểm mô hình quản lý rừng bền vững có sự tham gia của người dân làm cơ sở để triển khai trên diện rộng; xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành cơ chế để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng sản xuất.

Thời gian triển khai và hoàn thành trong Quý IV năm 2016.

2.5. Chỉ đạo các đơn vị có liên quan:

- Chỉ đạo các chủ rừng chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý bảo vệ rừng tại gốc, thường xuyên tổ chức kiểm tra, truy quét các điểm nóng về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng.

- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm:

+ Nâng cao năng lực, tăng cường bố trí lực lượng kiểm lâm về cơ sở; chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tham mưu UBND cấp xã: quản lý chặt chẽ dân địa phương và dân tạm trú, đặc biệt là ở các địa phương có dân di cư tự do đến cư trú nhằm mục đích phá rừng làm rẫy, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; thường xuyên theo dõi các hoạt động khả nghi để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

+ Lập kế hoạch và tổ chức kiểm tra, truy quét, chốt chặn các điểm nóng thường xảy ra hành vi vi phạm để xử lý, ngăn chặn; tổ chức tuyên truyền pháp luật, ký cam kết với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sống ven rừng, gần rừng; các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trong việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thường xuyên kiểm tra những cơ sở có dấu hiệu nhập gỗ không rõ nguồn gốc để chế biến, tiêu thụ; kiểm tra nghiệp vụ đối với các hạt kiểm lâm để chấn chỉnh kịp thời; nhất là việc xác nhận nguồn gốc lâm sản.

+ Trên cơ sở danh sách đầu nậu, lực lượng kiểm lâm chủ trì, phối hợp với cơ quan công an và chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi, tìm hiểu kỹ phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này để có biện pháp triệt phá.

+ Phối hợp với chính quyền địa phương, các chủ rừng tăng cường tuyên truyền công tác bảo vệ và phát triển rừng đến tận thôn, làng và hộ gia đình bằng nhiều hình thức sáng tạo hơn, cụ thể hơn, tránh sự rập khuôn, hoặc có nội dung chung chung không đem lại hiệu quả.

+ Xử lý, tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp theo quy định; đối với công chức, viên chức, người đứng đầu có biểu hiện tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn phụ trách.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện chỉ đạo phòng tài nguyên và môi trường các huyện và UBND cấp xã tăng cường công tác quản lý đất đai; kiểm tra thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, sử dụng trái phép; chấm dứt tình trạng hợp thức hóa việc mua bán, chuyển đổi đất lâm nghiệp trái pháp luật; quản lý, giám sát việc thực hiện các dự án theo phương án đã được phê duyệt, quyết định giao đất hoặc cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất; tham mưu xử lý kịp thời, đúng pháp luật các vi phạm pháp luật về đất đai.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện giám sát chặt chẽ việc lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập phương án sử dụng đất đối với các công ty TNHH MTV lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với diện tích rừng, đất lâm nghiệp đã giao, cho thuê nhưng không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.

- Rà soát lại các dự án có chuyển đổi đất rừng tự nhiên đã được HĐND tỉnh thống nhất tại các Nghị quyết số 115/NQ-HĐND , số 116/NQ-HĐND ngày 11/12/2014, Nghị quyết số 154/NQ-HĐND , số 155/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của HĐND tỉnh, xác định cụ thể các dự án đã chuyển đổi, dự án chưa chuyển đổi; tổng hợp báo cáo UBND, HĐND tỉnh.

Thời gian triển khai và hoàn thành trong Quý IV/2016.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương có liên quan tổng kiểm tra rà soát lại các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh, kiên quyết di dời các cơ sở chế biến về khu công nghiệp hoặc khu tập trung tại các địa bàn là thị trấn, thị xã, thành phố để quản lý; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở có vi phạm, không cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nếu không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu đưa vào sản xuất; khuyến khích đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra để nâng cao giá trị của ngành lâm nghiệp; thường xuyên thực hiện việc hậu kiểm đối với các doanh nghiệp mua bán, chế biến gỗ.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị liên quan hướng dẫn các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp thực hiện việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông nghiệp, lâm nghiệp theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xây dựng kế hoạch ngân sách chi cho công tác phục hồi, quản lý bảo vệ và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2016-2020; tổng hợp, trình UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành Trung ương xem xét, quyết định.

- Cung cấp thông tin các doanh nghiệp có chức năng mua bán, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh để Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, theo dõi tình hình hoạt động theo quy định.

Thời gian triển khai và hoàn thành trong Quý IV/2016.

5. S Công Thương:

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng liên quan kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, ngăn chặn, phát hiện và xử lý các trường hợp gian lận trong sử dụng hóa đơn chứng từ để hợp thức hóa nguồn lâm sản trái pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, thay thế Quyết định số 82/QĐ-UBND ngày 05/3/2012 của UBND tỉnh cho phù hợp với quy định pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương.

- Không đề xuất UBND tỉnh việc triển khai các dự án thủy điện có ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên hiện có, yêu cầu các dự án thủy điện đã triển khai thực hiện nghiêm túc việc trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng.

6. Sở Tài chính:

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành liên quan tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện kế hoạch này, tham mưu UBND tỉnh trình các bộ, ngành trung ương hỗ trợ, bổ sung kinh phí cho địa phương để triển khai thực hiện.

- Hàng năm, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện kế hoạch theo phân cấp ngân sách hiện hành.

7. Công an tỉnh:

- Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện và lập chuyên án đấu tranh, điều tra xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, băng nhóm chuyên khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật và các hành vi bao che, tiếp tay cho hoạt động của các đối tượng trên; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh các vụ án, vụ việc có liên quan đến hành vi phá rừng, lấn chiếm đất, rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật; xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan kiểm lâm và các ngành chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng kiểm tra các phương tiện vận chuyển lâm sản trái pháp luật khi có yêu cầu, đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát để phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các xe hết niên hạn sử dụng, xe không có giấy tờ hợp pháp, xe độ chế, thay đổi kết cấu để tham gia giao thông, vận chuyển lâm sản trái phép.

- Chỉ đạo lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy có kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng; thường xuyên phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các cấp và các chủ rừng tổ chức diễn tập các phương án chữa cháy rừng; thường xuyên kiểm tra các phương tiện, công cụ đảm bảo sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng; cứu hộ, cứu nạn trong mọi tình huống.

8. Bộ Chỉ huy Quân sự tnh:

Tổ chức quán triệt các văn bản của Chính phủ, UBND tỉnh cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn đóng quân; tổ chức tuần tra dã ngoại truy quét các đối tượng xâm hại đến tài nguyên rừng ở những nơi được giao cho quân đội quản lý và theo yêu cầu của UBND tỉnh.

9. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

Chỉ đạo các đồn biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm tra khu vực biên, giới; ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, đặc biệt là các vụ phá rừng, khai thác rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; quản lý chặt chẽ người và phương tiện qua lại khu vực biên giới; tích cực hỗ trợ, phối hợp lực lượng kiểm lâm, chủ rừng, chính quyền xã trong việc phòng cháy chữa cháy rừng; tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Nếu còn để xảy ra vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn quản lý, thì thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

10. Đối với các cơ quan tư pháp:

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân các cấp phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật liên quan nâng cao hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án hình sự; đấu tranh và xử lý triệt để, kiên quyết đối với các băng nhóm tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương.

11. UBND các huyện, thị xã, thành phố (UBND cấp huyện):

- Ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền để chỉ đạo các lực lượng chức năng của huyện, UBND cấp xã tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc huyện, phối hợp với hạt kiểm lâm, UBND cấp xã và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tăng cường tuyên truyền phổ biến Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đất đai đến các tầng lớp nhân dân; chú trọng tuyên truyền trực tiếp đến những người dân sống gần rừng, những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nội dung cần cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với phong tục tập quán địa phương.

- Những địa phương chưa quy hoạch, xây dựng khu công nghiệp, cụm sản xuất tập trung cần phải khẩn trương thực hiện; khuyến khích, kêu gọi các cơ sở chế biến gỗ vào hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc huyện, phối hợp với hạt kiểm lâm rà soát, xác định số lượng hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể có giấy chứng nhận đăng ký ngành nghề gia công, chế biến mộc dân dụng, mua bán đồ gỗ mỹ nghệ và tổ chức kiểm tra thường xuyên để ngăn chặn hành vi sai phạm; kiên quyết thu hồi mã ngành nghề kinh doanh liên quan đến lâm sản đối với các trường hợp vi phạm; tổ chức hậu kiểm hàng năm nhằm phát hiện, xử lý các cơ sở lợi dụng giấy phép đăng ký kinh doanh để kinh doanh, chế biến, tiêu thụ lâm sản trái pháp luật; tạm dừng cấp mới đối với ngành nghề này.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc rà soát, điều chỉnh, quy hoạch lại 3 loại rừng cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

- Duy trì, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất, rừng, khai thác rừng, chế biến, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc huyện điều tra, xác minh, xử lý đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, chống người thi hành công vụ; những vụ vi phạm phá rừng, lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp trái pháp luật đã được phát hiện, kiên quyết không cho canh tác, buộc trồng lại rừng; xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu chính quyền cấp xã, chủ rừng để xảy ra vi phạm trên địa bàn quản lý.

- Huy động nguồn lực của địa phương để bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện, UBND cấp xã phối hợp với lực lượng công an, quân sự, kiểm lâm để thực hiện các phương án, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương; chỉ đạo UBND cấp xã có rừng tạo điều kiện về chỗ ở, nơi làm việc cho kiểm lâm địa bàn, đồng thời phân công, phân nhiệm cán bộ, công chức cấp xã phối hợp chặt chẽ với kiểm lâm địa bàn, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng của chủ rừng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Tham mưu cho cấp ủy Đảng chỉ đạo tòa án nhân dân tổ chức xét xử lưu động các vụ án liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại các thôn (làng), nơi có người vi phạm để nâng cao tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa.

- Chính quyền địa phương nơi nào để xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng, khai thác, lấn chiếm rừng; giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trái pháp luật; thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình mà không xử lý kịp thời thì chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

12. Các đơn vị chủ rừng:

- Thủ trưởng các đơn vị chủ rừng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; kiểm tra, đôn đốc các hộ dân, cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng thực hiện tốt cam kết bảo vệ rừng.

- Bố trí lực lượng bảo vệ rừng phối hợp với kiểm lâm địa bàn và cán bộ cấp xã thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức tuần tra, kiểm soát để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất, rừng, khai thác, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật ngay tại gốc; theo dõi, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng trên lâm phần được giao; thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và pháp luật nếu để xảy ra tình trạng vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng trên lâm phần được giao.

- Trường hợp phát hiện rừng bị phá mà không tìm được đối tượng vi phạm hoặc đối tượng vi phạm không có khả năng trồng lại diện tích rừng bị chặt phá, thì chủ rừng có trách nhiệm trồng lại rừng.

13. Đối với các tổ chức chính trị -xã hội các cấp:

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp dưới tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, phát triển rừng; giám sát chặt chẽ việc thực thi nhiệm vụ của các cơ quan chức năng; đảm bảo hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng, giảm thiểu thiệt hại tài nguyên rừng, phát huy vai trò bảo vệ môi trường của rừng.

14. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai:

Mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền nội dung công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phòng, chống biến đổi khí hậu; sắp xếp thời lượng, chương trình hợp lý để phản ánh tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết quả điều tra, xử lý hành vi vi phạm; những gương điển hình tiên tiến trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng ... đảm bảo công tác này thực sự trở thành nhiệm vụ chung và thường xuyên của cả hệ thống chính trị ở các cấp.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN, CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

1. Tổ chức thực hiện:

Trên cơ sở Kế hoạch này, căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại Văn bản số 59-KL/TU ngày 30/8/2016; chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế; các sở, ngành, đơn vị có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016-2020, trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt trong Quý IV năm 2016 làm cơ sở cho việc triển khai và kiểm tra kết quả thực hiện.

2. Chế độ báo cáo:

Hằng tháng, quý, năm, UBND cấp huyện, các Sở, ban, ngành liên quan, đơn vị chủ rừng báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), số liệu thống kê trong kỳ báo cáo tháng được thực hiện từ ngày của tháng trước đến hết ngày 14 của tháng báo cáo; thời gian các đơn vị gửi báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau: báo cáo tháng vào ngày 20 hàng tháng; báo cáo quý vào ngày 20 tháng cuối quý; báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm vào ngày 20 tháng 6; báo cáo năm vào ngày 20 tháng 11. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25 hàng tháng.

Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này, nếu có vấn đề phát sinh; các sở, ngành, địa phương phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Nông nghiệp & PTNT (b/c);
- Tổng cục Lâm nghiệp (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- UBMTTQVN tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- VKSND tỉnh, TAND tỉnh;
- Chánh Văn phòng, các PVP UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành của tỉnh;
- Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh;
- UBND các huyện, TX, TP;
- Đài PT-TH tỉnh, Báo Gia Lai;
- Các đơn vị chủ rừng;
- Lưu: VT, TTTH, NC, KT, TH, NL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Kpă Thuyên