Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 838/KH-UBND

An Giang, ngày 28 tháng 12 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

VỀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ, NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2019 - 2020

Căn cứ Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/04/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 31/2016/TT-BNTMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

Căn cứ Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 11/11/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 1066/QĐ-UBND ngày 05/4/2017 của UBND tỉnh An Giang về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 277/TTr-SNN&PTNT ngày 07/12/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn giai đoạn 2019 - 2020, cụ thể như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ, NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN

Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sự tồn tại và phát triển của các làng nghề là khách quan, xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của đời sống và sản xuất. Thực tế về phát triển các làng nghề ngày càng cho thấy những lợi thế, tiềm năng, vai trò và ý nghĩa tích cực của nó, bởi lẽ các làng nghề là nơi lưu trữ và thể hiện những nét riêng biệt của một nền văn hoá, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc; làng nghề góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, giảm bớt tình trạng nghèo đói cho người dân địa phương; làng nghề tạo ra sự phát triển hài hòa giữa sản xuất và bảo vệ môi trường; làng nghề là một trong những yếu tố quan trọng thu hút sự tìm hiểu và khám phá của du khách trong và ngoài nước; và ở mức độ rộng hơn, làng nghề góp phần khẳng định vị thế của một quốc gia trong xu thế hội nhập toàn cầu, mà không mất đi bản sắc “Hoà nhập nhưng không hoà tan”.

Sự tồn tại và phát triển của các làng nghề đã khẳng định vị thế và vai trò của nó trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, là một trong những mục tiêu quan trọng để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể cho thấy sự phát triển các làng nghề của tỉnh An Giang vẫn chưa phát huy được tiềm năng và lợi thế của nó. Thể hiện rõ nhất là sự mai một và thậm chí biến mất của một số ngành nghề mà đã được cha ông gìn giữ từ hàng nghìn đời nay. Song song với đó là tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và lạc hậu trong hoạt động sản xuất; hậu quả là chất lượng của sản phẩm truyền thống chưa đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng, chưa hấp dẫn khách du lịch, khả năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường kém, tính ổn định của sản phẩm chưa cao và đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường của các làng nghề. Điều này đã cho thấy việc bảo tồn và phát triển các làng nghề nhằm giữ gìn các giá trị văn hoá - khẳng định vị thế của địa phương, tạo việc làm, nâng cao mức sống, cải thiện môi trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

II. THỰC TRẠNG LÀNG NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG TỈNH AN GIANG

1. Đặc điểm tình hình:

Trên địa bàn tỉnh An Giang có 29 làng nghề đã được công nhận (nhóm làng nghề sản xuất lương thực - thực phẩm: có 04 làng nghề; nhóm làng nghề tái chế phế liệu và gia công kim loại: có 04 làng nghề; nhóm làng nghề gỗ mỹ nghệ, mộc gia dụng và đan đát: có 10 làng nghề; nhóm làng nghề dệt nhuộm, se tơ: có 03 làng nghề; nhóm làng nghề sản xuất khác: có 08 làng nghề), với 5.954 hộ, giải quyết việc làm cho trên 17.241 lao động. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề chủ yếu là trong nước; một số ít được xuất khẩu ra nước ngoài như: thêu rua sang các nước Châu Âu, đường thốt nốt có mặt ở nhiều nơi trong nước và xuất khẩu... Hiện nay, một số cơ sở có quy mô tương đối đã và đang tích cực tìm kiếm thị trường thông qua các kỳ hội chợ, tích cực quảng bá sản phẩm như đường thốt nốt, rèn, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ,…Hàng năm, giá trị sản xuất bình quân ước đạt khoảng 320 tỷ đồng/năm; xuất khẩu bình quân đạt gần 02 triệu USD/năm, trong đó xuất khẩu ủy thác chiếm khoảng 85%, xuất khẩu trực tiếp khoảng 15%.

Cơ sở vật chất của các hộ trong làng nghề còn rất nhiều khó khăn và điều kiện kinh tế xã hội chưa phát triển. Khó khăn lớn nhất hiện nay của các làng nghề là thiếu vốn để đầu tư máy móc thiết bị, nguyên liệu để duy trì và mở rộng sản xuất.

2. Khó khăn, tồn tại:

- Trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, một số ngành nghề truyền thống của tỉnh có chiều hướng bị mai một, cần được quan tâm hỗ trợ như: đan đát (Chợ Mới), rập chuột (Châu Thành), đan võng (Châu Phú), sản xuất lò đất (Tri Tôn),...

- Quy mô sản xuất các làng nghề nhỏ, manh mún; nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh ít, khả năng huy động vốn hạn chế do không có tài sản thế chấp.

- Trình độ quản lý của cơ sở sản xuất còn hạn chế, quen kiểu làm ăn nhỏ lẻ nên việc tổ chức sản xuất theo mô hình tập thể (tổ liên kết sản xuất, hợp tác xã) còn chậm. Tỉ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, chưa quen với tác phong công nghiệp, sản xuất còn phân tán, theo thời vụ.

- Sản phẩm của các làng nghề hầu hết chưa có nhãn hiệu hàng hóa, chưa đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, thị trường tiêu thụ sản phẩm hẹp, chủ yếu vẫn là thị trường nội địa.

- Các cơ sở sản xuất chưa mạnh dạn đầu tư phát triển công nghệ thiết bị mới; chưa đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm nên khả năng cạnh tranh kém, năng suất thấp và thị trường tiêu thụ không ổn định.

- Môi trường bị ô nhiễm ngày càng tăng từ những hạn chế về công nghệ, thiết bị, mặt bằng sản xuất, trình độ quản lý, vốn đầu tư và chưa quan tâm nhiều đến biện pháp xử lý môi trường nên đa số cơ sở trong quá trình sản xuất đã gây ảnh hưởng đến môi trường. Do ngành nghề nông thôn tập trung thường nằm đan xen trong các khu, tuyến dân cư nên việc phát triển sản xuất và xử lý môi trường gặp nhiều khó khăn.

3. Nguyên nhân:

- Các chính sách và giải pháp để hỗ trợ cho các ngành công nghiệp ở nông thôn còn hạn chế.

- Các cơ sở, doanh nghiệp ngành nghề nông thôn có quy mô còn nhỏ, thiếu vốn, công nghệ còn lạc hậu nên khó tạo nên hạt nhân có sức lan tỏa mạnh đến các vùng khác. Mặt khác, chưa có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành nghề ở nông thôn, hợp tác sản xuất vệ tinh giữa các doanh nghiệp nông thôn và doanh nghiệp ở thành thị còn mờ nhạt, chưa phát huy được lợi thế so sánh của nhau trong việc tổ chức sản xuất và cung ứng nguyên liệu.

- Chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn còn thấp, phần lớn sinh viên tốt nghiệp không quay trở lại phục vụ quê hương mà tìm cách kiếm việc làm ở thành thị và các thành phố lớn. Sự phân bố không đồng đều nguồn nhân lực qua đào tạo cho thấy nguồn nhân lực ở nông thôn không hấp dẫn cũng là nguyên nhân hạn chế sự phát triển của các cơ sở, doanh nghiệp ngành nghề nông thôn. Lao động CN -TTCN chưa được đào tạo chiếm tỉ lệ rất cao; chủ cơ sở, doanh nghiệp đã học qua trường lớp về quản trị kinh doanh hoặc quản lý kinh tế - tài chính chưa đến 1%, nên quản lý chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và dẫn đến mức độ rủi ro cao.

III. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ, NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2019 - 2020

1. Mục tiêu:

Phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh, trong đó chú trọng phát triển ngành nghề với các sản phẩm là thế mạnh của tỉnh; giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống hiện có, đồng thời tập trung phát triển sản phẩm đặc thù riêng của từng địa phương; quản lý các làng nghề được công nhận đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường; hình thành các sản phẩm tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch trong đó gắn với bảo vệ môi trường.

2. Nội dung, kế hoạch hỗ trợ, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn giai đoạn 2019 - 2020:

2.1. Đào tạo, tập huấn:

Tổ chức 04 lớp đào tạo, tập huấn; mỗi lớp 30 học viên; địa điểm tổ chức tại huyện; nội dung đào tạo: nâng cao tay nghề và truyền nghề, kỹ năng quản lý, kỹ năng kỹ thuật sản xuất cho lao động nông thôn, cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), doanh nghiệp (DN) trong các làng nghề, ngành nghề nông thôn.

- Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn).

- Cơ quan phối hợp: Sở, ngành có liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố.

2.2. Hỗ trợ máy móc, thiết bị xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm:

Hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến và tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trình diễn sản xuất cho các sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn có hiệu quả và thân thiện môi trường. Dự kiến hỗ trợ 08 mô hình cho làng nghề, ngành nghề nông thôn.

Tiêu chí lựa chọn: Xã, thị trấn có các sản phẩm thuộc làng nghề, làng nghề truyền thống và sản phẩm đặc sản ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh; Đối tượng hỗ trợ: Các hộ có sản xuất sản phẩm thuộc làng nghề, làng nghề truyền thống và sản phẩm đặc sản ngành nghề nông thôn trên địa bàn xã, thị trấn; hộ có lao động siêng năng, cần cù, chịu khó và có vốn đối ứng; kinh phí hỗ trợ: Tối đa 50% nhưng không quá 75 triệu đồng/làng nghề, làng nghề truyền thống và ngành nghề nông thôn (theo Điều 5 Thông tư Liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010 của liên Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp &PTNT hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông).

- Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn).

- Cơ quan phối hợp: Sở Công Thương và UBND huyện, thị xã, thành phố.

2.3. Phục dựng các điểm sản xuất sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn:

Phục dựng các điểm sản xuất sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn phục vụ du lịch. Dự kiến phục dựng 03 điểm, kinh phí tối đa 50 triệu đồng/điểm. Tiêu chí lựa chọn: Các làng nghề, ngành nghề nông thôn nằm trên tuor, tuyến du lịch của tỉnh.

- Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn).

- Cơ quan phối hợp: Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch và UBND huyện, thị xã, thành phố.

2.4. Hỗ trợ cung cấp thông tin, tuyên truyền:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) phối hợp Báo An Giang thực hiện 08 chuyên mục: Tuyên truyền các sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn; Tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách mới có liên quan đến làng nghề, ngành nghề nông.

2.5. Phát triển sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn:

Hỗ trợ tham gia 04 lượt Hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh: Trưng bày các sản phẩm của làng nghề, ngành nghề nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

- Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn).

- Cơ quan phối hợp: Sở, ngành có liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố.

2.6. Nâng cao năng lực quản lý, nhận thức và tổ chức thực hiện kế hoạch:

Xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức 02 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ngành nghề nông thôn cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức 02 chuyến khảo sát, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất có hiệu quả của các làng nghề tỉnh bạn để áp dụng tại địa phương.

- Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn).

- Cơ quan phối hợp: Sở, ngành có liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố.

2.7. Đánh giá, phân loại các làng nghề theo mức độ ô nhiễm môi trường:

Tổ chức thực hiện việc đánh giá, phân loại các làng nghề có sản xuất sản phẩm thuộc đối tượng ô nhiễm môi trường trên địa tỉnh theo mức độ ô nhiễm môi trường theo tiêu chí đánh giá, phân loại tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Dự kiến đánh giá, phân loại các làng nghề đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận. Kinh phí thực hiện từ ngân sách sự nghiệp môi trường địa phương theo dự toán tại Kế hoạch số 577/KH-UBND ngày 20/9/2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và dự toán kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường tỉnh An Giang năm 2019.

- Cơ quan thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Cơ quan phối hợp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sở, ngành tỉnh có liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố.

2.8. Rà soát các làng nghề đã được công nhận trước đây theo quy định tại Khoản 6 Điều 6 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính Phủ về phát triển ngành nghề nông thôn làm cơ sở điều chỉnh làng nghề không còn phù hợp với quy định.

- Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn).

- Cơ quan phối hợp: Sở, ngành có liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố.

2.9. Tổ chức Hội nghị sơ kết giai đoạn 2019 - 2020:

- Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn).

- Cơ quan phối hợp: Sở, ngành có liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

1. Về tăng cường công tác quản lý nhà nước:

- Tăng cường củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về ngành nghề nông thôn trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

- Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc thực hiện các hoạt động làng nghề, ngành nghề nông thôn.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn.

2. Về tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường:

- Đưa các thông tin sản phẩm của làng nghề, ngành nghề nông thôn lên báo, đài và trang Website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư và các sở, ngành có liên quan để phổ biến giới thiệu rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân trong cả nước tìm hiểu để hợp tác phát triển.

- Chọn lọc các sản phẩm tiêu biểu của làng nghề và ngành nghề nông thôn tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để tìm kiếm thị trường.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động kết nối và hình thành tuyến du lịch tham quan làng nghề để khách du lịch tham quan và tự làm sản phẩm.

- Tuyên truyền vận động thành lập các hình thức tổ chức sản xuất như: Hợp tác xã, Tổ hợp tác tại các làng nghề để tạo cơ sở pháp lý ký kết các hợp đồng mua bán, xuất khẩu các sản phẩm.

3. Về nguồn vốn

- Khuyến khích kêu gọi đầu tư, huy động vốn trong dân, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước,…để đầu tư cho các nghề truyền thống đã bị mai một và phát triển các làng nghề có tiềm năng kết hợp du lịch.

- Lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, đề án, dự án, từ các nguồn tài trợ của các tổ chức phi Chính phủ hợp pháp để hỗ trợ làng nghề; đa dạng hóa các hình thức huy động vốn như: góp vốn, thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp, vay vốn từ các tổ chức tín dụng…

4. Về nguồn nhân lực:

- Thay đổi phương thức đào tạo, thời gian đào tạo,… phù hợp với từng loại đối tượng, phát huy hình thức đào tạo theo yêu cầu của các doanh nghiệp.

- Nâng cao việc đào tạo nghề và truyền nghề cho lao động nông thôn phải gắn với các nghề, làng nghề truyền thống. Tăng cường đào tạo kiến thức về kỹ thuật và thiết kế sản phẩm cho thợ thủ công; đối với làng nghề có biện pháp khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi trong và ngoài tỉnh kèm cặp, bồi dưỡng truyền nghề cho lực lượng lao động trẻ thông qua các lớp đào tạo, tập huấn.

- Chủ động tìm kiếm các chương trình, dự án quốc tế để thu hút các chuyên gia về phát triển sản phẩm, chuyên gia kỹ thuật sản xuất và thị trường nhằm hỗ trợ cho đội ngũ giảng dạy các cơ sở dạy nghề và các làng nghề trên địa bàn tỉnh.

5. Về khoa học công nghệ:

- Lồng ghép các chương trình hội thảo về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để các hộ sản xuất trao đổi kinh nghiệm, giao lưu, hợp tác trong sản xuất, tổ chức tham quan học tập về ứng dụng công nghệ từ các địa phương khác trong cả nước.

- Khuyến khích các làng nghề đầu tư máy móc thiết bị ứng dụng công nghệ kỹ thuật, đưa các máy móc tiên tiến vào sản xuất, chủ động đa dạng hóa và đổi mới mẫu mã, chất lượng sản phẩm nhằm thỏa mãn nhu cầu cho mọi đối tượng tùy theo thị hiếu của người tiêu dùng ở từng khu vực thị trường, nhất là người tiêu dùng nước ngoài. Các sản phẩm như: Nón lá, quần áo thổ cẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm đan lát...

- Khuyến khích các hộ sản xuất tại các làng nghề tham gia các dự án khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 567/QĐ-UBND ngày 05/3/2016 của UBND tỉnh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng thị hiếu du lịch.

- Phối hợp với các viện, trường và Trung tâm nghiên cứu để nghiên cứu cải tiến mẫu mã, cập nhật thông tin, thiết bị mới, nghiên cứu hoàn thiện máy móc phục vụ cho các làng nghề.

6. Về bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm

- Tổ chức thực hiện bảo vệ môi trường theo quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BNTMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các văn bản pháp luật khác liên quan.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường, nhất là đối với cơ sở sản xuất trong làng nghề, ngành nghề nông thôn và hướng các cơ sở khi tham gia sản xuất tuân thủ các quy định về vệ sinh môi trường trong quá trình hoạt động.

- Khi phát triển các làng nghề: sản xuất phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.

V. KINH PHÍ VÀ NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ, phát triển làng nghề và ngành nghề nông thôn giai đoạn 2019-2020 là 2.930 triệu đồng (năm 2019: 1.930 triệu đồng, năm 2020: 1.000 triệu đồng), trong đó:

- Ngân sách Trung ương nguồn vốn sự nghiệp từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 760 triệu đồng.

- Ngân sách tỉnh:

+ Nguồn vốn sự nghiệp môi trường là 1.000 triệu đồng.

+ Nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp là 570 triệu đồng.

- Vốn đối ứng của doanh nghiệp, cơ sở là 600 triệu đồng.

Cụ thể, giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) là 1.330 triệu đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường là 1.000 triệu đồng.

(Chi tiết xem phục lục đính kèm)

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Hướng dẫn, tổ chức thực hiện kế hoạch hỗ trợ, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn giai đoạn 2019 - 2020.

Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo các nội dung tăng cường quản lý làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh theo đúng quy định.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành nghề nông thôn theo Quyết định số 71/2016/QĐ-UBND ngày 14/10/2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tổ chức thực hiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện việc đánh giá, phân loại các làng nghề trên địa bàn tỉnh theo mức độ ô nhiễm môi trường tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 31/2016/TT-BNTMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

3. Sở Kế hoạch và đầu tư:

Phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu nguồn vốn ngân sách Trung ương để đề xuất thực hiện Kế hoạch.

4. Sở Tài chính

Hằng năm căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, Sở Tài chính phối hợp các đơn vị liên quan thẩm định, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch trên cơ sở lồng ghép các nhiệm vụ chi của chương trình, dự án khác để thực hiện.

5. Sở Công Thương:

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, lồng ghép nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất trong làng nghề và ngành nghề nông thôn.

6. Sở Khoa học và Công nghệ:

Hướng dẫn thủ tục xây dựng Chương trình phát triển tài sản trí tuệ từ nguồn vốn theo Quyết định số 1965/QĐ-UBND ngày 14/8/2018 của UBND tỉnh; hướng dẫn công nghệ mới hiệu quả phù hợp với cơ sở của làng nghề và ngành nghề nông thôn từ nguồn vốn theo Quyết định số 567/QĐ-UBND ngày 10/3/2018 của UBND tỉnh.

7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Hình thành các tuyến du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hoá làng nghề truyền thống, tạo điều kiện cơ sở của các làng nghề trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại bảo tàng, các điểm trung tâm du lịch trong và ngoài tỉnh. Đồng thời kết nối các tour du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với hoạt động đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm của làng nghề, làng nghề truyền thống và ngành nghề nông thôn.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố chọn điểm phục dựng sản xuất sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn gắn với tuor, tuyến du lịch của tỉnh.

8. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư

Hỗ trợ các cơ sở trong làng nghề và ngành nghề nông thôn tham gia xúc tiến thị trường, tham gia các kỳ hội chợ trong và ngoài tỉnh để tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm... Hỗ trợ thiết kế mẫu mã sản phẩm cho các cơ sở, làng nghề, ngành nghề nông thôn.

Thông tin và hỗ trợ các cơ sở, làng nghề, ngành nghề nông thôn tham gia các chương trình như: Hội thảo, hội nghị kêt nối cung cầu.

9. Hội Nông dân tỉnh

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận động, tuyên truyền các chủ trương chính sách về làng nghề, ngành nghề nông thôn cho các đoàn viên, hội viên và tổ chức, cá nhân cùng tham gia phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang.

10. Các sở, ban, ngành có liên quan

Căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lồng ghép các chương trình mục tiêu với Kế hoạch này để triển khai thực hiện.

11. Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành:

Tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với làng nghề, ngành nghề truyền thống, phân công cán bộ phụ trách quản lý làng nghề, ngành nghề truyền thống trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện tốt Kế hoạch này tại địa phương.

Căn cứ nhu cầu thực tế của địa phương, chủ động đề xuất, đặt hàng Sở Khoa học và Công nghệ trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ bảo tồn và phát triển làng nghề tại địa phương.

VII. CÔNG TÁC THÔNG TIN, BÁO CÁO

Các Sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện nhiệm vụ Kế hoạch này theo phân công, có trách nhiệm theo dõi, đánh giá định kỳ, báo cáo 6 tháng (vào ngày 15/6) và báo cáo năm (chậm nhất vào ngày 15/12) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trên đây là Kế hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn giai đoạn 2019 - 2020 của tỉnh An Giang, yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- CT, PCT UBND tỉnh - Trần Anh Thư;
- Sở, ban, ngành tỉnh;
- Hội Nông dân tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã và thành phố;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Phòng KTN, HCTC;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Anh Thư

 

TỔNG HỢP KINH PHÍ DỰ TOÁN THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN LÀNG, NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2019 - 2020

(Kèm Kế hoạch số 838/KH-UBND, ngày 28/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

Nội dung Kế hoạch

ĐVT

Số lượng

Tổng cộng (tr. đ)

Kinh phí thực hiện năm 2019 (triệu đồng)

Kinh phí thực hiện năm 2020 (triệu đồng)

Ghi chú

Cộng

NSTW (NTM)

NS tỉnh (SNNN)

NS tỉnh (SN môi trường)

Vốn DN, cơ sở

Cộng

NSTW (NTM)

NS tỉnh (SNNN)

NS tỉnh (SNMT )

Vốn DN, cơ sở

1

Đào tạo, tập huấn cho làng nghề, NNNT

1

Nâng cao tay nghề, truyền nghề, kỹ năng quản lý, kỹ thuật sản xuất

lớp

4

120

60

 

60

 

 

60

 

60

 

 

NN& PTNT

II

Hỗ trợ máy móc, thiết bị xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất

1

Xây dựng mô hình ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho làng nghề, NNNT

mô hình

8

1.200

600

300

 

 

300

600

300

 

 

300

Sở NN& PTNT

III

Phục dựng điểm sản xuất sản phẩm làng nghề, NNNT

1

Phục dựng điểm sản xuất sản phẩm làng nghề, NNNT phục vụ du lịch

điểm

3

150

50

 

50

 

 

100

 

100

 

 

Sở NN& PTNT

IV

Hoạt động thông tin, tuyên truyền

1

Thực hiện chuyên mục tuyên truyền sản phẩm làng nghề, NNNT

chuyên mục

8

40

20

 

20

 

 

20

 

20

 

 

Sở NN& PTNT

V

Phát triển sản phẩm làng nghề, NNNT

1

Tham gia hội chợ triển lãm trong nước

lần

4

200

100

 

100

 

 

100

 

100

 

 

Sở NN& PTNT

VI

Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện kế hoạch

1

Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác NNNT

lớp

2

60

30

30

 

 

 

30

30

 

 

 

Sở NN& PTNT

2

Tổ chức chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm các làng nghề sản xuất có hiệu quả

chuyến

2

100

50

50

 

 

 

50

50

 

 

 

Sở NN& PTNT

VII

Phân loại, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường các làng nghề

1

Tổ chức việc phân loại, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường các làng nghề

làng nghề

20

1.000

1.000

 

 

1000

 

 

 

 

 

 

Kế hoạch số 577/KH- UBND ngày 20/9/2018 của UBND tỉnh; Sở TN&MT

VIII

Rà soát các làng nghề đã được công nhận trước đây theo quy định tại Khoản 6, Điều 6 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính Phủ

1

Tổ chức Đoàn làm việc

làng nghề

20

40

20

 

20

 

 

20

 

20

 

 

Sở NN& PTNT

IX

Hội nghị sơ kết

HN

1

20

 

 

 

 

 

20

 

20

 

 

Sở NN& PTNT

 

TỔNG CỘNG

 

 

2.930

1.930

380

250

1.000

300

1.000

380

320

0

300

 

Ghi chú: Các sở, ngành có sử dụng kinh phí trong Kế hoạch này xây dựng Kế hoạch và dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính thẩm định trước khi triển khai thực hiện.